Khát vọng độc lập, tự do của một dân tộc yêu nước!

Thứ hai, 19/12/2022 08:30
(ĐCSVN) - Cách đây tròn 76 năm, để bảo vệ nền độc lập, tự do cho đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Đó là lời hịch non sông, kêu gọi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết, đứng lên chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược. Thời gian đã lùi xa, nhưng lời hiệu triệu đó vẫn còn nguyên giá trị.

Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á ra đời chưa được bao lâu và đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách, thì thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Thực hiện mưu đồ xâm lược đó và được sự trợ giúp đắc lực của đế quốc Mỹ và Anh, thực dân Pháp đơn phương xóa bỏ tất cả các hiệp ước hòa bình đã ký với ta (Hiệp định Sơ bộ 06/3/1946 và Tạm ước 14/9/1946); đồng thời, tăng cường hoạt động quân sự, phá hoại công cuộc xây dựng hòa bình vừa mới được thiết lập của nhân dân ta.

Phát lệnh toàn quốc kháng chiến ở Hà Nội, tháng 12/1946. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)

Hội nghị Quân sự toàn quốc lần thứ Nhất (19/10/1946), Thường vụ Trung ương Đảng đã chỉ rõ: “Không sớm thì muộn, Pháp sẽ đánh mình và mình cũng nhất định phải thắng Pháp”. Tháng 11/1946, quân Pháp gây hấn và khiêu khích ta ở Hải Phòng; đầu tháng 12/1946, gây hấn ở Thủ đô Hà Nội. Trắng trợn hơn, chiều 18/12/1946, chỉ huy quân Pháp gửi “tối hậu thư” đòi ta giải tán lực lượng tự vệ chiến đấu và giao quyền kiểm soát Hà Nội cho chúng trong vòng 48 giờ. Đáp lại hành động đó và với thiện chí, khát vọng hòa bình, Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nhân nhượng, kiên trì đàm phán hòa bình với chính quyền Pháp, nhưng chúng ta “càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa”.

Trước âm mưu, hành động xâm lược của kẻ thù, Nhân dân Việt Nam không có con đường nào khác là cầm súng chiến đấu để bảo vệ nền độc lập, tự do vừa giành được. Ngày 18 và 19/12/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp hội nghị tại Vạn Phúc, Hà Đông (nay thuộc Thủ đô Hà Nội), ra quyết định lịch sử: phát động toàn quốc kháng chiến. Ngay đêm 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ ra lời kêu gọi đồng bào cả nước kháng chiến, khẳng định rõ:

“Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa.

Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!

Hỡi đồng bào!

Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”.

 Bút tích "Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19/12/1946.

(Ảnh tư liệu)

Đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng ấy, khoảng 20 giờ ngày 19/12/1946, bằng những loạt đại bác từ pháo đài Láng bắn vào các mục tiêu của địch trong thành phố, quân và dân Thủ đô Hà Nội chính thức mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp với tinh thần "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh". Lời kêu gọi được Đài tiếng nói Việt Nam phát đi, "Mỗi ngôi nhà là một pháo đài, mỗi đường phố là một chiến tuyến, mỗi người dân là một chiến sỹ". Nhân dân Thủ đô không quản ngại hy sinh, gian khổ ngày đêm lập những chiến lũy trên đường phố Hà Nội để ngăn cản bước tiến quân thù.

Cùng với Hà Nội, quân và dân các địa phương khắp Bắc, Trung, Nam, từ Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương… đến Thanh Hóa, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn… đã đồng loạt anh dũng đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược. Cả dân tộc muôn người như một, chung sức đồng lòng, nhất tề đứng lên cầm vũ khí chống giặc ngoại xâm với ý chí sục sôi, niềm tin tất thắng.

Đến tháng 2/1947, khi địch tăng viện phá vòng vây, lực lượng ta được lệnh rút về hậu phương, cuộc chiến đấu trong các đô thị tạm thời kết thúc để chuyển sang giai đoạn chiến đấu mới.

Trải qua gần hai tháng liên tục chiến đấu, quân dân ta giành thắng lợi quan trọng: thực hiện tiêu hao, tiêu diệt, giam chân địch trong thành phố, làm thất bại kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp; tạo điều kiện di chuyển các cơ quan, kho tàng, vật chất (ta đã vận chuyển được gần 40.000 tấn máy móc, nguyên liệu ra vùng căn cứ); tranh thủ thời gian tổ chức cho hàng chục vạn Nhân dân tản cư về vùng căn cứ xây dựng thế trận kháng chiến lâu dài.

Phải khẳng định rằng: “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” là lời hiệu triệu toàn dân tộc Việt Nam đoàn kết một lòng chống Pháp với đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh”. Lời kêu gọi của Người đã khơi dậy lòng tự hào, tự tôn, truyền thống yêu nước, ý chí bất khuất, quật cường của dân tộc, tạo động lực thúc đẩy sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đoàn kết và trí tuệ Việt Nam; với mọi thứ vũ khí sẵn có và tinh thần quyết chiến, quyết thắng cao độ, “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.

76 năm đã trôi qua, chúng ta càng nhận thức sâu sắc hơn về tầm vóc cũng như giá trị lịch sử ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946). Sự kiện đã góp phần khẳng định đường lối chính trị, đường lối quân sự độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Đông Dương trong cuộc đối đầu lịch sử với thực dân Pháp. Mặt khác, thắng lợi của toàn quốc kháng chiến là thắng lợi đầu tiên trong cuộc trường chinh 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc (1945-1975), tạo cơ sở vững vàng cho ta giành được thành quả cách mạng trong những chặng đường tiếp theo và đem lại độc lập thống nhất toàn vẹn cho đất nước.

Sau ngày toàn quốc kháng chiến, đất nước ta đã trải qua nhiều sự kiện chính trị lớn và tiến những bước dài, tình thế đã có nhiều thay đổi, nhưng Lời kêu gọi thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc vẫn khắc sâu trong tâm khảm mỗi người Việt Nam hôm nay; ý nghĩa lịch sử và tầm vóc của nó vẫn còn nguyên giá trị.

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến là một áng hùng văn bất hủ, chứa đựng những giá trị và tư tưởng mang tính thời đại. Những tư tưởng cơ bản đó cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo trong giai đoạn mới của cách mạng. Thời gian đã lùi xa, nhưng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày đó vẫn còn vang vọng, thôi thúc và tiếp thêm sức mạnh cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vững bước, vững tin vào thắng lợi trên con đường đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Kỷ niệm 76 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946-19/12/2022) là thêm một dịp để toàn Đảng, toàn dân ôn lại truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam anh hùng. Khẳng định chủ trương phát động toàn quốc kháng chiến là quyết định đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua đó, góp phần củng cố, bồi đắp thêm niềm tin của Nhân dân vào đường lối và sự lãnh đạo của Đảng. Khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc; cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, ý chí cách mạng, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước. Nâng cao cảnh giác, chủ động đấu tranh làm thất bại âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Trong thời gian tới, dự báo tình hình thế giới, khu vực sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, biến chuyển nhanh chóng, khó dự báo; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, nhất là tranh chấp chủ quyền biển, đảo,... diễn ra với nhiều hình thức, quy mô, tính chất căng thẳng, phức tạp, quyết liệt hơn. Các yếu tố an ninh truyền thống, phi truyền thống, nhất là an ninh, an toàn không gian mạng, khủng bố, tội phạm, thiên tai, dịch bệnh,… diễn biến phức tạp. Đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn ra với nhiều biến thể mới, tác động tới nhiều quốc gia, trên các mặt đời sống xã hội.

Đối với nước ta, qua 36 năm đổi mới, thế và lực ngày càng được tăng cường, vị thế, uy tín trên trường quốc tế được nâng cao, tạo tiền đề quan trọng để phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, nước ta vẫn đang đứng trước nhiều thách thức lớn, đan xen và diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị  tăng cường hoạt động chống phá bằng “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” Quân đội,… với những âm mưu, thủ đoạn ngày càng công khai, trực diện hơn.

Tình hình đó, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải tập trung xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống; đồng thời, phải giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước. Do đó, những bài học trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc, nhất là bài học phát huy tinh thần toàn quốc kháng chiến còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với sự nghiệp xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.

Kỷ niệm Ngày toàn quốc kháng chiến năm nay trong điều kiện thời gian đã lùi xa, tình hình thế giới, trong nước đã có nhiều thay đổi, song giá trị, ý nghĩa cùng những bài học rút ra từ Toàn quốc kháng chiến đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Phát huy tinh thần toàn quốc kháng chiến, không chỉ là cơ sở để xây dựng niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, truyền thống yêu nước, phát huy ý chí tự lực, tự cường trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mà còn là động lực, quyết tâm để chúng ta phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Phát huy tinh thần khát vọng độc lập, tự do, tinh thần tự lực, tự cường của dân tộc, cả hệ thống chính trị và cán bộ, đảng viên cần tiếp tục sáng tạo, dũng cảm, kiên trì để cùng nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tiếp tục đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn trong thời gian tới./. 

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực