Gieo niềm hy vọng thay đổi cuộc sống cho người nghèo

Thứ tư, 19/10/2022 17:01
(ĐCSVN) - Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo” giờ đã không chỉ là khẩu hiệu nhằm khơi dậy tình yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau từ cộng đồng dân cư mà đã trở thành mục tiêu, quyết tâm hành động của các cấp, các ngành và toàn xã hội nhằm gieo niềm hy vọng thay đổi cuộc sống cho người nghèo

Thay đổi mạnh mẽ phương pháp đo lường nghèo

Nhìn lại hành trình 10 năm giảm nghèo ở Việt Nam có thể thấy sự thay đổi mạnh mẽ trong phương pháp đo lường nghèo. Trước năm 2015, Việt Nam đánh giá tỷ lệ hộ nghèo dựa trên tiêu chí thu nhập hoặc chi tiêu truyền thống. Cách đo lường này không nắm bắt được các khía cạnh phi tiền tệ đóng vai trò quan trọng đối với phúc lợi của người dân.

Việt Nam đã nghiên cứu khái niệm nghèo đa chiều - một chỉ số chính thức của Liên hợp quốc thể hiện trong Chương trình Nghị sự 2030 và các Mục tiêu Phát triển bền vững để khắc phục tình trạng trên.

Ngày 19/11/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 59/QĐ-TTg về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều để đo lường mức độ nghèo. Đây là bước tiến quan trọng trong quá trình chuyển đổi của Việt Nam từ cách tiếp cận đo lường nghèo dựa trên thu nhập sang dựa trên tiêu chí đa chiều.

Theo đó, hộ được xác định là nghèo khi đáp ứng một trong hai tiêu chí: thu nhập bình quân đầu người dưới chuẩn nghèo về thu nhập; thu nhập bình quân đầu người giữa chuẩn nghèo và chuẩn cận nghèo, bị thiếu hụt ít nhất 3/10 chỉ số được sử dụng để đo lường mức độ thiếu hụt khả năng tiếp cận với 5 dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin).

Được tiếp cận nước sạch là một trong những tiêu chí đo lường nghèo đa chiều được Việt Nam áp dụng từ năm 2015 

Kết quả phối hợp nghiên cứu giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc, Trung tâm Phân tích và Dự báo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Tổng cục Thống kê công bố tháng 7 vừa qua cho hay, trong thập kỷ qua, thành tựu giảm nghèo ở Việt Nam rất ấn tượng, dù được đo bằng bất kể phương pháp nào.

Nghèo đa chiều đã giảm liên tục và đáng kể, từ 18,1% năm 2012 xuống còn 4,4% năm 2021. Tỷ trọng thiếu hụt từ 3 chỉ số trở lên đã giảm mạnh. Năm 2020, 58,2% dân số không thiếu hụt bất kỳ chỉ số nào trong 10 chỉ số nghèo đa chiều; chỉ có 27,1% dân số thiếu hụt 1 chỉ số và 9,7% dân số thiếu hụt 2 chỉ số. Nhóm thiếu hụt trầm trọng là nhóm thiếu từ 5-7 chỉ số, đến năm 2020 chỉ còn 0,6%.

“Lõi nghèo” tập trung ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 14,7% dân số cả nước nhưng cư trú trên diện tích rộng tới 2/3 diện tích cả nước. Đa số đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng cao, miền núi, biên giới.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng dân tộc thiểu số và miền núi khá cao, đạt bình quân 7%/năm, cao hơn bình quân chung của cả nước. Đời sống vật chất của đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh hàng năm. Bình quân toàn vùng giảm 4%/năm; riêng các xã đặc biệt khó khăn giảm trên 4%/năm; các huyện nghèo giảm 5 - 6%/năm trở lên.

Mặc dù được Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ, đầu tư phát triển nhưng do xuất phát điểm thấp nên vùng dân tộc thiểu số và miền núi đến nay vẫn là vùng có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao nhất, giảm nghèo thiếu bền vững.

Trong một báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc nhận định, thực trạng nghèo ở vùng dân tộc thiểu số, nhất là đối tượng người dân tộc thiểu số đang là một thách thức lớn. Năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm tới 61,29% tổng số hộ nghèo cả nước. Thu nhập bình quân đầu người của dân tộc thiểu số chỉ bằng 0,3 lần mức bình quân chung cả nước. Chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư ngày càng lớn. Đối tượng nghèo của Việt Nam đang diễn biến theo hướng tập trung vào dân tộc thiểu số. Một số nhóm dân tộc thiểu số có tỷ lệ hộ nghèo rất cao như: Ơ Đu, Co, Khơ Mú, Xinh Mun, La Ha, Kháng, Mông, Xơ Đăng… Vùng dân tộc thiểu số và miền núi đang ngày càng bị tụt hậu so với sự phát triển chung của cả nước. Hộ nghèo dần dần chỉ còn là hộ người dân tộc thiểu số và có nguy cơ bị bỏ lại phía sau.

Gieo lên niềm hy vọng

Phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước. Việt Nam là điểm sáng được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao về kết quả giảm nghèo trong thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.

Việt Nam tiếp tục cam kết với cộng đồng quốc tế trong việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, trong đó có mục tiêu “Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người”.

Năm 2022 là năm thứ hai Việt Nam thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030. Năm 2022 cũng là năm đầu tiên Việt Nam áp dụng chuẩn nghèo đa chiều mới được thiết kế cho giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, chuẩn nghèo đã được tính sát với mức sống tối thiểu, điều mà trước đây chưa làm được do hạn chế về nguồn lực. Cụ thể, tiêu chí về thu nhập sẽ tương ứng với chuẩn mức sống tối thiểu là 1,5 triệu đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn (mức cũ là 700.000đ/người/tháng) và 2 triệu đồng/người/tháng ở khu vực thành thị (mức cũ là 900.000đ/người/tháng).

Do chuẩn nghèo được nâng lên nên số hộ và số người thuộc diện nghèo và cận nghèo theo các tiêu chí mới cũng tăng lên đáng kể, vào khoảng gần 10%, tương đương 2,4 triệu hộ. Vì vậy, giảm nghèo vẫn là một yêu cầu cấp bách, một nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Niềm vui thoát nghèo của người Raglay ở Ninh Thuận nhờ tác động từ các chương trình, chính sách giảm nghèo của Đảng, Nhà nước

Với quyết tâm: “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, Quốc hội đã thông qua nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I từ 2021 - 2025; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Cả 3 Chương trình MTQG đều có các hợp phần, mục tiêu, chỉ tiêu liên quan đến giảm nghèo bền vững, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.

Cần nhấn mạnh là nguồn lực chi cho công tác giảm nghèo trong 3 Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 rất lớn, lên tới trên 408.000 tỷ đồng. Trong đó Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tối thiểu là 75.000 tỷ đồng, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tối thiểu là 137.664,959 tỷ đồng, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tối thiểu là 196.332 tỷ đồng.

Có thể nói, chưa bao giờ đất nước có điều kiện tập trung nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi lớn như thế. Nguồn lực đó thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ là đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để thực hiện các mục tiêu: “giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn” và “phấn đấu mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm trên 3%; phấn đấu 50% số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn”…

Sinh thời, phát biểu tại Hội nghị sản xuất cứu đói tháng 7/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”.

Thấm nhuần tư tưởng đó của Người, việc đẩy mạnh thực hiện công tác giảm nghèo bền vững là phù hợp với lòng dân, ý Đảng, mang ý nghĩa chính trị, xã hội, nhân văn sâu sắc.

Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo” giờ đã không chỉ là khẩu hiệu nhằm khơi dậy tình yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau từ cộng đồng dân cư mà đã trở thành mục tiêu, quyết tâm hành động của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong hành trình gieo niềm hy vọng thay đổi cuộc sống cho những người nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, phát triển bền vững của Đảng, Nhà nước đã đề ra./.

Bài, ảnh: Phương Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực