Ảnh minh họa. (Nguồn: baotintuc.vn)
Sẽ có nhiều đáp án cho câu hỏi đặt ra, vì trẻ em là mối quan tâm hàng đầu của mỗi gia đình, nhà trường và xã hội. Đáp án nào phù hợp nhất cũng không dễ xác định. Hình như hầu hết các bậc cha mẹ lâu nay đều nghĩ rằng đã dành những gì tốt nhất cho con?
Chỉ nhìn riêng nhu cầu học tập của trẻ em hiện nay có thể thấy rằng, để con có thành tích tốt, ngoài học ở trường, nhiều cha mẹ không ngần ngại đầu tư tiền bạc cho con học thêm, không nề hà đưa đón nhọc nhằn. Các cháu được học thêm suốt cả hơn 10 năm phổ thông, được học chữ ngay từ mẫu giáo. Ngoài những môn học chính, nhiều gia đình cho con học thêm các môn khác như học đàn, học múa, học vẽ, học võ… để phát huy năng khiếu.
Khi các cháu có thành tích, đạt danh hiệu học sinh giỏi là bố mẹ thưởng (thưởng quà, thưởng tiền, cho đi du lịch), rồi dòng họ thưởng, cơ quan, doanh nghiệp bố mẹ thưởng… Thành tích được bố mẹ đưa lên Facebook thật hãnh diện, vui sướng.
Nhưng mấy ai nghĩ rằng chính sự quan tâm quá mức đó, kỳ vọng quá lớn vào trẻ và đòi hỏi trẻ phải đạt thành tích cao trong học tập lại tạo thêm cho trẻ những áp lực nặng nề. Hiện nay, stress không phải là căn bệnh của riêng người lớn với biết bao lo toan, mà nó còn là căn bệnh của trẻ em, thậm chí khi trẻ còn rất nhỏ.
Tâm lý của trẻ rất khó nắm bắt và điều trị nên trẻ em bị stress rất nguy hiểm. Một số chuyên gia cho rằng, khi stress nặng, trẻ có thể bị trầm cảm hoặc tự kỷ, trẻ ngại tiếp xúc, ngại giao tiếp vì bất cứ chuyện gì. Ngoài ra, trẻ có vẻ hiếu động, nói nhiều nhưng ít đúng mục đích; học sa sút; kém tập trung; có hành vi chống đối lại người khác như hỗn hào, trộm cắp; thiếu tự tin...
Để trẻ em sống đúng tuổi thần tiên, hồn nhiên, cha mẹ nói riêng, người lớn nói chung, hãy giảm áp lực học hành, giảm đòi hỏi về thành tích đối với trẻ, không bắt trẻ phải gánh những nghĩa vụ, bổn phận nhằm thỏa mãn kỳ vọng của cha mẹ, của người lớn.
Để trả lại tuổi thơ cho các em, trước hết là trách nhiệm của phụ huynh học sinh, sau đó là trách nhiệm của ngành Giáo dục. Ngành Giáo dục nên tham khảo chương trình giáo dục từ các nước tiên tiến, giảm tải chương trình học, đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy để đối với trẻ “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.
Một thực trạng đáng lo ngại khác là sự bình an, an toàn cho trẻ em từ môi trường gia đình, nhà trường đến xã hội. Thời gian qua, rất nhiều vụ xâm hại trẻ em diễn ra, thậm chí có những vụ án đau lòng, khiến trẻ em thiệt mạng.
Sự an toàn trong trường học ở không ít nơi cũng chưa được bảo đảm. Trẻ bị bạo hành, bị xâm hại tình dục mà thủ phạm lại là chính nhân viên, giáo viên trong trường; rồi trẻ bị chính bạn học hành hung, quay clip tung lên mạng. An toàn trong nhà trường còn đáng lo ngại ở công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, đã có những vụ nhập thực phẩm bẩn, thực phẩm không bảo đảm chất lượng vào nhà trường, đã có những vụ học sinh bị ngộ độc thực phẩm từ bếp ăn của nhà trường và thực phẩm bán ngoài cổng trường gây lo ngại cho phụ huynh.
Món quà dành cho con em chúng ta trong từng ngày chứ không chỉ trong dịp 1/6 chính là mỗi phụ huynh, mỗi thầy cô giáo hãy trò chuyện, vui chơi với con, với trò nhiều hơn, quan tâm đến con, đến trò nhiều hơn để kịp thời phát hiện những vấn đề các con đang gặp phải để cùng tháo gỡ; khích lệ nếu con, nếu trò có thành tích nhưng nên thể hiện cho các con hiểu rằng thành tích không phải là điều quan trọng nhất, điều quan trọng nhất là các con mạnh khỏe, bình an và vui vẻ, các con được sống đúng khả năng và sở thích của mình./.