Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định đạo đức là nền tảng, là “gốc” của người cách mạng. Theo Người, người cán bộ cách mạng phải hội tụ được các phẩm chất nhân, nghĩa, trí, dũng và cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ chí Minh, trong suốt 70 năm hoạt động cách mạng, trải qua các thời kỳ và cương vị công tác khác nhau, qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn giữ vững phẩm chất, khí tiết, đạo đức, tư cách của người cộng sản, một lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Cuộc đời, công lao, sự nghiệp của đồng chí mãi là tấm gương sáng ngời cho cán bộ, đảng viên và nhân dân noi theo.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với các đại biểu dự Đại hội Đảng VI - Đại hội "Đổi mới" của Việt Nam diễn ra tại Hà Nội từ ngày 15 - 18/12/1986. (Ảnh: TTXVN) |
1. Kiên trung với Đảng, với sự nghiệp cách mạng, dũng cảm, bất khuất trước kẻ thù.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước, quê gốc Giai Phạm, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, nơi giao lưu của ba vùng văn hoá: xứ Đông, xứ Bắc và Sơn Nam, nơi sản sinh nhiều danh nhân của đất nước. Nguyễn Đức Cúc (tên khai sinh của đồng chí Nguyễn Văn Linh) mồ côi cha mẹ từ nhỏ, được bà nội đưa về Hải Phòng sống cùng người cậu tên Nguyễn Đức Thụ. Tại đây, người trẻ Nguyễn Đức Cúc sống cảnh lầm than của người dân mất nước, tận mắt chứng kiến tinh thần yêu nước và phong trào cách mạng sục sôi của công nhân, nông dân đất cảng chống lại ách áp bức, bóc lột của thực dân Pháp và bè lũ tay sai. Năm 1929, ở tuổi 14, khi đang học lớp Nhì Trường Bônan (Bonnal) Hải Phòng, Nguyễn Đức Cúc bắt đầu tham gia phong trào Học sinh đoàn của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam).
Đầu năm 1930, Hải Phòng trở thành một trong những trung tâm của phong trào cách mạng ở miền Bắc được sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ uỷ Bắc Kỳ. Đảng bộ Hải Phòng quyết định phát động phong trào đấu tranh mạnh mẽ nhân dịp ngày Quốc tế lao động. Theo phân công của tổ chức, ngày 1-5-1930, Nguyễn Đức Cúc đã cùng các học sinh yêu nước thực hiện nhiệm vụ rải truyền đơn dọc phố Cát Dài. Nhóm rải truyền đơn bị theo dõi và bị cảnh binh bắt “quả tang”, đưa về giam tại Sở Mật thám Hải Phòng. Dù chưa đầy 16 tuổi, Nguyễn Đức Cúc vẫn bị bọn thực dân Pháp đưa ra xét xử tại Tòa đề hình, kết án tù 18 tháng tù giam, sau xử thêm phát lưu chung thân. Mùa đông năm 1931, Nguyễn Đức Cúc cùng nhiều chiến sĩ cách mạng khác bị thực dân Pháp đày ra Côn Đảo.
Năm 1936, nhờ thắng lợi của Mặt trận Bình dân Pháp, Nguyễn Đức Cúc được trả tự do, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, tham gia hoạt động trong phong trào yêu nước của công nhân lao động ở Hải Phòng, Hà Nội. Đồng chí đã xây dựng các cơ sở của Đảng, thành lập nhiều chi bộ và Thành uỷ lâm thời Hải Phòng. Sau ba năm hoạt động, góp phần đưa phong trào công nhân Hải Phòng lên cao, đầu năm 1939, đồng chí được Trung ương phái vào Nam kỳ, công tác ở Sài Gòn - Chợ Lớn, xây dựng “Vành đai đỏ” của cơ quan lãnh đạo đầu não Đảng ta ở Nam kỳ. Hòa mình trong phong trào đấu tranh sôi nổi của các tầng lớp nhân dân đòi các quyền dân chủ, dân sinh, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã trở thành người cán bộ lãnh đạo cốt cán trong Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn do đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai làm Bí thư. Cuối năm 1939, đồng chí được tổ chức giao nhiệm vụ tham gia lập lại Xứ uỷ Trung kỳ. Đầu năm 1941, đồng chí được Trung ương điều động ra Trung kỳ chắp nối các tổ chức và phong trào cách mạng, chuẩn bị lập lại Xứ ủy, đến Vinh (Nghệ An) đồng chí bị địch bắt, kết án 5 năm tù và đày ra Côn Đảo lần thứ hai.
Hơn 10 năm bị địch giam cầm tại địa ngục trần gian Côn Đảo, kẻ thù đã dùng mọi cực hình, đòn roi tra tấn, đàn áp nhưng đồng chí Nguyễn Văn Linh vẫn nêu cao khí phách anh hùng, kiên cường, bất khuất. Giữa cái sống và cái chết, đồng chí luôn trung thành với lý tưởng cách mạng, kiên gan giữ vững khí tiết người cộng sản. Được sự dìu dắt của các đồng chí đi trước như Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng..., đồng chí đã cùng chi bộ nhà tù thực hiện chủ trương “biến nhà tù thành trường học”, tổ chức học tập văn hóa, học tập lý luận nâng cao trình độ, củng cố lập trường, giữ vững lý tưởng và niềm tin vào tương lai của cách mạng. Chế độ nhà tù thực dân vô cùng khắc nghiệt và tàn bạo, chúng muốn tù nhân chết dần, chết chìm trong tối tăm, trong đòn roi tra tấn. Nhưng đồng chí Nguyễn Văn Linh cùng những đảng viên cộng sản đã không ngừng giác ngộ, không ngừng nâng cao trình độ lý luận, thực tiễn đấu tranh cách mạng.
Trong hồi ức của mình viết về người bạn tù Nguyễn Văn Linh, đồng chí Nguyễn Kim Cương viết: “Chú Mười lúc vào tù, văn hóa mới cỡ lớp sáu ngày nay. Chú Mười đọc báo, nhưng chưa đủ vốn để đọc các thứ sách. Chú Mười ra sức học tập chăm chỉ, lúc nào cũng có quyển sách cũ hoặc tờ báo trên tay để nghiền ngẫm... Từ năm 1933, chú Mười đã đọc thông viết thạo tiếng Pháp. Những quyển đầu tiên chú đọc một mình được, hỏi thêm chút ít thôi là: ABC chủ nghĩa cộng sản, Mười ngày chấn động hoàn cầu. Dần sau là: Chủ nghĩa xã hội không tưởng và chủ nghĩa xã hội khoa học của Ăngghen, Tuyên ngôn Đảng Cộng sản của Mác-Ăngghen, Triết học biện chứng của Polidê (Polizer) và Bukharin (Bourkharine), bộ Tư bản, bộ Chủ nghĩa Lê nin toàn tập...” (1)
Người thanh niên giàu nhiệt huyết Nguyễn Văn Linh còn cùng các chiến sĩ cách mạng trong tù tổ chức nhiều cuộc sinh hoạt văn hóa, văn nghệ đơn sơ mà hấp dẫn. Nhiều vở kịch ngắn, trích đoạn kịch anh đóng vai chính như “Trưởng giả học làm sang” của Môlie vai Êlidơ (Élise), vở “Napôlêông” của Xanh Gioocsgiơ đơ Buêliê (Saint George de Bouhelier) vai Napolêông... không chỉ giúp anh em tù có thêm kiến thức văn hóa, chính trị, khơi dậy tinh thần yêu nước, tính nhân văn và cảm hóa cả lính gác nhà tù.
Được ra tù, đồng chí Nguyễn Văn Linh hăm hở hoạt động cách mạng, được Đảng tin cậy cử đến những nơi phong trào gặp khó khăn. Đồng chí là một trong những người đề xuất thực hiện hợp nhất hai tổ chức Việt Minh: Bộ Việt Minh Sài Gòn và Ủy ban Việt Minh Chợ Lớn, lập ra Thành ủy lâm thời Thành phố Sài Gòn - Gia Định. Năm 1950, được sự hậu thuẫn của đế quốc Mỹ, thực dân Pháp ra sức bình định Nam bộ, trọng tâm là Sài Gòn - Chợ Lớn. Đảng bộ và nhân dân Thành phố tiếp tục trải qua thời kỳ gian khổ, hy sinh. Qua hai đợt đánh phá ác liệt của địch, tổ chức cơ sở Đảng bị tan rã, tổn thất lớn. Trong thời điểm lịch sử ấy, đồng chí Nguyễn Văn Linh - Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Nam bộ được bầu làm Bí thư Đặc khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn (tháng 8 năm 1950). Cùng với Đặc khu ủy, đồng chí Nguyễn Văn Linh ra sức tổ chức lại các địa bàn trọng yếu, củng cố lực lượng, vực dậy phong trào, đẩy mạnh hoạt động phối hợp với chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, cùng cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Bước vào thời kỳ đầu kháng chiến chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, đồng chí Nguyễn Văn Linh là một trong những cán bộ lãnh đạo của Xứ ủy Nam bộ, sau đó là Trung ương Cục miền Nam. Cuối thập niên năm mươi, kẻ thù dùng Luật 10/59 dìm cách mạng miền Nam trong biển máu, đưa cả triệu quân Mỹ - Ngụy càn quét tìm diệt lực lượng cách mạng. Với trách nhiệm Thường vụ Xứ uỷ, kiêm Khu uỷ Sài Gòn - Chợ lớn, Phó Bí thư, Bí thư Trung ương Cục, đồng chí cùng các đồng chí Trung ương Cục bám dân bám đất, phát động quần chúng nổi dậy phá ách kìm kẹp của địch, xây dựng căn cứ cách mạng, tiến hành chiến tranh du kích, xây dựng lực lượng quân giải phóng, lần lượt đánh bại các chiến lược Chiến tranh Cục bộ, Chiến tranh Đặc biệt và Việt Nam hóa Chiến tranh của đế quốc Mỹ và tay sai, làm nên cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, tiến tới trận quyết chiến chiến lược vĩ đại - Đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, cả nước đi lên con đường xã hội chủ nghĩa.
2. Trí tuệ, tài năng, dám nghĩ, dám làm, cùng toàn Đảng, toàn dân làm nên công cuộc đổi mới vĩ đại
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, trên cương vị Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã có những trăn trở, tìm tòi để làm sao vừa cải tạo và xây dựng Thành phố theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa mà vẫn tôn trọng quy luật phát triển của một vùng đô thị lớn đã quen sống với kinh tế thị trường, đã đạt tới một nền sản xuất hàng hóa tương đối phát triển; làm sao vừa cải tạo, vừa đẩy mạnh sản xuất, phát huy được sức mạnh của các thành phần kinh tế, góp phần vào việc ổn định cuộc sống của nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội. Đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh chịu khó xuống cơ sở, gặp gỡ cán bộ, nhân dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng, kể cả băn khoăn, lo lắng của nhân dân, cùng các đồng chí của mình tìm cách tháo gỡ, mở lối. Từ trăn trở, nghĩ suy nung nấu của bản thân, với kinh nghiệm trong chiến tranh và hòa bình, đồng chí thấy rằng một số chính sách kinh tế và cơ chế quản lý kinh tế của ta đã lỗi thời, chậm sửa chữa, làm giảm sút nhiệt tình lao động của quần chúng, tạo khe hở phát sinh nhiều hiện tượng tiêu cực, làm cho tình hình sản xuất bị sa sút, đình trệ.
Từ Nghị quyết Trung ương 6 (khóa IV, tháng 9-1979), tình hình sản xuất công nghiệp có bước chuyển tốt hơn. Tuy nhiên, do chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm nên trong lãnh đạo kinh tế có lúc, có nơi xảy ra tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, gây thiệt hại đáng tiếc. Khi được Trung ương phân công trở lại làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ hai, tháng 12-1981, đồng chí Nguyễn Văn Linh và tập thể lãnh đạo Thành phố tập trung tổng kết thực tiễn, tìm tòi, đúc kết bài học, kiên quyết sửa đổi những sai sót, bất cập. Đồng chí nhấn mạnh: “Trả về cho sản xuất sự vận hành đúng quy luật của nó” (2). Qua nghiên cứu và khảo sát thực tế, đồng chí Nguyễn Văn Linh khẳng định: “Thực tế đã chứng minh rằng trong cuộc đấu tranh giằng co giữa cái mới và cái cũ, giữa cái tiến bộ và lạc hậu, những cái phù hợp quy luật, có sức sống thường xuất hiện ở cơ sở, ở những nơi khó khăn, phức tạp nhất” (3). Đồng chí đề nghị Thành ủy cho phép nhân rộng các mô hình tốt, mở rộng cơ chế tự chủ cho nhiều xí nghiệp, nhiều loại hình sở hữu khác nhau; liên hợp, liên kết với các xí nghiệp của tỉnh bạn và các xí nghiệp của Trung ương, bước đầu tính đến việc mở rộng quan hệ kinh tế, làm ăn với nước ngoài.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh cũng tán thành việc thành lập Câu lạc bộ giám đốc - một hình thức sinh hoạt nhằm trao đổi kinh nghiệm tổ chức, quản lý, sản xuất kinh doanh. Qua nghe báo cáo và trực tiếp xuống cơ sở ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Trung ương có thêm quyết tâm xóa bỏ cơ chế cũ, tìm tòi và dứt khoát thực hiện cơ chế mới. Tháng 12 năm 1986, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Linh được Ban Chấp hành Trung ương bầu làm Tổng Bí thư. Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Linh cùng Trung ương tiếp tục tìm tòi để thể chế hóa, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội VI bằng những cơ chế, chính sách, bước đi, cách làm phù hợp; kịp thời xác định những nguyên tắc cơ bản lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, giữ vững định hướng chính trị, khơi dậy sức mạnh nội sinh của đất nước. Đồng chí hết sức coi trọng phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, xóa bỏ cơ chế hành chính tập trung quan liêu, bao cấp, xóa bỏ tình trạng “ngăn sông cấm chợ”, khai thác tiềm năng lao động, đất đai để phát triển nông nghiệp; tập trung sức đẩy mạnh ba chương trình kinh tế lớn, lấy sản xuất làm gốc; chấn chỉnh bộ máy hành chính gọn nhẹ, bỏ bớt tầng nấc trung gian; chấn chỉnh khâu lưu thông - phân phối, cung ứng, dịch vụ; tích cực đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Đồng chí Nguyễn Văn Linh rất coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các lĩnh vực, trong đó lĩnh vực kinh tế. Đó là các tổng giám đốc, giám đốc các công ty, xí nghiệp, nhà máy. Coi trọng tổng kết thực tiễn, đi sâu đi sát cơ sở, lắng nghe ý kiến mọi người, cổ vũ những sáng kiến hay, khuyến khích tranh luận để làm sáng tỏ những vấn đề mới, khó; chủ động phát hiện, ngăn ngừa những khuynh hướng lệch lạc, tiêu cực. Thực hiện dân chủ hóa hoạt động của Đảng, bộ máy Nhà nước, hệ thống chính trị, kiên quyết đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Trong điều kiện đất nước bị bao vây, cấm vận, khó khăn, thiếu thốn trăm bề, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cũng lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta lúc đó quyết định điều chỉnh chính sách đối ngoại, tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới. Quan điểm này được Hội nghị Bộ Chính trị (ngày 20-5-1988) bàn thảo và thống nhất trong Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về điều chỉnh đường lối đối ngoại, tập trung giữ vững môi trường quốc tế hòa bình và phát triển kinh tế. Đảng ta thống nhất xác định ba ưu tiên hàng đầu trong đối ngoại lúc đó là rút quân tình nguyện Việt Nam khỏi Campuchia; bình thường hóa quan hệ Việt-Trung; cải thiện và đi tới bình thường hóa quan hệ với Mỹ; thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở đa phương hóa, đa dạng hóa, Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập, hợp tác và phát triển. Những năm đầu của công cuộc đổi mới, khó khăn chồng chất cả trong nước và bên ngoài; mô hình chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ; với bản lĩnh và trí tuệ của Đảng ta, với tài năng và đức độ của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, con thuyền cách mạng Việt Nam đã vượt qua ghềnh thác, bão giông, vững bước đi về phía trước.
3. Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, suốt đời vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân.
Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Văn Linh từng viết: “Trình độ trí tuệ dù quan trọng đến mấy cũng chỉ là một nhân tố trong những điều cần có của một cán bộ. Chú ý rằng phẩm chất cách mạng là yếu tố hết sức cơ bản. Lòng trung thành vô hạn với lý tưởng cộng sản chủ nghĩa của giai cấp công nhân; ý chí cách mạng tiến công, sự chiến đấu không mệt mỏi để xây dựng CNXH một cách có hiệu quả; sự gắn bó và ý thức phục vụ nhân dân lao động; tôn trọng và xây dựng quyền làm chủ của nhân dân lao động; tính trung thực, ý thức dám đấu tranh và biết tự phê phán cùng với sinh hoạt cá nhân lành mạnh, nêu gương được cho mọi người xung quanh... nếu tất cả những điều này không có trong cán bộ nào đó, thì dù trí tuệ có cao đến đâu cũng không có ích gì cho cách mạng”(4). Vì lẽ đó, dù trong những năm tháng hoạt động cách mạng đầy khó khăn; dù bị tra tấn, đọa đày trong ngục tù Côn Đảo, hay những ngày bám dân, bám đất, giữ phong trào giữa mưa bom bão đạn trong hai cuộc kháng chiến ở miền Nam, cho đến khi đảm nhiệm cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Linh vẫn giữ vững bản chất trong sạch, liêm khiết, khiêm tốn, giản dị của người cách mạng, hết lòng chăm lo cuộc sống của nhân dân. Đồng chí luôn giữ gìn phẩm chất, đạo đức, phong cách của người cộng sản mẫu mực theo tấm gương của Bác Hồ cả trong công tác cũng như trong sinh hoạt.
Đồng chí luôn giữ phong cách làm việc, lãnh đạo dân chủ, tỉ mỉ, sâu sát, chủ động, sáng tạo. Trước mỗi hiện tượng mới từ thực tế cuộc sống, đồng chí thường về cơ sở, gặp cán bộ và nhân dân, khơi gợi để mọi người phát biểu, đề xuất. Trước những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, đồng chí đều lấy thực tiễn để kiểm định và kết luận. Đồng thời nhắc nhở các cấp ủy đảng và cán bộ các cấp bám sát cuộc sống, tổng kết thực tiễn để không ngừng góp phần hoàn chỉnh chủ trương, đường lối đã đề ra. Đồng chí căn dặn cán bộ, đảng viên: “phải gắn lời nói với việc làm, có nhiệt tình cách mạng cao thống nhất với tri thức khoa học vững chắc, dám nhìn thẳng vào sự thật, công khai hóa hoạt động, đi sâu đi sát thực tiễn,…biết giải quyết mọi công việc trên cơ sở phát huy quyền làm chủ và tính chủ động của nhân dân lao động” (5). Nguyên tắc mà đồng chí luôn tuân thủ và đề cao là: Nắm vững chủ trương của Trung ương, phân tích chính xác tình hình thực tiễn, vận dụng một cách sáng tạo, nhằm đem lại hiệu quả cao nhất cho công việc. Dấu chân người cán bộ dày dạn hơn 30 năm trên các nẻo đường cách mạng, trên nhiều chiến trường ác liệt lại tiếp tục in dấu ở Tây Bắc, Việt Bắc, miền Trung, Tây Nguyên. Đã qua 32 năm kể từ ngày đồng chí về thăm xã Vân Xuân, huyện Vĩnh Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, nhưng bà con nơi đây vẫn kể mãi cho con cháu những câu chuyện đầy xúc động, thân thương về chuyến thăm không báo trước của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ngày 22-5-1988. Đó là “chuyến đi thực tế thành công” trên cương vị Tổng Bí thư như đồng chí đã tâm sự với các đồng chí cùng đi trên đường về Hà Nội. Từ những chuyến đi như vậy, đồng chí vừa nắm bắt chính xác tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, nhân dân; phát hiện, cổ vũ, nhân rộng các nhân tố mới, điển hình tiên tiến; phát hiện, cảnh báo, tìm cách phòng, chống những biểu hiện hư hỏng, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền; nung nấu quyết tâm cùng toàn Đảng, toàn dân làm trong sạch Đảng và bộ máy Nhà nước, làm lành mạnh hóa các quan hệ xã hội.
Đối với gia đình, đồng chí Nguyễn Văn Linh là người chồng chung thủy sắt son, người cha, người ông mẫu mực, nhân hậu... Những người bạn cùng chiến đấu với vợ chồng đồng chí Nguyễn Văn Linh và đồng chí Ngô Thị Huệ vẫn thường nhắc về mối tình của chàng trai Hưng Yên hiền lành, cương trực và cô gái miền Tây dịu dàng, xinh đẹp - một câu chuyện tình cảm động, tiêu biểu của những người chiến sĩ cách mạng, vì hạnh phúc nhân dân phải hy sinh hạnh phúc riêng tư. Biết nhau từ những ngày ở nhà tù Côn Đảo, mến nhau khi gặp gỡ, phục nhau trong công tác, cả hai cũng dần thắm duyên, nhưng mãi đến tháng 5-1948 nhân dịp Hội nghị của Thành ủy, đám cưới của anh “Mười Cúc” và chị “Bảy Huệ” mới được tổ chức ở Gòn Xoài mà quà cưới chỉ là trăm trái gòn khô để may gối. Và cũng chỉ 3 ngày bên nhau trọn vẹn, cặp vợ chồng son đó vì nhiệm vụ cách mạng lại phải tạm xa nhau, bắt đầu cho những cuộc chia tay dày đặc, liên miên trong cuộc đời để rồi có đến 15 năm sống cảnh “Ngưu Lang - Chức Nữ”, thỉnh thoảng mới được gặp nhau trong những lần về thành phố hay ra chiến khu họp. Cuộc sống vợ chồng gắn liền với lịch sử đất nước, gắn liền với những nguy hiểm, khó khăn và xa cách nhưng tình cảm của đôi bạn đời chiến sĩ ấy vẫn luôn dành cho nhau thắm đượm theo năm tháng. Sự quan tâm mà ông dành cho vợ, con vẫn luôn là những kỷ niệm ngọt ngào đối với chị Bảy Huệ, trở thành động lực giúp chị vừa hoàn thành công tác, vừa thay anh nuôi dạy con cái trưởng thành.
Trong cuộc sống hàng ngày, đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn giữ nếp sống giản dị, liêm khiết, gần gũi đồng chí, đồng bào. Sau ngày miền Nam giải phóng, ở cương vị Bí thư của thành phố đông dân cả nước với biết bao bộn bề công việc, nhưng hễ có thời gian là ông lại cùng vợ dạy con trồng rau, nuôi chim, nuôi heo, giúp gia đình vượt qua hoàn cảnh thiếu thốn của những năm tháng bao cấp như bao gia đình cán bộ thời đó. Ra Hà Nội, ở cương vị Tổng Bí thư, đồng chí thường chỉ mặc bộ quần áo kaki bạc màu, ăn những bữa ăn thanh đạm. Khi đi xuống các đơn vị, địa phương không quá xa Hà Nội, đồng chí chỉ đi chiếc xe Lada cũ màu vàng nhạt, không có điều hòa không khí, không có xe cảnh sát dẫn đường... Năm 1993, sau khi đồng chí đã thôi giữ trọng trách Tổng Bí thư, để làm tròn đạo hiếu với cha mẹ và quê hương mình, đồng chí Nguyễn Văn Linh cùng vợ trở lại quê hương Giai Phạm, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên tôn tạo ngôi mộ cho thân phụ là cụ Nguyễn Đức Lan. Hai ông bà tự đi mua vật liệu, thuê thợ, làm các công việc cần thiết mà không nhờ cậy địa phương, cũng không cho Văn phòng Trung ương Đảng biết vì không muốn làm phiền tổ chức. Ngôi mộ xây bằng gạch, quét vôi vàng, khiêm nhường như mọi ngôi mộ khác trong nghĩa trang của làng, của xã.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh còn nêu tấm gương sáng về tinh thần hiếu học, cầu tiến bộ. Nhờ khát khao hiểu biết, cần cù học tập, dù ở trong tù hay nơi chiến khu bom đạn ác liệt, không khó khăn, gian khổ nào ngăn cản đồng chí tự học, tự nâng cao kiến thức văn hóa, lí luận… Đồng chí Nguyễn Văn Linh đã trở thành một nhà lãnh đạo cách mạng có học vấn sâu rộng, tư duy luôn đổi mới. Ở đồng chí Nguyễn Văn Linh, Cách mạng hay Đổi mới đều là sản phẩm của sự kết hợp hài hòa giữa nhiệt tình cách mạng và tri thức khoa học. Tư duy lãnh đạo, tư duy đổi mới của đồng chí Nguyễn Văn Linh không ngẫu nhiên mà có, nó được hình thành trên một nền tảng tri thức, văn hóa, khoa học bền vững, thống nhất. Khi đảm nhiệm trọng trách Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí đã khiêm tốn bộc bạch: “Trình độ của Tổng Bí thư so với nhiều đồng chí trong Bộ Chính trị, trong Ban Chấp hành Trung ương không xa cách bao nhiêu, ly lai như sợi tóc, điều cốt yếu là phát huy được trí tuệ của tập thể, bổ sung cho nhau mặt mạnh, khắc phục mặt yếu, giữ vững nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”(6)
Trên cương vị nào, đồng chí Nguyễn Văn Linh cũng thực hiện sự nhất quán giữa nói và làm. Những ngày bắt đầu sự nghiệp Đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nhấn mạnh: Thực chất của đổi mới tư duy và phong cách là nói và làm phải đi đôi với nhau, lý luận phải gắn liền với thực tiễn. Đồng chí đòi hỏi phải tạo được một phong cách mới tiến bộ khi tiếp thu ý kiến phê bình của nhân dân, của báo, của đài, không chỉ trên mặt trận chống tiêu cực mà trên tất cả mọi lĩnh vực khác của các hoạt động kinh tế - xã hội. Đồng chí Nguyễn Văn Linh sớm thấy bệnh tham nhũng, lãng phí, quan liêu có thể trở thành quốc nạn nên đã kịp thời đề xuất “Những việc cần làm ngay”. Những bài báo ký tên N.V.L đã thổi lên một luồng gió mới, khơi dậy và động viên báo chí cả nước hăng hái đấu tranh chống tiêu cực. Việc làm của đồng chí đã thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta không cho phép bất cứ cá nhân hay tập thể nào “có quyền đứng ngoài vòng pháp luật và kỷ cương của chúng ta”. Khi có người hỏi về bút danh N.V.L, đồng chí Nguyễn Văn Linh trả lời: N.V.L là Nói và Làm, lời nói phải đi đôi với việc làm, không được nói mà không làm, nói nhiều làm ít, đánh trống bỏ dùi hoặc nói một đằng làm một nẻo. Và đồng chí đã sống như mình đã nói, đã viết.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn chúng ta: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền”, “trước mắt quần chúng, không phải cứ viết lên trán hai chữ cộng sản mà ta được họ yêu quý. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức”(7). Ôn lại cuộc đời, sự nghiệp, công lao và cống hiến to lớn của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, chúng ta tự hào và biết ơn người cộng sản kiên cường, bất khuất, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo tài ba, kiên trung, đức độ, mẫu mực của Đảng và nhân dân ta. Đồng chí Nguyễn Văn Linh để lại cho cán bộ, đảng viên, nhân dân ta bài học quý báu - tấm gương của một người cộng sản kiên cường, bất khuất, trước khó khăn không lùi bước, trước kẻ thù không khuất phục. Chúng ta học tập và noi gương đồng chí Nguyễn Văn Linh ở tác phong sâu sát quần chúng, bám sát thực tiễn, đề cao dân chủ, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; học tập phẩm chất đạo đức trong sáng, trung thực, thẳng thắn, ghét thói phô trương, hình thức. Đồng chí Nguyễn Văn Linh là một tấm gương sáng ngời về học tập và là theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Noi gương Bác Hồ, noi gương đồng chí Nguyễn Văn Linh và nhiều đồng chí lãnh đạo kiên trung, mẫu mực của Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, người dân hôm nay và mai sau nguyện trung thành với lý tưởng cách mạng, ra sực phấn đấu trau dồi đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ mọi mặt, ra sức phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân, xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc.
----------------------------
(1) Nguyễn Văn Linh, hành trình cùng lịch sử, Nxb Trẻ, 1999, tr.66-67.
(2) Nguyễn Văn Linh, nhà lãnh đạo kiên định sáng tạo, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2003, tr. 463.
(3) Thành phố Hồ Chí Minh 10 năm, Nxb Sự thật, H, 1985, tr. 104.
(4) Đổi mới để tiến lên, tập 1, Nxb Sự Thật. HN. 1988, tr. 38-39.
(5) Báo Quân đội Nhân dân, ngày 14-6-1990.
(6) Nguyễn Văn Linh, nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo, sđd, tr. 97.
(7) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị Quốc gia H.1995, tr.263.