Đúng ngày này 67 năm trước, ngày 27/02/1955, Bác Hồ kính yêu gửi thư cho Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc. Trong thư, Bác căn dặn “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, chăm sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. Lương y phải như từ mẫu; xây dựng một nền y học của nước ta dựa trên nguyên tắc khoa học, dân tộc và đại chúng; chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc “đông” và thuốc “tây”". Từ đó, ngày 27/02 trở thành Ngày Thầy thuốc Việt Nam, là dịp để cán bộ, nhân viên y tế ghi nhớ và thực hiện lời Bác dạy, để Nhân dân ta thể hiện sự tôn trọng, tôn vinh và cảm ơn các thầy thuốc.
Ngần thời gian ấy, lời dạy của Bác đã trở thành nguyên tắc cơ bản chỉ đạo mọi hoạt động của ngành y tế, là mục tiêu để mỗi cán bộ, nhân viên y tế rèn luyện phấn đấu. Học tập và làm theo lời dạy của Bác Hồ, đội ngũ y bác sĩ, những người làm trong ngành Y đã luôn tận lực cố gắng, cống hiến hết mình chăm sóc và điều trị cho người bệnh.
Có thể nói, bao trùm lên tất cả hoạt động của ngành Y trong hơn 2 năm qua là công tác phòng chống dịch COVID-19. Cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19 chưa có trong tiền lệ, tạo ra thách thức chưa từng có đối với hệ thống y tế. Thậm chí, có đôi lúc tưởng chừng khó vượt qua. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các cấp chính quyền và phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành, sự quyết tâm cao và nỗ lực lớn của mọi tầng lớp người dân, ngành y tế đã trụ vững, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách.
|
Y, bác sĩ đã bất chấp nguy hiểm đương đầu với đại dịch cứu người bệnh (Ảnh: TL) |
Trong cuộc chiến chống dịch, với ngành y tế, trên hết là tinh thần khắc phục mọi thử thách mà họ chưa từng gặp.Chúng ta đang ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả hơn, cùng với cả nước chuyển sang giai đoạn mới “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ.
Trong phòng chống dịch, nhiều giải pháp chuyên môn chưa có trong tiền lệ như: giám sát, xét nghiệm, cách ly, phân tầng điều trị, thiết lập các trung tâm hồi sức, các trạm y tế lưu động, điều trị tại nhà… đã được triển khai kịp thời, phù hợp, hiệu quả, thích ứng với từng giai đoạn.Ngành y tế các cấp đã luôn bám sát thực tế diễn biến dịch bệnh, chủ động, linh hoạt trong tham mưu, đề xuất và triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch.
Có lẽ, một trong những điều mà ngành y tế đã từng chịu áp lực rất lớn, đó là làm sao triển khai chiến dịch tiêm chủng COVID-19 an toàn, hiệu quả. Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 lớn nhất trong lịch sử đã được triển khai thành công, từ nước tiếp cận vắc xin chậm nhưng tốc độ và tỷ lệ bao phủ tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 của chúng ta hiện nay thuộc những nước hàng đầu trên thế giới, và đã về đích sớm hơn so với mục tiêu khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Không chỉ mang ý nghĩa về sức khỏe cộng đồng, vắc xin là điều kiện quan trọng để chúng ta thực hiện thích ứng an toàn theo Nghị quyết 128 của Chính phủ và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Bây giờ, khi chúng ta đã bao phủ vắc xin với tỷ lệ gần như 100% người từ 18 tuổi tiêm đủ liều cơ bản, nhìn lại những ngày đầu chuẩn bị thực sự không tránh khỏi những lo lắng, căng thẳng. Bởi số lượng lớn vắc xin đòi hỏi phải tổ chức rất chặt chẽ, từ tiếp nhận, phân bổ, vận chuyển và triển khai đến cả trăm ngàn điểm tiêm trên cả nước với yêu cầu ngặt nghèo về chuyên môn.
Cùng với chiến dịch tiêm chủng vẫn đang thần tốc trên cả nước, nhiều người vẫn nhớ về hình ảnh lực lượng tham gia chống dịch trong những điều kiện vô cùng khắc nghiệt …
Trong đợt dịch thứ 4 với mốc thời gian mà hẳn nhiều người vẫn nhớ, đó là ngày 27/4/2021. Với yêu cầu đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết, cùng với cả hệ thống chính trị và các tầng lớp người dân, ngành y tế đã huy động tổng lực, chưa từng có từ trước đến nay với nỗ lực, quyết tâm cao nhất cho công tác phòng chống dịch.
Chỉ tính đợt dịch thứ 4, ngành y tế đã huy động một lực lượng lớn nhất với hơn 25.000 giáo sư, y bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế và sinh viên các trường y dược tham gia phòng chống dịch. Nhiều người hiện nay vẫn đang tiếp tục trực chiến tại các địa phương ở khu vực miền Nam. Hầu hết các nhân viên y tế tại các địa phương có dịch vẫn đang miệt mài làm việc, đã có gần 3.000 cán bộ y tế bị nhiễm COVID-19 và hơn 10 trường hợp đã mất do mắc COVID-19 trong quá trình làm nhiệm vụ…
Để nhân viên y tế yên tâm gắn bó với công việc mà họ lựa chọn, Bộ Y tế đã và đang đề xuất một số chế độ, chính sách cho lực lượng y tế dự phòng, nhân viên y tế thôn bản, y tế cơ sở... như: nâng mức phụ cấp ưu đãi theo nghề từ 40 - 70% lên 100% áp dụng đối với viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng; làm chuyên môn y tế tại trạm y tế tuyến xã, phường, nhà hộ sinh. Khi nhân lực, năng lực của y tế gần dân nhất được củng cố mạnh lên, thúc đẩy chất lượng dịch vụ, và chính người dân được thụ hưởng.
|
Các bác sĩ Bệnh viện E lên đường hỗ trợ Tây Ninh phòng chống dịch (Ảnh: ĐT) |
Phải khẳng định rằng, trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, sự đóng góp của đội ngũ cán bộ y tế nói chung, đội ngũ cán bộ khoa học y tế nói riêng là không thể đong đếm được. Trong cuộc chiến không tiếng súng này, nhân viên y tế đã chấp nhận những ảnh hưởng bởi dịch bệnh, phải rời xa gia đình đi chống dịch trong thời gian dài, nhiều cặp vợ chồng đã hoãn cưới, nhiều nhân viên y tế không thể về chịu tang khi cha mẹ, người thân qua đời, nhiều nhân viên y tế đã nhiễm COVID-19 trong quá trình làm nhiệm vụ để tận tình, chu đáo chăm sóc người bệnh.
Thực tế của cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19 ở nước ta cho thấy, các thầy thuốc ở tâm dịch đã vượt lên mọi gian khổ, sẵn sàng đón nhận rủi ro về phía mình, cống hiến hết mình, phát huy sáng tạo, đoàn kết hiệp lực để chiến thắng dịch bệnh. Hàng nghìn cán bộ y bác sĩ, nhân viên y tế đã bị nhiễm COVID-19, có người đã vĩnh viễn ra đi khi vẫn đang tràn đầy hoài bão và cháy bỏng khát vọng cống hiến...
Có những y bác sĩ đã về hưu vẫn tình nguyện tham gia chống dịch. Có những y, bác sĩ chưa kịp lên đường nghe tin người thân đau yếu, nhưng sau khi chăm sóc cho người thân ổn định đã đề nghị được thực hiện nhiệm vụ. Có những người phải trải qua nỗi đau mất người thân mà không thể về chịu tang…
Cả lý trí và tình cảm của họ đều thôi thúc rằng người thầy thuốc phải luôn có mặt tại điểm nóng dịch bệnh. Đó không chỉ là nghĩa vụ với nghề, mà còn là trách nhiệm công dân khi Tổ quốc cần, là nghĩa đồng bào cao cả.
Cảm phục trước những hy sinh lớn lao của các nhân viên y tế, người đứng đầu ngành y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã từng bày tỏ: “Chúng tôi tự hào vì lực lượng y tế và các lực lượng tuyến đầu rất quả cảm. Mặc dù biết nơi đến đầy rủi ro, thử thách và có thể có những nguy hiểm đến với bản thân nhưng nhiều người vẫn tình nguyện lên đường”.
Suốt 2 năm căng mình chống dịch COVID-19 không thước đo nào có thể đong đếm hết sự hy sinh vất vả của nhân viên y tế khi phải gồng mình vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Y bác sĩ luôn là cứu tinh trong những tình huống đau thương nhất của cuộc đua giành lại sự sống cho cộng đồng với tâm thế không ai bị bỏ lại phía sau. Họ đã gác lại cuộc sống riêng tư, hạnh phúc gia đình, quên đi nỗi sợ hãi, bất chấp nguy hiểm để người dân có cuộc sống yên bình.
Tinh thông y thuật, tận tụy cứu người…, chiếc áo blouse trắng đã trở thành hình tượng cao đẹp khi chúng ta nghĩ về những người bác sỹ và các nhân viên y tế. Cao hơn cả các kiến thức học thuật, nhiều người trong số họ còn là tấm gương về sự hy sinh lặng thầm và bền bỉ, là minh chứng của của sự xả thân và tình yêu thương, vượt qua mọi lực cản để cứu chữa bệnh nhân, mang đến sự sống và chất lượng sống cho những người tưởng chừng như đã tuyệt vọng vì bệnh tật…
Nhân dịp kỷ niệm 67 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2022) xin gửi lời tri ân tới toàn thể các thầy thuốc, các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế và người thân gia đình với những đóng góp tận tâm, tận lực, không quản gian lao, vất vả để hoàn thành tốt sứ mệnh cao cả “lương y như từ mẫu”. Mong rằng mỗi cán bộ, nhân viên y tế sẽ luôn là tấm gương sáng về sự nỗ lực, hy sinh, hoàn thiện về chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp để giúp người dân gìn giữ, nâng cao sức khỏe và để lại hình ảnh ấm áp nhất. Màu áo blouse trắng sẽ mãi là điểm tựa cho người dân ở mọi thời điểm./.