Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Giô-cô Uy-đô-đô tại Hội nghị APEC 2017
(Ảnh: MH)
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân, Tổng thống nước Cộng hòa In-đô-nê-xi-a Giô-cô Uy-đô-đô (Joko Widodo) và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước Việt Nam từ ngày 11-12/9/2018 nhân dịp tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN. Đây là chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên của ông Giô-cô Uy-đô-đô kể từ khi nhậm chức Tổng thống vào năm 2014.
Chuyến thăm cấp Nhà nước Việt Nam của Tổng thống In-đô-nê-xi-a Giô-cô Uy-đô-đô diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - In-đô-nê-xi-a có những bước tiến mới kể từ sau chuyến thăm chính thức In-đô-nê-xi-a của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 8/2017) và là điểm nhấn quan trọng, giúp định hướng hợp tác hai nước trong giai đoạn mới sau 5 năm thiết lập Đối tác chiến lược.
In-đô-nê-xi-a là quốc gia quần đảo lớn nhất thế giới, gồm trên 17.500 hòn đảo lớn, nhỏ nằm giữa lục địa châu Á và châu Đại Dương, nối liền Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương. Phía Bắc giáp với Ma-lai-xi-a, Xinh-ga-po, Phi-líp-pin và Biển Đông; phía Nam giáp với Ôt-xtrây-li-a và Ấn Độ Dương; phía Tây giáp với Ấn Độ Dương; phía Đông giáp với Pa-pua Niu Ghi-ni, Ti-mo Lét-xtê và Thái Bình Dương. In-đô-nê-xi-a có diện tích phần đất liền rộng 1,9 triệu km2 (thứ 15 thế giới), phần nước rộng 9 triệu km2. Dân số khoảng 260 triệu người (thứ 4 thế giới) với hơn 300 sắc tộc. GDP In-đô-nê-xi-a năm 2017 đạt 1.011 tỷ USD; GDP bình quân đầu người khoảng 4.116 USD (số liệu năm 2018).
Việt Nam và In-đô-nê-xi-a thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 30/12/1955. Mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - In-đô-nê-xi-a được xây dựng trên nền tảng vững chắc do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno gây dựng, được các thế hệ lãnh đạo, nhân dân hai nước dày công vun đắp, xây dựng, phát triển.
Việt Nam và In-đô-nê-xi-a có nhiều điểm tương đồng, cùng là thành viên ASEAN, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và nhiều tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế khác. Với Việt Nam, In-đô-nê-xi-a là đối tác quan trọng, giàu tiềm năng. Ngược lại, In-đô-nê-xi-a đánh giá cao vai trò, vị thế của Việt Nam, là một trong những nước có ảnh hưởng lớn trong ASEAN. Hai nước đã ký nhiều hiệp định và thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực. Nhiều cơ chế hợp tác giữa hai bên đã được thiết lập như: Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác kinh tế; Ủy ban hợp tác song phương cấp Bộ trưởng Ngoại giao.
Từ năm 1990 đến nay, hai bên tổ chức nhiều chuyến thăm lẫn nhau giữa các Đoàn đại biểu cấp cao Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, trao đổi các đoàn cấp bộ, ngành, doanh nghiệp, đoàn thể quần chúng, hoạt động giao lưu văn hóa. Quan hệ hai nước bước vào giai đoạn mới với chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử của Tổng thống Suharto (tháng 11/1990). Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống In-đô-nê-xi-a trong 33 năm và cũng là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một nguyên thủ quốc gia ở Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương kể từ năm 1975 (trừ Lào và Campuchia). Tháng 6/2003, nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống In-đô-nê-xi-a Megawati, hai nước đã ký “Tuyên bố chung về khuôn khổ hợp tác hữu nghị và toàn diện bước vào thế kỷ 21” và “Hiệp định Phân định ranh giới thềm lục địa”. Tháng 9/2011, nhân chuyến thăm chính thức In-đô-nê-xi-a của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai bên ra Thông cáo chung, tuyên bố “thúc đẩy quan hệ hướng tới đối tác chiến lược”. Tháng 6/2013, nhân chuyến thăm cấp Nhà nước In-đô-nê-xi-a của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hai bên ra Tuyên bố chung chính thức thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược. Tháng 8/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức In-đô-nê-xi-a. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Tổng Bí thư Đảng ta đến In-đô-nê-xi-a, mở ra một trang sử mới trong quan hệ giữa hai nước.
Một số địa phương hai nước đã và đang tăng cường quan hệ hợp tác, điển hình là quan hệ đối tác giữa tỉnh Kiên Giang và tỉnh Tây Kalimantan; tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và thành phố Padang; thành phố Đà Nẵng và thành phố Somarang.
Những năm gần đây, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và In-đô-nê-xi-a đã có những bước phát triển đáng khích lệ. Kim ngạch trao đổi hàng hóa hai chiều tăng từ 4,6 tỷ USD trong năm 2012 lên 5,6 tỷ USD trong năm 2016, đạt trên 6,5 tỷ USD trong năm 2017 và 7 tháng đầu năm 2018 đạt 4,7 tỷ USD. Hai bên phấn đấu đạt mốc 10 tỷ USD vào năm 2020. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang In-đô-nê-xi-a chủ yếu gồm: gạo, dầu thô, xi măng, linh kiện điện tử, hàng nông sản. Việt Nam nhập khẩu từ In-đô-nê-xi-a các mặt hàng phân bón, xăng dầu, bao bì, thiết bị máy móc, vải sợi, giấy và bánh kẹo.
Về đầu tư, tháng 6/1989, hai nước chính thức mở đường hàng không Việt Nam – In-đô-nê-xi-a. Nhiều tập đoàn lớn của In-đô-nê-xi-a đã vào Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Tính đến tháng 6/2018, In-đô-nê-xi-a tiếp tục đứng thứ 5 trong ASEAN và thứ 30/126 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 71 dự án trị giá 514 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí, khai thác than, ngân hàng, khách sạn, chế biến xuất khẩu gỗ, sản xuất sợi và may mặc. Một số dự án đầu tư lớn gồm: Khu đô thị Nam Thăng Long - Ciputra (2,1 tỷ USD), Liên doanh khách sạn Horizon - Pullman Hà Nội (66 triệu USD). Hiện Việt Nam có 13 dự án đầu tư sang In-đô-nê-xi-a với số vốn 54,7 triệu USD trong các lĩnh vực dầu khí và khai khoáng.
In-đô-nê-xi-a là một trong những nước trong khu vực có quan hệ sớm nhất về an ninh - quốc phòng với Việt Nam. Năm 1964, In-đô-nê-xi-a đặt phòng Tùy viên Quân sự ở Hà Nội. Năm 1985, Việt Nam đặt phòng Tùy viên Quân sự tại Jakarta. Hai bên trao đổi nhiều đoàn cấp Bộ trưởng và tướng lĩnh cao cấp Bộ Quốc phòng, Công an, triển khai hợp tác trên một số lĩnh vực như đào tạo sĩ quan, triển khai các hoạt động chung về tìm kiếm cứu nạn…
Bên cạnh đó, hai bên đang nỗ lực mở rộng hợp tác, trao đổi đoàn học tập kinh nghiệm về hành pháp, lập pháp, tư pháp ở cả trung ương, địa phương và đoàn thể quần chúng. Các hoạt động giao lưu văn hoá, thể thao tiếp tục được quan tâm thúc đẩy. Hằng năm, In-đô-nê-xi-a cung cấp cho Việt Nam một số học bổng ngắn hạn, trung hạn và dài hạn trên các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, ngôn ngữ... Hai nước đã ký Biên bản ghi nhớ về Hợp tác nghề cá và các vấn đề biển, về hợp tác nông nghiệp, tài chính, năng lượng…
Những năm qua, hai bên đã thực hiện các cơ chế hợp tác như: Ủy ban Hợp tác Song phương cấp Bộ trưởng Ngoại giao (JCBC), thiết lập năm 2011, họp luân phiên 2 năm/lần, đến nay đã họp 3 phiên: Phiên đầu tiên tháng 7/2012 tại Việt Nam, phiên thứ hai tháng 6/2015 tại In-đô-nê-xi-a và phiên thứ ba tháng 4/2018 tại Việt Nam. Tham khảo Hoạch định Chính sách cấp Vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại, thiết lập năm 2005, họp thường niên luân phiên, đến nay họp được 7 phiên và phiên thứ 7 họp tại In-đô-nê-xi-a vào tháng 6/2018. Ngoài ra, hai nước còn duy trì Nhóm làm việc chung cấp Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng; đối thoại hải quân cấp Phó Tham mưu trưởng; đối thoại an ninh cấp Thứ trưởng...
Chuyến thăm cấp Nhà nước Việt Nam lần này của Tổng thống In-đô-nê-xi-a Giô-cô Uy-đô-đô nhằm tiếp tục duy trì tiếp xúc cấp cao để tăng cường quan hệ đối tác chiến lược, củng cố tin cậy, hiểu biết giữa hai lãnh đạo và nhân dân hai nước; nâng cao chiều sâu hợp tác trên cơ sở quan hệ đối tác, vì lợi ích và sự phát triển của mỗi nước, đồng thời góp phần vì hòa bình, ổn định, đoàn kết, hợp tác trong ASEAN, ở khu vực và trên thế giới./.