Lời thức tỉnh muộn màng!

Thứ năm, 17/08/2023 17:18
(ĐCSVN) – Mỗi ngày trôi qua, những thông tin cập nhật về thiệt hại của thảm họa cháy ở Hawaii (Mỹ) lại khiến chúng ta bàng hoàng. Việc xuất hiện thông tin về hỏa hoạn ở một nơi nào đó trên thế giới không còn xa lạ. Thế nhưng, những hình ảnh chẳng khác nào “ngày tận thế” ở Hawaii đã gióng lên hồi chuông thức tỉnh về cách mà chúng ta hành động trong chống biến đổi khí hậu.

Thảm họa tàn khốc nhấn chìm Hawaii trong biển lửa

Video: aljazeera 

Ba đám cháy bùng lên và càn quét thị trấn du lịch nổi tiếng Lahaina cùng một số khu vực khác trên đảo Maui từ ngày 8/8 đã san bằng và thiêu rụi gần như mọi thứ trên đường mà ngọn lửa quét qua. Những con phố nhộn nhịp và những bãi biển đẹp như tranh vẽ bỗng chốc bị hóa thành tro bụi, tất cả tạo nên một cảnh tượng được ví như "hỏa ngục" tại nơi vốn được coi là chốn thiên đường nghỉ dưỡng đối với nhiều người.

Trước tình hình này, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố "tình trạng thảm họa" đối với khu vực và gọi đây là "thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất lịch sử" khi số người thiệt mạng và thiệt hại ước tính đã vượt xa thảm họa sóng thần tại Hawaii vào năm 1961.

Một tuần sau khi các đám cháy rừng tàn phá những khu dân cư trên đảo Maui, công tác tìm kiếm người mất tích vẫn đang diễn ra đồng thời với nỗ lực phục hồi sau thảm họa. Tính đến tối 16/8, đã có ít nhất 110 người được xác nhận là thiệt mạng trong vụ cháy rừng chết chóc nhất trong hơn một thế kỷ qua tại Mỹ. Tuy nhiên, đây chưa phải thống kê cuối cùng, con số sẽ còn tăng cao do đội tìm kiếm mới chỉ rà soát 1/3 vùng thảm họa.

Giới thức địa phương cho biết, hơn 2.200 tòa nhà đã bị thiệt hại hoặc phá hủy hoàn toàn trong vụ cháy, trong đó 86% là nhà ở. Thiệt hại do cháy rừng được ước tính lên đến 5,5 tỉ USD. Đám cháy tại thị trấn du lịch Lahaina, nơi bị thiệt hại nặng nề nhất, đã được kiểm soát 85% trong khi một đám cháy khác trên đảo mới chỉ được kiểm soát 60%.

Cháy rừng không phải là mới ở Hawaii. Mặc dù nhiều người thường nghĩ quần đảo Thái Bình Dương là nơi có thảm thực vật nhiệt đới tươi tốt, nhưng mỗi hòn đảo đều có phía khuất gió khô hơn và được che chở khỏi gió — đây cũng là nơi  có xu hướng tập trung các hoạt động du lịch vì thời tiết nắng. Trong tiếng Hawaii, “Lahaina” có nghĩa là “mặt trời tàn khốc”. Thời tiết trên thị trấn du lịch đẹp tựa tranh vẽ trên đảo Maui luôn khô và nóng.

Hơn nữa, các vụ hỏa hoạn ở Hawaii đang trở nên tồi tệ hơn và thường xuyên hơn. Nhà khí hậu học Abby Frazier tại Đại học Clark ở Worcester, Massachusetts (Mỹ) lưu ý: “Chúng tôi đã chứng kiến sự gia tăng khá ổn định và trong vài thập kỷ qua, diện tích bị cháy ở Hawaii tăng theo cấp số nhân mỗi năm”.

Một báo cáo năm 2021 của quận Maui cũng cảnh báo rằng “số lượng sự cố do cháy rừng dường như đang gia tăng và thực tế này gây ra mối đe dọa ngày càng lớn đối với người dân, tài sản và các địa điểm du lịch”.

Biến đổi khí hậu đã tiếp thêm sức mạnh hủy diệt cho thảm họa?

 Cháy rừng ở bờ biển phía tây đảo Maui của Hawaii hôm 8/8 kết hợp với gió lớn từ một cơn bão gần đó đã làm ngọn lửa lan khắp các khu vực và "nhấn chìm" thị trấn ven biển Lahaina trong hỏa hoạn (Ảnh: AP).

Ba thành phần chính gây ra cháy rừng là nhiên liệu, độ khô và nguồn phát lửa. Nhiên liệu chính của Hawaii là cỏ. Loại cỏ này mọc nhiều ở các khu vực nông nghiệp trước đây khi nền kinh tế chuyển từ chăn nuôi gia súc, trồng mía và dứa sang du lịch. Khi cỏ khô cháy, chúng có thể khiến lửa lan sang các khu vực có rừng. Và theo chu kỳ tồn tại, những khu vực có rừng lại thường có xu hướng trở thành đồng cỏ sau đám cháy.

Theo đánh giá của ông Frazier thì điều kiện khô hạn gây ra cháy rừng là do hạn hán “kéo dài và ngày càng nghiêm trọng hơn” trên khắp Hawaii. Nhiệt độ tăng lên do biến đổi khí hậu khiến thảm thực vật bị khô đi nhanh hơn.

Trong khi đó, cũng có nhà khoa học cho rằng, nhiệt độ toàn cầu tăng cao và hạn hán đã làm tăng thêm sức hủy diệt cho thảm họa cháy ở Hawaii và biến nó trở thành một thảm họa nguy hiểm nhất trong lịch sử nước Mỹ hiện đại. Biến đổi khí hậu không chỉ làm tăng nguy cơ hỏa hoạn bằng cách tăng nhiệt độ mà còn khiến các cơn bão mạnh hơn có nhiều khả năng xảy ra hơn. Trong khi những cơn bão đó có thể là nguyên nhân gây ra gió mạnh để khiến cháy trở nên dữ dội hơn như những gì diễn ra ở Maui.

Bà Katharine Hayhoe, nhà khoa học trưởng của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên nhận định, sự nóng lên toàn cầu đang khiến thảm thực vật khô kiệt và trở thành tác nhân gây cháy.  “Biến đổi khí hậu thường không gây ra hỏa hoạn, nhưng lại là yếu tố khiến các đám cháy trở nên mạnh hơn, tăng diện tích đốt cháy và khiến chúng nguy hiểm hơn” – bà Hayhoe nói.

Thực tế cho thấy, các đám cháy rừng ở Hawaii đang thiêu rụi diện tích gấp bốn lần so với những thập kỷ trước, một phần do sự gia tăng của các loại cỏ không bản địa dễ cháy hơn vốn chiếm 26% diện tích bang này và tình trạng tăng nhiệt toàn cầu. Tình trạng biến đổi khí hậu đang làm tăng khả năng xảy ra những đợt hạn hán chớp nhoáng cùng các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt khác như ở Maui.

Bà Kelsey Copes-Gerbitz, một nhà nghiên cứu tại khoa lâm nghiệp của Đại học British Columbia, cho biết: “Điều này dẫn đến những sự kết hợp không thể đoán trước hoặc không lường trước được mà chúng ta đang thấy hiện nay và nó cũng đang thúc đẩy thời tiết nóng tới mức khắc nghiệt… Những thảm họa cháy rừng thảm khốc này cũng là minh chứng cho thấy không nơi nào miễn nhiễm với hiện tượng này”.

Theo số liệu từ Cơ quan giám sát hạn hán Mỹ, gần 1/5 Maui đang trong tình trạng hạn hán đáng báo động. Trong những năm gần đây, hòn đảo này đã trải qua các vụ hỏa hoạn nghiêm trọng, với các vụ cháy vào năm 2018 và 2021 đã thiêu rụi hàng trăm ngôi nhà, khiến hàng nghìn cư dân và khách du lịch phải sơ tán.

Nhà khoa học khí hậu Erica Fleishman tại Đại học bang Oregon nói với CNN rằng: “Chúng tôi có thể nói rằng đã có những điều kiện phù hợp với cháy rừng, quy mô và sự mở rộng của cháy rừng đang thay đổi khi khí hậu thay đổi… Và những gì chúng ta đang chứng kiến là vụ cháy rừng ở Maui phù hợp với một số xu hướng được biết đến và những dự báo về biến đổi khí hậu”.

Lời thức tỉnh muộn màng

 Sự kết hợp của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu là nguyên nhân khiến nắng nóng liên tiếp thiết lập các kỷ lục mới. Ảnh: The Star 

Biến đổi khí hậu phản ánh sự thay đổi dài hạn về nhiệt độ và các hiện tượng thời tiết. Những thay đổi này là tự nhiên. Tuy nhiên, kể từ những năm 1800, tác động của con người là nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu, chủ yếu do đốt nhiên liệu hóa thạch (như than, dầu và khí đốt) tạo ra khí giữ nhiệt. Điều này dẫn đến hiện tượng nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu. Hay nói cách khác, thế giới đang nóng lên nhanh hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong lịch sử được ghi lại.

Theo Thỏa thuận khí hậu Paris 2015, các quốc gia đã đạt đồng thuận nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức "thấp hơn" 2 độ C so với mức trung bình đo được trong giai đoạn từ năm 1850 - 1900, và tiến tới ngưỡng 1,5 độ C nếu có thể. Trong năm 2022, nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn 1,15 độ C so với mức trung bình của giai đoạn những năm 1850 -1900. Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC) cảnh báo, với xu hướng diễn biến như hiện nay, trái đất sẽ nóng lên 2,8 độ C vào cuối thế kỷ này.

Phân tích của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Mỹ mới đây cho thấy, có tới 50% khả năng năm 2023 là năm nóng nhất từng được ghi nhận trong lịch sử thế giới. Kết quả này cũng phù hợp với dự báo trước đó của Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu, cho thấy tháng 7 năm nay là tháng nóng nhất từng được ghi nhận trên Trái đất, với nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu cao hơn mức trung bình 1,12°C.

Nhiệt độ tăng vọt ở các đại dương trên thế giới và sự xuất hiện của điều kiện thời tiết El Nino ở Thái Bình Dương có nghĩa năm 2023 có thể trở thành năm nóng nhất trong lịch sử. Giới nghiên cứu nhận định, hành tinh đang tiến tới ngưỡng nhiệt chưa từng thấy. Trong khi đó, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) quan ngại, năm 2024 có thể còn nóng hơn. Các chuyên gia cho biết, EL Nino sẽ tác động mạnh nhất trong năm 2024, do đó nhiệt độ có thể cao hơn cả năm nay.

Trước thực tế đáng báo động đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi gấp rút hành động chống biến đổi khí hậu, đồng thời nhấn mạnh rằng nhiệt độ kỷ lục trong tháng 7 này cho thấy trái đất đã chuyển từ giai đoạn ấm lên sang "kỷ nguyên nung nóng toàn cầu". Biến đổi khí hậu đang hiện hữu, gây tác động nghiêm trọng và đây mới chỉ là điểm khởi đầu: "Kỷ nguyên toàn cầu ấm lên đã kết thúc, trái đất đang bước vào kỷ nguyên sôi sục" – ông Guterres nói.

Các tác động cực đoan của biến đổi khí hậu phù hợp với dự báo và hàng loạt cảnh báo của giới khoa học. Tuy nhiên, tốc độ của hiện tượng này đang diễn ra "đáng kinh ngạc". Trước thực tế đáng báo động đó, Tổng thư ký Guterres đã nhắc lại lời kêu gọi nhanh chóng hành động sâu rộng, đặc biệt là hạn chế tối đa việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ XXI vì vấn đề này đang ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt đời sống của con người. Những thảm họa tàn khốc xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, mà điển hình là thảm họa cháy ở Hawaii là “một phần câu trả lời” của thiên nhiên trước sự hành động chậm trễ của con người. Trong khi chúng ta vẫn còn “do dự” và "nghe ngóng" trong hành động, thì lửa vẫn cháy ở Hawaii, còn nguy cơ tái diễn thảm họa ở nhiều khu vực khác trên thế giới vẫn đang hiện hữu./.

T.Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực