Nếu không sửa một số điều của Luật BHXH năm 2014, nhiều lao động nữ nghỉ hưu
từ năm 2018 sẽ bị thiệt thòi. (Ảnh: dantri.com.vn)
Ngày 20/11/2014, kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thay thế Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006. Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, trừ một số quy định khác có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 (trong đó có quy định về chế độ đóng bảo hiểm và lương hưu với lao động nam và lao động nữ).
Theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006, người lao động để đạt được tỉ lệ hưởng lương hưu tối đa 75% thì cần có thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) là 30 năm đối với lao động nam và 25 năm đối với lao động nữ.
Luật BHXH năm 2014 đã sửa đổi cách tính lương hưu của cả nam và nữ theo hướng nâng thời gian tham gia BHXH của người lao động để được hưởng lương hưu tối đa 75% (nam từ 30 năm lên 35 năm và nữ từ 25 năm lên 30 năm) theo điều 56 Luật BHXH năm 2014. Cũng từ quy định của Luật suy ra, lao động nam thiệt ít hơn vì lao động nam có lộ trình 5 năm, còn lao động nữ thì tính ngay từ năm 2018.
Vì cách tính lương hưu của lao động nữ thay đổi bất ngờ, theo hướng "nhảy vọt" ngay từ đầu năm 2018 nên đa số lao động nữ có dưới 30 năm đóng BHXH nghỉ hưu năm 2018 sẽ có tỉ lệ lương hưu thấp hơn hẳn so với người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu năm 2017 (mức cao nhất lên đến 10%).
Theo số liệu thông kê, với 50.000 lao động nữ nghỉ hưu năm 2018 sẽ có khoảng 21.000 lao động nữ bị thiệt, trong đó có khoảng 4.000 lao động nữ thiệt nhiều nhất từ 5-10% lương hưu.
Luật BHXH năm 2014 vừa có khoảng trống, vừa còn sự bất bình đẳng qua chính sách đóng bảo hiểm và hưởng lương hưu giữa lao động nam và nữ là sự thật đã được các cơ quan có trách nhiệm thừa nhận trong những tháng gần đây. Điều mà dư luận quan tâm là tại sao Luật BHXH năm 2014 đã thực thi được hai năm mới phát hiện được sự bất hợp lý, bất bình đẳng như vậy?
Quy trình làm luật vốn rất chặt chẽ, qua nhiều khâu, nhiều tầng nấc kiểm tra, thẩm định, phản biện... cuối cùng là các đại biểu Quốc hội thảo luận rồi ấn nút thông qua, vậy nhưng vẫn bộc lộ những bất cập lớn phải bổ sung, sửa đổi vì chưa phù hợp với thực tế cuộc sống ...
Giải pháp tháo gỡ cho vấn đề trên là Quốc hội ban hành Nghị quyết tạm dừng thực hiện khoản 2 Điều 56 và khoản 2 Điều 74 Luật BHXH để cách tính lương hưu đối với lao động nữ từ 1/1/2018 vẫn thực hiện như cũ. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần sớm nghiên cứu, sửa đổi theo hướng có lộ trình điều chỉnh cách tính lương hưu cho lao động nữ, đảm bảo cân bằng quyền lợi của lao động nam và lao động nữ./.