(ĐCSVN)- Cách mạng tháng Tám năm 1945 là biểu hiện mẫu mực của khoa học và nghệ thuật chính trị dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, trong đó nổi bật là khoa học, nghệ thuật chủ động chuẩn bị lực lượng, nắm bắt mau lẹ và chớp thời cơ một cách quyết đoán, hiệu quả.
Ngay từ tháng 5 năm 1941, khi Liên Xô chưa tham chiến, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 được tổ chức tai Pắc Bó (Cao Bằng) đã ra Nghị quyết dự báo một cách chính xác hệ quả trực tiếp của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai: “Nếu cuộc đế quốc chiến tranh lần trước đẻ ra Liên Xô, một nước xã hội chủ nghĩa thì cuộc đế quốc chiến tranh lần này sẽ đẻ ra nhiều nước xã hội chủ nghĩa, sẽ do đó cách mạng nhiều nước thành công…”. Thực tiễn lịch sử chứng minh tính đúng đắn của dự báo do Đảng ta đưa ra. Với chiến thắng của Liên Xô và các lực lượng Đồng minh trước chủ nghĩa phát xít, thời cơ cách mạng đã đến với nhiều nước trên thế giới khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Hàng loạt cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đã nổ ra thắng lợi, chủ nghĩa xã hội từ một nước trở thành một hệ thống thế giới. Cách mạng giải phóng dân tộc ở Á, Phi, Mỹ La tinh đứng trước vận hội lớn của lịch sử.
Nhân dân Hà Nội chiếm Bắc Bộ phủ ngày 19/8/1945 (Ảnh tư liệu) |
Cũng từ rất sớm, Đảng ta đã phân tích chính xác mâu thuẫn giữa các thế lực đế quốc, nhận định phát xít Nhật sẽ đảo chính hất cẳng thực dân Pháp ở Đông Dương và vạch ra kế hoạch hành động khi xuất hiện tình hình mới. Ngày 15-2-1944, trong bài “Bóc trần mưu gian của đế quốc Nhật! Thống nhất hành động đánh đổ thù chung!” đăng trên Báo Cờ Giải phóng, Tổng Bí thư Trường Chinh xác định sớm hay muộn cuộc đấu súng Nhật - Pháp nhất định sẽ xảy ra. Từ đó đến những tháng đầu năm 1945, vấn đề “cuộc đảo chính của phát xít Nhật” luôn luôn được nhắc tới trong những văn kiện, tài liệu tuyên truyền của Đảng, định hướng công tác chuẩn bị của phong trào cách mạng cho thời điểm “đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Vì thế, ngay trong đêm Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), Hội nghị Thường vụ mở rộng, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Trường Chinh, đã khai mạc tại chùa Đồng Kỵ, sau đó họp tiếp tại làng Đình Bảng (Bắc Ninh), ra ngay Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” vào ngày 12-3-1945.
Bản Chỉ thị nhận định, cuộc đảo chính của Nhật ở Đông Dương tuy gây ra khủng hoảng chính trị, nhưng điều kiện khởi nghĩa chưa thực sự chín muồi. Trung ương xác định kẻ thù mới là phát xít Nhật, đề ra khẩu hiệu đấu tranh mới và dự báo hai khả năng làm xuất hiện thời cơ cho nhân dân ta vùng dậy giành chính quyền trên cả nước. Một là, quân Đồng minh vào Đông Dương đánh Nhật; hai là, Nhật đầu hàng Đồng minh.
Dưới ánh sáng của bản Chỉ thị lịch sử đó, các cấp bộ đảng từ trung ương đến địa phương đã theo dõi sát sao diễn biến mặt trận Thái Bình Dương. Đúng giữa trưa ngày 15-8-1945, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng các lực lượng Đồng minh. Như vậy, thời cơ xuất hiện như khả năng thứ hai mà Đảng ta đã dự báo. Tại lán Nà Lừa, Tân Trào (Tuyên Quang), lãnh tụ Hồ Chí Minh thể hiện quyết tâm “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được tự do, độc lập!”. Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc. Ủy ban ra Quân lệnh số 1: “Giờ tổng khởi nghĩa đã đến! Cơ hội có một cho quân, dân Việt Nam cùng giành lấy quyền độc lập của nước nhà. Chúng ta phải hành động cho nhanh, với một tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng! Cuộc thắng lợi hoàn toàn nhất định sẽ về ta!”. Tiếp đó, Hội nghị Đảng toàn quốc và Quốc dân Đại hội nhóm họp tại Tân Trào quyết định phát động cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước.
Như vậy, trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, thời cơ tồn tại một cách khách quan trong vòng 20 hôm, bắt đầu từ khi Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng (ngày 15-8) và kết thúc khi quân Đồng minh vào tước khí giới quân Nhật trên đất nước ta theo Hiệp định Pốt-xđam (ngày 5-9). Nếu phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn quốc trước ngày 15-8 quân Nhật còn mạnh và sau ngày 5-9 trên đất nước có nhiều kẻ thù, cách mạng đều không có khả năng thành công. Đảng và nhân dân ta đã chớp thời cơ, tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền thắng lợi trong ngưỡng thời gian khắc nghiệt đó. Như cơn sóng trào dâng, Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã đạp đổ chính quyền phát xít Nhật và tay sai. Ngày 30- 8- 1945, vua Bảo Đại đọc chiếu thoái vị. Ngày 2-9-1945, lãnh tụ Hồ Chi Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại vườn hoa Ba Đình (Hà Nội). Ba ngày sau, ngày 5-9-1945, với tư cách là chủ nhà, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đón tiếp quân Đồng minh vào tước khí giới quân Nhật trên đất nước ta.
Nhờ chủ động, tích cực chuẩn bị mọi mặt cho phong trào cách mạng ngay từ những ngày đầu thành lập Đảng; hiểu biết sâu sắc về thời cơ cách mạng; dự báo chính xác, nắm bắt kịp thời và chớp thời cơ mau lẹ, tuy mới 15 tuổi và chỉ với hơn 5 nghìn đảng viên, trong vẻn vẹn chưa đầy 20 ngày của Mùa thu lịch sử năm 1945, Đảng ta đã lãnh đạo quần chúng nhân dân làm cuộc tổng khởi nghĩa thắng lợi, giành chính quyền, tuyên bố thành lập nước, thành lập Chính phủ lâm thời… mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do, hạnh phúc cho quốc gia dân tộc. Bài học và tấm gương mẫu mực về tận dụng thời cơ trong cách mạng tháng Tám năm 1945 không ngừng được phát huy, phát triển trong các thời kỳ chiến đấu và chiến thắng vẻ vang của toàn quân, toàn dân ta, lập nên Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954 và chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 mang tầm cao thời đại…
Công cuộc đổi mới ở nước ta từ năm 1986 đến nay được triển khai trong bối cảnh chứa đựng cả thời cơ, thuận lợi và nguy cơ, thách thức đan xen. Những thời cơ, thuận lợi lớn đã được Đảng và nhân dân nhận thức đầy đủ, kịp thời. Đó là: hoà bình, hợp tác và phát triển là xu thế chủ yếu của thế giới ngày nay; cuộc cách mạng khoa học – công nghệ, nền kinh tế tri thức, quá trình toàn cầu hoá đang tạo điều kiện chưa từng có cho các quốc gia xích lại gần nhau, tăng cường hội nhập, phát huy lợi thế; xu hướng dân chủ hoá đời sống xã hội, đời sống quốc tế đang tạo hành lang rộng mở cho các chủ thể, các quốc gia khẳng định vai trò, vị trí của mình. Bên cạnh đó, nhiều khó khăn, thách thức, nguy cơ đang cản trở con đường phát triển của các quốc gia dân tộc: an ninh thế giới bị đe doạ nghiêm trọng bởi các nhân tố truyền thống và phi truyền thống (bạo loạn, xung đột, khủng bố, chiến tranh, tội phạm tài chính - tiền tệ, tội phạm công nghệ cao, thảm hoạ môi trường…); các thế lực phản động tăng cường chiến lược diễn biến hoà bình chống phá chủ nghĩa xã hội và nhiều chính sách khác cản trở độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia của các nước trên thế giới…
Những thời cơ và nguy cơ nêu trên, tự nó, chỉ tồn tại dưới dạng tiềm năng. Chúng trở thành thuận lợi và khó khăn thực tế hay không, điều đó phụ thuộc vào nhân tố chủ quan, trong đó có sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, các chủ trương, chính sách, các hoạt động thực tiễn nói chung. Trên cơ sở nhận thức sâu sắc, đầy đủ về thời cơ và nguy cơ trong thế giới đương đại, Đảng, Nhà nước đã chủ động xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn, kịp thời và tổ chức thực hiện có hiệu quả; đã tranh thủ tốt các thời cơ, thuận lợi và ứng phó phù hợp trước các nguy cơ, thách thức, đẩy lùi nhiều khó khăn. Nhờ vậy, từ năm 1986 đến nay, đất nước đã đạt nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử: bảo vệ, đổi mới và phát triển chủ nghĩa xã hội trước những thử thách nghiệt ngã của lịch sử; khắc phục khủng hoảng, đưa đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển; chính trị xã hội ổn định, đời sống nhân dân có nhiều bước cải thiện rõ rệt, đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố; quốc phòng, an ninh vững chắc, đối ngoại rộng mở, đảm bảo môi trường hoà bình, thuận lợi cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế… Thế và lực của đất nước, sức mạnh tổng hợp quốc gia được nâng cao, tạo tiền đề quý báu cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
Trong từng thành tựu của công cuộc đổi mới và trong mỗi bước phát triển của đất nước hôm nay đều khởi nguồn từ những bài học kinh nghiệm quý báu đúc kết từ các thời kỳ cách mạng trước đây. Trong đó, bài học kinh nghiệm nắm bắt và chớp thời cơ của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 luôn luôn có giá trị lâu bền và ý nghĩa thời đại./.
PGS.TS Nguyễn Viết Thảo Tổng biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam |