Làm sâu sắc hơn nữa hợp tác song phương với Áo, Italia và Vatican

Thứ hai, 24/07/2023 19:18
(ĐCSVN) - Đây là chuyến thăm đầu tiên tới Áo của Chủ tịch nước Việt Nam trong vòng 15 năm qua và là hoạt động trao đổi đoàn cấp nguyên thủ quốc gia đầu tiên tới Italia và Vatican trong vòng 7 năm qua. Với chuyến thăm Italia của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, là điểm nhấn quan trọng nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Italia.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân Phan Thị Thanh Tâm 

Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Áo Alexander Van der Bellen (A-lếch-xan-đơ Van đơ Bê-len), Tổng thống Cộng hòa Italia Sergio Mattarella (Séc-giô Mát-ta-ren-la) và Giáo hoàng Francis (Phờ-ran-xít), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân tiến hành chuyến thăm chính thức Cộng hòa Áo, thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Italia và thăm Tòa thánh Vatican từ ngày 23 - 28/7/2023.

Đây là chuyến thăm đầu tiên tới Áo của Chủ tịch nước Việt Nam trong vòng 15 năm qua và là hoạt động trao đổi đoàn cấp nguyên thủ quốc gia đầu tiên tới Italia và Vatican trong vòng 7 năm qua. Với chuyến thăm Italia của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, là điểm nhấn quan trọng nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Italia.

Quan hệ song phương Việt Nam – Áo phát triển toàn diện

Cộng hòa Áo, có diện tích 83.870 km2; dân số  8,571 triệu người. Phía Nam Trung Âu, Bắc giáp Đức và Séc, Nam giáp Italia và Slovenia, Đông giáp Slovakia và Hungary, Tây giáp Thụy Sỹ và Lichtenstein; Cộng hòa Áo theo chế độ cộng hòa nghị viện với mô hình nhà nước có cấu trúc cấp Chính quyền Liên bang, Chính quyền bang và Chính quyền xã.

Tổng thống là nguyên thủ quốc gia, trực tiếp do dân bầu với nhiệm kỳ 6 năm và có thể được bầu lại một lần ngay sau khi kết thúc nhiệm kỳ đầu. Tổng thống là tổng tư lệnh quân đội quốc gia, có quyền bổ nhiệm hoặc bãi miễn Nội các, các quan chức dân sự và đại diện của Áo ở nước ngoài, giải tán Quốc hội và ký các đạo luật hợp hiến. Cơ quan lập pháp bao gồm Hội đồng Liên bang (Thượng viện) và Quốc hội Liên bang (Hạ viện).

Hội đồng Liên bang (Bundesrat) có 61 đại biểu, là cơ quan đại diện cho lợi ích của các bang tại Liên bang, gồm các nghị sỹ được Quốc hội bang của các Bang cử ra theo tỷ lệ thuận với dân số của từng Bang (Tối thiểu là 3, tối đa là 12 nghị sỹ). Theo quy định của Hiến pháp, Hội đồng Liên bang có quyền phủ quyết các đạo luật đã được Quốc hội thông qua trong thời hạn 8 tuần. Tuy nhiên, trong thực tế nếu Quốc hội đưa ra “Nghị quyết kiên quyết” (Beharrungsbeschluss), thì việc việc phủ quyết không còn hiệu lực. Hội đồng liên bang chỉ có quyền phủ quyết tuyệt đối (Veto) khi các đạo luật mới hạn chế các quyền hạn của các Bang đã được ghi trong Hiến pháp.

Quốc hội Liên bang (Nationalrat) là cơ quan đại diện của nhân dân, do dân trực tiếp bầu ra với nhiệm kỳ 5 năm, có nhiệm vụ ban hành các văn bản luật, giám sát việc thực thi pháp luật và là diễn đàn chính trị của các đảng phái. Chỉ có các đảng đạt được từ 4 % số phiếu bầu trong bầu cử Quốc hội Liên bang mới được có mặt trong Quốc hội Liên bang.

Chính phủ Liên bang: Do luật bầu cử của Áo rất phức tạp nên hiếm khi có đảng nào có thể tự thành lập chính phủ mà thường phải liên minh với đảng khác. Thủ tướng thường là chủ tịch đảng đạt được nhiều phiếu nhất trong kỳ bầu cử Quốc hội Liên bang, do Quốc hội chỉ định và được Tổng thống bổ nhiệm. Các thành viên của chính phủ được Tổng thống bổ nhiệm theo đề nghị của Thủ tướng. Thủ tướng điều hành công việc của chính phủ nhưng không có quyền chỉ thị cho các bộ trưởng. Chính phủ có thẩm quyền quyết định các dự luật trước khi trình Quốc hội. Vì chính phủ áp dụng nguyên tắc nhất trí nên tất cả các dự luật đưa ra đều phải có chữ ký của tất cả các bộ trưởng. Bộ trưởng nào cũng có quyền phủ quyết và không thể quyết định được điều gì nếu nó đi ngược lại ý muốn của bộ trưởng khác.

Cộng hòa Áo áp dụng chế độ bầu cử trực tiếp (Quốc hội Liên bang, Tổng thống và Quốc hội Bang) hoặc gián tiếp (Hội đồng Liên bang). Mọi công dân Áo đủ 16 tuổi đều có quyền tham gia bầu cử trên cơ sở bình đẳng, trực tiếp, bỏ phiếu kín. Ngoài ra Áo còn áp dụng một số công cụ dân chủ trực tiếp như trưng cầu dân ý và sáng kiến công dân, cho phép công dân tham gia trực tiếp vào quá trình quyết định các vấn đề chính trị.

Cộng hòa Áo là nước công nghiệp phát triển với phúc lợi xã hội cao. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 năm 2020, kinh tế Áo bị sụt giảm nghiêm trọng, giảm -7,3% và bắt đầu phục hồi năm 2021. Áo có thế mạnh về các ngành công nghiệp như luyện kim, cơ khí chế tạo, chế biến gỗ, điện tử, dệt, may mặc, sứ thuỷ tinh (chiếm 30,4%) và các ngành dịch vụ như ngân hàng, bảo hiểm (chiếm 67,8%).  

Kinh tế của Áo phụ thuộc rất lớn vào ngoại thương, chủ yếu giao thương với các nước Châu Âu, đặc biệt với Đức.

Về thương mại, Áo chủ yếu xuất khẩu máy móc, động cơ mô tơ, hoá chất, thép, giấy, thực phẩm… nhập khẩu máy móc, hoá chất, hàng kim khí, xăng dầu, thực phẩm… Thị trường chính của Áo bao gồm Đức 31,3%, Italia 8,7%, Mỹ 5,9%, Thụy Sĩ 5,2%, Pháp 4,2%, Anh 4%.

Một số công ty và tập đoàn lớn của Áo: Tập đoàn hóa chất OMV, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Áo, Tập đoàn BML, Tập đoàn Siemens Áo...GDP năm 2021 đạt 401,15 tỷ Euro; GDP/ đầu người 2021 là 42.110 Euro; Tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 5%; tỷ lệ thất nghiệp năm 2023là 7,6%.

Ngày 1/12/1972, khi chiến tranh ở Việt Nam còn chưa kết thúc, Cộng hòa Áo là một trong những nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Quan hệ Việt Nam và Cộng hòa Áo trong vòng hơn 50 năm qua ngày càng phát triển trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

Về chính trị và ngoại giao, hai bên thường xuyên duy trì các cuộc tiếp xúc cấp cao và các cấp. Trong đó có các chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Liên bang Thomas Klestil tháng 3/1995; Chủ tịch Quốc hội Liên bang Heinz Fischer tháng 4/1997; Thủ tướng Liên bang Wolfgang Schuessel dự Hội nghị ASEM 5 tại Hà Nội tháng 10/2004; Chủ tịch Hội đồng Liên bang Sissy Roth - Halvax tháng 5/2006; Tổng thống Liên bang Heinz Fischer tháng 5/2012; Bộ trưởng Ngoại giao Alexander Schallenberg thăm chính thức tháng 4/2023.

Đoàn Việt Nam có các chuyến thăm Cộng hòa Áo của Thủ tướng Phan Văn Khải thăm chính thức tháng 4/1998; Phó Chủ tịch Quốc hội Mai Thúc Lân tháng 5/2002; Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa tháng 9/2005; Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm cấp nhà nước tháng 6/2008; Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tháng 2/2009; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên tháng 4/2010; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm tháng 6/2011; Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tháng 12/2011; Trưởng ban Dân vận Trung ương Hà Thị Khiết tháng 8/2014; Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn tháng 9/2014; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức tháng 10/2018; Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thăm chính thức tháng 9/2022.

Hai bên thường xuyên có các cuộc tiếp xúc bên lề các diễn đàn đa phương, các cuộc điện đàm: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Christian Kern bên lề Hội nghị Davos 2017 (1/2017), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp Tổng thống Alexander van der Bellen tại Đại hội đồng Liên hợp quốc (New York 9/2021), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính điện đàm với Thủ tướng Sebastian Kurz (16/9/2021).

Về kinh tế, Cộng hòa Áo là một trong 10 đối tác xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu và Việt Nam là đối tác thương mại hàng đầu của Áo trong khối ASEAN.

Trao đổi thương mại song phương Việt Nam - Áo trong năm 2022 là 2,79 tỷ USD. Đầu tư của Cộng hòa Áo vào Việt Nam hiện vào khoảng 148 triệu USD. Tính đến hết tháng 4/2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Áo ở mức hơn 1 tỷ USD, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu ở mức trên 936 triệu USD, giảm 6,6%; nhập khẩu từ Áo đạt trên 122 triệu USD, tăng 5,3%. Bên cạnh hợp tác kinh tế, hai nước còn đẩy mạnh quan hệ trên các lĩnh vực văn hóa - giáo dục - khoa học công nghệ.

Theo Đại sứ Cộng hòa Áo tại Việt Nam Hans-Peter Glanzer, chuyến thăm Áo của Chủ tịch Võ Văn Thưởng mang tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn, góp phần thắt chặt hơn nữa quan hệ hai nước; là cơ hội tích cực để tăng cường hợp tác và thúc đẩy hơn hợp tác giữa Áo và Việt Nam.

Đại sứ Việt Nam tại Áo Nguyễn Trung Kiên, cho rằng, chuyến thăm lần này của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định mối quan hệ song phương rất tốt đẹp đang phát triển toàn diện; đồng thời là dịp để Chủ tịch nước tiếp xúc, làm việc với các diễn đàn ngoại giao đa phương, qua đó khẳng định tiếng nói và vai trò của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế đa phương.

Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam Italia tiếp tục phát triển

Kể từ khi Việt Nam và Italia thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23/3/1973, quan hệ chính trị giữa hai nước được củng cố và phát triển nhanh chóng. Đặc biệt, kể từ khi thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào tháng 01/2013, hai nước tích cực thúc đẩy hợp tác thiết thực và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, ngoại giao, kinh tế, khoa học, giáo dục, quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường, kết nối địa phương.

Hai bên duy trì hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương gồm Đối thoại chiến lược thường niên cấp Thứ trưởng Ngoại giao (lần 4 vào tháng 6/2022), Đối thoại chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng (lần 3 năm 2019), Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế (lần 7vào tháng 6/2022); họp Ủy ban hỗn hợp về hợp tác khoa học và công nghệ (lần 7 vào tháng 7/2020).

Trao đổi đoàn cấp cao và tiếp xúc được duy trì thường xuyên: Đoàn cấp cao Việt Nam thăm Italia có: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 01/2013), Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải (tháng 9/2013), Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang (tháng 7/2014), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (tháng 3/2014, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng (tháng 5/2016), Chủ tịch nước Trần Đại Quang (tháng 11/2016), Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình (2018), Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển (tháng 9/2019). Gần nhất, tháng 12/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp song phương Thủ tướng Giorgia Meloni bên lề HNCC ASEAN – EU tại Brussels.

Đoàn cấp cao của Italia thăm Việt Nam: Bộ trưởng Quốc phòng Giampaolo di Paola (tháng 01/2013), Phó Chủ tịch Hạ viện Marina Sereni (tháng 01/2014), Thủ tướng Matteo Renzi (tháng 6/2014), Tổng thống Sergio Mattarella (tháng 11/2015), Bộ trưởng Ngoại giao Enzo Moavero Milanesi (5/2019), Thủ tướng Giuseppe Conte (tháng 6/2019).

Trong thời gian ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 có: điện đàm Bộ trưởng Ngoại giao Luigi Di Maio và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (5/2020); điện đàm Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Mario Draghi (tháng 4/2022). Trong các trao đổi cấp cao, Italia luôn khẳng định quyết tâm thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, coi Việt Nam là nước ưu tiên phát triển quan hệ ở khu vực Đông Nam Á.

Hợp tác kênh Đảng được duy trì và thúc đẩy: ta có thư, điện chúc mừng Đảng Cộng sản Italia (PCI) tổ chức Đại hội; duy trì tiếp xúc, làm việc với các đảng cầm quyền, đảng lớn (PD).

Hợp tác Quốc hội tiếp tục phát triển tốt đẹp: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi điện chúc mừng Chủ tịch Thượng viện, Hạ viện mới của Italia (10/2022); Hai bên duy trì tiếp xúc, hợp tác thông qua Nhóm nghị sỹ hữu nghị Italia – Việt Nam.

Về thương mại – đầu tư: Việt Nam là 1 trong 10 thị trường mới nổi trong ưu tiên phát triển quan hệ thương mại và đầu tư của Italia đến 2030. Hai bên luôn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực mà Italia có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu, như: cơ khí chế tạo, kết cấu hạ tầng, dệt may, da giày, chế biến gỗ, công nghiệp phụ trợ, vật liệu xây dựng, dầu khí, năng lượng tái tạo, chế biến thực phẩm...

Năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 6,2 tỉ USD, tăng 11% so với năm 2021, kỳ vọng hướng tới mức 7-8 tỷ/năm. Italia là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam trong EU (sau Đức, Hà Lan) và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Italia trong ASEAN.

Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Italia khá đa dạng, trong đó nhiều mặt hàng có kim ngạch lớn: điện thoại và linh kiện, máy móc thiết bị dụng cụ, phương tiện vận tải phụ tùng, sắt thép, sản phẩm dệt may, giày dép, cà phê trong đó, điện thoại các loại và linh kiện là nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng đầu, chiếm khoảng 25% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Italia. Một số mặt hàng xuất khẩu như thép của Việt Nam vào thị trường Italia tăng mạnh do tận dụng được ưu đãi từ Hiệp định EVFTA. Hai bên đã thành lập Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác kinh tế sau khi thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược và đã họp 7 phiên từ 2014 - 2022.

Về đầu tư, tính đến hết năm 2022, Italia đứng thứ 36/141 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với 135 dự án với tổng số vốn đạt hơn 412 triệu USD, chủ yếu trong các ngành: giày da, xây dựng, thiết bị vệ sinh, bình nóng lạnh, chế biến thép. Nhiều tập đoàn lớn của Italia hoạt động tích cực tại Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo như Bonfiglioli (sản xuất động cơ), Piaggio  (sản xuất, lắp ráp xe máy, động cơ), Danieli Officina (sản xuất thép), Fiat Iveco (liên doanh ôtô Mekong), Datalogic, Ariston (sản xuất bình đun nước nóng). Nhiều nhà máy sản xuất đồ gỗ, chế biến đá của Việt Nam đang sử dụng máy móc, công nghệ của Italia. Thiết bị luyện thép của hãng Danieli đã có mặt tại trên 10 dự án ở Việt Nam, trong đó có Nhà máy thép Việt - Ý, Nhà máy thép Phú Mỹ.

Về hợp tác phát triển, hiện Italia vẫn đang tiếp tục hỗ trợ ODA cho Việt Nam với 7 dự án  đang triển khai và 3 dự án khác trong giai đoạn chuẩn bị, tổng số vốn cam kết hơn 117 triệu Euro; tập trung cho đào tạo nghề và phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường và quản lý nguồn nước, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, y tế, các chương trình nghiên cứu khoa học. Phía Italia đã chấp thuận đề nghị của Bộ Tài chính không gia hạn Thỏa thuận hỗ trợ chương trình ngành nước (tháng 9/2022).

Theo Báo cáo Quốc gia Khí hậu và Phát triển cho Việt Nam của WB (tháng 7/2022), Việt Nam cần khoảng 368 tỷ USD đầu tư bổ sung vào các giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu đến 2040 và do đó có nhu cầu rất lớn về hỗ trợ tài chính từ các nước phát triển trong EU trong đó có Italia. Italia khẳng định tài trợ 250 triệu euro cho Việt Nam từ Quỹ phòng, chống biến đổi khí hậu trong khuôn khổ JETP.

Về an ninh quốc phòng: Ngay sau khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, Bộ Quốc phòng hai nước đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng, đánh dấu bước phát triển mới và tạo khuôn khổ chung cho hợp tác quốc phòng song phương. Trong thời gian qua, hai bên đã đẩy mạnh hợp tác trong cả ba lĩnh vực, gồm chính sách quốc phòng, quân sự quốc phòng và công nghiệp quốc phòng.

Thông qua cơ chế Đối thoại chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng, phía Italia khẳng định sẵn sàng hợp tác nghiên cứu chế tạo, chuyển giao công nghệ sản xuất tàu quân sự và dân sự, hợp tác đào tạo và chia sẻ kinh nghiệm tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Ngoài ra, trong khuôn khổ hợp tác Italia –ASEAN, Italia đang nỗ lực triển khai một số chương trình như đào tạo sĩ quan công an, bảo tồn di sản, chống biến đổi khí hậu.

Hiệp định về hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm có hiệu lực từ 30/11/2016, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa Bộ Công an và Bộ Nội vụ Italia. Hai bên đã hoàn tất đàm phán Hiệp định dẫn độ và Hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù (2022), Hiệp định tương trợ tư pháp hình sự giữa Việt Nam và Italia (2022).

Về văn hóa, hai nước thường xuyên tổ chức các tuần lễ/tháng văn hóa tại Italia và Việt Nam; Năm Việt Nam tại Italia và Năm Italia tại Việt Nam nhân dịp năm chẵn, năm tròn kỷ niệm thiết lập quan hệ ngoại giao. Từ 2003 - 2013, Chính phủ Italia phối hợp với Tổ chức UNESCO giúp đỡ Việt Nam trùng tu khu di tích Mỹ Sơn với tổng kinh phí 1,5 triệu USD. Việt Nam đã cấp phép thành lập Ngôi nhà Italia tại Hà Nội (2019) và Viện Văn hóa Italia tại Hà Nội (2022). Năm 2023, Italia đẩy mạnh hoạt động văn hóa như triển lãm gốm với Bảo tàng Bát Tràng, biểu diễn nghệ thuật nhóm múa Artemis Danza, tam tấu Luca Carla Trio, hòa nhạc Valentine, Tuần phim, Tuần lễ ẩm thực Italia tại Việt Nam.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dự kiến ký kết Chương trình hợp tác văn hóa giai đoạn mới trong năm 2023; mời Italia cử đoàn tham dự các sự kiện như Festival Huế 2023, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội 2024, Liên hoan múa rối quốc tế 2024, Liên hoan múa quốc tế 2024.

Về giáo dục - đào tạo, chương trình hành động hợp tác giáo dục giai đoạn 2019 - 2022 với nội dung chủ yếu về hợp tác phát triển ngôn ngữ, phía Italia cung cấp phương tiện trợ giảng, học bổng...; khuyến khích hợp tác giữa các trường đại học và cơ sở giáo dục; hỗ trợ dự án nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu cho Trường Đại học Y dược Huế, với số vốn đầu tư 1,27 triệu euro.

Hai bên đã tổ chức thành công 02 diễn đàn giáo dục đại học Việt Nam - Italia vào năm 2014 và 2019, kế hoạch tổ chức lần 3 vào năm 2023. Số lượng sinh viên trao đổi tăng ở cả hai chiều. Chính phủ Italia quan tâm hỗ trợ học bổng hằng năm cho sinh viên Việt Nam. Khoa tiếng Italia của Đại học Hà Nội phát triển mở rộng sau 20 năm thành lập. Hai nước đã ký kết và hợp tác 72 dự án giáo dục, đào tạo.

Về khoa học - công nghệ, hai bên thành lập UBHH về hợp tác khoa học công nghệ tháng 11/1998, đã tổ chức 7 phiên họp và phê duyệt 7 Chương trình hợp tác về khoa học, công nghệ Việt Nam -Italia với hơn 90 dự án hợp tác nghiên cứu chung đã được ký kết, triển khai trên các lĩnh vực thế mạnh của Italia và nhu cầu quan tâm của VN như công nghệ sinh học và y học, môi trường và biến đổi khí hậu, hợp tác năng lượng hạt nhân, công nghệ thông tin và truyền thông, vật lý ứng dụng, công nghệ bảo tồn và phục hồi di sản văn hóa thiên nhiên, sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo… Dự kiến năm 2023, Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ thăm Italia, đồng chủ trì phiên họp lần 8 UBHH về hợp tác khoa học công nghệ (Quý III – IV).

Hai bên triển khai kế hoạch hợp tác 2021 – 2023 về khoa học công nghệ với 11 dự án hợp tác nghiên cứu chung về khoa học nông nghiệp, thực phẩm; công nghệ sinh học, y tế; môi trường và biến đổi khí hậu; công nghệ vật liệu mới; ICT và công nghệ 4.0; bảo tồn di sản với mục tiêu thúc đẩy KH&CN là một trụ cột hợp tác.

Về du lịch, trong chiến lược phát triển du lịch của Việt Nam, Italia được xác định là một trong những thị trường trọng điểm và rất có tiềm năng. Số lượng khách Italia sang Việt Nam tăng trưởng khá với tốc độ trung bình 15% trong giai đoạn 2015 – 2019. Năm 2019 số lượng khách Italia đạt 70,8 triệu lượt, tăng 8% so với năm 2018. Hậu Covid-19, trong năm 2022 Việt Nam đón khoảng hơn 15 nghìn lượt khách Italia.Italia cũng là một trong những điểm đến hàng đầu của du khách Việt Nam khi thăm quan châu Âu.

Italia là quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong phát triển du lịch gắn liền với di sản văn hóa; đề nghị hợp tác cử chuyên gia Italia; tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề về phát triển, quản lý du lịch văn hóa.

Hợp tác địa phương: Hiện có gần 10 cặp quan hệ kết nghĩa giữa các địa phương hai bên trong đó đáng chú ý là Hà Nội – vùng Lazio, Bình Dương – vùng Emilia Romagna, TP. Hồ Chí Minh – TP. Torino, Vĩnh Phúc – vùng Tuscany, Lâm Đồng – Como.

Bình Dương và Vĩnh Phúc là những điển hình về các hoạt động hợp tác thương mại, đầu tư với phía Italia; hàng năm định kỳ đều có các hoạt động rà soát, xúc tiến đầu tư. Bình Dương (xếp thứ 3 cả nước sau TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội về thu hút FDI)  hiện có 8 dự án đầu tư với các doanh nghiệp Italia với tổng số vốn gần 64 triệu USD trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, sản xuất phụ kiện giày, túi xách thời trang, hàng tiêu dùng và thực phẩm. Trong số 17/63 tỉnh thành có đầu tư của Italia, Vĩnh Phúc là địa phương đứng đầu với các dự án lớn của Piaggio với tổng số vốn đăng ký đạt 165 triệu USD.

Hiện có khoảng 5000 người Việt Nam sinh sống, làm việc tại Italia. Việt Nam có chương trình giảng dạy tiếng Việt tại Khoa Đông phương học, Đại học Cà Foscari, Venezia với khoảng 27 sinh viên đang theo học; kiến nghị các trường đại học nhận sinh viên Italia thực tập tiếng ở Việt Nam.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ có các cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo Áo, Italy để trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, quốc phòng, an ninh, lao động và đào tạo nghề, năng lượng tái tạo, giao lưu nhân dân nhằm đưa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Áo, Italia ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.

Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm, ngoài các cuộc hội đàm, Chủ tịch nước sẽ có các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ lãnh đạo hai nước, lãnh đạo các địa phương và tiếp lãnh đạo một số chính đảng của Italy, làm việc với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Quan hệ giữa Việt Nam và Vatican có nhiều tiến triển tích cực

Vatican (Va-ti-căng), có diện tích 0,44 km2, là quốc gia nhỏ nhất thế giới, gồm thành phố Va-ti-căng, 23 địa điểm ở Rô-ma và 5 địa điểm ngoài Rô-ma. Dân số Khoảng 800 người trong đó hơn 450 người có quốc tịch Va-ti-căng, số còn lại được tạm trú hoặc thường trú; 50% người mang quốc tịch Va-ti-căng sống bên ngoài Va-ti-căng do đa số họ là các nhà ngoại giao. Ngoài ra còn có khoảng 2880 người làm việc cho 64 tổ chức của Tòa thánh.

Nói đến Va-ti-căng cần phân biệt hai khái niệm “Tòa thánh” (the Holy See) và “Thành quốc Va-ti-căng” (Vatican City State): Tòa thánh dùng để chỉ tổ chức cao nhất của Giáo hội Công giáo La Mã toàn cầu, là chủ thể của luật pháp quốc tế, có địa vị như một quốc gia, có quyền gửi đại diện và tiếp nhận đại diện ngoại giao các nước trong khi Thành quốc Va-ti-căng là vùng lãnh thổ cụ thể của Tòa thánh, có dân số ít (thường dưới 1000 người) và có những dịch vụ cơ bản như ngân hàng, báo chí, ga xe điện, trạm xăng, bệnh viện, bưu chính...

Đứng đầu Tòa thánh là Giáo hoàng trị vì trọn đời và có quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp tối cao đối với Tòa thánh và Giáo hội Công giáo La Mã toàn cầu. Giáo hoàng cũng là giám mục giáo phận Rô-ma. Khi Giáo hoàng tại vị qua đời, một Hội đồng Hồng y toàn cầu gồm khoảng 120 thành viên dưới 80 tuổi sẽ nhóm họp tại Va-ti-căng để bầu ra Giáo hoàng trong số này. Năm 2013, Giáo hoàng Bê-nê-đích XVI là Giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử Giáo hội Công giáo tuyên bố từ chức vì tuổi già sau 08 năm tại vị. Giáo hoàng hiện nay mang tước hiệu Phờ-ran-xít (Francis) được bầu ngày 13/3/2013 thay Giáo hoàng Bê-nê-đích XVI.

Ngày 19/3/2022, Giáo hoàng Francis đã ký ban hành Tông hiến Preadicate Evangelium (tương đương Hiến pháp) thay thế Tông hiến Pastour Bonus. Đây là văn bản pháp lý quan trọng nhất của Va-ti-căng, quy định về việc cải cách bộ máy của Va-ti-căng.

Cơ cấu tổ chức của Tòa thánh gồm: (i) Phủ Quốc vụ khanh (Nội vụ, Ngoại giao và Nhân sự ngoại giao). Người đứng đầu là Hồng y Parolin do Giáo hoàng bổ nhiệm - chức vụ như Thủ tướng các nước, vai trò quan trọng thứ hai sau Giáo hoàng. Phủ Quốc vụ khanh là cơ quan duy nhất của Giáo triều nằm trong thành phố Va-ti-căng, các cơ quan còn lại của Giáo triều nằm rải rác ở Rô-ma; (ii) 16 Bộ và (iii) Cơ quan Tư pháp.

Về an ninh và quân đội, từ năm 1506, Tòa thánh có bộ phận lính gác Thụy Sỹ có trách nhiệm bảo vệ an ninh cá nhân của Giáo hoàng. Tuy nhiên, trên thực tế, bộ phận lính gác này chỉ mang tính nghi lễ và việc giữ gìn an ninh của Tòa thánh được giao cho bộ phận lính gác dân sự. Tòa thánh không có quân đội, việc phòng vệ Tòa thánh do I-ta-li-a đảm nhiệm. 

Phụ trách kinh tế của Tòa thánh là Quốc vụ viện Kinh tế, được Giáo hoàng lập năm 2014. Ngoài ra còn có Cục Tài sản Tòa thánh (Administration of the Patrimony of the Apostolic See) thuộc Giáo triều quản lý tất cả tài sản của Tòa thánh kể cả bất động sản.

Khác với các quốc gia thông thường, Tòa thánh có nền kinh tế khá đặc thù với 3 nguồn thu chính: (i) ngân hàng Va-ti-căng quản lý mọi hoạt động tài chính, dùng đồng euro và đồng xu riêng; (ii) khoản thu St. Peter’s Penance là đóng góp tự nguyện của du khách thăm quảng trường Thánh Peter; (iii) các khoản đầu tư của Va-ti-căngở các ngân hàng, tổ chức tài chính toàn cầu. Các khoản thu này dùng để chi cho hoạt động của Giáo triều, các cơ quan đại diện ngoại giao của Tòa thánh và các ấn phẩm báo chí. Thành phố Va-ti-căngcó ngân sách riêng thu từ việc bán tem thư, đồng xu, đồ lưu niệm, vé vào bảo tàng và in sách. Ngoài ra, hàng năm có các cuộc quyên góp ở các giáo phận trực tiếp cho vào quỹ Peter’s Pence để Giáo hoàng dùng làm từ thiện, cứu trợ nhân đạo và trợ giúp Giáo hội các nước đang phát triển.

Một điểm đặc biệt là Va-ti-căng không áp bất kỳ khoản thuế nào đối với mọi hoạt động liên quan đến kinh tế trong phạm vi thành phố Va-ti-căng. Nhân viên của Va-ti-căng không phải nộp thuế thu nhập cá nhân cũng như thuế xăng dầu hay hàng hóa mua tại Va-ti-căng.

Về cải cách trong điều hành kinh tế, triển khai Tông hiến Preadicate Evangelium, từ tháng 7/2022, Ngân hàng Va-ti-căng điều hành tất cả hoạt động về quản trị tài sản và ký thác động sản của Tòa thánh; từ tháng 12/2022, hoạt động quản lý, sử dụng ngân quỹ của các cơ quan hành chính Tòa thánh phải chịu sự giám sát của Bộ Kinh tế và Văn phòng Tổng kiểm toán.

Thành phố Va-ti-căng, thủ đô của Tòa thánh là nơi lưu giữ các công trình kiến trúc, mỹ thuật có giá trị nghệ thuật và lịch sử của nhân loại. Quảng trường và Thánh đường thánh Phê-rô, nhà nguyện Sít-xơ-tin là nơi trưng bày những tác phẩm điêu khắc, hội họa của các bậc thầy kiến trúc lừng danh như Bốt-ti-xeo-li, Bê-ni-ni và Michelangelo. Thư viện Va-ti-căng và những bộ sưu tập của viện bảo tàng Va-ti-căng có tầm quan trọng rất lớn về lịch sử, khoa học và văn hóa. Va-ti-căng cũng là một trong những điểm đến thu hút du khách hàng đầu trên thế giới. Năm 1984, Va-ti-căng trở thành quốc gia đầu tiên và duy nhất đến nay được UNESCO công nhận toàn bộ lãnh thổ là Di sản Văn hóa thế giới.

Cơ quan đối ngoại của Tòa thánh là Bộ Quan hệ với các Nhà nước (Bộ Ngoại giao) thuộc Phủ Quốc vụ khanh, có nhiệm vụ thúc đẩy quan hệ ngoại giao với các nước và các chủ thể của công pháp quốc tế; đại diện cho Tòa thánh tại các tổ chức và hội nghị quốc tế; phụ trách các việc liên quan đến Đặc phái viên Giáo hoàng, cơ cấu tổ chức các Giáo hội cụ thể; làm việc với các chính quyền dân sự liên quan đến thi hành Thỏa ước. Tòa thánh có quan hệ ngoại giao với 183 nước, có hơn 100 cơ quan đại diện thường trú trên toàn cầu và tham gia nhiều tổ chức, liên minh, diễn đàn quốc tế và khu vực, trong đó có 33 cơ quan đại diện tại các tổ chức quốc tế và 10 cơ quan, tổ chức khu vực với tư cách thành viên chính thức. Tại Liên hiệp quốc, Tòa thánh hưởng quy chế quan sát viên thường trực từ năm 1964. Cơ quan đại diện của Tòa thánh thường được tổ chức gọn nhẹ, 2 người, kiêm nhiệm nhiều nước.

Quan hệ giữa Tòa thánh và các nước có 3 hình thức phổ biến là Sứ thần (Apostolic Nuncio, gồm thường trú và kiêm nhiệm, là quan hệ đầy đủ nhất giữa Tòa thánh với một nước trên cả hai mặt ngoại giao và tôn giáo); Khâm sứ (Apostolic Delegate, gồm thường trú và không thường trú, mức thấp hơn Sứ thần do chỉ quan hệ về mặt tôn giáo); Phái viên của Giáo hoàng (legate, thay mặt Giáo hoàng đến một nước hoặc Giáo hội địa phương giải quyết vấn đề nhất định thường là các sự kiện hay lễ kỷ niệm đặc biệt của Công giáo).

Quan hệ giữa Việt Nam và Vatican, thời gian qua có rất nhiều tiến triển tích cực. Lãnh đạo hai bên gần đây đã có các cuộc thăm lẫn nhau. Về phía Việt Nam thăm Vatican có: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (1/2013); Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (12/2009); Chủ tịch nước Trần Đại Quang (11/2016); Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (1/2007 và 10/2014); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (3/2014); Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình (10/2018). Về phía Tòa thánh thăm Việt Nam có: Bộ trưởng Truyền giáo - Hồng y Fernado Filoni (1/2015); Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, thành viên Tổ tư vấn của Giáo hoàng - Hồng y Reinhard Marx (1/2016).

Tháng 1/2007, nhân chuyến thăm Italia, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã gặp Giáo hoàng Benedict XVI và Quốc vụ khanh Tarcisio Bertone. Đây là tiếp xúc cấp cao đầu tiên giữa hai bên.

Tháng 6/2009, tại cuộc tiếp các giám mục Việt Nam nhân dịp Ad Limina tại Rome, Giáo hoàng đã có Huấn dụ kêu gọi “giáo dân phải là công dân tốt”, giáo dân phải có nghĩa vụ đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước và nhắc nhở Giáo hội Công giáo Việt Nam thực hiện đường lối “Phúc âm giữa lòng dân tộc” tại Thư chung năm 1980.

Tháng 11/2008, hai bên nhất trí lập Nhóm Công tác hỗn hợp về quan hệ Việt Nam - Vatican, họp thường niên và luân phiên ở Việt Nam và Vatican. Đến nay, hai bên đã tổ chức 10 vòng họp.

Tại cuộc họp vòng X Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam - Tòa thánh Vatican, do Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng và Thứ trưởng Ngoại giao Tòa thánh, Đức ông Miroslaw Wachowski đồng chủ trì ngày 31/3, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân; chính quyền các cấp luôn quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các tôn giáo, trong đó có Công giáo.

Thứ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Miroslaw Wachowski khẳng định, Tòa thánh luôn mong muốn Giáo hội Công giáo Việt Nam hoạt động theo pháp luật Việt Nam và đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước theo tinh thần các Giáo huấn của Giáo hội “sống phúc âm giữa lòng dân tộc”, “giáo dân tốt phải là công dân tốt”.

Quan hệ giữa Việt Nam - Tòa thánh Vatican đang trên đà phát triển tốt đẹp. Quan hệ giữa Tòa thánh Vatican, Giáo hội Công giáo Việt Nam với chính quyền các cấp hiện nay diễn ra trên tinh thần hiểu biết, đối thoại và tôn trọng lẫn nhau.

Chúng ta tin tưởng, chuyến thăm chính thức Cộng hòa Áo, thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Italia và thăm Tòa thánh Vatican lần này của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng  và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ  tạo nên những bứt phá trong phát triển quan hệ giữa Việt Nam và các đối tác châu Âu. Chuyến công tác của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng không chỉ là bước triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII về độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; mà còn là cơ hội quan trọng để Việt Nam đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa hợp tác song phương với Áo, Italia và Vatican./.

Minh Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực