Khẳng định vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam

Thứ năm, 30/09/2021 14:30
(ĐCSVN) - Sau 35 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, đưa đến những thay đổi về chất trong thế và lực của đất nước. Để có được kết quả như vậy là do Đảng ta đã quyết tâm chỉ đạo quá trình triển khai sự nghiệp đổi mới toàn diện.

Trong bối cảnh chung đó, công tác đối ngoại đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, trở thành một điểm sáng trong toàn bộ những thành tựu chung của đất nước ta, góp phần nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam.

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, nhiều lần trong các bài viết, bài phát biểu, đặc biệt tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại”[1]. Trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 về lĩnh vực đối ngoại, Đảng ta khẳng định: “Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam”[2].

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam năm 2017. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Để khẳng định được vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay, Việt Nam đã và đang phấn đấu dần đóng vai trò “nòng cốt, dẫn dắt, hoà giải, sáng kiến, tích cực, có trách nhiệm” tại các diễn đàn, tổ chức đa phương có tầm quan trọng chiến lược đối với đất nước, phù hợp với khả năng và điều kiện cụ thể. Hiện nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189/193 nước thuộc tất cả các châu lục và có quan hệ tốt đẹp với tất cả nước lớn, các Uỷ viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược với 17 quốc gia (trong đó có 3 đối tác chiến lược toàn diện), 13 đối tác toàn diện. Năm 2020, Việt Nam đã phê chuẩn và triển khai có hiệu quả Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); tham gia ký Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), tham gia hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực. Đã có 71 nước công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường.

Việt Nam đã gia nhập ASEAN năm 1995; ASEM năm 1996; APEC năm 1998; WTO năm 2007; CPTPP năm 2018. Đã đăng cai thành công Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2006 và 2017; hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai năm 2019…

Việt Nam là một thành viên tích cực của hầu hết các văn kiện cơ bản về quyền con người của Liên hợp quốc và đã được bầu là thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016 và tiếp tục ứng cử và đã được các nước ASEAN đồng thuận đề cử là ứng cử viên của ASEAN tham gia ứng cử vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025.

Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2010 và 2020. Trong đó, Năm Chủ tịch ASEAN 2020 đã thành công toàn diện, vang dội, trọn vẹn và thực chất. Đã thông qua hơn 550 cuộc họp, nhiều sáng kiến, ưu tiên của Việt Nam đã trở thành tài sản chung của ASEAN; bảo đảm an ninh, an toàn, trọng thị về lễ tân; quảng bá hình ảnh Cộng đồng ASEAN và Việt Nam hòa bình, ổn định phát triển thịnh vượng trong tâm thức của bạn bè quốc tế.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Phiên thảo luận Cấp cao Đại hội đồng Liên hiệp quốc lần thứ 76. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN). 

Đặc biệt, Việt Nam 2 lần được bầu giữ chức Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008 - 2009, nhiệm kỳ 2020 - 2021 (nhiệm kỳ 2020-  2021 đạt số phiếu gần như tuyệt đối 192/193 phiếu). Đảm nhận tốt vai trò Chủ tịch Hội đồng bảo an ngay trong tháng đầu tiên của nhiệm kỳ (tháng 1/2020), Việt Nam đã tham gia chủ động, tích cực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, thể hiện hình ảnh một Việt Nam trách nhiệm, đề cao luật pháp quốc tế, nỗ lực xây dựng đồng thuận, tìm kiếm giải pháp thoả đáng cho các tranh chấp, xung đột... Việt Nam đã để lại những dấu ấn riêng rất cụ thể như: Lần đầu tiên thúc đẩy Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua một Tuyên bố Chủ tịch về tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc; tổ chức đối thoại ASEAN - Liên hợp quốc, qua Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nâng tầm ASEAN và qua ASEAN cụ thể hoá nhiều nội dung hợp tác ở cấp độ toàn cầu. Lần đầu tiên một Nghị quyết do Việt Nam chủ trì đề xuất được thông qua Đại hội đồng Liên hợp quốc (ngày 27/12 hàng năm là Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh). Nhiều sáng kiến, đóng góp của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế, khu vực khác như ASEM, APEC, G20, WEF, các cơ chế Tiểu vùng Mê Công… được các nước ủng hộ, đánh giá cao. 

Vị thế và uy tín quốc tế  của Việt Nam ngày càng được khẳng định thông qua chuyến công tác của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ở New York từ ngày 21-24/9/2021. Đây cũng là thời điểm tròn 44 năm ngày Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc (20/9/1977 - 20/9/2021). Tròn 44 năm trước, lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên tại trụ sở của Liên hợp quốc, đánh dấu Việt Nam chính thức trở thành thành viên của tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh. 44 năm sau, tại đây, Việt Nam với vai trò là thành viên tích cực, có trách nhiệm và là Ủy viên không Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định uy tín, vị thế mới  của đất nước với 5 đề xuất cho 4 thách thức lớn nhất của thế giới, đó là vaccine phòng COVID-19, nguồn lực và biến thách thức thành cơ hội phục hồi sau đại dịch, hợp tác để ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh, ổn định cho thế giới.

Ngày 22/9/2021, tại Phiên thảo luận chung Cấp cao Khoá họp 76 Đại hội đồng Liên hợp quốc với chủ đề: “Cùng vững tin và tự cường - Hướng tới phục hồi sau COVID-19, tái thiết bền vững, bảo vệ hành tinh, thúc đẩy quyền con người và cải tổ Liên hợp quốc”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu quan trọng. Trong bài phát biểu, Chủ tịch nước đã đưa ra nhiều ý kiến đánh giá lớn cùng các đề xuất cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác đa phương với Liên hợp quốc là trung tâm và lấy luật pháp quốc tế làm nền tảng, để cùng ứng phó với các thách thức toàn cầu phức tạp. Chủ tịch nước cho rằng vấn đề cấp bách nhất hiện nay là cần kiểm soát đại dịch COVID-19 thông qua hợp tác quốc tế, nhất là ưu tiên cung cấp vắc xin cho những nước có tỉ lệ tiêm chủng thấp, đồng thời tạo điều kiện để các nước đang phát triển hợp tác sản xuất và tham gia chuỗi cung ứng vắc xin. Chủ tịch nước nêu rõ: “Thế giới chưa thể an toàn khi còn có bất cứ người dân hay quốc gia nào chưa an toàn trước đại dịch. Việt Nam cảm ơn và đánh giá cao vai trò của các tổ chức Liên hợp quốc và các cơ chế đa phương, nhất là COVAX trong thúc đẩy tiếp cận công bằng vắc-xin và thuốc điều trị COVID-19. Để sớm đẩy lùi COVID-19, cần tăng cường hợp tác và đoàn kết trên tinh thần trách nhiệm và sẻ chia, nhất là ưu tiên cung cấp vắc-xin cho người dân những nước có tỷ lệ tiêm chủng còn thấp, tạo điều kiện để các nước đang phát triển hợp tác sản xuất và tham gia chuỗi cung ứng vắc-xin”[3].

Khai mạc Phiên thảo luận chung cấp cao Khóa họp thứ 76 Đại hội đồng Liên hợp quốc . (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN).

 Trước các tác động sâu sắc của đại dịch và mối quan hệ quốc tế hiện nay, Chủ tịch nước cho rằng cần nỗ lực trên tinh thần tự cường của mỗi quốc gia, dựa trên sự hợp tác và liên kết của tất cả các nước. Tuy nhiên, Chủ tịch nước nhấn mạnh những nỗ lực này sẽ không thể mang lại kết quả nếu không có môi trường hòa bình, an ninh, ổn định ở mỗi quốc gia, khu vực và thế giới. Mọi chủ thể của quan hệ quốc tế, với vai trò trung tâm của Liên hợp quốc, cần thể hiện thiện chí, đóng góp trách nhiệm, tránh gây căng thẳng, đối đầu, cùng nhau nỗ lực tái định hình các mối quan hệ quốc tế và bồi đắp lòng tin giữa các quốc gia trên cơ sở bình đẳng, hợp tác, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp công việc nội bộ quốc gia, giải quyết hoà bình tranh chấp.

 Cũng trong bài phát biểu, Chủ tịch nước cho biết, Việt Nam và các nước ASEAN đang nỗ lực tăng cường vai trò trung tâm của khối trong duy trì hòa bình, an ninh và thịnh vượng tại Đông Nam Á cũng như châu Á - Thái Bình Dương; đồng thời khẳng định đường lối đối ngoại của Việt Nam là độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ. Việt Nam đang chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả, là thành viên tích cực, đóng góp trách nhiệm vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế.

 Kết thúc bài phát biểu để tiếp tục khẳng định vị thế, uy tín và vai trò quốc tế của Việt Nam, Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng dù chặng đường phía trước còn nhiều gian nan, song Nhà nước và nhân dân Việt Nam sẽ cùng người dân trên toàn thế giới chung nhịp đập sẻ chia, yêu thương, hợp tác để cùng nhau sớm chiến thắng đại dịch, xây dựng một thế giới hòa bình, phát triển phồn vinh, người dân hạnh phúc.

 Ngay sau phát biểu của Chủ tịch nước, các bạn bè quốc tế đã đến gặp gỡ và chúc mừng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, bày tỏ chia sẻ và đánh giá cao bài phát biểu. Cũng tại trụ sở Liên hợp quốc ở thành phố New York, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dự và phát biểu tại phiên họp của HĐBA về biến đổi khí hậu và đề xuất 3 nhóm giải pháp về an ninh khí hậu; Hội nghị Trực tuyến Thượng đỉnh Toàn cầu về COVID-19 do Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris chủ trì. Chủ tịch nước cũng gửi thông điệp tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên hợp quốc về hệ thống lương thực…

 Việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và phát biểu tại phiên họp cấp cao của Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an cùng nhiều phiên họp quan trọng khác của Liên hợp quốc tiếp tục khẳng định mạnh mẽ, rõ ràng với bạn bè quốc tế về một nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, khát vọng phát triển và vươn lên, có trách nhiệm, đóng góp một cách tích cực vào các vấn đề hòa bình, an ninh và phát triển trên thế giới...Các thông điệp, đề xuất của Chủ tịch nước tại các phiên họp của Liên hợp quốc được lãnh đạo các nước, các đối tác chia sẻ, các chuyên gia, nhà khoa học trên thế giới đánh giá cao và hưởng ứng tích cực, góp phần tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam làm nổi bật vai trò, vị thế của Việt Nam tại sự kiện đa phương lớn nhất hành tinh.

 Có thể khẳng định, những kết quả đã đạt được toàn diện sau 35 năm đổi mới trên tất cả các lĩnh vực và gần 2 năm đảm nhận Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 cùng chuyến công tác vừa qua của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam vào thời điểm tròn 44 năm ngày Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc một lần nữa khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta; trong đó nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, đề cao tự cường, tự tin nỗ lực hoà mình trong dòng chảy thời đại để có tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay./.

------------------------------

 [1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.CTQG, HN, 2021, tập 1, tr.25 - 26.

 [2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.CTQG, HN, 2021, tập 1, tr.331 - 332.

 [3] Bài phát biểu của Chủ tịch Nguyễn Xuân phúc tại Phiên thảo luận chung Cấp cao Khoá họp 76 Đại hội đồng Liên hợp quốc.

TS Lê Quang Mạnh
Học viện Chính trị Công an nhân dân

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực