Niềm tin kinh tế Việt Nam

Thứ ba, 20/12/2022 10:42
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – Những điểm sáng đáng tự hào trong bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2022, trong bối cảnh nền kinh tế đang chuyển đổi và vượt qua đại dịch là những tín hiệu, nền tảng tích cực tạo niềm tin và động lực phát triển cho những năm tiếp theo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5. 

Nhìn lại năm 2022, nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sát thực tiễn của Đảng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự quản lý, điều hành hiệu quả của Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước và sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả đáng tự hào. 

Dịch COVID-19 được kiểm soát tốt; Việt Nam đã mở cửa lại từ giữa tháng 3, tạo điều kiện thuận lợi phục hồi, phát triển kinh tế xã hội (KTXH). Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, bình quân 11 tháng ở mức 3,02%, cả năm dưới 4%. Các cân đối lớn được bảo đảm (thu đủ chi). Thu ngân sách nhà nước 11 tháng vượt 16,1% dự toán, tăng 17,4%; Kim ngạch xuất nhập khẩu 11 tháng đạt 674 tỷ USD (đến nay đã vượt 700 tỷ USD), tăng 11,8%, xuất siêu 10,6 tỷ USD; An ninh lương thực được bảo đảm; xuất khẩu nông sản 50 tỷ USD (tăng 11,8%), trong đó xuất khẩu gạo gần 7 triệu tấn; An ninh năng lượng được bảo đảm; Cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu.

Tỷ giá, lãi suất được điều chỉnh phù hợp. Đến hết tháng 11, tín dụng tăng khoảng 12%. Các ngành, lĩnh vực kinh tế đều tăng trưởng tốt; trong đó sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển ổn định; sản xuất công nghiệp 11 tháng tăng 8,6%. Thương mại, dịch vụ phục hồi nhanh, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 20,5%. Tình hình đăng ký doanh nghiệp khởi sắc (tổng số doanh nghiệp gia nhập thị trường đạt 195 nghìn doanh nghiệp, tăng 33,2% so với cùng kỳ). Vốn FDI thực hiện 11 tháng đạt 19,68 tỷ USD, tăng 15,1% và cao nhất trong 5 năm qua. Ước cả năm, tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội năm 2022 tăng 11,4%, tương đương khoảng 34% GDP.

An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống người dân được cải thiện. Phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh thực chất, hiệu quả. Uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được củng cố và nâng lên.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn. 

Phân tích về những kết quả đạt được, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết, năm 2022, Chính phủ đã thực hiện hàng loạt chính sách hỗ trợ, củng cố năng lực phục hồi cho doanh nghiệp, trong đó có các chính sách miễn giảm thuế, phí... tuy nhiên tổng thu ngân sách đến hết tháng 11/2022 đã vượt 16,1% dự toán và tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước.

“Những chỉ số này cho thấy tiêu dùng đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, khu vực doanh nghiệp đã phản ứng hiệu quả trước các cơ hội mở ra sau đại dịch và nhanh chóng đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu. Tốc độ giải ngân vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh cho thấy niềm tin vững chắc của nhà đầu tư nước ngoài về triển vọng kinh tế Việt Nam trong những năm tới” – đồng chí Trần Tuấn Anh nêu rõ.

Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương, những thành tựu đạt được nêu trên là kết quả của quá trình kiên trì thực hiện đường lối đổi mới, mở cửa hợp tác cùng phát triển; tranh thủ ngoại lực, phát huy tối đa nội lực, liên tục củng cố các nền tảng vĩ mô và năng lực sản xuất nội địa; chủ động, linh hoạt trong giải quyết các vấn đề mới phát sinh. Các kết quả này cũng phản ánh sự phối hợp, hỗ trợ, ủng hộ chân tình của bạn bè quốc tế; sự hợp tác thực chất, hiệu quả của các đối tác kinh tế, thương mại - đầu tư và sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp và người dân cả nước.

Với chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức", Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 đã tìm ra các nút thắt, điểm nghẽn của nền kinh tế sau đại dịch để từ đó đề ra các giải pháp tích cực hơn cho năm 2023.

Diễn đàn đã nêu ra những vấn đề cốt lõi, vừa mang tính cấp bách vừa có tính chiến lược, dài hạn đối với nền kinh tế Việt Nam, qua đó đưa ra nhiều giải pháp góp phần thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh hơn trong năm 2023. Với 4 hội thảo chuyên đề và phiên toàn thể đã tập trung thảo luận sâu về các chủ đề: “Kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng kinh tế mới”; “Lành mạnh hóa thị trường tài chính và thị trường bất động sản để phát triển kinh tế nhanh và bền vững”; “Đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư công”; “Phát triển thị trường lao động bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trong phát triển kinh tế - xã hội”…

Các đại biểu, chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế đã phân tích sâu những vấn đề mà nền kinh tế nước ta đang gặp khó khăn. Đặc biệt là nghịch lý tiền trong ngân sách còn nhiều mà giải ngân quá chậm so với yêu cầu. Nhiều nơi khát vốn, trong khi vốn vẫn đang còn. Những nguy cơ tiềm ẩn rủi ro trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, những vướng mắc về đất đai, bất động sản, về nguồn lao động… cũng đã được nhận định khá rõ ràng. Các đại biểu cũng tập trung phân tích, đánh giá, làm rõ thực chất những yếu tố căn bản nào đang đe dọa các nền tảng vĩ mô của kinh tế Việt Nam, những nguy cơ nào đối với các cân đối lớn của nền kinh tế; những nền tảng và sức mạnh nội tại cần phải phát huy, những dư địa chính sách và nguồn lực cần được khai thác, phát huy để phục vụ cho phát triển của 2023 và những năm tiếp theo; đồng thời, thẳng thắn nhìn nhận, phân tích những hạn chế, yếu kém, những điểm nghẽn chủ yếu trong phát triển.

Với 4 hội thảo chuyên đề và phiên tổng thể, Diễn đàn đã đưa ra nhiều giải pháp thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh hơn trong năm 2023. 

Sau khi nghe thảo luận tại phiên toàn thể của Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có những chỉ đạo quyết liệt, giao nhiệm vụ cho các Ban, Bộ, Ngành, địa phương để tập trung thực hiện. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu nắm chắc tình hình, lựa chọn công việc ưu tiên, vấn đề phù hợp với tình hình; tích cực, chủ động, phản ứng chính sách kịp thời; các bộ, ngành phải xem công việc của người dân, doanh nghiệp như công việc của mình. Với các điểm nghẽn đang cản trở nền kinh tế, các giải pháp được chỉ đạo trước mắt, Thủ tướng đề nghị các ngân hàng tìm cách giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh khó khăn. Các tổ chức phát hành trái phiếu cần thực hiện theo đúng cam kết; trường hợp có khó khăn, chủ động đàm phán với nhà đầu tư và nhà đầu tư cũng phải chia sẻ với doanh nghiệp phát hành, theo đúng quy định pháp luật.

Thủ tướng cũng dành nhiều thời gian phân tích tình hình, nguyên nhân và định hướng lớn trong xử lý những vấn đề tồn tại, bất cập cần tiếp tục giải quyết liên quan tới thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, cung ứng tín dụng, thị trường lao động, cũng như tình trạng thiếu hụt cục bộ xăng dầu, thiếu thuốc, trang thiết bị y tế vừa qua.

Có thể nói, những điểm sáng đáng tự hào trong bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2022, trong hoàn cảnh một nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi và vượt qua đại dịch là những tín hiệu, nền tảng tích cực tạo niềm tin và động lực phát triển cho những năm tiếp theo. Đồng thời, những bài học kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô trong năm qua cùng những giải pháp được đưa ra trong Diễn đàn Kinh tế vừa qua tiếp tục sẽ có những ảnh hưởng tích cực đến nền kinh tế của đất nước trong năm 2023.

Tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và mọi người dân, cùng với sự tin tưởng, ủng hộ, hợp tác có hiệu quả của cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ vượt qua thách thức, tiếp tục có bước phát triển vững chắc trong năm 2023 và những năm tiếp theo./.

Hoa Hiền

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực