Tạo động lực thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ

Thứ ba, 10/05/2022 11:52
(ĐCSVN) - Chuyến thăm, làm việc lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu Việt Nam được kỳ vọng tạo động lực thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển, hiệu quả, đi vào chiều sâu, ổn định lâu dài trên tất cả các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại – đầu tư, khoa học – công nghệ, giáo dục - đào tạo, khắc phục hậu quả chiến tranh...
Thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ  (Ảnh minh họa: congan.baclieu.gov.vn)

Nhận lời mời của Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Joseph Robinette Biden Jr. (Giô-sép Rô-bi-nét Bai-đờn), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Lãnh đạo các nước ASEAN sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - Hoa Kỳ trong hai ngày 12-13/5/2022 tại Thủ đô Washington D.C., Hoa Kỳ. Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam thăm, làm việc tại Hoa Kỳ và Liên hợp quốc từ ngày 11-17/5/2022.

Đây là chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong bối cảnh Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh COVID-19 trên phạm vi toàn quốc, tự tin mở cửa trở lại, triển khai chương trình phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế-xã hội, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Chuyến thăm, làm việc tại Hoa Kỳ của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu Việt Nam diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ thời gian qua tiếp tục đà phát triển tích cực. Lãnh đạo hai bên duy trì tiếp xúc và điện đàm ở các cấp, đặc biệt Việt Nam tổ chức thành công các hoạt động của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc (9/2021) và các cuộc gặp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với Tổng thống Joe Biden và Đặc phái viên John Kerry bên lề COP26 (10/2021). Việt Nam đón thành công nhiều đoàn Hoa Kỳ thăm Việt Nam, như đoàn Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris (8/2021), Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin (7/2021), Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về biến đổi khí hậu John Kerry (2/2022) và Cố vấn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Derek Chollet (3/2022).

Hai bên duy trì các cơ chế đối thoại dưới hình thức trực tuyến trong thời gian COVID-19, và linh hoạt duy trì các trao đổi lẫn nhau thông qua hình thức viết thư và điện đàm, đáng chú ý là các cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn với Đặc phái viên về Biến đổi khí hậu John Kerry (4/2022); Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng với Trợ lý Ngoại trưởng Jessica Lewis (1/2022), Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Kritenbrink và Đặc phái viên Kurrt Campbell (1/2022); Thứ trưởng thường trực Nguyễn Minh Vũ điện đàm với Cố vấn Derek Chollet (2/2022).

Trong các trao đổi, phía Hoa Kỳ tái khẳng định cam kết ủng hộ một Việt Nam “mạnh, độc lập và thịnh vượng”, tiếp tục đánh giá cao vị thế và coi trọng quan hệ với Việt Nam, đề nghị hai bên tiếp tục có các bước đi để tăng cường quan hệ, trong đó ưu tiên hợp tác kinh tế - thương mại, an ninh - quốc phòng, y tế, năng lượng.

Ngoài ra, hai bên đã cơ bản giải quyết được vấn đề đất xây dựng trụ sở Đại sứ quán tại Thủ đô mỗi nước. Hiện hai bên đang gấp rút hoàn tất thủ tục pháp lý cuối cùng liên quan đến vấn đề đất sứ quán là đàm phán Thỏa thuận về các điều kiện xây dựng trụ sở cơ quan đại diện hai bên.

Về kinh tế – thương mại – đầu tư: Sau hơn 26 năm bình thường hóa quan hệ (từ năm 1995), quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển rất nhanh, đạt nhiều kết quả tốt đẹp trên các lĩnh vực.

Đặc biệt, quan hệ hai nước đã có những bước phát triển quan trọng trong lĩnh vực kinh tế với việc ký kết Hiệp định Thương mại song phương (năm 2000); Hoa Kỳ thông qua Quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn cho Việt Nam (năm 2006); hai nước ký Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (năm 2007); xác lập Quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ (năm 2013)...

Kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã tăng khoảng 250 lần, từ 450 triệu USD năm 1995 lên hơn 111,56 tỷ USD năm 2021 (tăng gần 21 tỷ USD so với năm 2020), bất chấp đại dịch COVID-19 kéo dài và diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Hoa Kỳ trở thành đối tác thương mại thứ hai, có kim ngạch thương mại vượt mốc 100 tỷ USD với Việt Nam. Nhiều năm qua, Hoa Kỳ luôn là một trong những đối tác có đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, với gần 1.150 dự án đang hoạt động, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 10,3 tỷ USD, xếp thứ 11/141 nền kinh tế có đầu tư tại Việt Nam.

Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam (Kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 91,5 tỷ USD tỷ USD, tăng hơn 24% so với cùng kỳ 2020), và Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Hoa Kỳ. Hai nước đã tiếp tục trao đổi, thảo luận về các vấn đề cụ thể và đạt kết quả tích cực, nổi bật là việc Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) tuyên bố chính thức kết thúc điều tra 301 về tiền tệ và gỗ, theo đó không áp thuế thương mại với Việt Nam. Hai bên tích cực triển khai Kế hoạch hành động hướng tới cán cân thương mại hài hòa và bền vững; đồng thời tiếp tục duy trì đối thoại để tăng cường hợp tác và giải quyết các vấn đề tồn đọng trong quan hệ thương mại. Trong chuyến công tác tại Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhân dịp dự ĐHĐ/LHQ (20 – 24/9/2021), doanh nghiệp hai nước đã trao đổi nhiều thỏa thuận hợp tác và hợp đồng thương mại với tổng giá trị gần 30 tỷ USD. Đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và lãnh đạo các Ban, ngành liên quan của Việt Nam đều đã tiếp đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ trong tháng 3/2022 để lắng nghe và chỉ đạo các cơ quan liên quan kịp thời tháo gỡ các quan tâm của các doanh nghiệp Hoa Kỳ nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp khôi phục sản xuất, duy trì mức độ tin tưởng vào môi trường đầu tư - kinh doanh lâu dài tại Việt Nam.

Về đầu tư, đến tháng 3/2022, đầu tư trực tiếp của Hoa Kỳ tại Việt Nam đạt 10,3 tỷ USD, đứng thứ 11/141 trong số các nước và vùng lãnh thổ có FDI tại Việt Nam. Các doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ tiếp tục quan tâm, đầu tư vào thị trường Việt Nam: Intel thông báo bổ sung đầu tư gần 500 triệu USD vào nhà máy tại TP. Hồ Chí Minh; đối tác sản xuất chính của Apple (Foxconn) bổ sung đầu tư 270 triệu USD tại Bắc Giang... Phía Hoa Kỳ thể hiện sự sẵn sàng thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực Việt Nam quan tâm như phát triển cơ sở hạ tầng, chuỗi cung ứng, năng lượng, kinh tế số. Ngày 29/3/2022, tập đoàn Vinfast ký hợp đồng xây dựng nhà máy sản xuất xe điện và pin trị giá 4 tỷ USD tại bang North Carolina.

Hợp tác an ninh – quốc phòng được duy trì tích cực với nội dung hợp tác đa dạng, nổi bật là việc trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao, hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh và nâng cao năng lực hàng hải. Một số sự kiện nổi bật gồm: Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm điện đàm với Giám đốc tình báo quốc gia Hoa Kỳ (DNI) Avril Haines (16/7) và Giám đốc cơ quan tình báo trung ương Hoa Kỳ (CIA) William Burns (21/7); Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin thăm chính thức Việt Nam.

Trong các cuộc trao đổi, hai bên đánh giá cao quan hệ song phương nói chung và hợp tác an ninh - quốc phòng nói riêng; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác trong nhiều nội dung quan trọng. Hai bên cũng ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ Việt Nam và Thỏa thuận bảo mật thông tin quân sự tổng quát (GSOMIA), tạo cơ sở để tiếp tục thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn thời gian tới.

Vấn đề khắc phục hậu quả chiến tranh tiếp tục là ưu tiên. Hợp tác tìm kiếm quân nhân mất tích trong chiến tranh tại Việt Nam (MIA), tìm kiếm liệt sỹ Việt Nam, xử lý dioxin, hỗ trợ người khuyết tật tiếp tục được đẩy mạnh. Việt Nam tích cực phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) triển khai Bản Ghi nhớ Ý định (MOI) về hợp tác nâng cao năng lực giám định hài cốt trong chiến tranh…

Hợp tác giáo dục đạt được nhiều bước tiến tích cực thời gian gần đây với việc hai bên thúc đẩy hợp tác giáo dục - đào tạo, chuyển giao công nghệ. Cơ quan Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (DFC) công bố khoản ngân sách của Chính phủ Hoa Kỳ trị giá 37 triệu USD cho Trường Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) vay để xây trường ở quận 9, TP. Hồ Chí Minh; tiếp tục phối hợp triển khai việc chuẩn bị cho tình nguyện viên Hoa Kỳ vào Việt Nam giảng dạy tiếng Anh (PC). Hiện nay, Việt Nam có 6 cơ sở giáo dục có vốn đầu tư của Hoa Kỳ tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Dương.

Hợp tác y tế và ứng phó COVID-19 tiếp tục là điểm sáng, đặc biệt trong việc hỗ trợ lẫn nhau về trang thiết bị y tế, vắc-xin, chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh và bảo hộ công dân. Việt Nam tích cực vận động phía Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam ứng phó COVID-19 (Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi thư cho Tổng thống Joe Biden (13/7, 28/7), Chủ tịch và Giám đốc điều hành Công ty Pfizer (9/8, 21/8, 7/9), Chủ tịch và Giám đốc điều hành Công ty Johnson & Johnson (5/7); điện đàm với Chủ tịch và Giám đốc điều hành Công ty Pfizer (20/8). Đến nay, Hoa Kỳ đã hỗ trợ cho Việt Nam gần 40 triệu liều vắc-xin, trong đó có gần 39 triệu liều thông qua cơ chế COVAX. Phía Hoa Kỳ chuyển cho Việt Nam 111 tủ lạnh âm sâu để bảo quản vắc-xin Pfizer; đề xuất viện trợ bộ xét nghiệm nhanh CUE do Hoa Kỳ sản xuất và phối hợp chuyển giao công nghệ vắc xin mRNA mới nhất và thuốc điều trị cho đối tác Việt Nam. Phía Hoa Kỳ cũng đã khai trương Văn phòng CDC khu vực tại Hà Nội nhân chuyến thăm của Phó Tổng thống Harris.

Về hợp tác khu vực và quốc tế: Hai nước tiếp tục phối hợp trong các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm như vấn đề Mê Công, Myanmar, Triều Tiên, phòng chống đại dịch COVID-19; đặc biệt là trong khuôn khổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và trong các cơ chế của ASEAN.

Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa, phát triển quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ lên tầm cao mới thực chất và hiệu quả hơn. Chuyến thăm, làm việc lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu Việt Nam được kỳ vọng tạo động lực thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển, hiệu quả, đi vào chiều sâu, ổn định lâu dài trên tất cả các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại – đầu tư, khoa học – công nghệ, giáo dục - đào tạo, khắc phục hậu quả chiến tranh...

Chuyến thăm, làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam trong thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi, góp phần vào hòa bình, thịnh vượng, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Chuyến thăm cũng nhằm triển khai “Kết luận số 12 – KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới”, thể hiện sự quan tâm, chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ, mong muốn kiều bào tiếp tục gắn bó với đất nước, đóng góp thiết thực, hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc./.

Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực