Thế giới còn tồn tại nhiều định kiến với phụ nữ

Thứ sáu, 06/03/2020 18:54
(ĐCSVN) – Đây là kết quả một công trình nghiên cứu do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố ngày 5/3. Công trình này được tiến hành tại 75 nước, đại diện cho 80% dân số thế giới.
Ảnh minh họa. (Nguồn: UNDP )

Cụ thể, công trình nghiên cứu trên chỉ ra rằng, có tới gần một nửa số người được thăm dò cho rằng đàn ông mới chính là những nhà lãnh đạo chính trị vượt trội. Trong khi hơn 40% số khác tin rằng đàn ông có thể đóng vai trò tốt hơn trong điều hành doanh nghiệp và kiếm được nhiều việc làm hơn ngay cả khi nền kinh tế suy thoái. Đáng quan ngại là có tới 28% số người được thăm dò ý kiến cho rằng việc nam giới bạo hành thể xác bạn đời là điều bình thường.

Nghiên cứu cho thấy trung bình cứ 10 người thì có 9 người, bao gồm cả phụ nữ, giữ những định kiến đối với nữ giới. Những định kiến này bao gồm nam giới làm chính trị gia và lãnh đạo doanh nghiệp tốt hơn phụ nữ, việc vào đại học quan trọng với nam giới hơn phụ nữ, và nam giới nên được đãi ngộ tốt hơn tại những thị trường việc làm cạnh tranh.  

Trong số này, tỷ lệ tại Pakistan là lớn nhất, khi có 99,81% người tin vào những quan điểm trên, tiếp đó là Qatar và Nigeria đều ở mức 99,73%.

Các số liệu trên cho thấy những rào cản vô hình mà phụ nữ phải đối mặt để đạt được bình đẳng bất chấp những tiến bộ mà thế giới đạt được trong nhiều thập kỷ. Ngoài ra, dữ liệu phân tích trong Chỉ số tiêu chuẩn xã hội về giới đầu tiên của UNDP cũng tìm ra những manh mối mới của “những rào cản vô hình” mà phụ nữ phải vượt qua để đạt được sự bình đẳng.    

Từ thực trạng trên, người đứng đầu Văn phòng Báo cáo Phát triển Con người của UNDP – ông Pedro Conceicao bày tỏ: Chúng ta đã đi một chặng đường dài trong vài thập kỷ gần đây để bảo đảm rằng phụ nữ cũng có quyền tiếp cận tương đồng với nam giới trước những nhu cầu cơ bản của cuộc sống… Chúng tôi đã đạt được sự bình đẳng trong việc tuyển sinh tiểu học và giảm 45% tỷ lệ bà mẹ tử vong kể từ năm 1990”. Tuy nhiên, quan chức này của Liên hợp quốc cũng chỉ ra rằng, khoảng cách về giới vẫn còn hiện hữu rõ ràng trong nhiều lĩnh vực, và ngày nay, cuộc đấu tranh vì bình đẳng giới là một câu chuyện thiên về định kiến.

Những phân tích mới của UNDP cũng đã chỉ ra nguyên nhân tại sao “một khoảng cách quyền lực rộng lớn” vẫn còn tồn tại giữa nữ giới và nam giới trong các nền kinh tế, các hệ thống chính trị. Thậm chí điều này vẫn diễn ra ngay cả khi việc thu hẹp bất bình đẳng giới đã đạt tiến bộ rõ nét trong nhiều lĩnh vực phát triển, gồm: Giáo dục, y tế, cũng như việc gỡ bỏ những rào cản pháp lý đối với việc tham gia trong lĩnh vực kinh tế, chính trị.

Để minh chứng cho lập luận này, UNDP đã chỉ ra rằng, trong khi tỷ lệ phụ nữ và nam giới bỏ phiếu là như nhau, thì chỉ có 24 số ghế Quốc hội ở các nước trên thế giới thuộc về phụ nữ và cũng chỉ có 10 vị trí đứng đầu chính phủ các nước là do phụ nữ nắm giữ trong tổng số 193 nước thành viên Liên hợp quốc. Trong khi đó, khi cùng đảm nhận một công việc thì phụ nữ cũng thường được trả lương thấp hơn nam giới và ít được đề bạt vào các vị trí cấp cao hơn nam giới.

Qua đó, UNDP đã nhắc lại, năm 2020 đánh dấu kỷ niệm 25 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh (Bắc Kinh+25). Tổ chức của Liên hợp quốc coi đây là chương trình nghị sự có tầm nhìn nhất về trao quyền cho phụ nữ cho tới nay, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới đẩy nhanh hành động nhằm đáp ứng các mục tiêu toàn cầu về bình đẳng giới./.

Thu Lan (Theo báo chí nước ngoài)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực