Khơi dậy, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân

Thứ ba, 09/11/2021 09:00
(ĐCSVN) – Ngày Pháp luật đã trở thành sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng trong đời sống xã hội của đất nước; ngày càng lan tỏa, góp phần khơi dậy tinh thần, nâng cao ý thức tôn trọng và làm theo Hiến pháp, pháp luật của cán bộ, nhân dân.

Năm 2021, cả nước bước sang năm thứ 9 thực hiện Ngày Pháp luật (9/11/2013 - 9/11/2021) với điểm nhấn là Chương trình bình chọn, tôn vinh “Gương sáng Pháp luật” lần đầu tiên được tổ chức.

Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh đã có chia sẻ về chặng đường 8 năm triển khai Ngày Pháp luật nước XHCN Việt Nam và những kỳ vọng, các hoạt động trọng tâm để ngày càng lan tỏa Ngày Pháp luật trong đời sống xã hội trong thời gian tới.

Hưởng ứng tích cực, triển khai Ngày pháp luật ngày càng thiết thực, hiệu quả

Phóng viên (PV): Nhìn lại chặng đường 8 năm triển khai Ngày Pháp luật nước XHCN Việt Nam, Thứ trưởng đánh giá thế nào về kết quả, hiệu ứng của Ngày Pháp luật?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh: Theo quy định của Luật Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), ngày 9/11 cách đây 8 năm được chính thức công bố là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật và giáo dục, nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật của toàn xã hội.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh. Ảnh: TL. 

Qua 8 năm triển khai, Ngày Pháp luật đã được các bộ, ban, ngành, đoàn thể, địa phương hưởng ứng tích cực, triển khai ngày càng nền nếp, thiết thực, hiệu quả với nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo, trong đó có việc tuyên truyền các chính sách, pháp luật mới ban hành, các vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày của người dân, chú trọng, ưu tiên các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn, đối tượng đặc thù…

Đặc biệt năm 2020 - 2021, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, công tác PBGDPL nói chung, các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật nói riêng đã khẩn trương chuyển mình để nhanh chóng thích ứng với tình hình mới. Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) được đẩy mạnh; việc phổ biến, thực thi các chính sách liên quan đến dịch bệnh được chú trọng, qua đó góp phần vì mục tiêu toàn dân thực hiện mục tiêu vừa phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Có thể nói, Ngày Pháp luật đã trở thành sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng trong đời sống xã hội của đất nước; ngày càng lan tỏa, góp phần khơi dậy tinh thần, nâng cao ý thức tôn trọng và làm theo Hiến pháp, pháp luật của cán bộ, nhân dân.

PV: Điểm nhấn của Ngày Pháp luật năm nay là lần đầu tổ chức Chương trình bình chọn, tôn vinh “Gương sáng Pháp luật”. Chương trình này có ý nghĩa như thế nào trong việc tôn vinh các gương điển hình tiêu biểu nhất trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh: Hưởng ứng Ngày Pháp luật, Bộ Tư pháp đã và đang tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện có ý nghĩa thiết thực, phù hợp tình hình thực tế, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Trong chuỗi các sự kiện đó, điểm nhấn nổi bật là Chương trình tôn vinh “Gương sáng Pháp luật”. Đây là hoạt động do Bộ Tư pháp chỉ đạo, giao Báo Pháp luật Việt Nam thực hiện nhằm biểu dương, tôn vinh các cá nhân tiêu biểu trong xây dựng thi hành pháp luật, qua đó lan tỏa những hình ảnh tốt đẹp, những tấm gương anh dũng, đức hy sinh của công dân và cán bộ, công chức trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật, lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11 hàng năm.

Đến nay, Báo đã phát hiện và đăng tải giới thiệu gần 200 gương mặt tiêu biểu ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực, vùng miền khác nhau. Trên cơ sở đó, Hội đồng bình chọn đã lựa chọn, tôn vinh 50 “Gương sáng Pháp luật” là những điển hình tiêu biểu nhất về trí tuệ, nghị lực, bản lĩnh, đức hy sinh và sự cống hiến vì Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; lan tỏa và truyền cảm hứng nâng cao ý thức tôn trọng và làm theo Hiến pháp, pháp luật của nhân dân.

Nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả

PV: Để ngày càng lan tỏa Ngày Pháp luật trong đời sống xã hội, theo Thưa Thứ trưởng cần tiếp tục tập trung vào các hoạt động trọng tâm nào, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay tổ chức thi hành pháp luật đã được Chính phủ xác định là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh: Thực tế qua theo dõi cho thấy, bên cạnh những kết quả đã đạt được, cũng phải thẳng thắn thừa nhận việc hưởng ứng Ngày Pháp luật ở một số nơi còn hình thức; chưa sáng tạo, chưa có mô hình triển khai phù hợp; một số nơi triển khai còn thụ động; việc kiểm tra, đôn đốc chưa được chú trọng đúng mức; các hoạt động chủ yếu tổ chức tập trung ở các thành phố lớn, khu vực đô thị, chưa đồng đều tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo…;

Lễ tôn vinh 50 gương sáng pháp luật 2021. Ảnh: TL. 

Vì vậy, tôi cho rằng để Ngày Pháp luật thực sự lan tỏa, cần tập trung nâng cao nhận thức, vai trò, tầm quan trọng của công tác PBGDPL; quan tâm, chỉ đạo thực hiện Luật PBGDPL, Kết luận 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; Quyết định 1521/QĐ-TTg của Thủ tướng ban hành triển khai Kết luận 80-KL/TW; Quyết định 25/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Trong đó, đề cao tinh thần chủ động học tập, tìm hiểu, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Lấy việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật làm thước đo hiệu quả công tác PBGDPL.

Bên cạnh đó, các cơ quan tư pháp, các tổ chức pháp chế cần phát huy vai trò đầu mối, nòng cốt, tính chủ động, tích cực, sáng tạo trong tham mưu tổ chức thực hiện.

Các bộ, ngành, địa phương quan tâm bảo đảm nguồn lực tổ chức Ngày Pháp luật, đặc biệt vấn đề kinh phí. Đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực trong xã hội tham gia vào công tác PBGDPL.

Bên cạnh đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai thực hiện Ngày Pháp luật gắn với thực hiện hiệu quả Đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác PBGDPL giai đoạn 2017-2021”.

Trong tình hình mới, cần phát huy các sáng kiến trong hưởng ứng Ngày Pháp luật theo hướng thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả; sát với thực tiễn, nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả, tạo thành phong trào xã hội rộng lớn để tổ chức thực hiện với sự hỗ trợ của Nhà nước. Đi cùng với đó, cần kịp thời khen thưởng, động viên những tập thể, cá nhân có thành tích.

PV: Trân trọng cám ơn Thứ trưởng!

Vy Thảo

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực