Không nóng vội thông qua luật, không làm luật cho xong

Thứ hai, 14/11/2022 13:56
(ĐCSVN) - Không nóng vội chạy theo tiến độ, không vì “thành tích” mà làm luật cho xong, Quốc hội đã quyết định không thông qua dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV để có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng hơn.

Theo Chương trình được thông qua từ đầu Kỳ họp thứ tư, Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào chiều ngày 14/11. Tuy nhiên, trên cơ sở phát biểu của đại biểu Quốc hội trên hội trường về dự thảo Luật cũng như báo cáo của Chính phủ, của Thường trực Ủy ban Xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét và đề nghị Quốc hội cho phép chưa thông qua dự án Luật này tại kỳ họp thứ tư để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.

Cụ thể, ngày 05/11, trên cơ sở kết quả biểu quyết của đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã nhất trí rút nội dung thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) ra khỏi chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được đánh giá là một dự luật quan trọng, định hướng hoạt động quản lý và sự phát triển bền vững của công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân cũng như cơ sở y tế, cán bộ y tế.

Quang cảnh Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Ảnh: QH 

Trước đó, tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội đã thảo luận lần đầu về dự án luật này, dự kiến sẽ xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 4. Tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội cũng đã tiến hành thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này tại hội trường vào sáng 24/10. Đã có 28 lượt phát biểu ý kiến, tranh luận tại hội trường và 06 đại biểu Quốc hội đã gửi ý kiến bằng văn bản đến Ban Thư ký.

Các đại biểu đã cho ý kiến cụ thể về hầu hết các điều khoản của dự thảo Luật. Trong đó, một số nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau như: về giải thích từ ngữ; chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh; trách nhiệm quản lý nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh; tổ chức xã hội – nghề nghiệp về khám bệnh, chữa bệnh; các hành vi bị nghiêm cấm; Hội đồng Y khoa Quốc gia; hình thức tổ chức khám bệnh, chữa bệnh; quyền và trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh; trực khám bệnh, chữa bệnh và hỗ trợ chữa bệnh từ xa, bắt buộc chữa bệnh; về cấp chuyên môn kỹ thuật; nguồn tài chính cho khám bệnh, chữa bệnh; xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; chi phí khám bệnh, chữa bệnh và giá khám bệnh, chữa bệnh; hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và thiết bị y tế; huy động, điều động cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tham gia hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa và dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A …

Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, đại diện cơ quan chủ trì thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị cân nhắc xem xét thông qua dự án luật trong 3 kỳ họp sẽ thuận lợi hơn cho cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra, vì còn nhiều vấn đề trong dự thảo luật chưa được làm rõ, nhất là liên quan đến mặt chính sách.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội chia sẻ, tinh thần của cơ quan thẩm tra là không ngại khó, ngại khổ, đã làm việc ngày đêm về dự án luật này, nhưng nhiều vấn đề lại phụ thuộc vào phía cơ quan cơ quan soạn thảo. Cơ quan soạn thảo là cơ quan xây dựng, thiết kế chính sách và cũng là cơ quan thực hiện các chính sách, mọi quyết định dù là của Quốc hội, nhưng ý kiến của Chính phủ cũng đóng vai trò quan trọng và tiên quyết.

Phải khẳng định rằng, trong suốt quá trình thảo luận dự án Luật này và ngay tại Kỳ họp này vẫn còn có ý kiến khác nhau về những nội dung lớn. Đặc biệt, dự thảo Luật chưa xử lý thỏa đáng mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh cũng như cơ chế tự chủ tài chính của bệnh viện công, trước hết là tự chủ tài chính, hợp tác công tư, giá dịch vụ…

Cùng với đó, dự án Luật đang giao quá nhiều vấn đề lớn nhưng chưa rõ ràng cho Chính phủ quy định chi tiết (37/121 điều) như: hệ thống cơ sở y tế; xã hội hóa; chi phí giá khám bệnh, chữa bệnh; cơ chế tài chính y tế; Hội đồng Y khoa Quốc gia; công nghệ thông tin trong khám bệnh, chữa bệnh; thử nghiệm lâm sàng trong khám bệnh, chữa bệnh…

Không phải ngẫu nhiên trong bài phát biểu khai mạc kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh một lần nữa rằng dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là một dự luật quan trọng, định hướng hoạt động quản lý và sự phát triển bền vững của công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân cũng như cơ sở y tế, cán bộ y tế, hiện nay vẫn còn có ý kiến khác nhau.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến sâu hơn về cơ chế bảo đảm tinh thần “lấy người bệnh làm trung tâm” gắn với bảo đảm công bằng xã hội trong tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh; các quy định về cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; định hình hệ thống y tế hiện đại, bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân; xử lý mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh ở từng mặt, từng nội dung, từng khâu; cơ chế tự chủ tài chính của cơ sở khám chữa bệnh công lập, trước hết là tự chủ tài chính, hợp tác công tư, giá dịch vụ…; đồng thời, xem xét kỹ lưỡng, đảm bảo chất lượng và tính ổn định, dài hạn của Luật này khi được Quốc hội thông qua.

Có thể nói, mặc dù mục tiêu ban đầu dự án Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ hop này nhưng đến “phút chót” Quốc hội đã rút dự án này ra khỏi Chương trình kỳ họp, điều này cho thấy Quốc hội đã cân nhắc rất kỹ lưỡng, không chạy theo tiến độ mà quyết định lùi thời gian thông qua Luật để đảm bảo chất lượng, không để khi luật được thông qua lại phát sinh bất cập.

Không nóng vội thông qua khi dự án luật chưa bảo đảm yêu cầu là một biểu hiện sinh động của một Quốc hội trách nhiệm, chuyên nghiệp, luôn đặt chất lượng công việc lên đầu. Tinh thần chuẩn bị “từ sớm, từ xa” được phát huy cao độ và thể hiện linh hoạt, sáng tạo, trách nhiệm khi Quốc hội nghiên cứu, thảo luận, chất vấn và bấm nút thông qua các Luật và Nghị quyết.

Nóng mà không vội, gấp nhưng phải đảm bảo chất lượng, tránh tình trạng luật có "tuổi thọ" ngắn, phải sửa đổi liên tục và bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, gắn với trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.

Bên cạnh đó cũng có những kinh nghiệm cần được rút ra. Dù đây là luật sửa đổi nhưng lại đụng đến những vấn đề cải cách mang tính chất cốt lõi và phức tạp như dịch vụ công, quan hệ công - tư, vai trò nhà nước - vai trò thị trường, hay triết lý tổ chức nhằm định hình hệ thống y tế hiện đại, bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Các vấn đề chính sách gốc rễ như vậy cần được nghiên cứu, bàn thảo kỹ lưỡng và tìm giải pháp “từ sớm, từ xa” trong quá trình soạn luật. Không rõ triết lý về các vấn đề lõi sẽ dẫn đến khó khăn trong việc xây dựng các quy định cụ thể, kéo theo đó là tình trạng luật không, hoặc khó đi vào cuộc sống.

Dù đã được Quốc hội nhất trí lùi thời điểm thông qua nhưng thời gian còn lại cũng không nhiều, không chỉ ngành Y tế mà toàn xã hội đang trông đợi dự Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được ban hành và sớm đi vào cuộc sống. Đó cũng là khi các đơn vị liên quan tìm được giải pháp cho các vấn đề chính sách gốc rễ của dự án Luật này./.

 

 

Bích Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực