Quy định số 144-QĐ/TW​: Giữ gìn sự liêm chính của cán bộ, đảng viên

Thứ sáu, 14/06/2024 12:08
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Quy định số 144-QĐ/TW​ có tác dụng như một tấm gương soi để mỗi cán bộ, đảng viên soi mình vào trong đó để nếu thực hiện tốt thì tiếp tục phát huy; còn nếu chỗ nào mình còn hạn chế hay thực hiện chưa tốt thì chúng ta kịp thời sửa chữa, khắc phục, tức là tự soi, tự sửa.
Đồng chí Nguyễn Đức Hà: Quy định 144 tập hợp, hệ thống nhiều nội dung của rất nhiều các văn bản khác nhau, giờ trở thành một văn bản mà văn bản này lại rất ngắn gọn, rất dễ thực hiện và cũng rất dễ kiểm tra, giám sát. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới (sau đây gọi tắt là Quy định 144), gồm 6 điều với 21 điểm. Quy định này là sự phát triển, bổ sung và hoàn thiện tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như hệ thống quan điểm của Đảng về công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới. Yêu cầu đặt ra tới đây là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để Quy định 144 đi vào cuộc sống, tạo ra bước chuyển biến rõ nét trong rèn luyện đạo đức cán bộ, đảng viên.

Để bàn luận về nội dung này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, giảng viên cao cấp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí Nguyễn Đức Hà, vì sao Bộ Chính trị lại ban hành Quy định 144? Những điểm mới đáng chú ý của văn bản này là gì?

Đồng chí Nguyễn Đức Hà: Chính quy định của Bộ Chính trị lần này cũng như nhiều quy định khác mà Bộ Chính trị cũng vừa mới ban hành đã trở thành một hệ thống để tiếp tục hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ, vì chúng ta biết rằng công tác cán bộ được Đại hội XIII rất chú trọng và đặc biệt nhấn mạnh.

Đại hội XIII xác định công tác cán bộ là then chốt của then chốt. Từ sau Đại hội XIII của Đảng đến nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương đã dành rất nhiều công sức, trí tuệ, thời gian, tâm huyết cho việc hoàn thiện thể chế.

Chính vì vậy, sau Đại hội đến nay mới hơn 3 năm mà Bộ Chính trị ban hành hàng loạt các quy định về công tác cán bộ như: Quy định số 41-QĐ/TW ngày 03/11/2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; Quy định số 50-QĐ/TW ngày 27/12/2021 của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch cán bộ; Quy định số 58-QĐ/TW ngày 28/2/2018 của Bộ Chính trị “Một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng”; Quy định số 69-QĐ/TW ngày 06/7/2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm; Quy định số 80-QĐ/TW, ngày 18/8/2022 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2/2/2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị; Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ... Và tôi muốn nói là Quy định 144 này, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp ký ban hành. Có lẽ điều đó cũng đã nói lên vị trí, ý nghĩa vô cùng quan trọng của Quy định này.

Thế còn Quy định 144 này có gì mới? Tôi phải nói thế này, tất cả những nội dung trong Quy định không phải hoàn toàn bây giờ mới có. Có những nội dung được kế thừa và có những nội dung có một số điểm mới. Nhưng quan trọng Quy định này tập hợp, hệ thống rất nhiều nội dung của rất nhiều các văn bản khác nhau, bây giờ trở thành một văn bản mà văn bản này lại rất ngắn gọn, rất dễ thực hiện và cũng rất dễ kiểm tra, giám sát.

Điểm thứ hai nữa là mặc dù nội dung của Quy định này không dài nhưng nó vừa toàn diện, lại rất cụ thể. Đây chính là một bước cụ thể hóa Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề đạo đức. Nó vừa mang tính khái quát, lại vừa mang tính hệ thống nhưng lại rất cụ thể và chi tiết để cán bộ, đảng viên dễ nhớ, dễ thực hiện và cũng dễ kiểm tra, giám sát nữa.

PV: Trong rất nhiều các quy định mà Đảng ta đã ban hành trong thời gian gần đây thì Quy định 144 được xem là bước bổ sung, hoàn thiện lý luận về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Đức Hà: Tôi cho rằng nhận xét đó là rất đúng bởi hiện nay, những yêu cầu đặt ra đối với người cán bộ, đảng viên thì có những cái được đưa ra từ trong Điều lệ Đảng, nhưng rất chung. Ví dụ nói về đạo đức cách mạng là thế nào thì Bác Hồ cũng đã nói đạo đức cách mạng là cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Thế việc cụ thể là như thế nào? Quy định này vừa nêu rất khái quát, có hệ thống nhưng lại rất cụ thể. Cho nên có thể nói đây chính là một bước tiếp tục bổ sung, phát triển và hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ nhưng cũng là về vấn đề đạo đức cách mạng nữa. Bởi vì quan điểm của Đảng ta từ xưa đến nay là luôn luôn kế thừa nhưng lại luôn luôn bổ sung và phát triển để từng bước hoàn thiện, bởi vì cùng một lúc chúng ta cũng không nghĩ được ra hết. Từ thực tế diễn ra, chúng ta lại đặt ra và giải quyết những mâu thuẫn đó. Quá trình giải quyết những vấn đề đó chính là chúng ta bổ sung, hoàn thiện và cụ thể hóa để thực hiện những tư tưởng lớn mà trong nghị quyết của Đảng cũng như chỉ đạo của Bác Hồ đã dạy.

 

PV: Điều 3 Quy định 144 nhấn mạnh các yêu cầu về lòng tự trọng, danh dự, phẩm giá, không để người nhà, người thân lợi dụng vị trí công tác để trục lợi, thực hiện văn hoá từ chức khi không đủ khả năng, uy tín. Vậy việc ban hành Quy định vào thời điểm này có ý nghĩa, thông điệp như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Đức Hà: Trong nội dung Điều 3 Quy định 144 có đặt ra vấn đề về danh dự và lòng tự trọng. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, đây là câu nói mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói rất nhiều từ hội nghị Trung ương đến các hội nghị lớn khác. Tổng Bí thư đã nhấn mạnh rằng: “Danh dự và lòng tự trọng là điều thiêng liêng cao quý nhất”. Riêng đối với lực lượng công an nhân dân thì đồng chí đã nói nhiều lần và đã có riêng một cuốn sách về vấn đề “danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất”.

Ở đây tôi muốn nói đến quy định về việc cán bộ, đảng viên không được để người nhà, người thân, người khác lợi dụng vị trí công tác của mình, uy tín của mình để trục lợi. Nội dung này đã được quy định trong Quy định số 08 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên. Thế rồi, trong Quy định số 37 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm cũng có nói rồi.

Nhưng lần này khi nói về vấn đề đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên thì lại đưa vào cụ thể hơn, chi tiết hơn. Điều này có nghĩa là lúc nào người cán bộ, đảng viên cũng phải tự soi xét mình. Bởi vì danh dự, lòng tự trọng là điều cao quý nhất. Tất nhiên có nhiều cái đặt danh dự, lòng tự trọng lên cao nhưng đây là cao nhất, quý nhất thì trong Quy định này đã nhấn mạnh vấn đề này để mọi cán bộ, đảng viên phải thấy điều đó, có nghĩa là thấy danh dự của mình, lòng tự trọng của mình là điều cao quý nhất. Cho nên là mọi việc làm của mình, mọi hành vi của mình, mọi phát ngôn của mình phải luôn luôn lấy điều đó là tâm niệm và khắc sâu vào tâm trí của mình rằng lợi ích của quốc gia dân tộc là trên hết, trước hết.

Tôi cho là những điều này mặc dù là đơn giản nhưng đầy ý nghĩa sâu sắc và luôn luôn nhắc nhở, thôi thúc cán bộ, đảng viên trong mọi hành vi, cử chỉ, mọi lời nói của mình làm thế nào cho tốt, có sức thuyết phục.

 Đồng chí Nguyễn Đức Hà: Cán bộ, đảng viên không chỉ nói đi đôi với làm mà cần nói đi đôi với làm và làm đi đôi với nói. 

PV: Thưa đồng chí, Quy định 144 được xem là tiêu chí để tổ chức đảng xử lý đảng viên sai phạm, nhưng cũng là cơ sở để nhân dân giám sát, thực hành, đạo đức của cán bộ, đảng viên. Đồng chí thể phân tích thêm về nội dung này?  

Đồng chí Nguyễn Đức Hà: Thứ nhất, tôi cho rằng nó có tác dụng như một tấm gương soi để mỗi cán bộ, đảng viên soi mình vào trong đó để nếu thực hiện tốt thì tiếp tục phát huy. Còn nếu chỗ nào mình còn hạn chế hay thực hiện chưa tốt thì chúng ta kịp thời sửa chữa, khắc phục, tức là tự soi tự sửa.

Thứ hai, những điểm, những điều trong quy định này làm căn cứ, cơ sở để các cấp ủy, các tổ chức đảng xem xét và xử lý đối với những cán bộ, đảng viên vi phạm. 

Thứ ba, Đảng ta xác định phải thực sự dựa vào dân để xây dựng Đảng, thực sự dựa vào dân để xây dựng chính quyền, thực sự dựa vào dân để xây dựng đội ngũ cán bộ. Cho nên tác dụng của nó chính là để cả hệ thống chính trị, để toàn dân theo dõi, giám sát và sau giám sát cũng chính là để góp ý xây dựng đội ngũ cán bộ.

Thứ tư, nó cũng là cơ sở, căn cứ để cho các cấp ủy, tổ chức đảng, để cấp trên kiểm tra cấp dưới, để cấp ủy kiểm tra giám sát đối với đảng viên, rồi để đảng viên này giám sát, theo dõi đảng viên khác. Tôi cho rằng, Quy định đi vào cuộc sống rất có tác dụng...

PV: Quy định 144 cũng nêu rõ tinh thần 6 dám: Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thách thức, hành động vì lợi ích chung, vì nước, vì dân. Trên thực tế, căn bệnh nói mà không làm, bệnh sợ trách nhiệm, sợ sai, ngại thay đổi hay lạm dụng quyền lực để mưu lợi… đã được đề cập lâu nay. Soi chiếu với thực tế xã hội, đồng chí có bàn luận gì?

Đồng chí Nguyễn Đức Hà: Một nội dung trong Quy định 144 của Bộ Chính trị này cũng chính là thể hiện tinh thần cơ bản trong Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung mà chúng tôi hay gọi vui để cho dễ nhớ là kết luận “6 dám”. Có thể nói rằng, trong lúc này chúng ta đang rất cần thiết có một đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám đổi mới, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Ngay trong Quy định 144 cũng thể hiện một ý rất quan trọng. Đó là đòi hỏi cán bộ, đảng viên dám nhìn thẳng vào sự thật, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm và dám đổi mới sáng tạo. Tôi cho đây vừa là tinh thần mới nhưng nó bắt nhịp rất kịp thời và rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

Chúng ta thấy rằng, thực tiễn đang đòi hỏi, yêu cầu đội ngũ cán bộ, đảng viên không chỉ bình bình mà phải xông vào, có đam mê, ham muốn, phải có khát vọng, không bằng lòng với cái mình đã đạt được. Đấy là một yêu cầu rất cao trong giai đoạn mới. Ở chỗ này còn có thêm ý mà tôi thấy rất hay là cán bộ, đảng viên không chỉ nói đi đôi với làm mà cần nói đi đôi với làm và làm đi đôi với nói. Điều này có nghĩa là việc làm có đúng đi với lời nói không? Làm được nhưng phải nói được, phải truyền cảm ứng được, phải truyền bá, phải lan tỏa được. Người cán bộ, đảng viên bây giờ yêu cầu rất cao. Cho nên tôi cho là trong giai đoạn mới, chúng ta phải ngày càng bổ sung, phát triển và hoàn thiện về đạo đức của người cán bộ, đảng viên, của người cách mạng hiện nay là đúng như vậy.

Quy định 144 là cơ sở rất quan trọng, vừa quán triệt nhận thức để chúng ta hiểu cho rõ, thấm nhuần sâu sắc những tiêu chuẩn, tiêu chí... để trong quá trình chuẩn bị nhân sự cấp ủy các cấp tới đây thực hiện cho tốt. 

PV: Thưa đồng chí, Quy định 144 cũng là một tiêu chí cơ bản để sắp tới triển khai đưa vào quy hoạch, giới thiệu bầu cấp ủy khóa mới để tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng. Vậy thì để Quy định 144 đi vào cuộc sống, tạo ra bước chuyển biến rõ nét trong rèn luyện đạo đức cán bộ, đảng viên thì tới đây, yêu cầu đặt ra về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cần được tổ chức thế nào?

Đồng chí Nguyễn Đức Hà: Trước hết, tôi cho rằng, Quy định 144 của Bộ Chính trị ra đời vào lúc này rất kịp thời, đúng nhịp, đúng độ và đúng lúc cần thiết. Theo tôi được biết, Bộ Chính trị cũng đã thảo luận và cho ý kiến về dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng rồi. Bộ Chính trị cũng đã báo cáo trước Hội nghị Trung ương 9 vừa rồi để lấy ý kiến của Trung ương rồi. Hiện nay các cơ quan chức năng đang hoàn thiện lần cuối và để Bộ Chính trị ký ban hành. Tôi nghĩ chắc là cũng chỉ trong ít ngày nữa thôi Bộ Chính trị sẽ có Chỉ thị chính thức về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Cho nên tôi lại càng thấy Quy định 144 rất đúng thời điểm, rất cần thiết cho việc chuẩn bị đại hội.

Chúng ta biết rằng, lần nào cũng vậy, đại hội nào cũng vậy, yêu cầu của Bộ Chính trị, của Trung ương là phải làm sao lựa chọn cho đúng người, bố trí đúng việc. Đặc biệt vừa rồi đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn rất mạnh hai điểm. Một là không được bỏ sót những người có đức có tài, đồng thời lại không để lọt những người cơ hội vào trong cấp ủy các cấp, đặc biệt cấp càng cao thì lại càng quan trọng.

Trong các nghị quyết của Trung ương cũng như quy định của Trung ương đặt ra vấn đề là phải lựa chọn những người có phẩm chất, có năng lực, có uy tín. Phẩm chất thì có phẩm chất chính trị. Phẩm chất chính trị thì tư tưởng, chính trị thế nào? Ý thức chính trị, đạo đức thế nào? Thế rồi năng lực là năng lực công tác, năng lực chuyên môn, năng lực thực tiễn thế nào? Nó rất nhiều vấn đề... 

Riêng vấn đề chính trị lần này căn cứ vào Quy định 144 chúng ta có thể rất dễ để áp vào. Thế nào là có phẩm chất chính trị? Thế nào là trung thành với Đảng, với Tổ quốc? Kiên định mục tiêu lý tưởng của Đảng là thế nào? Kiên định Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thế nào? Kiên định với đường lối đổi mới và các nguyên tắc tổ chức của Đảng là thế nào?... Quy định 144 đã nêu rất rõ. Như vậy nếu áp vào lấy những tiêu chí, tiêu chuẩn đó  đối với từng nhân sự thì cũng rất là có điều kiện, cơ sở để lựa chọn.

Bây giờ cấp ủy các cấp đang phải rà soát lại quy hoạch, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch. Năm 2025 là Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV sẽ diễn ra vào đầu năm 2016. Tôi cho là đây là cơ sở rất quan trọng, vừa quán triệt nhận thức để chúng ta hiểu cho rõ, thấm nhuần sâu sắc những tiêu chuẩn, tiêu chí này để trong quá trình chuẩn bị nhân sự cấp ủy các cấp tới đây thực hiện cho tốt.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Thu Hà (thực hiện)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực