Ảnh minh họa. ( Nguồn: vneconomy.vn)
Những ngày qua, vấn đề giá điện trở thành “điểm nóng” của dư luận do ngành điện tăng giá và cách tính theo biểu giá 6 bậc. Giá điện tăng trong mùa nắng nóng, làm chi phí sinh hoạt của người dân tăng cao. Giá điện cũng là đầu vào của hoạt động sản xuất, kinh doanh... nên sẽ khiến vật giá leo thang, gây khó khăn cho việc kiềm chế lạm phát cũng như đời sống nhân dân.
Chính vì vậy, sau khi người dân, báo chí đưa ra nhiều ý kiến góp ý, phản biện việc điều chỉnh mức giá bán điện chưa hợp lý và khoa học, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan kiểm tra việc điều chỉnh mức giá bán điện, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện thời gian qua, làm rõ đúng, sai.
Câu chuyện giá điện đặt ra một vấn đề khác, đó là việc ban hành chính sách, có tác động đến toàn xã hội, chưa được ngành điện chuẩn bị chu đáo, chưa có sự tham vấn đầy đủ, chưa minh bạch hết việc lỗ - lãi thực của ngành điện.
Thực tế cho thấy, có không ít chính sách đã được ban hành với cách thức như vậy, dẫn đến khó đi vào cuộc sống, vì chưa hợp lý, chưa được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ hay chia sẻ. Đơn cử như Thông tư quy định ghi tên thành viên trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành, sau đó bị người dân, báo chí phản ứng thì Bộ đã ra Thông tư dừng thực hiện; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi, với quy định lợn không được ăn cây chuối, bèo tây, thỏ không được ăn cà rốt… gây xôn xao dư luận, và đã bị “tuýt còi” yêu cầu xem xét lại; v.v.
Một văn bản pháp luật, một chính sách mới bao giờ cũng tác động đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhóm đối tượng bị điều chỉnh, có thể là những nhóm nhất định hoặc phạm vi rộng lớn của toàn xã hội. Do đó để hạn chế những tác động tiêu cực có thể xảy ra đối với văn bản quy phạm pháp luật cần phải tuân thủ đầy đủ quy trình ban hành văn bản, trong đó có quy trình lấy ý kiến đối tượng bị tác động.
Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, với mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, nên việc hoạch định và tổ chức thực thi các chính sách công cần được tổ chức thực hiện khoa học và hiệu quả, trong đó bước đi đầu tiên của mỗi chính sách là tham vấn, trước hết là lấy ý kiến đối tượng tác động.
Bên cạnh đó, cần tham vấn ý kiến các chuyên gia độc lập, các tổ chức tư vấn trong nước và quốc tế, để họ có thể chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp cho dự thảo hoàn thiện và hợp lý hơn.
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Nghị định số 34/2016 ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật này đã bổ sung những quy định hợp lý hơn về việc lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp và của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của luật. Trong đó quy định khá cụ thể về thời điểm, trách nhiệm, quy trình của việc xác định đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của luật, cũng như tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động của luật trong quá trình lập chương trình và soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật. Trách nhiệm này thuộc về cơ quan đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cũng như cơ quan soạn thảo, nhằm tạo điều kiện để người dân tham gia xây dựng pháp luật một cách thực chất, hiệu quả.
Tăng giá điện, xây dựng biểu giá điện bậc thang không phải là ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhưng lại là một quy định tác động đến toàn xã hội, đến nền kinh tế nên lắng nghe ý kiến của người dân, cũng như chủ động tham vấn chuyên gia, đánh giá tác động… trước khi ban hành là những bước cần thiết.
Tiếc rằng, luật đã quy định, lệ cũng đã quen, nhưng không ít trường hợp việc lấy ý kiến người dân, tham vấn chuyên gia mới được tiến hành một cách hình thức, thiếu cầu thị và thực chất nên chính sách, quy định ban hành khó đi vào cuộc sống, thậm chí gây ra những tác động tiêu cực không dễ khắc phục.
Câu chuyện tăng giá điện một lần nữa, nhắc nhở các cơ quan có thẩm quyền về sự cần thiết phải lấy ý kiến của các đối tượng trực tiếp chịu sự điều chỉnh của quy định mới từ các chuyên gia, nhà khoa học và người dân. Thông qua hoạt động cần thiết này, cơ quan chức năng sẽ có thêm thông tin về thực tiễn, để đưa những chính sách, những quy định mới phù hợp với điều kiện xã hội và tâm tư nguyện vọng của nhân dân, của các đối tượng bị tác động. Làm tốt bước này, cũng đồng thời là tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, để khi văn bản mới được ban hành, người dân dễ tiếp thu và thực hiện./.