Tầm quan trọng của Bộ Tư lệnh Miền trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975

Thứ hai, 27/04/2020 13:47
(ĐCSVN) - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc ta, chiến trường Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ, nam Tây Nguyên (gọi tắt là B2) có vị trí địa chiến lược đặc biệt quan trọng. Chỉ huy các lực lượng vũ trang cách mạng trên địa bàn này là Bộ Tư lệnh (BTL) các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam Việt Nam, tên gọi tắt là Bộ Chỉ huy Miền, từ năm 1971 gọi là BTL Miền.

Sau chiến thắng Chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Trị Thiên - Huế - Đà Nẵng, quân và dân ta đã giành được những thắng lợi cực kỳ to lớn. Bộ Chính trị nhận định: “Chúng ta đang đứng trước thời cơ chiến lược lớn, chưa bao giờ ta có đủ điều kiện đầy đủ về quân sự và chính trị như hiện nay, có thời cơ chiến lược to lớn như hiện nay để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam để tiến tới hoà bình, thống nhất Tổ quốc”[1]. Tình hình đó đã tạo ra một thời cơ chiến lược hết sức thuận lợi để bước vào trận quyết chiến chiến lược cuối cùng. Từ đó ta hạ quyết tâm: “Động viên nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ở cả hai miền trong thời gian 1975-1976, đẩy mạnh đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh ngoại giao, làm thay đổi nhanh chóng và toàn diện lực lượng,… giành chính quyền về tay nhân dân, giải phóng hoàn toàn miền Nam”[2].Từ chỉ đạo trên, BTL Miền chỉ đạo xây dựng lực lượng Công binh Miền làm nhiệm vụ xây dựng đường cơ giới, nối thông con đường cơ giới đông Trường Sơn từ Sê-rê-pốc qua Bù Gia Mập đến Lộc Ninh; hỗ trợ các tiểu đoàn xăng dầu 559 lắp đặt đường ống dẫn dầu từ miền Bắc vào Lộc Ninh. Hàng loạt hành lang mới được mở từ bắc Tây Ninh xuống Quân khu 8, Quân khu 9; từ Lộc Ninh xuống Bến Cát, Củ Chi; từ chiến khu Đ xuống Long Phước, Xuyên Mộc. Hệ thống tổ chức hậu cần - kỹ thuật được kiện toàn; tính riêng từ tháng 1-1973 đến tháng 11-1974, các đoàn hậu cần Miền đã tiếp nhận chi viện 37 nghìn tấn vũ khí kỹ thuật hiện đại, thu mua và tự sản xuất 80 nghìn tấn lương thực, thực phẩm, không kể 28 nghìn tấn dự trữ từ trước.

Xe tăng quân Giải phóng tiến vào chiếm dinh Tổng thống, sào huyệt cuối cùng của chính quyền Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. (Ảnh: TTXVN) 

Để chuẩn bị lực lượng cho trận đánh lớn, BTL Miền đã đồng thời chỉ đạo điều chỉnh phát triển lực lượng vũ trang ba thứ quân, thành lập mới các đơn vị binh chủng Miền như BTL Thông tin (Đoàn 23), BTL Công binh (Đoàn 25), BTL Tăng - Thiết giáp (Đoàn 26), BTL Đặc công (Đoàn 27), BTL Phòng không (Đoàn 77), BTL Pháo binh (Đoàn 75). Hàng loạt đơn vị vũ trang mới cấp quân đoàn, sư đoàn, trung đoàn ra đời: Quân đoàn 4, Lữ đoàn đặc công biệt động 316, Sư đoàn bộ binh 3 và các sư đoàn nhẹ thuộc các quân khu 6, 7, 8, 9. Lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định tổ chức thành sáu mũi tiến công: Đoàn 196 (hướng Củ Chi, Hóc Môn, Gò Vấp), Đoàn 197 (hướng Tân Bình, Bình Chánh), Đoàn 198 (hướng nam Bình Chánh, Nhà Bè), Đoàn 199 (hướng nam Thủ Đức), Đoàn 195 (trong nội đô). Lực lượng đặc công được bố trí, sẵn sàng tiến công các mục tiêu. Lực lượng biệt động thành tổ chức thành ba tiểu đoàn, 11 đại đội, bố trí hai bên đông và tây TP Sài Gòn. Bộ đội địa phương và dân quân du kích phát triển với tốc độ chưa từng thấy. Đến tháng 12-1974, toàn B2, dân quân du kích tăng lên 96 nghìn người, bộ đội địa phương có gần 87 nghìn quân. Cuối năm 1974, BTL Miền đã tham mưu, chỉ đạo, chỉ huy hoàn tất việc chuẩn bị, tạo nên một thế trận và lực lượng mới cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

Để chỉ đạo các lực lượng trên chiến trường đẩy nhanh tiến công, trong Điện gửi Trung ương Cục Miền 18 giờ 00 ngày 27-3-1975, Bộ Chính trị chỉ thị: “Phải nhanh chóng phát động quần chúng vũ trang nổi dậy, đập tan các lực lượng kìm kẹp ở cơ sở, chiếm lĩnh các công sở... và vận động binh sĩ địch bỏ súng đầu hàng, làm tan rã các đơn vị quân ngụy”[3]. Tháng 7-1974, Đảng ta chỉ đạo Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam xây dựng kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976, nếu thời cơ đến sẽ giải phóng miền Nam trong năm 1975.

BTL Miền xây dựng và chỉ đạo các lực lượng vũ trang thực hiện kế hoạch mùa khô 1974-1975, với các mục tiêu cơ bản: tiêu diệt và làm tan rã một bộ phận quan trọng lực lượng và phương tiện chiến tranh của địch; phá kế hoạch bình định của chúng ở đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng hoàn chỉnh căn cứ địa miền Đông Nam Bộ, giải phóng đường 14 - Phước Long nối liền với Tây Ninh, tạo bàn đạp bao vây Sài Gòn từ hướng bắc, giải phóng lộ 20 - Tánh Linh - Võ Đắc - Xuân Lộc, tạo bàn đạp bao vây cô lập Sài Gòn từ hướng đông; giải phóng Dầu Tiếng, Bàu Đồn, Truông Mít, uy hiếp lộ 22, tạo bàn đạp bao vây Sài Gòn từ phía tây bắc; giải phóng khu vực Bến Cát, Quéo Ba, phân tuyến sông Vàm Cỏ Đông, mở hành lang xuống đồng bằng, tạo bàn đạp bao vây Sài Gòn từ phía tây, tây nam; đưa lực lượng đặc công biệt động bám vào Sài Gòn, tạo thế tại chỗ cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.

Ngày 7-4-1975, căn cứ tin tức từ các mặt trận báo về, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra lệnh cho các đơn vị đang tiến vào chiến trường: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”[4]. Ngày 14-4-1975, Bộ Chính trị thông qua kế hoạch giải phóng Sài Gòn mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh do Đại tướng Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh, Phạm Hùng làm Chính ủy.

Để chuẩn bị cho giải phóng Sài Gòn - Gia Định, Trong Điện gửi Trung ương Cục Miền, 15 giờ 30 ngày 22-4-1975, Bộ Chính trị chỉ thị. “… Sẵn sàng phát động quần chúng nổi dậy kết hợp với các cuộc tiến công của quân đội. Sự hợp đồng giữa các hướng cũng như giữa tiến công và nổi dậy sẽ thực hiện trong quá trình hành động”[5].  Bộ Chính trị chỉ rõ: “Nắm chắc thời cơ chiến lược mới tranh thủ thời gian cao độ nhanh chóng tập trung lực lượng vào phương hướng chủ yếu, hành động táo bạo bất ngờ, làm cho địch không kịp dự kiến, không kịp trở tay, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa”[6]. Thực hiện ý định Bộ Chính trị, BTL Miền chỉ đạo sắp xếp lại các đơn vị chủ lực, thành lập mới Sư đoàn đặc công 2, điều chuyển các đoàn hậu cần khu vực phục vụ cho 5 quân đoàn chủ lực; chỉ huy lực lượng vũ trang B2 bắt đầu thực hiện các đòn chia cắt chiến lược. Quân đoàn 4 tiến công căn cứ Sư đoàn 18 ngụy tại Xuân Lộc. Lực lượng vũ trang đồng bằng sông Cửu Long tiến sát lộ 4, TP Cần Thơ, thị xã Vĩnh Long, các tỉnh lỵ, huyện lỵ.

Theo kế hoạch, lực lượng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh được tổ chức thành 5 cánh quân tiến theo bốn hướng đánh vào Sài Gòn. Ngoài lực lượng bộ đội địa phương, đặc công - biệt động tham gia theo các hướng, Quân chủ lực Miền đảm nhiệm tiến công theo hai hướng: đông - đông nam và tây - tây nam. Quân đoàn 4 tiến công theo hướng đông - đông nam, mục tiêu là Dinh Độc Lập. Binh đoàn cánh Tây Nam tiến công theo hướng tây và tây nam, mục tiêu là Biệt khu Sài Gòn và Tổng nha Cảnh sát. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 diễn ra đúng kế hoạch, BTL Miền tự hào đã góp một phần quan trọng vào thắng lợi chung, từ việc nhận định tình hình, đề đạt phương án tác chiến, tạo thế tạo lực, tham gia chỉ đạo chỉ huy trong suốt quá trình.

Đánh giá về ý nghĩa lịch sử, tầm quan trọng của BTL Miền trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “BTL Miền đã thực hiện các chức năng cơ bản: Làm tham mưu cho Trung ương Cục Miền lãnh đạo phong trào đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, trực tiếp chỉ đạo và chỉ huy các lực lượng vũ trang nhân dân chiến đấu, góp phần cùng quân và dân cả nước lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước”[7]./.

Ghi chú:

[1] Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nxb CTQG - Sự thật,  H, 1991, tập 2, tr.178. 

[2] Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nxb CTQG - Sự thật,  H, 1991, tập 2, tr.184. 

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 36, Nxb CTQG, H, 2004, tr.90.

[4] Hồi ký “Tổng hành dinh trong mùa Xuân Đại thắng” của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Nxb QĐND, H, 2006.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 36, Nxb CTQG, H. 2004, tr.167.

[6] Đại tướng Hoàng Văn Thái - Những  năm tháng quyết định, Nxb QĐND, H, 1990, tr.210.

[7] Hồi ký “Tổng hành dinh trong mùa Xuân Đại thắng” của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Nxb QĐND, H, 2006.

Thượng tướng, Viện sĩ, TS. Nguyễn Huy Hiệu
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực