(ĐCSVN) - Thiệt hại do tham nhũng gây ra đối với ngân sách Nhà nước, tài sản của nhân dân, doanh nghiệp rất lớn, nhưng giá trị tài sản tham nhũng thu hồi lại rất thấp, điều này khiến dư luận thời gian qua không khỏi bức xúc.
Câu chuyện thu hồi tài sản tham nhũng rất thấp vốn không phải là vấn đề mới vì đã được đề cập nhiều lần trong báo cáo Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng trong những năm gần đây, khi tỷ lệ thu hồi chỉ luôn đạt quanh ngưỡng 10%. Theo giải trình của các cơ quan chức năng, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng thấp là do các đối tượng phạm tội tham nhũng thường có nhiều thủ đoạn tinh vi đối phó, tài sản đã bị phân chia, tẩu tán, thậm chí là bỏ trốn. Cùng với đó, thời gian giải quyết các vụ án tham nhũng kéo dài dẫn đến các tài sản là tang vật của vụ án bị hư hỏng, xuống cấp, giảm giá trị khi bán đấu giá, không thu hồi đủ số tiền thất thoát, chiếm đoạt...
|
Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn rất thấp. (Ảnh minh họa. Nguồn: plvn.vn) |
Vấn đề ở đây là các cơ quan chức năng đã chỉ ra được nguyên nhân và đưa ra các giải pháp nhưng trong nhiều năm hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng vẫn không tiến triển là mấy. Nói như đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) tại phiên họp của Ủy ban Tư pháp Quốc hội lần thứ 14, ngày 15/9 thì: Các kiến nghị vẫn “nhạt” như mọi năm. Phải chăng việc xác định và kiến nghị chung chung nên chưa tạo được bước đột phá trong công tác phòng chống tham nhũng? 90% tài sản tham nhũng còn lại chưa thu hồi được kiến nghị không đúng hoặc “để đấy”, vô tình hay hữu ý đã tiếp tay cho vi phạm còn tồn tại và tài sản của Nhà nước, nhân dân chưa thu hồi được không biết đi đâu về đâu?
Đáng chú ý, nhiều vụ án khi bị khởi tố, người tham nhũng đi giám định “bỗng nhiên” lại mắc bệnh tâm thần, đặc biệt là những vụ án lớn khiến người dân vô cùng bức xúc.
Số vụ phát hiện nhiều chủ yếu vẫn là ở cấp thôn, cấp xã, tham nhũng vặt, còn các vụ án lớn phát hiện rất ít, đặc biệt, chuyển sang xử lý hình sự còn hạn chế.
Nhiều ý kiến lo ngại nếu không thu hồi triệt để được tài sản thì kẻ tham nhũng sẽ “hy sinh đời bố củng cố đời con” với tư tưởng “cứ vơ vét, vào tù là xóa hết”. Thời gian qua ở một số địa phương, con của một số lãnh đạo mặc dù tuổi đời còn rất trẻ (đã thành niên) nhưng đã có khối tài sản “kếch sù”. Bởi theo quy định, đối tượng cán bộ, công chức thuộc diện kê khai tài sản chỉ phải kê khai tài sản của vợ (chồng) và con chưa thành niên. Nếu tham nhũng bị phát hiện và xử lý thì đương nhiên khối tài sản “kếch sù” kia không bị thu hồi.
Có thể thấy, tham nhũng chính là “giặc nội xâm”. Đây là một cuộc chiến cam go, nhưng không thể lùi bước. Thời gian qua chúng ta đã rất nỗ lực, nhưng vẫn chưa đủ, cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn.
Để công cuộc phòng, chống tham nhũng phát huy hiệu quả, nhất là tăng tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, các cơ quan, đơn vị cần vừa thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa, vừa phải tạo ra cơ chế để cơ quan điều tra sớm phát hiện hành vi tham nhũng. Mặt khác, tăng cường biện pháp quản lý kê khai, kê biên, phong tỏa tài sản và tài khoản. Cần có khung pháp lý đặc thù và chế tài mạnh mẽ để thu hồi tài sản tham nhũng. Nếu không thực hiện tốt các biện pháp này, kẻ tham nhũng không bao giờ từ bỏ ý định “hy sinh đời bố củng cố đời con“...
Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến ngày 3/9/2014, lực lượng cảnh sát điều tra các cấp đã thụ lý 415 vụ án, 1.031 bị can phạm tội về tham nhũng, trong đó khởi tố mới 256 vụ, 593 bị can, tăng 23 vụ, 25 bị can; thiệt hại trên 6.000 tỷ đồng, đã thu hồi nộp trên 700 tỷ đồng, tăng 1,9% so với năm 2013. |