Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em

Thứ hai, 06/12/2021 18:18
(ĐCSVN) - Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi ở nước ta chính thức triển khai từ đầu tháng 11/2021 trên toàn quốc. Dự kiến, Chiến dịch sẽ tiêm chủng cho khoảng 9 triệu trẻ trong độ tuổi này với dự kiến số liều vaccine sử dụng khoảng 18 triệu liều.

Phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương xung quanh nội dung cha mẹ cần quan tâm khi tiêm vaccine phòng COVID-19 cho con em mình.

leftcenterrightdel
PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương. 

Phóng viên (PV): Thưa ông, Bộ Y tế cấp phép cho vaccine Comirnaty do Pfizer-BioNTech sản xuất và chỉ định tiêm cho trẻ em 12-17 tuổi. Vậy bác sĩ có thể chia sẻ thêm về loại vaccine này để người dân an tâm?

PGS.TS Trần Minh Điển: Hiện nay, một số nước trên thế giới đã có chỉ định tiêm cho vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em. Tại Mỹ, chỉ sử dụng vaccine Pfizer tiêm chủng cho trẻ em từ 5-17 tuổi. Tại châu Âu các loại vaccine được chỉ định tiêm chủng cho trẻ em 12-17 tuổi là Pfizer, Moderna.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã cấp phép cho vaccine Comirnaty (Công ty Pfizer sản xuất) và chỉ định tiêm cho trẻ em 12-17 tuổi dựa theo khuyến cáo của WHO và nhà sản xuất. Vaccine này đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo tiêm chủng cho trẻ em và đã được nhiều nước sử dụng. Đây là vaccine đảm bảo an toàn cho trẻ em.

Theo công bố của nhà sản xuất, vaccine Comirnaty (Pfizer) là vaccine RNA thông tin (mRNA) chứa mã di truyền đoạn protein gai của vi rút, công nghệ này đã được nghiên cứu trong nhiều thập kỷ qua. Vắc xin công nghệ mRNA giúp những tế bào miễn dịch biết cách tạo ra một mẩu protein vô hại. Các protein này được trình diện trên bề mặt các tế bào. Hệ thống miễn dịch ghi nhận các protein và xây dựng các đáp dứng miễn dịch và tạo ra kháng thể. Sau khi chương trình được thực hiện, mRNA sẽ bị vô hiệu hóa ngay lập tức, nó không đi vào nhân tế bào, nơi mà DNA được giữ. Các kết quả nghiên cứu của nhà sản xuất cho thấy đảm bảo tính an toàn và hiệu quả của vaccine Pfizer với trẻ 12 – 17 tuổi.

Việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em được tiến hành trước tại các địa phương đã trải qua đợt giãn cách xã hội, có tỷ lệ mắc COVID-19 cao; các địa phương có mật độ dân số đông, nguy cơ lây nhiễm cao.

Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi chính thức triển khai từ đầu tháng 11/2021 trên toàn quốc. Dự kiến, Chiến dịch sẽ tiêm chủng cho khoảng 9 triệu trẻ trong độ tuổi này với dự kiến số liều vaccine sử dụng khoảng 18 triệu liều.

PV: Ở trẻ em khi tiêm vaccine COVID-19 có thể gặp phải các phản ứng sau tiêm thế nào, thưa bác sĩ?

PGS.TS Trần Minh Điển: Vaccine tiêm cho trẻ em 12-17 tuổi là vaccine Comirnaty (Pfizer), sử dụng tương tự như ở người từ 18 tuổi trở lên; với liều lượng 0,3 ml mỗi liều, đường dùng tiêm bắp; lịch tiêm gồm 2 mũi, khoảng cách giữa 2 mũi từ 3 đến 4 tuần (21 - 28 ngày).

Về phản ứng sau tiêm chủng, theo tài liệu nhà sản xuất công bố, phản ứng rất phổ biến của vắc xin này là: đau đầu, đau khớp, đau cơ tại vị trí tiêm, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt, sưng tại chỗ tiêm; phản ứng phổ biến gồm: buồn nôn, mẩn đỏ chỗ tiêm; phản ứng không phổ biến: nổi hạch, mất ngủ, đau tứ chi, khó chịu, ngứa chỗ tiêm; phản ứng hiếm gặp: liệt mặt ngoại biên cấp tính; phản ứng viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim: là biến chứng hiếm gặp được ghi nhận ở một số quốc gia.

Các khuyến cáo về các phản ứng sau tiêm chủng rất cần được quan tâm trong quá trình tiêm chủng; các tình huống có thể xảy ra sau tiêm vaccine phòng COVID-19 ở trẻ em theo các mức độ khác nhau; cách xử trí, theo dõi, điều trị phù hợp nhằm đảm bảo an toàn nhất cho trẻ sau tiêm mà không ảnh hưởng đến hiệu quả của vaccine.

Các biến chứng tim mạch ở trẻ em sau tiêm một số loại vaccine phòng COVID-19 được phân tích kỹ lưỡng để các cán bộ y tế làm công tác tiêm chủng trên toàn quốc hiểu rõ, theo dõi, phát hiện được các biến chứng (nếu có), áp dụng các biện pháp xử trí theo từng cấp độ, giúp bảo đảm an toàn cho trẻ sau tiêm. Các bệnh viện trên toàn quốc sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện trong hệ thống cũng như các điểm tiêm chủng ở cộng đồng, góp phần đảm bảo an toàn chung cho cả chiến dịch.

Tôi cho rằng, để đảm bảo an toàn tiêm chủng cho trẻ, rất cần sự phối hợp của các thầy cô giáo, cha mẹ. Cha mẹ, người giám hộ cần ký Phiếu đồng ý tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ, đồng thời chuẩn bị tâm lý, sức khỏe tốt cho trẻ trước khi tiêm chủng và phối hợp theo dõi sức khỏe của trẻ sau tiêm chủng theo hướng dẫn của cán bộ tiêm chủng.

PV: Thưa bác sĩ, những trẻ em nào chống chỉ định tiêm vaccine COVID-19?

PGS.TS Trần Minh Điển: Chống chỉ định duy phất với vaccine Pfizer là tình trạng phản ứng phản vệ với chính vaccine tiêm. Trong quá trình sàng lọc cần lưu ý tình trạng trì hoãn tiêm khi đang có bệnh cấp tính, mãn tính đang tiến triển; ví dụ trẻ mắc hội chứng thận hư đang có đợt cấp thì tạm thời hoãn tiêm.

Với tình trạng khác thì thận trọng như có tiền sử phản vệ với bất kỳ tác nhân nào đó, trẻ có bệnh nền cũng cần chú ý thận trọng, vì thế nhóm này cần tiêm tại bệnh viện. Bệnh nền là bệnh bẩm sinh như tim bẩm sinh hay thiếu hụt bẩm sinh về não, bệnh mãn tính như bệnh gan, thận, kể cả trẻ tự kỷ - nhóm này cần thận trọng, nên tiêm ở bệnh viện viện để bác sĩ và điều dưỡng theo dõi sát hơn.

Thời gian qua, Bộ Y tế có chỉ đạo sát về việc phối hợp giữa bệnh viện và y tế dự phòng để khi có tình huống xảy ra thì có người chăm sóc phù hợp.

PV: Thế còn việc tiêm phòng cho nhóm trẻ nhỏ hơn 12 tuổi thì sao, thưa bác sĩ?

PGS.TS Trần Minh Điển: Với vaccine phòng COVID-19, trong thời gian vừa qua chúng ta đã thấy hiệu quả về tính an toàn và tính sinh miễn dịch cho những người trên 18 tuổi.

Trên thế giới, hiện tại nhóm trẻ từ 12 đến 17 tuổi cũng đang được được các nước tiếp tục chỉ định tiêm. Đối với trẻ em từ 5-12 tuổi, một số nước cũng đã có dữ liệu tiêm.

Bộ Y tế đã lên kế hoạch triển khai tiêm chủng cho nhóm trẻ em trong độ tuổi nhỏ hơn trong năm 2022 trên cơ sở khoa học và cập nhật các loại vaccine cho trẻ em.

Tại Việt Nam, hiện Hội đồng tư vấn tiêm chủng quốc gia cũng đã đồng ý chỉ định tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhóm trẻ em từ 5-11 tuổi, tuy nhiên phải dựa vào dữ liệu an toàn và tính sinh miễn dịch của nhà sản xuất và nhà sản xuất phải khuyến cáo tiêm được cho trẻ em trong độ tuổi đó thì chúng ta sẽ tiêm.

leftcenterrightdel
 Tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho học sinh trong độ tuổi 12-17. (Ảnh: TL)

PV: Việc nghiên cứu và cấp phép để tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 ở trẻ em được tiến hành rất gấp rút. Như vậy có đủ độ tin cậy về tính an toàn của vaccine không thưa bác sĩ? Thậm chí có thông tin tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản khiến nhiều gia đình lo lắng, thưa bác sĩ?

PGS.TS Trần Minh Điển: Vaccine đã ra đời và được cấp phép đã trải qua nhiều công đoạn để có thể ra được trên thị trường từ các khâu nghiên cứu, cụ thể về tính an toàn dựa trên các quy trình ngặt nghèo. Do vậy, vaccine đó phải được cho là an toàn, đảm bảo được tính sinh miễn dịch và thấy được tỷ lệ kháng bệnh thành công.

Tại thời điểm virus xuất hiện từ cuối 2019, chúng ta chưa có nhiều thời gian để nghiên cứu. Sau gần 2 năm, tính miễn dịch của vaccine đã có hiệu quả nhất định. Hiện nay cả thế giới đang mong chờ vaccine phủ rộng trên thế giới, mong rằng chúng ta sẽ chống đỡ được dịch bệnh.

Về nguy cơ vô sinh thì chúng ta đều biết là virus xuất hiện mới được 2 năm, vaccine cũng mới được tiêm hơn một năm, vaccine trên trẻ em cũng chỉ mới được triển khai tiêm bắt đầu mùa hè. Những dữ liệu ban đầu thì chưa thấy có ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài, sức khỏe sinh sản. Các kết quả này là tương tự với vaccine Pfizer.

Đối với việc phê duyệt vaccine Pfizer, Mỹ và WHO thông qua chấp thuận sử dụng vaccine trong trường hợp khẩn cấp vào tháng 12/2020. Sau đó ngày 23/8/2021, Cục Quản lý Thực phẩn và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp phép sử dung đầy đủ cho vaccine này.

PV: Theo ông, khi trẻ em mắc COVID-19 có khác biệt gì với người lớn hay không?

PGS.TS Trần Minh Điển: Theo dữ liệu hiện nay trên toàn thế giới số lượng trẻ em mắc COVID-19 cũng không hề nhỏ, tuy nhiên tỷ lệ các cháu mắc bệnh nặng và tử vong thấp hơn so với nhóm người lớn trên 50 tuổi.

Chúng ta cần tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em để đảm bảo trẻ bớt được triệu chứng nặng của tình trạng bệnh và đặc biệt trong nhóm trẻ có bệnh nền như ung thư, thận, gan… thì vaccine sẽ góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong đối với những trẻ này, vì đây là đối tượng nguy cơ cao.

Bộ Y tế, Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia kêu gọi và mong muốn nhận được sự ủng hộ, tham gia của các bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ, phối hợp cùng ngành y tế, nhà trường để con em mình có cơ hội được tiêm vắc xin COVID-19 an toàn, đủ liều, góp phần tạo miễn dịch cộng đồng, cùng cả nước thích ứng an toàn, linh hoạt với điều kiện bình thường mới.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!

Đỗ Thoa (thực hiện)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực