Công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người được triển khai toàn diện
|
Hỗ trợ trang thiết bị cho học sinh học tập trong bối cảnh phòng đại dịch COVID-19. (Ảnh:Baolamdong.vn) |
Tôn trọng và bảo vệ nhân quyền là một chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam và điều này được thể hiện rõ trong bản Tuyên ngôn độc lập và trong Hiến pháp . Đảng và Nhà nước ta luôn xác định quyền con người là giá trị chung của nhân loại; bảo đảm và thúc đẩy quyền con người là nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững.
Để bảo đảm cho mọi người Việt Nam được thụ hưởng đầy đủ quyền con người, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Năm 2021, Việt Nam tiếp tục thông qua và sửa đổi nhiều Bộ luật quan trọng như Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi; xem xét thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự. Việc lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh qua các năm luôn đảm bảo nguyên tắc ưu tiên đưa vào Chương trình các dự án luật nhằm triển khai thi hành các quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Việt Nam không chỉ coi bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và tiếp cận thông tin là những nghĩa vụ theo các Điều ước quốc tế về quyền con người mà thực chất xuất phát từ chính lợi ích mang lại cho phát triển đất nước. Việt Nam còn được ghi nhận là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng và sử dụng Internet cao trên thế giới. Các nền tảng số, mạng xã hội tạo nên những kênh, giao diện kết nối quan trọng để người dân tiếp cận thông tin, trao đổi và bày tỏ quan điểm của mình. Tính tới tháng 12/2021, hơn 70% dân số Việt Nam sử dụng internet, có đến 72 triệu người dùng mạng xã hội, chỉ trong 1 năm qua đã tăng 7 triệu người dùng. Hiện có 76 triệu tài khoản Facebook tại Việt Nam.
Ngày 30/8/2021, Chủ tịch nước đã ký Quyết định đặc xá tha tù trước thời hạn cho 3.035 người. Đây là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, vừa nghiêm minh trong xét xử người phạm tội, đồng thời khoan hồng, nhân đạo đối với những phạm nhân có quá trình cải tạo, lao động, học tập tốt, trở về với cộng đồng hướng thiện, rèn luyện tiến bộ để trở lại làm người có ích cho xã hội. Bên cạnh đó, việc xem xét đặc xá cho những trường hợp quốc tịch nước ngoài được thực hiện trên cơ sở công bằng, minh bạch cũng giúp cộng đồng quốc tế nhận thức rõ hơn về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, góp phần tăng cường quan hệ song phương với các nước có công dân được đặc xá.
Trong năm 2020 và 7 tháng đầu năm 2021, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm bảo đảm ổn định cuộc sống tối thiểu cho người dân, đặc biệt là người nghèo. Gói an sinh xã hội lần thứ nhất đã được triển khai có quy mô 62.000 tỷ đồng và gói an sinh xã hội lần thứ hai với tổng trị giá 26.000 tỷ đồng là nền tảng để bảo vệ các quyền con người, đồng thời cho thấy nỗ lực và quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc thực hiện nghĩa vụ bảo vệ, bảo đảm, thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí Việt Nam chủ động phản biện, đóng góp ý kiến về các dự thảo luật, các chính sách của Chính phủ, các kế hoạch, chiến lược, dự án lớn. Chính phủ thường xuyên lắng nghe các ý kiến phản biện xây dựng, xác đáng, điều chỉnh các chính sách, biện pháp phù hợp với tình hình thực tế đất nước, điển hình là trong công tác phòng chống dịch COVID-19, giải quyết các bất cập trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Chính phủ Việt Nam cũng rất nỗ lực triển khai Chính phủ điện tử, gia tăng sử dụng mạng xã hội làm kênh cung cấp thông tin, tiếp xúc/giao tiếp với người dân. Trang facebook “Thông tin Chính phủ” thường xuyên cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ, tình hình cập nhật xã hội, được người dân hưởng ứng với gần 2,6 triệu lượt thích, gần 3 triệu người theo dõi, thể hiện sự quan tâm rất lớn của người dân đối với nguồn thông tin chính thống của Chính phủ.
Bên cạnh công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trong nước, trong năm 2021, công tác đối ngoại về quyền con người qua các khuôn khổ song phương cũng được triển khai hiệu quả. Việt Nam đã tổ chức thành công Đối thoại thường niên về quyền con người với Mỹ (tại Washington D.C) và Australia (theo hình thức trực tuyến), cung cấp thông tin về các nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, giải đáp các quan tâm, qua đó tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thu hẹp khác biệt, tìm kiếm cơ hội hợp tác và góp phần thúc đẩy quan hệ song phương với các đối tác.
Việt Nam duy trì trao đổi với các đối tác khác như EU, nhóm G4 (Canada, Thụy Sỹ, Na Uy, New Zealand) và tiến hành tham vấn nhằm tăng cường quan hệ và hợp tác với các nước bạn bè truyền thống như Nga, Trung Quốc. Qua các trao đổi, chúng ta tìm kiếm thêm cơ hội hợp tác, đồng thời chia sẻ, cung cấp thông tin về các vấn đề cùng quan tâm, qua đó tăng cường thêm quan hệ song phương. Tại các trao đổi song phương ở các cấp khác nhau, chúng ta cũng tích cực lồng ghép vận động các nước ủng hộ ứng cử của Việt Nam làm thành viên HĐNQ LHQ nhiệm kỳ 2023 – 2025.Việc nhiều nước khẳng định ủng hộ ứng cử của Việt Nam tiếp tục cho thấy uy tín và vị thế của đất nước tăng cao.
Việt Nam đề cao công tác đối ngoại về quyền con người tại các diễn đàn đa phương
|
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tham dự và phát biểu tại Hội nghị cấp cao trong khuôn khổ Khóa 46 Hội đồng Nhân quyền tháng 2.2021. Ảnh: Bộ Ngoại giao |
Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước tích cực, chủ động tham gia vào hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người do Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác ban hành. Tính đến năm 2021, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước cơ bản của Liên hợp quốc về quyền con người; phê chuẩn, gia nhập 25 công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trong đó có 7/8 công ước cơ bản. Các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, Việt Nam cam kết thực hiện và coi đó là trách nhiệm chính trị, pháp lý của Nhà nước.
Việt Nam đã tham gia tích cực tại các khóa họp thường niên và các phiên họp đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ LHQ) về tình hình tại Myanmar, Palestine, Afghanistan, Sudan, Ethiopia, một mặt giới thiệu về các nỗ lực của Việt Nam trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, phản bác các thông tin sai lệch, sai sự thật, mặt khác tham gia tích cực vào các thảo luận của HĐNQ về các vấn đề toàn cầu, tình hình bảo vệ quyền con người tại các khu vực trên thế giới cần sự quan tâm đặc biệt, góp phần vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc đảm bảo các quyền con người cơ bản cho người dân tại tất cả các quốc gia trên thế giới.
Tháng 2/2021, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã tham dự và phát biểu tại Hội nghị cấp cao trong khuôn khổ Khóa 46 HĐNQ, trong đó nêu bật các chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trong bối cảnh đại dịch. Việt Nam hỗ trợ khẩu trang, vật tư y tế cho hơn 50 nước và đối tác quốc tế, đề xuất và được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua bằng đồng thuận Nghị quyết chọn ngày 27/12 là Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh với mục đích nâng cao nhận thức về việc phòng ngừa và ứng phó các dịch bệnh. Đặc biệt, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã thông báo việc Việt Nam, với tư cách ứng viên của ASEAN, tham gia ứng cử thành viên HĐNQ nhiệm kỳ 2023-2025, với mong muốn đóng góp nhiều và hiệu quả hơn nữa vào các nỗ lực chung của thế giới nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.
Trong thời gian qua, các Bộ, ngành liên quan tích cực phối hợp triển khai Kế hoạch tổng thể thực hiện các khuyến nghị theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của HĐNQ LHQ chu kỳ III được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1975/QĐ-TTg ngày 31/12/2019, trong đó có việc xây dựng kế hoạch riêng của từng Bộ ngành hoặc lồng ghép vào Kế hoạch thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền, Ủy ban Công ước Chống tra tấn và các hình thức và các hình thức trừng phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm khác…
Cho đến nay, Việt Nam đã thực hiện có kết quả phần lớn các khuyến nghị và đang xây dựng Báo cáo giữa kỳ tự nguyện về việc thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III, cho thấy cam kết và sự nghiêm túc của Việt Nam trong việc triển khai các khuyến nghị nêu trên. Bộ Ngoại giao cũng đã phối hợp với Chương trình phát triển LHQ (UNDP) tổ chức các Hội thảo tham vấn với sự tham gia của các Bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ, học giả, các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Hà Nội… nhằm tập hợp các ý kiến đóng góp xây dựng, thực chất hoàn thiện hơn Báo cáo giữa kỳ trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cho chuyển đến HĐNQ trong Quý I/2022.
Mới đây, Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng 1 và tháng 4/2021 với nhiều dấu ấn, đóng góp. Những thành tựu đó được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao; thể hiện uy tín, vị thế quốc tế ngày càng tăng của Việt Nam. Trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ 2020 – 2021, khi làm Chủ tịch HĐBA tháng 4/2021, Việt Nam đã thúc đẩy 3 sáng kiến về Vai trò của các tổ chức khu vực trong thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa xung đột; Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững; Bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với sự sống của người dân, thúc đẩy thông qua 01 nghị quyết về vấn đề bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu và 02 Tuyên bố Chủ tịch về 2 vấn đề còn lại. Các sáng kiến này đề cao cách tiếp cận vì con người, lấy con người làm trung tâm trong tham gia giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh quốc tế tại HĐBA, hướng tới mục tiêu quan trọng nhất là mang đến hòa bình bền vững, giải quyết xung đột, đem lại cuộc sống an toàn, ổn định bền vững cho người dân ở các quốc gia, khu vực chịu ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tham gia tích cực tại các diễn đàn khác của LHQ về quyền con người như ECOSOC, Ủy ban 3 Đại hội đồng… để tham gia trao đổi về các vấn đề được cộng đồng quốc tế quan tâm và giới thiệu về các nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người. Nhiều nước đã gặp bày tỏ cảm ơn lập trường của Việt Nam trong một số vấn đề liên quan đến quyền con người được thảo luận tại các diễn đàn này./.