Gam màu sáng trong bức tranh kinh tế năm 2022

Thứ tư, 28/12/2022 18:40
(ĐCSVN) - Trong bức tranh tổng thể của kinh tế Việt Nam năm 2022, nhóm ngành nông, lâm, thủy sản được coi là “gam màu sáng” với sự tăng trưởng mạnh về tổng giá trị xuất khẩu và sự phát triển của nhóm mặt hàng chủ lực.

Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2022 đạt khoảng 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021; trong đó nông sản chính đạt 22,59 tỷ USD, tăng 4,8 %; lâm sản chính đạt 16,93 tỷ USD, tăng 6,1%; thủy sản đạt 10,92 tỷ USD, tăng 22,9%.

 Năm 2022, giá trị xuất khẩu cà phê ước đạt 3,94 tỷ USD. (Ảnh: Vũ Long).

Thống kê cho thấy, trong năm 2022, các nhóm mặt hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh với 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1,0 tỷ USD; trong đó có 8 sản phẩm/nhóm sản phẩm kim ngạch trên 02 tỷ USD (cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, cá tra, sản phẩm gỗ), bao gồm 07 mặt hàng có kim ngạch trên 03 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,92 tỷ USD; tôm 4,33 tỷ USD; cà phê 3,94 tỷ USD; gạo 3,49 tỷ USD; cao su 3,31 tỷ USD; rau quả 3,34 tỷ USD; hạt điều 3,07 tỷ USD).

Đặc biệt, thặng dư thương mại của nhóm ngành nông, lâm, thủy sản ước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2021. Đây thực sự là con số đáng mừng, đánh dấu bước đột phá quan trọng của nhóm ngành nông, lâm, thủy sản trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều tác động tiêu cực của dịch COVID-19, thị trường thường xuyên có nhiều biến động…

Theo các chuyên gia kinh tế, nhóm ngành nông, lâm, thủy sản có sự tăng trưởng mạnh về tổng giá trị xuất khẩu và sự phát triển của nhóm mặt hàng chủ lực là do công tác chỉ đạo kịp thời, phù hợp của Chính phủ, trực tiếp là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Với vai trò cơ quan chủ quản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức quán triệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với quyết tâm cao, nỗ lực lớn vươn lên, thực hiện các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, sáng tạo, "đổi mới tư duy" để vượt qua khó khăn, thách thức từ các "tình huống bất bình thường" của thực tiễn sản xuất kinh doanh nhằm đạt các mục tiêu phát triển. Đồng thời, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương thực hiện các cơ chế, chính sách đối với công tác xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường để giải quyết kịp thời các vướng mắc thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản; ứng phó với tác động của dịch COVID-19 và xung đột Nga - Ukraine làm đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu.

Trong bối cảnh thị trường thường xuyên biến động, toàn ngành đã chủ động nghiên cứu, dự báo, tranh thủ cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để thúc đẩy xuất khẩu nông sản. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tăng cường phối hợp với đại sứ quán, tham tán thương mại, tham tán nông nghiệp Việt Nam tại các nước xây dựng các kênh trao đổi, cung cấp thông tin các thị trường xuất khẩu, tăng cường xúc tiến, quảng bá theo hình thức trực tuyến đối với các sản phẩm đã được mở cửa, xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường lớn (Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nga, Braxin) và khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng (Nhật Bản - Hàn Quốc, Asean, Úc - New Zealand, Trung Đông)... Nhờ đó, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 3,33% (trồng trọt 2,88%; chăn nuôi 5,93%, thủy sản 4,43%, lâm nghiệp 6,13%); giá trị gia tăng toàn ngành (GDP) năm 2022 ước tăng trên 3%; tỷ lệ che phủ rừng 42,02%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 73%.

 Chế biến cá tra xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh).

Ở góc nhìn khác, việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến cũng đã giúp mặt hàng nông, lâm, thủy sản gia tăng khả năng cạnh tranh cả ở thị trường trong nước cũng như thị trường quốc tế. Đến cuối năm 2022, cả nước đã xây dựng được hệ thống cơ sở công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản với gần 7.600 doanh nghiệp gắn với xuất khẩu có năng lực chế biến, bảo quản khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu mỗi năm. Tổng số vốn đăng ký của các doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản vào khoảng trên 71.000 tỷ đồng.

Bước đột phá của nhóm ngành nông, lâm, thủy sản cũng khẳng định vai trò to lớn của cộng đồng doanh nghiệp trong toàn bộ quy trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Mới đây, trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, trong bối cảnh hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang đầu tư vào sản xuất, chế biến, dự trữ, hậu cần và kinh doanh nông, lâm, thủy sản tại Việt Nam. Doanh nghiệp đã tiên phong trong ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; chủ động tìm kiếm, phát triển thị trường, nâng cao giá trị cho nông, lâm, thủy sản.

Dự báo trong năm 2023, nền kinh tế thế giới sẽ tiếp tục có những biến động. Nhiều vấn đề quốc tế, nhất là xung đột Nga - Ukraine sẽ tiếp tục tác động mạnh đến các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trên cơ sở những bước đột phá trong năm 2022, thời gian tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tăng cường các công tác chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp. Đối với nhóm ngành nông, lâm, thủy sản, các cơ quan chức năng sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện nghiêm việc đáp ứng các quy định về tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, quy cách đóng gói, chất lượng, chủng loại nông sản; đăng ký mã cơ sở đóng gói, mã số doanh nghiệp.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ tập trung nâng cao chất lượng quản lý quá trình sản xuất, chế biến…; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập thông tin, dự báo tình hình thị trường nông sản. Chỉ đạo, hướng dẫn cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi và truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản phục vụ xuất khẩu. Đẩy mạnh phát triển mạnh thị trường, tháo gỡ các rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông, lâm, thủy sản gắn với đẩy mạnh xúc tiến thương mại; từng bước đưa các mặt hàng nông, lâm, thủy sản tham gia xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường lớn, có giá trị như thị trường châu Âu, Mỹ và Trung Quốc, khắc phục tình trạng ùn ứ hàng hóa diễn ra tại các khu vực cửa khẩu...

Về lâu dài, cần đẩy nhanh tốc độ cơ cấu lại nhóm ngành nông, lâm, thủy sản theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Có thể nói, trong năm 2022, nhóm ngành nông, lâm, thủy sản đã có sự tăng trưởng khá toàn diện. Với sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, phát huy vai trò cơ quan chủ quản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gắn với thực hiện đồng bộ các giải pháp nói trên sẽ là “chìa khóa” để nhóm ngành nông, lâm, thủy sản tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế cả nước trong năm 2023./.

Thùy Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực