Hội Khuyến học Việt Nam tạo dấu ấn đậm nét trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo

Chủ nhật, 01/10/2023 14:44
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN)- Thực hiện nhiệm vụ được giao, các cấp hội Khuyến học đã sáng tạo, phát động nhiều phong trào thi đua nhằm liên kết, phối hợp với các lực lượng xã hội, cơ sở giáo dục, động viên, thúc đẩy việc học tập suốt đời của nhân dân và đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp.

Nhân kỷ niệm Ngày Khuyến học Việt Nam 2/10, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam về những thành tựu và công tác khuyến tài, khuyến học trong kỷ nguyên số.

GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh: KS

PV: Ngày 16/9/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định lấy ngày 02/10 hằng năm là “Ngày Khuyến học Việt Nam”. Xin đồng chí nêu khái quát kết quả nổi bật trong 15 năm qua của Hội Khuyến học Việt Nam kể từ khi “Ngày Khuyến học Việt Nam” ra đời?

GS.TS Nguyễn Thi Doan: Có thể nói, 15 năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 1277/QĐ-TTg lấy ngày 02/10 hằng năm là “Ngày Khuyến học Việt Nam”, đây được xem là ngày ghi dấu ấn lịch sử không chỉ với toàn thể cán bộ, hội viên Hội Khuyến học mà còn có ý nghĩa rất quan trọng đối với nhân dân Việt Nam, nhất là những người nghèo không có điều kiện học tập. Nhờ sự quan tâm, động viên của Chính phủ, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các tổ chức Đảng các cấp, công tác khuyến học, khuyến tài đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Thứ nhất, Hội Khuyến học Việt Nam đã tạo dấu ấn đậm nét trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo, đó là hình thành nên cấu trúc xã hội học tập ở Việt Nam thông qua đề tài khoa học cấp nhà nước do Hội chủ trì bảo vệ thành công. Từ đó, là “kim chỉ nam” để các chỉ thị tiếp theo của Thủ tướng Chính phủ, các chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy Đảng, Chính quyền về công tác xã hội học tập sau này.

Hội đã tham mưu thành công cho Bộ Chính trị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và từ Chỉ thị 11, Hội đã đưa được vào nhiều nội dung về công tác khuyến tài, khuyến học để Đảng đưa ra những chủ trương, chính sách, hướng đi cho Hội. Ngày 10/5/2019, Ban Bí thư ra Kết luận số 49-KL/TW về Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, đây chính là một sự chuyển biến về chất đối với sự lãnh đạo của Đảng và đối với công tác của Hội trong việc xây dựng xã hội học tập.

Thứ hai, hiện nay, chỉ tiêu đặt ra mỗi gia đình của cán bộ đảng viên phải phấn đấu trở thành gia đình học tập, mỗi đảng viên phải trở thành công dân học tập. Quan trọng hơn nữa, Kết luận 49 của Ban Bí thư cũng nhấn mạnh, cuối năm các chi bộ phải kiểm điểm, đánh giá qua các tiêu chí xem từng cán bộ có đạt được những tiêu chí đó hay không mới xem là hoàn thành nhiệm vụ.

Thứ ba, Hội đã đổi mới căn bản về nhận thức, tư duy, phương pháp điều hành, triển khai khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Điều đó được thể hiện qua việc làm thế nào để nâng cao nhận thức cho các tổ chức Đảng, đảng viên và toàn bộ người dân trong xã hội biết rằng học là con đường duy nhất để có thể thành công ở bất cứ vị trí nào. Bởi trong giai đoạn hiện nay, không phải ai cũng quan tâm đến sự học mặc dù đã có Kết luận số 49.

Đổi mới để xây dựng thành công mô hình xã hội học tập trên cả nước 

Có thể nói, từ trước đến nay, nhận thức của nhiều người trong chúng ta chỉ hiểu rằng khuyến học, khuyến tài chỉ có học tập của trẻ nhỏ ngồi trên ghế nhà trường. Công việc của Hội chỉ gói gọn là đi trao học bổng cho học sinh từ cấp 1 đến sinh viên đại học…, còn người lớn trong lĩnh vực này thì ít ai nói đến hay có cách nhìn nhận chưa đúng đắn. Thế nhưng, thông qua việc tuyên truyền tới các cấp uỷ Đảng, từng cán bộ đảng viên, cũng như Hội đã trao tặng những suất học bổng dành cho người lớn, đặc  biệt có những người lớn tuổi vẫn đi học nâng cao trình độ; tổ chức các cuộc hội thảo về xã hội học tập, công dân học tập, cộng đồng học tập dành cho người lớn,… thì nay nhận thức về việc học tập suốt đời ở các cấp Hội đã thay đổi và có nhiều tấm gương điển hình trên cả nước. Bên cạnh đó, Hội cũng triển khai bằng cách liên kết, phối hợp, thúc đẩy cùng các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp để thúc đẩy sự học của người lớn. Song song đó, các suất học bổng động viên người lớn học tập suốt đời, từ đó vận dụng những cái học được thành công áp dụng vào trong công việc, trong cuộc sống hằng ngày.

Thứ tư, Hội Khuyến học Việt Nam đã tập hợp được các tổ chức chính trị xã hội, tập hợp được quần chúng cùng tham gia làm khuyến học, khuyến tài. Theo báo cáo của hội khuyến học các tỉnh, thành phố, đến nay số hội viên khuyến học cả nước đạt trên 26 triệu người, đạt tỷ lệ gần 28% dân số. Trong khi đó mục tiêu đến năm 2026, số hội viên chỉ tiêu đạt ra là 25% dân số, như vậy đã vượt hơn 2 năm so với mục tiêu đạt ra. Tổ chức Hội đã phủ kín 100% xã, phường, thị trấn, các thôn, ấp đều có các chi hội Khuyến học và Ban Khuyến học. Đến nay, 2/3 các trường Đại học, phổ thông đều có Ban Khuyến học, kho tư liệu, thư việc tài nguyên giáo dục mở, thông qua đó, Hội đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo về vai trò của các trường đại học đối với khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Hoạt động của Hội Khuyến học không chỉ dừng lại ở các cấp cơ sở mà cả trong lực lượng vũ trang, trong cơ quan nhà nước, trong các doanh nghiệp cũng được triển khai quyết liệt, đặc biệt là trong hai nhiệm kỳ gần đây. Thời gian qua, cả hệ thống chính trị liên kết phối hợp thúc đẩy xã hội học tập. Hội Khuyến học đã tích cực phối hợp với các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở, như: Ký kết phối hợp với 14 ban, bộ, ngành Trung ương để tạo ra một lực lượng làm công tác xã hội đồng bộ, hiệu quả trong giáo dục, huy động các lực lượng cùng tham gia; tổ chức sinh hoạt tư tưởng, nghiên cứu khoa học trong nội bộ các cấp Hội từ Trung ương tới địa phương về một chủ đề nào đó vào mỗi dịp 19/5 hằng năm theo lời dạy của Bác Hồ.

Thứ năm, Quỹ khuyến học, khuyến tài của các cấp hội phát triển mạnh mẽ từ Trung ương đến cơ sở theo đúng tôn chỉ, đúng mục đích, quản lý có hiệu quả. Có thể nói rằng, việc hỗ trợ những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tôn vinh những người vượt khó học giỏi, tôn vinh những em học sinh hỗ trợ vùng sâu, vùng xa, các thầy cô giáo vươn lên duy trì giảng dạy… góp phần tích cực hỗ trợ công tác giáo dục trong và ngoài nhà trường. Ví dụ: Hội có Quỹ Khuyến học Việt Nam theo lời Bác Hồ dạy “Học không bao giờ cùng” trao cho cả người lớn và trẻ em vào mỗi dịp 19/5 hằng năm. Học bổng này đã thúc đẩy được sự học trên toàn quốc. Đây được xem là một thương hiệu của Hội Khuyến học Việt Nam.

Đây là những đổi mới, kết quả rất căn bản của Hội. Từ những đổi mới về mặt tư duy, lý luận, thực tiễn thì mới có được những thành tựu, kết quả trên.

PV: Ngày 10/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phát động phong trào thi đua “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”. Đây được xem là dấu ấn quan trọng, là động lực thúc đẩy toàn dân thi đua học tập. Vậy Hội Khuyến học Việt Nam đã có kế hoạch cụ thể gì để thúc đẩy nhiệm vụ khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong những năm tiếp theo, thưa đồng chí?

GS.TS Nguyễn Thị Doan: Giống như phong trào “Xây dựng nông thôn mới”, chúng ta đều thấy “bộ mặt” nông thôn có nhiều đổi thay. Bây giờ tôi cũng hy vọng rằng sau Lễ phát động phong trào thi đua “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời” của Thủ tướng thì công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của Việt Nam sẽ phát triển lên một bước mới, rất quan trọng để chúng ta có thể nâng tầm tri thức Việt Nam.

Mặc dù, phong trào thi đua đã được Thủ tướng phát động cách đây gần 4 tháng nhưng thực tế Chính phủ vẫn chưa ban hành quyết định về kế hoạch triển khai chung cho toàn quốc. Tuy vậy, Hội Khuyến học Việt Nam thì luôn luôn có kế hoạch cho mình, vì mục đích của phong trào thi đua là để người người phải học tập, nhà nhà học tập và làm thế nào để ai cũng được bồi đắp tri thức để xây dựng xã hội Việt Nam thành xã hội học tập, đúng như mơ ước của Bác Hồ về dân tộc thông thái.

Để thực hiện phong trào thi đua do Thủ tướng phát động, các cấp Hội Khuyến học đã tuyên truyền sâu rộng tới từng đảng viên, quần chúng nhân dân phải thực hiện tốt 5 mô hình học tập gồm: gia đình học tập, dòng học học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập và công dân học tập. Đồng thời có tiêu chí cụ thể rõ ràng, có kế hoạch rõ ràng và những bước đi, biện pháp để thúc đẩy 5 mô hình này thành công. Chẳng hạn đến hết năm 2025, 80% gia đình được công nhận đạt danh hiệu “ Gia đình học tập”; 40% người dân trở thành “Công dân học tập”. Đây là chỉ tiêu cụ thể và từ đó thì có kế hoạch đi kiểm tra, đôn đốc thường xuyên. Nếu thực hiện tốt 5 mô hình này thì chúng ta sẽ có xã hội học tập như mong muốn.

Tiếp tục duy trì và phát triển các hình thức thi đua, phát triển quỹ khuyến học nhằm khuyến khích người lớn ở mọi lĩnh vực và học sinh các bậc học tích cực học tập, học có kết quả tốt thông qua việc trao học bổng “Học không bao giờ cùng” theo lời Bác Hồ dạy và các hình thức khuyến khích phù hợp khác, phát huy giải thưởng “Nhân tài đất Việt”, trong đó có giải “Tự học thành tài” dành riêng cho nông dân do tự học tập, nghiên cứu mà có sáng kiến cải tiến, phát minh mang tính khoa học và thực tiễn, đã được áp dụng và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình và quê hương, đất nước. Hội cũng sẽ hoàn thành tốt trách nhiệm là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc thực hiện phong trào thi đua này.

GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam trao học bổng động viên các em học sinh. Ảnh: TL

PV: Giải thưởng "Nhân tài Đất Việt" do Hội Khuyến học Việt Nam chủ trì. Trải qua 18 năm không ngừng mở rộng và phát triển, đến nay "Nhân tài Đất Việt" đã trở thành một giải thưởng quy mô và uy tín hàng đầu Việt Nam. Thời gian tới, Hội Khuyến học Việt Nam cùng các đơn vị tổ chức có những đổi mới gì để Giải thưởng ngày càng uy tín, mở rộng tầm vóc, thưa đồng chí?

GS.TS Nguyễn Thị Doan: Thực hiện chủ trương, nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và chương trình chuyển đổi số quốc gia, Hội Khuyến học Việt Nam đã khởi xướng giải thưởng “Nhân tài đất Việt” từ năm 2005, đến nay giải thưởng đã bước sang năm thứ 18, trở thành giải thưởng uy tín mang tầm quốc gia.

Tiếp nối thành công đã đạt được, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã phối hợp với các bộ, ban, ngành và các đơn vị liên quan tổ chức giải thưởng “Nhân tài đất Việt” năm 2023 với chủ đề “Tôn vinh tài năng-khơi nguồn sáng tạo”.

Giải thưởng năm nay tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực như Công nghệ số (bao gồm cả sản phẩm Công nghệ khởi nghiệp và chuyển đổi số triển vọng); Khoa học công nghệ, y dược, môi trường, giáo dục và đào tạo; khuyến học-tự học thành tài. Hiện tại công tác chấm và thẩm định giải thưởng đang diễn ra; Lễ vinh danh giải thưởng được tổ chức vào trung tuần tháng 11/2023.

Giải thưởng "Nhân tài đất Việt" trong nhiều năm qua đã nhận được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Nhân dân, những người luôn khao khát với sự học, tìm tòi, nghiên cứu, học tập suốt đời trên mọi miền của Tổ quốc. Có thể nói, đây cũng là một thành công của Hội, là thương hiệu của Hội, nhưng không phải chỉ một mình Hội làm được mà Hội đã liên kết, phối hợp với các bộ, ban, ngành để cùng triển khai giải thưởng này, tổ chức hằng năm, chỉ có 2 năm dịch bệnh Covid-19, Hội không tổ chức được.

Giờ giải thưởng “Nhân tài Đất Việt” đã có đường đi nhưng làm sao “đường đi” đậm nét hơn, tươi sáng hơn thì phải dày công vun đắp. Để giải thưởng ngày càng uy tín, chất lượng, hằng năm, Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp với các đơn vị tổ chức giải thưởng sao cho thật bài bản, chu đáo. Từ khâu họp ra quyết định thành lập Ban Tổ chức, đến ban hành kế hoạch cụ thể cho các bộ, ban ngành tham gia giải thưởng. Điều kiện tham gia giải thưởng và tổ chức giải hết sức chặt chẽ. Đặc biệt là nâng cao trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc chấm giải. Đây là khâu rất quan trọng để khẳng định uy tín của giải. 

Bên cạnh đó, Hội sẽ tập trung đổi mới công tác tuyên truyền để nâng cao vị thế của giải thưởng “Nhân tài Đất Việt”, trong đó có giải “Tự học thành tài” dành riêng cho nông dân. Nội dung tuyên truyền quan trọng nhất là công tác chấm giải diễn ra dân chủ, minh bạch. Kết quả của giải thưởng thu hút được các tài năng Việt, tuyển chọn được những công trình và sản phẩm khoa học có tính ứng dụng cao, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và động viên, khích lệ các tập thể, cá nhân tham gia giải.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Nhóm phóng viên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực