Người "nhóm lửa" cách mạng ở Hải Dương

Thứ ba, 02/04/2024 08:48
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Đảng bộ tỉnh Hải Dương được thành lập năm 1940 là kết quả cống hiến, hy sinh, đóng góp thầm lặng của nhiều thế hệ đảng viên và quần chúng nhân dân ưu tú trong tỉnh, trong đó có những đóng góp quan trọng của đồng chí Nguyễn Lương Bằng.
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng (áo trắng đứng hàng đầu) với cán bộ sứ quán Việt Nam tại Liên Xô năm 1952 

Mở đường tư tưởng

Đối với Hải Dương, đồng chí Nguyễn Lương Bằng là người có công quan trọng trong việc truyền bá đường lối cách mạng của Chủ nghĩa Mác - Lênin và cuốn sách "Đường Kách mệnh" về địa phương.

Qua những tư liệu còn lưu trữ, nhân dân Hải Dương tiếp cận với Chủ nghĩa Mác - Lênin bằng hai con đường. Đó là từ những tài liệu, sách báo cách mạng do đường dây liên lạc giữa Hải Phòng - Hồng Kông - Quảng Châu mang về và con đường do những thành viên của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên mang tới. Chính đồng chí Nguyễn Lương Bằng là người triển khai xây dựng và trực tiếp tham gia hoạt động, duy trì thành công đường dây liên lạc giữa Hải Phòng - Hồng Kông - Quảng Châu theo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Điều này cho thấy vai trò to lớn của đồng chí Nguyễn Lương Bằng trong việc truyền bá tư tưởng cách mạng về trong nước, không chỉ đối với cách mạng Hải Dương mà đối với cách mạng cả nước.

Tại Hải Dương, cuốn "Đường Kách mệnh" đã được nhiều thanh niên trí thức chuyền tay nhau đọc, trong đó tiêu biểu có các huyện: Thanh Hà, Kim Thành, Kinh Môn, Chí Linh, TP Hải Dương. Cùng với đó, một số hội viên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên như: Nguyễn Văn Cừ, Đỗ Ngọc Du, Trần Cung đã về Hải Dương để truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lênin và gây dựng cơ sở cách mạng. Từ đây, Chủ nghĩa Mác - Lênin được truyền bá sâu rộng trong quần chúng nhân dân Hải Dương, góp phần thành lập các tổ chức quần chúng có tính chất cách mạng, tạo điều kiện cho sự ra đời và hoạt động của một số Chi hội của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, giúp phong trào đấu tranh ở Hải Dương những năm 1928 - 1929 có chuyển biến mạnh mẽ.

Nhờ việc sớm tiếp cận với Chủ nghĩa Mác - Lênin và gây dựng được nhiều cơ sở cách mạng, Hải Dương trở thành một trong những địa phương sớm thành lập được những Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên để lãnh đạo phong trào cách mạng. Ngay sau Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hương Cảng (Trung Quốc), ở khu mỏ Mạo Khê (thị xã Đông Triều), đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã thành lập Chi bộ Đảng Mạo Khê. Đầu tháng 3/1930 tại làng Đọ Xá, phường Hoàng Tân (TP Chí Linh), đồng chí Trần Cung đã thành lập Chi bộ Đảng Đọ Xá. Đây là 2 Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Hải Dương.

Tiết mục văn nghệ đặc sắc chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Lương Bằng. 

Việc ra đời hai Chi bộ Đảng ở Hải Dương trong năm 1930 là bước ngoặt lịch sử quan trọng đưa phong trào cách mạng của địa phương chuyển từ tự phát dần sang tự giác. Đây là những tiền đề quan trọng cho đường lối cách mạng vô sản ăn sâu, bám rễ vào trong tư tưởng của từng người dân Hải Dương. Dù phải đối mặt với muôn vàn gian khổ, hy sinh, niềm tin của nhân dân vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng không hề phai nhạt.

Điểm sáng trong đêm tối

Trong những năm 1931 - 1935, khi cách mạng Việt Nam chìm trong thời kỳ đen tối dưới sự đàn áp, khủng bố của thực dân Pháp, hầu hết tổ chức Đảng, căn cứ cách mạng và phong trào đấu tranh đều bị dập tắt và dìm trong bể máu. Tại Hải Dương, những hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã giúp Hải Dương trở thành điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh tối màu của phong trào cách mạng Việt Nam thời kỳ này.

Năm 1932, khi bị giam cầm tại Nhà tù Hải Dương, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã dẫn dắt cuộc đấu tranh thắng lợi, buộc bọn cai ngục phải nhân nhượng những yêu sách của tù nhân. Đây là cuộc đấu tranh có tổ chức đầu tiên do cán bộ cộng sản lãnh đạo và giành được thắng lợi ngay trong tù ngục, là một tiếng vang lớn trong thanh niên trí thức yêu nước và các tầng lớp nhân dân Hải Dương thời bấy giờ. Kết quả của cuộc đấu tranh này là nguồn cổ vũ cho các cuộc đấu tranh sau đó trong Nhà tù Hải Dương, đưa đến sự ra đời của một Chi bộ trong lòng Nhà tù Hải Dương, đó là Chi bộ 10 - Đội quân ngầm mang bí số 7.11.51.

Cuối năm 1932, đồng chí Nguyễn Lương Bằng và một số đồng chí khác vượt Nhà ngục Hỏa Lò thành công. Ra khỏi nhà tù đế quốc, ngày 1/1/1933, đồng chí về xã Phạm Kha (Thanh Miện). Ở Thanh Miện, đồng chí nhận thấy không an toàn nên đã di chuyển sang ấp Dọn (nay thuộc thôn Kinh Dương, xã Thái Dương, huyện Bình Giang) để xây dựng cơ sở và tuyên truyền cách mạng. Tại đây, đồng chí đã hòa nhịp vào cuộc sống của nhân dân và thực hiện tuyên truyền đường lối cách mạng. Đến giữa năm 1933, đồng chí cho xuất bản báo Công nông và truyền đơn gửi đi nhiều nơi trong tỉnh. Báo Công nông in bằng mực tím, trên giấy dó, mỗi số 20 bản với nội dung phong phú giới thiệu về Đảng, về lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Chủ nghĩa Mác - Lênin, từ đó góp phần cổ vũ tinh thần cách mạng trong một bộ phận thanh niên tiến bộ vẫn tích cực hoạt động ở TP Hải Dương và một số huyện trong tỉnh. Thực dân Pháp phát hiện ra báo Công nông và tổ chức truy lùng ráo riết những người làm ra tờ báo. Để bảo đảm an toàn, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã chuyển đến địa phương khác hoạt động. Vì vậy, báo Công nông cũng ngừng xuất bản.

Đoàn viên thanh niên tỉnh Hải Dương tìm hiểu tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp đồng chí Nguyễn Lương Bằng. 

Sau khi đồng chí Nguyễn Lương Bằng rời đi, phong trào cách mạng trên địa bàn tỉnh Hải Dương tạm thời lắng xuống. Thực dân Pháp và bọn tay sai tăng cường lùng sục, đàn áp, bắt bớ những người có tư tưởng tiến bộ trong tỉnh. Dù phong trào cách mạng rơi vào thời kỳ đen tối nhưng tình cảm, sự hiểu biết, niềm tin vào Đảng của nhân dân Hải Dương chưa bao giờ giảm sút. Những cơ sở, căn cứ trong lòng dân vẫn được duy trì, chỉ đợi khi thời cơ cách mạng tới là ngọn lửa đấu tranh lại tiếp tục bùng lên mạnh mẽ.

Bước sang năm 1936, khi cách mạng Việt Nam có cơ hội hoạt động trở lại, Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ đã chỉ đạo phải đẩy mạnh việc gây dựng và phát triển lại phong trào cách mạng tại Hải Dương. Đây là cơ sở để không lâu sau đó, địa bàn tỉnh Hải Dương trở thành trung tâm hoạt động của Liên Tỉnh ủy B. Dưới sự giúp đỡ của Xứ ủy Bắc Kỳ, của Liên Tỉnh ủy B, từ tháng 8/1938 trở đi đã có 4 Chi bộ Đảng trên địa bàn tỉnh được thành lập, đó là: Chi bộ Đảng Nhà máy nước Ninh Giang (huyện Ninh Giang), Chi bộ Đảng TP Hải Dương, Chi bộ Đảng ở xã Cổ Am (huyện Vĩnh Bảo) và Chi bộ Đảng ở Tạ Xá (xã Hợp Tiến, huyện Nam Sách). Sự ra đời của các chi bộ Đảng đã khẳng định phong trào cách mạng ở Hải Dương được phục hồi sau thời kỳ thoái trào và là cơ sở để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tiến tới thành lập Đảng bộ tỉnh Hải Dương khi đủ điều kiện. Ngày 10/6/1940, tại thôn Tạ Xá, xã Hợp Tiến (Nam Sách) đã diễn ra Hội nghị thành lập Ban Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Hải Dương - đây được lấy làm sự kiện thành lập Đảng bộ tỉnh Hải Dương. Đảng bộ tỉnh ra đời đánh dấu bước trưởng thành và phát triển về chất của phong trào cách mạng trong toàn tỉnh dù kẻ thù vẫn tăng cường đàn áp, khủng bố.

Đảng bộ tỉnh Hải Dương được thành lập là kết quả của sự cống hiến, hy sinh, đóng góp của rất nhiều thế hệ đảng viên và quần chúng nhân dân ưu tú trong tỉnh, trong số đó, đóng góp của đồng chí Nguyễn Lương Bằng là rất lớn. Với những đóng góp đó, thật không quá khi nói: "Đồng chí Nguyễn Lương Bằng là người có công đặt nền móng cho sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Hải Dương năm 1940".

NGUYỄN QUANG PHÚC

Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực