Phát huy vai trò doanh nhân Việt Nam

Thứ bảy, 13/10/2018 09:17
Dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10) năm 2018 cũng là dịp nhìn lại bảy năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9-12-2011 của Bộ Chính trị về "Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế".

Gam mầu tươi sáng nổi bật trong bức tranh chung của nền kinh tế trong dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay. Các số liệu thống kê và đánh giá khách quan của các tổ chức quốc tế (IMF, WB, ADB…) đều phản ánh rõ nét tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục phát triển toàn diện, trong đó chỉ tiêu tăng trưởng GDP chín tháng đạt 6,98%, dự báo cả năm sẽ vượt mục tiêu 6,7% (được đánh giá là cao nhất 10 năm nay và cao nhất khu vực Ðông - Nam Á).

Vinh danh 10 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc năm 2018. Ảnh: baodautu.vn


Những con số nêu trên cho thấy dịp kỷ niệm này chính là thời điểm mà nội lực của cộng đồng doanh nghiệp (DN) đã được tích tụ để tạo bước bứt phá mới, tiến lên tầm cao mới. Với cương vị đứng đầu hệ thống hành chính, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc luôn đặc biệt quan tâm đến DN, doanh nhân - lực lượng chủ công trong phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, nhất là vấn đề làm sao để cộng đồng DN phát triển nhanh và vững chắc cả về số lượng và chất lượng. Bởi thế, tâm trạng Thủ tướng thể hiện qua phát biểu tại các hội nghị, các cuộc tiếp xúc với doanh nhân, tới thăm từng DN tại các vùng, miền trong cả nước đều dễ nhận thấy là vừa mừng, vừa lo lắng, day dứt. Mừng vì lực lượng doanh nhân Việt Nam có không ít người tiên phong, đạt nhiều thành công trong cuộc cách mạng công nghiệp thời 4.0; sản phẩm thương hiệu Việt Nam bao gồm cả trí tuệ công nghệ cao, công nghiệp, nông nghiệp đều được thế giới trân trọng. Bên cạnh đó, nỗi lo lắng cũng không nhỏ, như: Trong chín tháng qua, cả nước có hơn 96 nghìn DN đăng ký thành lập mới, chỉ tăng 8% về số DN và tăng 6,7% về số vốn, trong khi đó số DN tạm ngừng hoạt động tăng cao, khiến mục tiêu cả nước có một triệu DN vào năm 2020 có nguy cơ không đạt được…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ vừa qua: trong ba tháng còn lại của năm nay và năm tới, một số rủi ro, thách thức cả bên trong và bên ngoài như căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang, ngân hàng trung ương của các nước lớn tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, khiến mặt bằng lãi suất tăng, một số mặt hàng có xu hướng tăng giá..., nếu không khéo kiểm soát, phối hợp chính sách, khả năng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng quá mức 4% cũng có thể xảy ra.

Vấn đề quan trọng đặt ra là phải "khéo phối hợp chính sách" để nâng cao sức cạnh tranh quốc gia cũng như sức cạnh tranh của DN Việt Nam, sản phẩm Việt Nam. Ðáng tiếc, theo số liệu tổng hợp của Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành mới rà soát, cắt giảm được 60%, còn tới gần 40% số điều kiện kinh doanh cần cắt giảm tiếp; còn tình trạng đối phó như cắt giảm điều kiện này thì lại "mọc" ra điều kiện khác. Bên cạnh đó, như Thủ tướng nhấn mạnh: Mục tiêu quan trọng của chiến lược cơ cấu lại nền kinh tế là giảm bớt sự phụ thuộc vào khu vực đầu tư nước ngoài (FDI), cần dựa nhiều hơn vào phát huy nội lực, nâng cao sức cầu trong nước bằng các chính sách và biện pháp dưỡng sức dân, dưỡng sức DN, hỗ trợ để phát triển các loại hình DN. Sự chỉ đạo của Thủ tướng đã rất rõ, vậy mà có ngành, địa phương vẫn nhăm nhe tăng thuế, tăng phí để nhằm bù đắp vào những lỗ hổng thâm thủng, thất thoát!?

Khi DN phát triển, tổng sản phẩm và tiêu dùng xã hội sẽ tăng mạnh, không cần tăng thuế, phí thì tổng số thu ngân sách nhà nước vẫn tăng. Tài chính DN vững mạnh dẫn đến đầu tư tái sản xuất mở rộng hơn, người dân cũng có tâm lý muốn mua sắm tiêu dùng nhiều hơn, làm cho nền kinh tế quốc dân thêm sôi nổi, thịnh vượng. Ðồng thời, bộ máy các cơ quan chức năng làm tốt hơn công tác quản lý tài chính, tài sản công, nhất định sẽ bảo đảm cân đối tích cực ngân sách nhà nước. Bởi vậy, việc hướng trọng tâm chính sách và biện pháp vào công cuộc hỗ trợ DN, doanh nhân cần được quán triệt sâu sắc và thực hiện nhất quán tại tất cả các ngành, các cấp chính quyền. Về phía DN, doanh nhân cũng cần không ngừng nâng cao hơn nữa bản lĩnh, năng lực để phát triển bền vững./.

TS. Nguyễn Anh Dũng/Báo Nhân dân

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực