|
Vụ cháy chung cư mini xảy ra tại phường Khương Đình cho thấy hiểm họa và hậu quả kinh hoàng của "giặc lửa". |
Hiện trường chung cư mini xảy ra cháy rộng khoảng 200m2, xây kiểu nhà ống với một mặt tiền cũng là lối thoát hiểm, ba mặt giáp nhà dân, chia làm 45 phòng trọ và hầu hết kín phòng. Ngõ nhỏ nên công tác cứu hỏa rất khó khăn. Là người sống gần khu chung cư, chứng kiến và đưa thông tin về những nỗ lực, cố gắng trong việc thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ và hỗ trợ gia đình các nạn nhân, tôi thật sự cảm thấy quá xót xa, đau đớn. Xin được gửi lời chia buồn sâu sắc đến những thân nhân trong vụ cháy; xin thắp một nén tâm nhang đến những nạn nhân xấu số của vụ hỏa hoạn.
Tuy nhiên, trong vụ cháy, có những chi tiết làm cá nhân tôi rất chú ý. Đó là có ít nhất ba gia đình may mắn thoát nạn nhờ sự bình tĩnh cũng như sử dụng các công cụ hỗ trợ, được chuẩn bị cho tình huống xấu. Đó là một gia đình gồm hai vợ chồng và ba con nhỏ ở tầng 6. Thấy hô hoán, chủ nhà dậy mở cửa thì khói đen tràn vào phòng. Biết xảy ra cháy, anh liền vội lấy búa đập khung sắt lan can, sau đó dùng thang bắc sang nhà bên cạnh để thoát thân. Chỉ trong khoảng 4 phút, 5 người trong gia đình đã thoát ra ngoài an toàn.
Một gia đình khác gồm hai vợ chồng và hai con nhỏ ở tầng 3. Sau khi chạy ra ngoài, anh chồng ngửi thấy mùi khét kèm khói đen bốc lên nghi ngút từ tầng 1 đậm đặc, cay xè mắt. Biết xảy ra cháy, anh lập tức vào phòng hô hoán vợ con chạy thoát ra phía sau căn hộ, dùng thang dây và tụt xuống con ngõ phía sau tòa nhà. Anh cho biết, chỉ cần chậm khoảng 5 phút là gia đình anh có thể chết ngạt.
Hay có hai vợ chồng sử dụng 2 bình nước 20 lít, thấm ướt quần áo để che mũi, miệng rồi dùng điện thoại báo tin đến cứu hộ. Sau gần 4 giờ ở trong phòng, chống chọi với khói độc, hai vợ chồng đã được cứu hộ trèo từ nhà hàng xóm rồi bám vào ban công leo lên cứu sống.
Rõ ràng những gia đình nêu trên được an toàn ngoài yếu tố may mắn thì họ đã có những sự chuẩn bị trước về phương tiện và kỹ năng thoát hiểm.
Từ vụ cháy và kinh nghiệm của những người thoát nạn nêu trên, đòi hỏi mỗi người xác định “giặc lửa” khó lường, cần luôn cảnh giác và phải lấy khâu phòng cháy là ưu tiên số một. Do đó, các cấp, các ngành quan tâm sâu sát hơn nữa; các hộ gia đình và mỗi người dân hợp tác, chủ động hơn nữa.
Trong đó, khâu phòng cháy phải được đặt lên hàng đầu. Phòng cháy tốt nhất phải tạo được chuyển biến về nhận thức và hành động của các đối tượng liên quan, nhất là các hộ gia đình. Các phường, xã, thị trấn cần tiếp tục “phổ cập” những mô hình như: "Khu dân cư an toàn phòng cháy, chữa cháy”, “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy”...
Có thể nói, nguyên nhân dẫn đến tử vong nhiều nhất khi có sự cố cháy nổ là do hít phải khói khí độc. Vì vậy, điều tiên quyết đầu tiên khi có cháy là cần bình tĩnh, suy xét để tìm lối thoát nạn an toàn để thoát ra ngoài. Đặc biệt, nhà ở khu dân cư rất phổ biến dạng nhà ống, chỉ có một cửa ra vào kiêm lối thoát nạn, khi xảy ra cháy sẽ hết sức nguy hiểm. Do đó, việc trang bị kỹ năng thoát hiểm; mở các lối “thoát nạn” ra ngoài trên các chuồng cọp, lồng sắt, ban công và không sắp xếp hàng hóa, đồ đạc, tài sản cản trở lối thoát nạn…; trang bị dụng cụ thoát hiểm, phương tiện chữa cháy như thang dây, mặt nạ phòng độc, kìm, búa tạ, bình chữa cháy xách tay… đối với mỗi ngôi nhà là điều hết sức cần thiết.
Ngay sau vụ cháy, trong sáng 13/9 Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo tập trung khắc phục hậu quả vụ cháy ở phố Khương Hạ (Hà Nội), đồng thời yêu cầu cơ quan chức năng liên quan thường xuyên kiểm tra, rà soát các cơ sở có nguy cơ cháy cao trên địa bàn, nhất là các chung cư mini, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật.
Cũng trong ngày 13/9, UBND thành phố Hà Nội đã có Công điện số 02/CĐ-UBND về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy đối với loại hình nhà ở nhiều căn hộ (thường gọi là chung cư mini). Công điện yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức tổng kiểm tra, rà soát 100% các cơ sở, nhà ở nhiều căn hộ, nhà cho thuê trọ trên địa bàn quản lý, đặc biệt là chung cư mini; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự xây dựng, phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật” Cùng với đó, Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị hướng dẫn chủ hộ gia đình, chủ cơ sở khắc phục ngay các tồn tại vi phạm về phòng cháy chữa cháy, đặc biệt là các hành vi vi phạm dẫn đến cháy lớn, cháy gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản, báo cáo đề xuất giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục trước ngày 30/10/2023.
Có thể nói, yêu cầu, biện pháp đưa ra thì chắc chắn không thiếu. Nhưng để không rơi vào tình cảnh xót xa khi hỏa hoạn gây ra thiệt hại về tính mạng, tài sản rồi mới quan tâm đến phòng cháy chữa cháy, việc cần làm ngay đối với tất cả các cá nhân, gia đình, cơ quan, doanh nghiệp là cần xác định rõ quan điểm không được chủ quan với “giặc lửa” và “phòng hỏa hơn cứu hỏa”.
Do đó để sẵn sàng phương án phòng ngừa “bà hỏa” từ sớm, từ xa trong mọi tình huống, mỗi người dân hãy thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức trách nhiệm đối với vấn đề an toàn cháy nổ, có sẵn phương án chủ động phòng ngừa để bảo vệ tính mạng, tài sản của bản thân, gia đình và cộng đồng, góp phần hạn chế các vụ cháy xảy ra từ nguyên nhân cũ nhưng để lại nỗi đau luôn mới, luôn xót xa.../.