Năm 2016 ghi nhận nhiều thành công của ngành Bảo hiểm xã hội khi các chỉ tiêu về thu, chi, phát triển đối tượng tham gia... đều vượt kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; kết quả đó có phần đóng góp quan trọng của công tác cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC) của Ngành trong công tác quản lý, phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần thực hiện nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cùng lãnh đạo Vụ Pháp chế, Trung tâm CNTT kiểm tra hoạt động của hệ thống "Một cửa điện tử tập trung” trước khi chính thức vận hành. Ảnh: HP
Sự chuyển mình của ngành BHXH
Ngày 18/3/2014, Chính phủ ban hành Nghị quyết 19-2014/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Không chỉ nỗ lực thực hiện mục tiêu này của Chính phủ trong năm 2014, suốt năm 2015 và 2016, cùng với các bộ, ngành, địa phương, BHXH Việt Nam đã đề ra các giải pháp cụ thể và từng bước phấn đấu cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC) công tác quản lý, xây dựng tác phong, thái độ làm việc của cán bộ, công nhân viên toàn ngành; qua đó, xây dựng năng lực quản lý hiện đại, chuyên nghiệp, chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp một cách cao nhất cho hệ thống BHXH.
Dù yêu cầu CCTTHC đã được đặt ra từ nhiều năm trước, nhưng năm 2016 được coi là năm bản lề, đánh dấu sự chuyển mình rõ rệt của ngành BHXH. Việc cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ được tập trung triển khai; hồ sơ, thủ tục, quy trình, biểu mẫu giải quyết nghiệp vụ liên quan đến người dân, doanh nghiệp tiếp tục được rà soát, cắt giảm. Với những thành công ban đầu trong việc áp dụng phương thức giao dịch điện tử, ngành BHXH đã có đủ điều kiện để áp dụng phương thức này cho những lĩnh vực nghiệp vụ khác. Bên cạnh đó, phương thức giao dịch qua bưu chính sau một thời gian thí điểm đã được triển khai trên diện rộng từ tháng 10/2016. Như vậy, cùng với các phương thức giao dịch truyền thống, những phương thức giao dịch mới, tiện lợi đã tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp thực sự trở thành đối tượng để ngành BHXH phục vụ.
Những cải cách này đã giúp người dân và doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí cho việc thực hiện các TTHC về BHXH, BHYT. Tính đến cuối năm 2016, thời gian giao dịch thực hiện TTHC về BHXH, BHYT của các doanh nghiệp với cơ quan BHXH chỉ còn khoảng 45 giờ/năm.
Một dấu ấn khác đối với ngành BHXH đó là việc khai trương và đưa vào sử dụng Hệ thống thông tin giám định BHYT, với hơn 12.000 cơ sở y tế thực hiện giao dịch và chuyển dữ liệu trực tiếp lên cổng tiếp nhận của hệ thống. Để có được kết quả này, ngành BHXH đã phối hợp với ngành Y tế hoàn thiện kỹ thuật giám định, xây dựng mã bệnh, danh mục thuốc, vật tư y tế, đồng thời bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật kết nối cơ quan BHXH với các cơ sở khám chữa bệnh.
Tuy nhiên, mặc dù đã xác định rõ các nhiệm vụ cũng như yêu cầu phải CCTTHC, nhưng có thời điểm, những vướng mắc về cơ chế, chính sách, thách thức về kỹ thuật... đã đặt ra rất nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện. Với quyết tâm đổi mới của toàn Ngành từ lãnh đạo đến từng tổ chức, cá nhân, ngành BHXH đã không ngừng phấn đấu cho sự thay đổi, vượt qua những rào cản để sáng tạo trong tư duy, năng động trong công việc, tạo ra một tập thể đoàn kết, hỗ trợ, phối hợp tốt để cùng chuyển động mạnh mẽ.
Đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 19/2016/NQ-CP của Chính phủ, BHXH Việt Nam đã được Chính phủ biểu dương trong công tác triển khai, kiểm tra, giám sát thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thuộc lĩnh vực quản lý; bước đầu tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp vào hệ thống BHXH. Đây cũng được coi là tiền đề để năm 2017 và những năm tiếp theo, ngành BHXH tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo vượt qua mọi khó khăn để hoàn thiện hệ thống quản lý, đổi mới toàn diện phong cách phục vụ người tham gia BHXH, BHYT, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao, góp phần đảm bảo sự vững chắc của hệ thống an sinh xã hội quốc gia.
Tiếp tục đổi mới phục vụ nhân dân
Nghị quyết 19 của Chính phủ thực sự là đòn bẩy cho tiến trình cải cách, đổi mới của Ngành BHXH, trong đó BHXH Việt Nam xác định 3 nhiệm vụ chính. Đó là, tập trung rà soát, đánh giá hồ sơ, thủ tục cũng như quy trình giải quyết chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho người dân và doanh nghiệp để từ đó cắt giảm, bãi bỏ những hồ sơ, thủ tục hành chính không phù hợp nhằm tạo thuận lợi nhất cho đối tượng tham gia, thụ hưởng các chế độ, chính sách bảo hiểm.
Giao dịch Một cửa tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC của BHXH quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: HP
Trong năm 2017, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện và triển khai thực hiện giám định BHYT điện tử trên cả nước. Với số lượt người khám chữa bệnh BHYT lên đến hàng trăm triệu lượt mỗi năm (năm 2016 là 146,7 triệu lượt người), việc đưa vào vận hành hệ thống này sẽ mang lại hiệu quả lớn, vừa tạo thuận lợi cho người dân, vừa giúp ngành BHXH và ngành Y tế tiết kiệm thời gian, công sức trong công tác giám định BHYT để đảm bảo đúng, đủ quyền lợi cho người bệnh và kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT. Tiếp tục nghiên cứu, đổi mới, triển khai nhiều phương thức ứng dụng CNTT để người dân, doanh nghiệp lựa chọn khi thực hiện giao dịch với cơ quan BHXH như: Giao dịch điện tử, giao dịch qua dịch vụ bưu chính và giao dịch trực tiếp tại bộ phận một cửa của cơ quan BHXH. Đẩy mạnh phát triển mô hình Chính phủ điện tử theo Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ. Xây dựng hệ thống CNTT của ngành BHXH là hệ thống tích hợp, tập trung cấp quốc gia, hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế, hướng khách hàng, dịch vụ với quy trình nghiệp vụ tự động hóa, chuyên nghiệp mức độ cao đáp ứng yêu cầu phục vụ khách hàng toàn diện trong các lĩnh vực BHXH, BHYT. Về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, đến hết năm 2016, BHXH Việt Nam đã hoàn thành việc đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật CNTT, trong đó hệ thống máy chủ, máy trạm, đường truyền kết nối, trung tâm dữ liệu… được đầu tư hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, sẵn sàng kết nối, vận hành đáp ứng các yêu cầu hiện đại hóa hệ thống quản lý của ngành.
Đi đôi với việc tổ chức thực hiện tốt các Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm, Luật Vệ sinh an toàn lao động, Luật Dược và kịp thời đánh giá, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, đề xuất các giải pháp triển khai hiệu quả chính sách BHXH, BHYT, BHTN, BHXH Việt Nam sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội ở Trung ương và cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách BHXH, BHYT.
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách TTHC; đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý, xây dựng và hoàn thiện các phần mềm nghiệp vụ, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, thực hiện liên thông dữ liệu với cơ sở KCB; phấn đấu hoàn thành việc tin học hóa các hoạt động của Ngành theo đúng lộ trình, nhất là các hoạt động liên quan đến phục vụ người dân, DN. Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền theo hướng chuyên nghiệp hóa cả về nội dung…, nhằm giúp người dân và doanh nghiệp hiểu được quyền và nghĩa vụ về BHXH, BHYT và tự giác tham gia.
BHXH Việt Nam cũng chỉ đạo BHXH các tỉnh, TP tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh, TP, phối hợp với các ngành chức năng trên địa bàn triển khai thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển đối tượng; giải quyết đầy đủ, kịp thời các quyền lợi về BHXH, BHYT cho người lao động; thanh tra, kiểm tra xử lý kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện chính sách pháp luật về BHXH, BHYT; ngăn ngừa hành vi lạm dụng, trục lợi, đảm bảo cân đối quỹ khám chữa bệnh BHYT. Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu về phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT và kế hoạch được Quốc hội, Chính phủ giao.
Năm 2017, BHXH Việt Nam sẽ báo cáo và đề xuất với Ban Kinh tế Trung ương báo cáo Ban Bí thư tổ chức sơ kết, đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012- 2020. |