(ĐCSVN) - Năm nay, tròn một trăm năm (5/6/1911- 5/6/ 2011) ngày Bác ra đi tìm đường giải phóng dân tộc. Ngược dòng lịch sử, chúng ta ai cũng biết, thời điểm đó dân tộc ta, nhân dân ta sống trong cảnh nô lệ lầm than của một đất nước bị thực dân đô hộ, phong kiến áp bức.
Sự chuẩn bị cho một thời đại mới ở Việt Nam
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1969) |
Xâm chiếm được toàn bộ nước ta, thực dân Pháp đã từng bước thi hành một loạt chính sách cai trị hà khắc phục vụ các cuộc khai thác thuộc địa, đẩy nhân dân lao động Việt Nam vào cảnh bần cùng đói rách và thất học. Với ý thức tự tôn dân tộc và với ý chí không cam chịu làm nô lệ, nhiều chí sĩ giàu lòng yêu nước, có uy tín lớn trong xã hội đã phất cờ khởi nghĩa. Phong trào yêu nước lan tỏa khắp cả nước. Nhưng, các cuộc khởi nghĩa ấy đều bị thất bại.
Với lòng yêu nước thiết tha, tình thương dân nồng nàn, cách đây đúng 100 năm, ngày 5/6/1911 với cái tên Văn Ba, Nguyễn Tất Thành lên chiếc tàu buôn Latouche Trévill làm phụ bếp. Từ đó, Người lặn lội, hòa mình vào giới cần lao để sống, tìm hiểu, khám phá, học tập, nghiên cứu ở xứ người để trở thành Nguyễn Ái Quốc. Đó cũng là thời gian tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi do Người đặt ra, trong đó có câu hỏi mang tính vận mệnh đất nước, mang tính thời đại là làm thế nào để giải phóng dân tộc, đem lại độc lập cho dân tộc, tự do và hạnh phúc cho đồng bào...
Tàu Latouche Trévill sau một tháng lênh đênh biển khơi, đã cập cảng Mác-xây, cảnh cơ cực, vất vả của công nhân cảng đã hiển hiện trước mắt người phụ bếp Văn Ba. Thế là trong trái tim người vang lên câu hỏi: Tại sao thực dân Pháp không “khai hoá” văn minh đồng bào của họ, trước khi đi “khai hoá” ở đất nước chúng ta? Khoảng những năm 1912, 1913 trên đất Mỹ, khi thăm tượng Nữ thần Tự do, người thanh niên nước Việt lại xót xa cất lên câu hỏi: Sao dưới chân tượng Nữ thần Tự do này có nhiều người đói khổ và mất tự do thế?
Những tháng năm tiếp xúc với mọi tầng lớp xã hội ở nhiều nước, những câu hỏi này thường trực vang lên trong trái tim một con người giàu lòng yêu thương đồng loại. Và, đó lại là nền tảng thực tiễn quan trọng để hình thành quan điểm của Người về giới cần lao trên toàn thế giới, về bản chất của chủ nghĩa thực dân. Qua nhiều nghề như rửa bát, làm vườn, đốt lò, xúc tuyết, rửa ảnh, làm báo và hoà mình cùng giới cần lao của nhiều dân tộc, màu da, Người đã hiểu sâu sắc nguyên nhân tạo ra mọi bất công. Trên nền thực tiễn ấy, Người khẳng định rằng: Công nhân và những người lao động ở đâu cũng là bạn, bọn thực dân đế quốc ở đâu cũng là bọn bóc lột, là kẻ thù. Đây cũng là cơ sở để Người cho rằng đoàn kết giữa nhân dân lao động ở thuộc địa và ở chính quốc là nguồn sức mạnh để đánh đổ chế độ thực dân. Từ nhận thức này, tư tưởng đoàn kết quốc tế đã hành trình trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người.
Biết rõ nguyên nhân gây ra đau khổ cho dân, bất công cho xã hội, nhưng con đường cứu nước, cứu dân bằng cách nào luôn thổn thức trong trái tim Người. Lúc đó, học thuyết thì nhiều, song, người thanh niên Việt Nam giàu lòng yêu nước cũng chưa có ý niệm đi theo học thuyết nào. Tuy khâm phục ý chí giành độc lập, tự do của nhân dân Mỹ, khâm phục tinh thần cách mạng Pháp, nhưng Người không thể đi theo con đường cách mạng của họ.
Tháng 6/1919, nhân danh nhóm “Người Việt Nam yêu nước”, Người ký tên Nguyễn Ái Quốc vào bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” gửi Hội nghị Véc-xây, yêu cầu các nước thắng trận trong thế chiến I, trong đó có Pháp, hãy tôn trọng quyền tự do, bình đẳng của nhân dân Việt Nam. Tên gọi Nguyễn Ái Quốc bắt đầu từ đó để rồi xuất hiện trên các diễn đàn chính trị châu Âu và châu Á.
Năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đọc Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin. Trong văn kiện này, Lênin khẳng định, trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, phong trào giải phóng dân tộc là một phạm trù của phong trào cách mạng vô sản. Giai cấp vô sản ở các nước tiên tiến phải giúp đỡ các dân tộc ở các nước thuộc địa làm cách mạng dân tộc, dân chủ để rồi sau thắng lợi, các nước này tiến lên chủ nghĩa xã hội. Được lời như cởi tấm lòng, Nguyễn Ái Quốc đã tin và đi theo theo Lênin. Sau này, Người nhận định rằng bây giờ có nhiều chủ nghĩa, nhưng chỉ có Chủ nghĩa Lênin là cách mạng nhất. Nguyễn Ái Quốc đã đến với Lênin như một cuộc “gặp gỡ lịch sử” giữa chủ nghĩa yêu nước chân chính Việt Nam với học thuyết cách mạng và khoa học của thời đại.
Tháng 12/1920, Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội lần thứ 18 của Đảng Xã hội Pháp tại Tours với tư cách là đại biểu Đông Dương của Đảng Xã hội Pháp. Người trở thành một trong những sáng lập viên của Đảng Cộng sản Pháp và tách khỏi Đảng Xã hội. Năm 1921, Người cùng một số nhà yêu nước của các thuộc địa Pháp lập ra Hội Liên hiệp Thuộc địa (Union intercoloniale - Association des indigènes de toutes les colonies) nhằm tập hợp các dân tộc bị áp bức đứng lên chống chủ nghĩa đế quốc. Năm 1922, Người cùng một số nhà cách mạng thuộc địa lập ra báo Le Paria (Người cùng khổ) và làm chủ nhiệm kiêm chủ bút, nhằm tố cáo chính sách đàn áp, bóc lột của chế độ thực dân. Tác phẩm "Bản án chế độ thực dân Pháp" bằng tiếng Pháp (Procès de la colonisation française) do Nguyễn Ái Quốc viết được xuất bản năm 1925, đã tố cáo chính sách thực dân tàn bạo của Pháp và đề cập đến phong trào đấu tranh của các dân tộc thuộc địa.
Năm 1923, Nguyễn Ái Quốc đến Mátxcơva học tại trường Đại học Phương Đông. Tại đây Người đã dự Hội nghị lần thứ nhất Quốc tế Nông dân 10/1923), được bầu vào Ban chấp hành và Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân. Đại hội lần thứ 5 Đệ Tam Quốc tế (1924), Người được cử làm ủy viên Ban Phương Đông, phụ trách Cục Phương Nam.
Thời gian này, Nguyễn Aí Quốc có điều kiện đi sâu nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin. Trên cơ sở đó, Người đã khẳng định một quan điểm cách mạng là “muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản” [1]. Đồng thời, Người cho rằng, cách mạng giải phóng dân tộc là một bộ phận khăng khít của cách mạng vô sản thế giới. Kẻ thù của giai cấp vô sản của “chính quốc” cũng là kẻ thù của các dân tộc thuộc địa. Người còn nói cách mạng vô sản ở “chính quốc” và cách mạng thuộc địa như hai cánh của một con chim. Cho nên, giai cấp vô sản ở “chính quốc” và giai cấp vô sản ở các nước thuộc địa cần đoàn kết chống lại kẻ thù chung. Người nhấn mạnh phong trào cách mạng thuộc địa có thể giành thắng lợi trước khi giai cấp vô sản ở “chính quốc” giành chính quyền. Không những thế, cách mạng thuộc địa còn tác động mạnh mẽ đến cách mạng vô sản ở “chính quốc”. Có thể nói rằng đến đây đã hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc.
Rời Mátxcơva, Nguyễn Ái Quốc tới Quảng Châu cuối năm 1924, với danh tính hoạt động ở đây là Lý Thụy, với nhiệm vụ là một Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Ban chấp hành Quốc tế Nông dân, một thành viên của Bộ Phương Đông trong Quốc tế Cộng sản, trực tiếp phụ trách Cục Phương Nam và làm việc trong phái đoàn cố vấn của chính phủ Liên Xô do M.M. Boroddin làm trưởng đoàn, bên cạnh chính phủ Trung Hoa Dân quốc.
Cũng thời gian này, Người tăng cường chăm lo trực tiếp cho sự nghiệp cách mạng nước nhà. Tháng 6 năm 1925, Người sáng lập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, mở nhiều lớp huấn luyện đào tạo cho cán bộ từ trong nước sang. Từ đây, Người tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam. Người đã dồn tâm trí của mình để vận động tuyên truyền, rồi mở lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ nhằm mục đích chuẩn bị các điều kiện cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Người viết Cuốn Đường Kách mệnh, tập hợp các bài giảng tại các lớp huấn luyện chính trị của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên và xuất bản năm 1927.
Nhờ hoạt động không mệt mỏi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và nhiều đồng chí cách mạng tiền bối khác, phong trào đấu tranh của công nhân Việt Nam đã thay đổi về chất, chuyển mạnh từ tự phát sang tự giác. Các điều kiện ra đời một Đảng thống nhất của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ngày càng chín muồi. Và, ngày 3 tháng 2 năm 1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc) một Hội nghị quan trọng dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn ái Quốc, đã hợp nhất các tổ chức Cộng sản ở Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị đã thảo luận và thông qua Chính cương văn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ tóm tắt của Đảng do chính đồng chí Nguyễn Ái Quốc soạn thảo. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với phong trào công nhân, phong trào yêu nước Việt Nam. Đồng thời, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử tư tưởng Việt Nam là hình thành một nền tảng tư tưởng cách mạng Việt Nam.
Từ đó, cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, vai trò lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành một tất yếu lịch sử. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân cả nước đã dấy lên một phong trào đấu tranh rộng lớn, điển hình là Cao trào cách mạng 1930 - 1931 với đỉnh cao là Xô viết - Nghệ Tĩnh; cao trào đấu tranh chính trị 1936 - 1939; các cuộc khởi nghĩa ở Nam Kỳ, Bắc Sơn, Ba Tơ và cao trào kháng Nhật cứu nước. Các cao trào đó là sự tập dượt cho Tổng khởi nghĩa.
Ngày 28/1/ 1941, Người trở về Tổ quốc sau 30 năm (kể từ 1911) hành trình đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Một cuộc hành trình lắm gian lao, mà như huyền thoại. Từ đây, tên Người là Hồ Chí Minh được gắn liền với cuộc đấu tranh “dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải dành cho được tự do độc lập”. Tháng 5 năm 1941, Hồ Chí Minh chủ tọa hội nghị mở rộng lần thứ 8 của Trung ương Đảng họp ở Cao Bằng. Hội nghị quyết định thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội (Việt Minh) – Một tổ chức tập hợp sức mạnh dân tộc để chuẩn bị cho sự biến đổi mới tạo bước ngoặc to lớn trong lịch sử Việt Nam.
Kỷ nguyên mới ở Việt Nam – Thời đại Hồ Chí Minh
Thời đại là một phạm trù lịch sử có tầm bao quát rộng lớn về chiều hướng phát triển trong một giai đoạn lớn của lịch sử, chứa đựng những yếu tố cơ bản sự vận động của mỗi quốc gia dân tộc, cũng như của thế giới. Xác định một thời đại cụ thể ở Việt Nam phải dựa trên bản chất chế độ chính trị của nhà nước trong một giai đoạn lịch sử cụ thể và cái căn bản ấy có phù hợp quy luật phát triển nội tại của quốc gia dân tộc trong xu thế chung của thế giới hay không. Xét từ thực tiễn lịch sử Việt Nam, chỉ có cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 mới tạo ra những biến đổi về chất mang tính thời đại mới ở Việt Nam.
Theo dõi sát sao tình hình quốc tế và trong nước, nắm bắt thời cơ cách mạng, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã lãnh đạo Đảng và nhân dân ta tiến hành Tổng khởi nghĩa tháng Tám thành công, xây dựng nhà nước dân chủ, nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Thắng lợi này cũng là mở đầu của một thời đại mới - Thời đại Hồ Chí Minh ở Việt Nam.
Trên sở sở nhận thức về khái niệm thời đại và kết quả cuộc Cách mạng tháng Tám tiến hành theo tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng tôi thử phác họa những đặc trưng cơ bản của Thời đại Hồ Chí Minh ở Việt Nam tính từ thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, như sau:
1. Sự sụp đổ vĩnh viễn chế độ quân chủ phong kiến ngàn năm trên đất nước ta
Tồn tại hơn ngàn năm, chế độ phong kiến ở nước ta mang bản chất quân chủ phong kiến. Vua tự coi mình là thiên tử thay trời chăn dắt trăm họ. Quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp đều ở nơi vua. Quyền lực và lợi ích cũng thuộc về vua và hoàng tộc. Giang sơn đất nước là của Vua, dân là phương tiện bảo vệ, hi sinh cho quyền lực và lợi ích ấy. Tuy nhiên, bên cạnh những vị vua chỉ biết hưởng thụ, sa đọa, không biết nghe lời trung của kẻ sĩ, lại coi dân là tôi tớ cùng đinh, trong lịch sử các triều đại phong kiến nước ta, không phải không có những vua, quan xứng đáng là bậc minh quân, biết nhìn ra sức dân, vị trí người dân trong việc xây và giữ nước. Họ mở mang việc học, việc nhà nông, biết dựa vào hiền tài và sức dân để chấn hưng đất nước. Mặc dầu vậy, họ vẫn không vượt qua được ý thức hệ phong kiến – một hệ tư tưởng kéo dài triền miên ở đất nước ta, trong khi thế giới đã có nhiều biến đổi sâu sắc.
Phải chăng, Việt Nam thời phong kiến xa cách thế giới nên sự giao thoa, tiếp biến những tiến bộ ở bên ngoài bị hạn chế. Phải chăng cũng vì thế, khi thực dân Pháp xâm lược và đô hộ, thì những sĩ phu tuy giàu lòng yêu nước, thương dân, nhưng vẫn lúng túng, không tìm ra đường lối đúng đắn và thích hợp dẫn dắt nhân dân tranh đấu.
Phải đến khi người thanh niên yêu nước Văn Ba ra nước ngoài và mang tên Nguyễn Ái Quốc, rồi trở về với tên gọi Hồ Chí Minh, đã khởi xướng cuộc biến đổi to lớn cho đất nước, cho nhân dân. Đó là cuộc Cách mạng tháng Tám vĩ đại trong lịch sử dân tộc. Những tiến bộ do Cách mạng tháng Tám mang lại, vừa là điểm mốc đánh dấu chấm hết chế độ quân chủ phong kiến từng tồn tại hàng ngàn năm trên đất nước ta, làm thay đổi căn bản chế độ chính trị trong xã hội Việt Nam, vừa là khởi đầu cho một thời đại mới, thời đại mà người dân từ vị thế bị áp bức, bóc lột, trở thành người làm chủ bản thân, làm chủ đất nước. Đã bắt đầu một thời đại mà người dân có quyền quyết định cuộc sống của mình và vận mệnh của đất nước thông qua chế độ dân chủ. Cuộc biến đổi ấy đã làm sụp đổ hoàn toàn bản chất chế độ quân chủ phong kiến ở Việt Nam. Tuy vậy, trong thời đại mới, Thời đại Hồ Chí Minh, những truyền thống tốt đẹp, những di sản văn hóa dân tộc đang tiếp tục được nhân lên, đồng thời những tàn dư cũ, lạc hậu, cản trở sự phát triển thì nhân dân ta quyết tâm loại bỏ.
2. Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam xuất hiện một hình thái nhà nước mới – nhà nước dân chủ, nhân dân
Sau khi đã trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân và toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”, ngay ngày hôm sau, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rằng, trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có Hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ. Người đề nghị sớm tổ chức cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu.
Ngày 6-1/1946, sau vài tháng chuẩn bị, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên trong lịch sử dân tộc đã diễn ra. Tất cả công dân trai gái từ 18 tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giầu, nghèo, tôn giáo, dòng giống v.v.. .
Đó “là một ngày sẽ đưa Quốc dân ta lên con đường mới mẻ”, “là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình”. Bắt đầu một thời đại mà người dân từ kiếp đời nô lệ của ngàn năm phong kiến, trăm năm thực dân đã hiên ngang bước lên vũ đài chính trị nước nhà. Thông qua đó, Cách mạng đã đem lại cho người dân quyền làm chủ đất nước thực sự, cái mà ngàn năm trước đó không có.
Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử tháng 1-1946 với việc ra đời Quốc hội và ban hành Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử dân tộc, đánh dấu mốc phát triển nhảy vọt chưa từng có về thể chế dân chủ của nước nhà. Đó là Quốc hội của độc lập dân tộc, của thống nhất đất nước và của đại đoàn kết toàn dân. Đó là Hiến pháp dân chủ khẳng định vị thế chủ nhân đất nước là nhân dân. Mọi quyền lực, quyền lợi đều thuộc nơi dân. Với chức năng làm luật, quyết định những vấn đề lớn của đất nước, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, nay Quốc hội nước nhà đã trải qua 12 khóa và tính dân chủ trong hoạt động của Quốc hội ngày càng thể hiện rõ nét hơn.
Tính dân chủ, tính đại diện cho dân vừa là bản chất của nhà nước, vừa là một đặc trưng xuyên suốt trong quá trình xây dựng Nhà nước Việt Nam theo hướng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đây là một đặc trưng rất cơ bản của Thời đại Hồ Chí Minh ở nước ta.
3. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là triết lý của thời đại Hồ Chí Minh
Trong hoàn cảnh mất nước thì quyền lợi dân tộc được đặt lên trên quyền lợi giai cấp, vì có giải phóng dân tộc mới giải phóng được giai cấp. Giải phóng dân tộc đã bao hàm một phần giải phóng giai cấp, tạo tiền đề, điều kiện thuận lợi để giải phóng giai cấp. Chủ tịch Hồ chí Minh nhấn mạnh, “Nếu không giải quyết được vấn đề giải phóng dân tộc, không đòi được độc lập cho dân tộc thì chẳng những quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”. Người từng tuyên bố "Dù có đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được tự do, độc lập", "Không có gì quý hơn độc lập, tự do".
Thực tiễn các cuộc đấu tranh chống xâm lược và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta đã khẳng định triết lý độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội gắn kết với nhau một cách biện chứng và là đặc trưng xuyên suốt Thời đại Hồ chí Minh ở Việt Nam. Đó vừa là tư tưởng, ý chí, tình cảm, vừa là ngọn cờ của nhân dân Việt Nam trên con đường xây dựng, phát triển đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, văn minh. Triết lý này đã trở thành bài học số một được ghi trong Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 của Đảng.
Trước khi đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Toàn Đảng toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Mục tiêu độc lập, hòa bình, thống nhất đã đạt được. Nhưng mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh vẫn còn là khát vọng cháy bỏng của Đảng ta và nhân dân ta trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời đại mang tên Người.
4. Đạo đức Hồ chí Minh có giá trị xuyên thời đại mang tên Người
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương mẫu mực về thực hành đạo đức cách mạng để toàn Đảng, toàn dân noi theo. Người đặc biệt quan tâm tới giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Hồ Chí Minh để lại một di sản quý giá cho Đảng, cho dân, đó là Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mà trong cuộc vận động hơn 4 năm qua, tấm gương ấy lan tỏa soi sáng chỉ đường cho mỗi người dân, cho mỗi đảng viên sống để làm người chân chính phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Đạo đức không tự sinh ra, nó là kết quả của đấu tranh, rèn luyện thường xuyên, bền bỉ hàng ngày. Đạo đức là nền tảng tư chất của người cách mạng, nó giống như gốc của cây, ngọn nguồn của sông suối. Theo Bác, ở phương Đông một tấm gương có giá trị gấp trăm bài diễn thuyết. Đối với Người, việc tu dưỡng đạo đức suốt đời giống như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong. Có thể khái quát tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức qua một số đặc trưng sau:
Một là, Trung với nước, hiếu với dân.
Từ khái niệm " trung quân, ái quốc" trong đạo đức truyền thống của xã hội phong kiến phương Đông, Hồ Chí Minh đưa vào đó một nội dung mới, phản ánh đạo đức ở tầm cao mới và mang tính thời đại mới là “Trung với nước, hiếu với dân”. Nét mới này mang tính cách mạng sâu sắc trong quan niệm đạo đức ở thời đại mà người dân thực sự làm chủ đất nước. Tư tưởng trung với nước, hiếu với dân trở thành đạo làm người xuyên suốt thời đại Hồ Chí Minh ở Việt Nam. Đây là phẩm chất quan trọng nhất của mỗi người dân của một đất nước độc lập, tự do. Phẩm chất đó nói lên lẽ sống có trách nhiệm với Tổ quốc, với nhân dân, trong đó có cha mẹ và người thân của mỗi người.
“Trung với nước hiếu với dân” vừa là lời khẳng định một phương châm sống, vừa là định hướng đạo đức-chính trị, một lẽ sống cho mỗi người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hai là, yêu thương con người.
Xót xa trước cảnh lầm than, cơ cực của người dân mất nước, thấu hiểu giá trị làm người, Bác Hồ đã ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Tư tưởng vì dân, vì nước là ánh sang soi đường cho Người trên dặm dài ba mươi năm bôn ba chịu nhiều khó khăn vất vả để lao động, học tâp, nghiên cứu và tư duy về con đường giải phóng dân tộc.
Người từng nói: "Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành". Người lại nói: “ Nước độc lập, mà dân không có tự do, thì độc lập ấy chẳng có ý nghĩa gì”. Người đã dành trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng con người, giải phóng dân tộc. Không phải ngẫu nhiên, khi Cách mạng tháng Tám thành công, nhà nước của dân ra đời, người đặt Quốc hiệu là “Việt Nam dân chủ, công hòa; Độc lập, tự do, hạnh phúc”. Độc lập, tự do, hạnh phúc cũng là tuyên ngôn xây dựng đất nước của nhân dân Việt Nam từ hơn 65 năm trước.
Hồ Chí Minh nhìn con người với tấm lòng bao dung, nhân ái. Người cho rằng, khi ngủ ai cũng hiền lành, tỉnh đậy mới biết dữ, lành. Trong mỗi con người đều có thiện và ác. Phải giúp nhau làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi. Đó chính là quan điểm sống của người cách mạng, vì, như Người kết luận, xấu hay tốt phần nhiều do giáo dục mà nên.
Trong Di chúc, Người căn dặn: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau, nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên luôn luôn chú ý đến phẩm chất yêu thương con người”. Tình yêu thương con người cao cả mà gần gũi ấy, mãi mãi là tấm gương sáng cho nhân dân, cán bộ, đảng viên noi theo trong thời đại mang tên Người.
Ba là, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư.
Theo Hồ Chí Minh, cần là cần cù, siêng năng, không lười biếng. Phải thấy rõ "lao động là nguồn sống, nguồn hạnh phúc của con người. Kiệm là tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thì giờ, tiết kiệm tiền của của dân, của nước, của bản thân mình. Liêm là trong sạch, không tham lam, luôn luôn tôn trọng giữ gìn của công và của dân, không tham địa vị, không tham tiền tài. Chính, là thẳng thắn, đứng đắn, không tà. Đối với mình: không tự cao, tự đại, luôn chịu khó học tập cầu tiến bộ. Đối với người: không nịnh hót người trên, không xem khinh người dưới, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết thật thà, không dối trá, lừa lọc. Chí công vô tư là để việc công lên trên, lên trước việc tư, việc nhà. "lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ".
Chúng ta càng thấm thía lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền, mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”.
Trong giai đoạn hiện nay, khi mà không ít cán bộ, đảng viên suy thoái đạo đức lối sống, tham nhũng, gây lãng phí, vô cảm với dân thì học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh càng trở nên cần thiết. Trong thời đại mang tên Người, tấm gương đạo đức của Người sẽ là nguồn sáng để mỗi đảng viên, mỗi người dân tự soi mình để vươn tới xứng đáng tầm tư tưởng nhân văn ấy. Đồng thời, tấm gương đạo đức của Người còn là/phải là chuẩn mực để loại bỏ những con người cố tình làm băng hoại nền tảng đạo đức xã hội, làm giảm uy tín của Đảng trước nhân dân.
Những tác phẩm từ "Đường Cách mệnh" (1927), "Sửa đổi lối làm việc" (1947), "Cần, kiệm, liêm, chính" (1949) cho đến "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân" (1969) đang còn mang đậm tính thời sự và đồng hành cùng nhân dân ta, Đảng ta trong sự nghiệp phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
5. Thời đại Hồ Chí Minh đã đưa dân tộc đến với nhân loại
Hồ Chí Minh đặt nền móng xây dựng tinh thần quốc tế trong sáng. Đó là, tình đoàn kết với các dân tộc bị áp bức, với nhân dân lao động các nước. Người coi: "Bốn phương vô sản đều là anh em". Tư tưởng ấy, Người đúc rút từ cuộc đời hoạt động cách mạng của mình và thực tiễn cách mạng của cả dân tộc. Theo Hồ Chí Minh, chủ nghĩa quốc tế vô sản gắn liền với chủ nghĩa yêu nước, hơn nữa phải là chủ nghĩa yêu nước chân chính và chủ nghĩa quốc tế vô sản trong sáng.
Tinh thần quốc tế trong sáng của Người thể hiện ở lòng chân thành, giản dị, suốt đời hi sinh vì nhân quần, nhân ái. Người không đứng ngoài hay ở trên nhân dân, mà sống cùng nhân dân, giữa nhân dân. Người không phân biệt màu da, sắc tộc, mà gần gũi với tất cả nhân dân lao động bốn phương. Người đã đưa dân tộc đến với nhân loại và sống cùng thời đại – điều mà lịch sử Việt Nam trước đó chưa từng biết đến.
Trước đây các triều đại phong kiến coi vương triều mình đồng nghĩa với quốc gia, dân tộc, gắn lợi ích dân tộc với lợi ích của dòng họ mình. Từ Cách mạng tháng Tám, lợi ích dân tộc chỉ gắn với lợi ích của nhân dân. Đây là một bước ngoặc lịch sử, một nét mới bản chất trong chính sách đối nội và đối ngoại của nhà nước dân chủ, nhân dân.
Cách mạng tháng Tám đã đưa dân tộc ta ngang hàng và bình đẳng cùng phát triển với các dân tộc khác trên thế giới, không còn lệ thuộc hay "triều cống" nước lớn như thời phong kiến. Điều này được thực tế lịch sử từng bước khẳng định thế và lực của đất nước, nhất là ngày nay cả nước bước vào xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Đây là nét mới về thế và lực của dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh.
Thời phong kiến, để giữ yên biên cương, thông thường hoạt động ngoại giao chỉ chú trọng với nước gây chiến. Nhưng ngoại giao Hồ Chí Minh đã mở rộng quy mô cuộc đấu tranh giành và giữ vững nền độc lập dân tộc trên phạm vi thế giới, coi cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ta là chính nghĩa và là một bộ phận không thể tách rời của cách mạng thế giới. Phương châm này đã được Đảng ta khái quát thành chủ trương "Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại". Đây lại thêm một nét mới trong chiến lược đối ngoại Việt Nam.
Từ những nét mới nêu trên, cho thấy ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh đã và đang đưa nhân dân ta đến với thế giới và đưa nhân dân thế giới đến với Việt Nam. Bác nói: ”Thực lực là cái chiêng, ngoại giao là cái tiếng”. Nhân dân ta đang chung đúc cái chiêng Việt Nam bền đẹp đủ sức cất tiếng ngang tầm thời đại trong thế giới hôm nay.
***
Tầm vóc và vị thế của Việt Nam hôm nay có nguồn gốc bắt đầu từ một sự kiện cách đây 100 năm (5/6/1911 - 5/6/2011), đó là ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước để rồi có sự kiện mồng 3-2/1930 và 15 năm chuẩn bị cho sự biến đổi vĩ đại về chất trong lịch sử Việt Nam, đó là Cách mạng tháng Tám.
Dấu ấn Hồ Chí Minh đậm nét trên chặng đường sinh ra những biến đổi mang tính cách mạng sâu sắc và là nền tảng tạo ra những bước phát triển mới trên đất nước ta. Những biến đổi chính trị, kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, ngoại giao của đất nước ta từ Cách mạng tháng Tám mới có đủ tư cách là những đặc trưng cơ bản của một thời đại mới ở Việt Nam. Thời đại ấy gắn liền với tư tưởng và hoạt đông thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những đặc trưng ấy đã/đang là tiền đề, là động lực và là mục tiêu phát triển đất nước. Đặt tên thời đại ở Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám là Thời đại Hồ Chí Minh, vừa là để khẳng định tư tưởng của Người thực sự đã và đang là ngọn đuốc soi đường cho đất nước phát triển vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vừa là để ghi ơn người con của dân tộc vì “chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta”
“Hồ Chủ tịch đã qua đời! Nhưng Người để lại cho chúng ta một di sản vô cùng quý báu. Đó là thời đại HỒ CHÍ MINH, thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử quang vinh của dân tộc. Đó là kỷ nguyên độc lập, tự do của Tổ quốc, kỷ nguyên chủ nghĩa xã hội ở nước ta”.
Thời đại Hồ Chí Minh còn rất dài và mãi mãi đồng hành cùng dân tộc.
Điếu văn Hồ Chủ tịch của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam do Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đọc tại tang lễ được tổ chức vào ngày 9/9/1969 tại quảng trường Ba Đình
Điếu văn Hồ Chủ tịch , Tài liệu đã dẫn trên.