Kỳ vọng vào sự bứt phá của ngành du lịch

Thứ năm, 17/03/2022 10:35
(ĐCSVN) - Ngày 15/3, Việt Nam đã chính thức công bố mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới. Đây vừa là cơ hội và cũng là những thách thức của các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này. Chúng ta cùng kỳ vọng vào những bứt phá trong thời gian tới.
Khách quốc tế đã trở lại Việt Nam sau thời gian do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 (ảnh:Vietnam Airlines) 

Dịch bệnh kéo dài, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch vô cùng khó khăn, thậm chí nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng kiệt quệ, phải phá sản. Do đó, với quyết định mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới thật sự đã mang lại nhiều hi vọng về sự hồi phục đối với các doanh nghiệp hoạt động trong mảng này. Đây cũng là vấn đề được các địa phương, bộ ngành đặc biệt quan tâm.

Ngay trong chiều tối 15/3, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị triển khai mở cửa du lịch quốc tế an toàn, hiệu quả. Một Hội nghị về du lịch lần đầu tiên có sự tham dự của tất cả 94 Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, lãnh đạo các tỉnh, thành phố và đông đảo lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp du lịch, khách sạn, hãng hàng không. Bên cạnh các thông tin về chủ trương, kế hoạch và các quy định về mở cửa du lịch của Việt Nam, tại Hội nghị, các thông tin về chính sách, kinh nghiệm mở cửa du lịch của các nước cũng đã được chia sẻ, cùng với những đề xuất để triển khai hiệu quả, thông suốt các chính sách, quy định của Việt Nam.

Được biết, hiện nay có khoảng 50 nước trên thế giới, trong đó có các nước Đông Nam Á như: Indonesia, Singapore, Malaysia, Thái Lan…, đã nới lỏng các quy định về nhập cảnh, miễn xét nghiệm RT-PCR, miễn cách ly đối với khách quốc tế để kích cầu du lịch. Đối với Việt Nam, theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, quyết định mở cửa trở lại du lịch quốc tế với các biện pháp mạnh mẽ được triển khai từ ngày 15/3/2022 là hết sức quan trọng, đúng thời điểm, được đưa ra trên cơ sở những nền tảng vững chắc và những kết quả quan trọng trong quá trình chúng ta ứng phó với dịch bệnh.

Với vai trò và tầm quan trọng của ngành du lịch đối với nền kinh tế, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ cho rằng việc mở cửa để phục hồi, "vực dậy" ngành du lịch sau giai đoạn hết sức khó khăn hơn hai năm qua, đồng thời tạo đà bứt phá trong thời gian tới, có ý nghĩa cấp thiết hơn bao giờ hết.  Hỗ trợ phục hồi và đẩy mạnh du lịch chính là góp phần thiết thực thực hiện các mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay và sắp tới.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: "Đây là lúc du lịch đứng lên để đi, tất cả chúng ta từ cơ quan quản lý, doanh nghiệp tới người dân phải đồng hành cùng nhau từ xúc tiến tới sản phẩm. Hy vọng từ đây dịch bệnh đã được kiểm soát, cơ hội rộng mở để làm tốt hơn”. Đồng thời Phó Thủ tướng cũng cho rằng, chúng ta không chỉ mở cửa du lịch mà còn mở cửa giao lưu, giao thương quốc tế từ ngày 15/3 như trước dịch COVID-19, với tinh thần không phân biệt khách quốc tế với người Việt trên phương diện chống dịch.

Cơ hội để khôi phục, phát triển du lịch Việt Nam đã hiện rõ; các doanh nghiệp du lịch cũng đã chủ động sẵn sàng nắm bắt thời cơ này, tuy nhiên để bứt phá thì tiếp tục cần có những chính sách hỗ trợ thiết thực đối với các doanh nghiệp du lịch hiện nay. Ngành tập trung triển khai các nhiệm vụ phục hồi du lịch trong đó, có hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trong Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch COVID-19.

Với những chính sách thiết thực hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp; với sự sáng tạo, nỗ lực mạnh mẽ của mỗi doanh nghiệp du lịch, mỗi người làm du lịch, hi vọng trong thời gian tới, ngành du lịch sẽ phát huy được những cơ hội, tạo ra có những bứt phá để ngành du lịch ngày càng phát triển, để Việt Nam thật sự là điểm đến an toàn, hấp dẫn du khách quốc tế.

Đại diện Tổng cục Du lịch cho biết, Tổng cục Du lịch tiếp tục kiến nghị Chính phủ kéo dài chính sách về giảm giá điện, giảm tiền thuê đất, giảm phí cấp phép kinh doanh lữ hành, cấp thẻ hướng dẫn viên đến hết năm 2023.

Ngành tổ chức các đoàn khảo sát cho doanh nghiệp du lịch kết nối, xây dựng sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá du lịch; phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề xây dựng các chương trình bồi dưỡng cho đội ngũ nhân lực du lịch cho phù hợp với tình hình mới.

Để tăng cường truyền thông mở cửa đón khách, Tổng cục Du lịch có kế hoạch tăng cường chiến dịch truyền thông, quảng bá với chủ đề: “Live fully in Vietnam” - “Trải nghiệm trọn vẹn ở Việt Nam." Trước mắt, Tổng cục Du lịch hướng các doanh nghiệp tìm đến là thị trường các nước Đông Nam Á, Đông Bắc Á, châu Âu, châu Đại dương…; trong đó ưu tiên những nước có chính sách công nhận lẫn nhau hộ chiếu vaccine với Việt Nam, các nước được miễn thị thực. Được biết, ngày 15/3, Chính phủ cũng đã quyết định miễn thị thực cho công dân 13 nước (gồm: Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan và Belarus) khi nhập cảnh Việt Nam với thời hạn tạm trú 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh, không phân biệt loại hộ chiếu, mục đích nhập cảnh, trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định pháp luật Việt Nam.

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tính liên vùng, liên ngành cao. Do đó, du lịch chỉ có thể phát triển khi có sự phối hợp, đồng thuận của các Bộ, ngành, địa phương.

Để mở lại hoạt động du lịch hiệu quả, an toàn trong thời gian tới, việc đảm bảo tuân thủ thống nhất các quy định phòng chống dịch phải được các địa phương, doanh nghiệp du lịch quán triệt triển khai và được xem là nội dung ưu tiên hàng đầu trong hoạt động du lịch. Hiện,  Bộ Y tế cũng vừa kịp thời công bố hướng dẫn về quy định phòng, chống dịch với người nhập cảnh Việt Nam thay thế các quy định hiện hành.

Mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, đây vừa là cơ hội và cũng là những thách thức của các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này. Với cơ chế, chính sách từ Chính phủ, từ các bộ, ban ngành, địa phương; với sự quyết tâm mạnh mẽ của ngành du lịch, của từng doanh nghiệp du lịch, chúng ta cùng kỳ vọng vào những bứt phá trong thời gian tới, để du lịch Việt Nam thật sự là điểm đến an toàn, hấp dẫn, ấn tượng với du khách trên thế giới.

Theo quy định phòng, chống dịch với người nhập cảnh vừa được Bộ Y tế công bố, người nhập cảnh theo đường hàng không cần kết quả xét nghiệm âm tính nCoV bằng PCR trong vòng 72 giờ; nếu là test nhanh, trong vòng 24 giờ, trước khi xuất cảnh. Người nhập cảnh đường bộ, đường thủy, đường sắt áp dụng quy định tương tự. Trường hợp chưa có xét nghiệm thì trong 24 giờ đầu kể từ khi nhập cảnh, từ cửa khẩu về nơi lưu trú (khách sạn, nhà riêng...) cần hạn chế dừng, tiếp xúc với người khác. Sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính, họ có thể tự do đi lại.

Trẻ em dưới 2 tuổi không bắt buộc xét nghiệm và đi theo bố mẹ.

Trong 10 ngày kể từ khi nhập cảnh, khách tự theo dõi sức khỏe và báo với cơ sở y tế gần nhất nếu có triệu chứng nghi nhiễm Covid-19, cài đặt ứng dụng PC-Covid suốt thời gian ở Việt Nam.

 

 

 

V.Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực