|
Chủ đề của Ngày Nước Thế giới năm nay là "Nước cho hòa bình". (Ảnh: UN Water) |
Hàng năm, cơ chế điều phối của Liên hợp quốc về nước và vệ sinh (UN-Water) đặt ra chủ đề cho Ngày Nước Thế giới, với chủ đề năm nay là “Nước cho hòa bình”. Thông qua đó, Liên hợp quốc mong muốn phát đi một thông điệp rằng, khi không có đủ nước hoặc khi nước bị ô nhiễm, mọi người không có quyền tiếp cận bình đẳng hoặc không có bất kỳ quyền tiếp cận nào với nước thì có thể khiến căng thẳng có thể gia tăng. Ngược lại, khi chúng ta hợp tác về vấn đề nước, chúng ta tạo ra hiệu ứng tích cực – thúc đẩy sự hài hòa, tạo ra sự thịnh vượng và xây dựng khả năng phục hồi trước những thách thức chung. Chúng ta phải hành động dựa trên nhận thức rằng nước không chỉ là tài nguyên để sử dụng và cạnh tranh, mà tiếp cận với nước sạch là quyền của con người và hiện hữu trong mọi khía cạnh để thúc đẩy cuộc sống.
Ngày Nước Thế giới là dịp để tất cả chúng ta cần đoàn kết trong vấn đề bảo đảm nguồn nước và sử dụng nước vì hòa bình, đặt nền móng cho một tương lai ổn định và thịnh vượng hơn. Đây cũng là dịp để chúng ta cùng nhau thúc đẩy hành động giải quyết cuộc khủng hoảng nước toàn cầu, hướng tới Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) 6, đó là bảo đảm nước và vệ sinh cho tất cả mọi người vào năm 2030.
Nguồn nước của chúng ta đang bị đe dọa
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện có khoảng hơn 2,2 tỷ người không được tiếp cận với nước uống an toàn, trong khi 3,6 tỷ người không thể tiếp cận được dịch vụ vệ sinh an toàn và 2,3 tỷ người không có điều kiện rửa tay bằng xà phòng và nước tại nhà. |
Nước là nguồn tài nguyên chính trong sản xuất lương thực. Sức khỏe cộng đồng, hệ thống năng lượng và năng suất kinh tế phụ thuộc vào khả năng duy trì sự vận hành của chu trình nước. Tuy nhiên, ngày nay, có rất nhiều chất gây ô nhiễm thải ra hồ, sông, suối và nước ngầm. Ô nhiễm nước, hạn hán, quản lý nước kém hiệu quả và sự gia tăng dân số toàn cầu ngày càng tăng đã gây ra một trong những cuộc khủng hoảng môi trường lớn nhất mà chúng ta phải đối mặt ngày nay, đó là thiếu nước ngọt.
Ô nhiễm nước có thể gây ra theo nhiều cách. Nước thải đô thị và chất thải công nghiệp là một trong những nguồn thải mạnh nhất. Những chất thải gián tiếp bao gồm các chất ô nhiễm xâm nhập vào nguồn nước từ hệ thống lòng đất hoặc nước ngầm và từ khí quyển, thông qua lượng mưa. Ô nhiễm nước dẫn đến các vấn đề sức khỏe ở con người, ngộ độc động vật và gây thiệt hại lâu dài cho hệ sinh thái.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, đến năm 2030, thế giới sẽ phải đối mặt với khoảng cách giữa nhu cầu dự kiến và trữ lượng nước hiện có lên tới 40%.
Trong khi đó, biến đổi khí hậu đang làm thay đổi các chu trình thủy văn, khiến lượng mưa trở nên khó lường hơn và làm tăng tần suất cũng như cường độ lũ lụt và hạn hán. Hạn hán ngày càng thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu, hạn chế sinh kế của người dân nông thôn nghèo, những người mà sự sống còn phụ thuộc phần lớn vào lượng mưa.
Những thay đổi trong tuần hoàn nước và thời tiết cực đoan sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái nước ngọt, đồng thời thiệt hại trực tiếp do lũ lụt sẽ tăng lên khi nhiệt độ toàn cầu tăng.
“Hành động vì nước là hành động vì hòa bình”
|
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định: “Hành động vì nước là hành động vì hòa bình”. (Ảnh: UN) |
Trong thông điệp nhân Ngày Nước Thế giới năm nay (22/3/2024), Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định: “Hành động vì nước là hành động vì hòa bình. Và ngày nay, điều đó đang trở nên cần thiết hơn bao giờ hết”.
Theo lập luận của người đứng đầu Liên hợp quốc, ngày nay, thế giới của chúng ta đang ở trong “một vùng nước hỗn loạn”, giữa lúc xung đột hoành hành, bất bình đẳng, ô nhiễm và mất đa dạng sinh học tràn lan. Khi nhân loại tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch khiến cho cuộc khủng hoảng khí hậu đang gia tăng với một sức mạnh “chết chóc” thì những nguy cơ đe dọa hòa bình lại càng trở nên hiện hữu.
Hành tinh của chúng ta đang nóng lên, mực nước biển dâng cao, lượng mưa thay đổi và dòng chảy của sông đang giảm dần. Điều đó dẫn đến hạn hán ở một số vùng, lũ lụt và xói mòn bờ biển ở những vùng khác. Trong khi đó, ô nhiễm và tiêu thụ quá mức đang đe dọa nguồn nước sạch, trong lành, dễ tiếp cận mà mọi sự sống đều phụ thuộc vào. “Nguồn cung suy giảm có thể làm tăng sự cạnh tranh và gây căng thẳng giữa người dân, cộng đồng và quốc gia. Điều đó đang làm tăng nguy cơ xung đột” – ông Guterres cảnh báo.
Tổng thư ký Liên hợp quốc cho rằng, việc hiện thực hóa chủ đề của Ngày Nước thế giới năm nay là “Nước cho hòa bình”, phụ thuộc vào những nỗ lực hợp tác lớn lao hơn rất nhiều của con người. Ngày nay, 153 quốc gia trên thế giới đang cùng chia sẻ các nguồn tài nguyên nước. Tuy nhiên, lại chỉ có 24 quốc gia trong số đó báo cáo duy trì thỏa thuận hợp tác về toàn bộ nguồn nước chung của họ. “Chúng ta phải tăng cường nỗ lực hợp tác xuyên biên giới và tôi kêu gọi tất cả các nước tham gia và thực hiện Công ước Nước của Liên hợp quốc nhằm thúc đẩy quản lý tài nguyên nước chung một cách bền vững” – ông Guterres nói.
Người đứng đầu Liên hợp quốc cho rằng, hợp tác để bảo vệ nguồn nước có thể tạo ra năng lượng và duy trì hòa bình. Quản lý nước có thể giúp thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và mối quan hệ giữa các cộng đồng, đồng thời xây dựng khả năng phục hồi trước thảm họa khí hậu. Nó cũng có thể thúc đẩy tiến bộ hướng tới các Mục tiêu Phát triển Bền vững – vốn là nền tảng của các xã hội hòa bình, bao gồm các yếu tố: Cải thiện sức khỏe, giảm nghèo và bất bình đẳng cũng như tăng cường an ninh lương thực và nước.
Kết thúc thông điệp, ông Guterres kêu gọi cộng đồng thế giới hãy cam kết cùng nhau hành động để biến nước thành động lực hợp tác, hòa hợp và ổn định, từ đó giúp tạo ra một thế giới hòa bình và thịnh vượng cho tất cả mọi người./.