Thực hiện hiệu quả chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng

Thứ tư, 22/07/2020 11:20
(ĐCSVN) - Việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công và thân nhân người có công ngày càng đi vào chiều sâu, giải quyết các vấn đề khó, cốt lõi, nhất là những vấn đề còn tồn đọng qua nhiều năm, nhiều giai đoạn, nhiều thời kỳ.
 Ảnh minh họa (Nguồn: Thế Dương/CPV)

Ưu đãi người có công với cách mạng là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta, đó là sự đãi ngộ đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với người có công và thân nhân người có công với cách mạng, là trách nhiệm, là sự ghi nhận, tôn vinh những cống hiến to lớn của họ đối với đất nước.

Chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng là công cụ quan trọng trong việc quản lý xã hội trong lĩnh vực này, pháp luật về ưu đãi người có công nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công; tạo môi trường pháp lý thuận lợi để các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân nâng cao nhận thức, tham gia tích cực vào việc đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho người có công, tạo sự đồng thuận cao, góp phần bảo đảm công bằng xã hội và tạo điều kiện thuận lợi để người có công xây dựng cuộc sống, tiếp tục khẳng định vai trò trong cộng đồng xã hội.

Nhiều năm qua, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng từng bước được hoàn thiện. Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn đã quy định rõ điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận người có công, đối tượng chính sách người có công với cách mạng được mở rộng, thể hiện rõ tính công bằng, tôn vinh sự cống hiến và tiến bộ xã hội; được người có công, thân nhân người có công và xã hội đồng tình, ủng hộ. Việc xây dựng, nâng cấp, tu bổ mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ được quan tâm đầu tư. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được triển khai tích cực.

Phong trào "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng", ủng hộ quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" ngày càng phát triển sâu rộng, được xã hội đồng tình, hưởng ứng; đời sống của gia đình người có công với cách mạng không ngừng được cải thiện; nhiều thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ đã có ý chí vươn lên, tiếp tục có nhiều đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Hằng năm, Nhà nước đều ưu tiên nguồn lực để thực hiện việc điều chỉnh mức trợ cấp, phụ cấp đối với người có công với cách mạng, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, mức chuẩn trợ cấp hiện nay là 1.624.000 đồng, ngân sách nhà nước chi trên 30.000 tỷ đồng để thực hiện chế độ ưu đãi đối với người và gia đình người có công; đặc biệt trong giai đoạn 2016-2020 Nhà nước dành hơn 11.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở đối với gần 400.000 hộ người có công có khó khăn về nhà ở; hằng năm, Chủ tịch nước cũng dành hơn 900 tỷ đồng tặng quà cho người có công nhân dịp tết Nguyên đán và dịp kỷ niệm ngày thương binh - liệt sĩ.

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ cùng với sự tham gia tích cực, trách nhiệm của các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương và các tầng lớp nhân dân, việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công và thân nhân người có công ngày càng đi vào chiều sâu, giải quyết các vấn đề khó, cốt lõi, nhất là những vấn đề còn tồn đọng qua nhiều năm, nhiều giai đoạn, nhiều thời kỳ. Với phương châm “không để người thực sự có công mà không được xem xét công nhận và thụ hưởng chính sách”, ngành LĐ-TB&XH đã đẩy nhanh tiến độ xem xét xác nhận người có công với cách mạng, đồng thời chú trọng việc giải quyết những tồn đọng sau chiến tranh; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, nhằm thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng chính sách.

Về việc giải quyết hồ sơ xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh còn tồn đọng theo Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20/3/2017 của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, quá trình triển khai thực hiện có sự đồng thuận cao của các Bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương, nhân dân và đặc biệt là các bậc lão thành cách mạng, lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, đồng thời bảo đảm công khai, minh bạch. Qua đó, với việc hơn 6.000 hồ sơ tồn đọng đã được xem xét, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với hơn 2.000 liệt sĩ; các ngành và địa phương công nhận trên 2.500 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; những hồ sơ cần bổ sung hoàn thiện tiếp tục được xem xét giải quyết, những hồ sơ không đủ điều kiện đã kết luận và giải thích thấu tình đạt lý đối với đối tượng và thân nhân.

Cùng với việc xem xét công nhận người có công với cách mạng, chế độ trợ cấp ưu đãi và nhiều chế độ hỗ trợ khác đối với người có công và gia đình người có công với cách mạng cũng được triển khai thực hiện đồng bộ, như: chính sách bảo hiểm y tế; hỗ trợ về nhà ở; ưu đãi trong giáo dục đào tạo, việc làm; chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng, cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình; vay vốn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh của thương bệnh binh và người có công với cách mạng... Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở sự nghiệp nuôi dưỡng, điều dưỡng thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng thường xuyên được nâng cấp, đáp ứng yêu cầu nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng; mộ liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ được tu bổ, tôn tạo, nâng cấp và chăm sóc; công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ cũng được triển khai đồng bộ và có hiệu quả: hàng nghìn hài cốt liệt sĩ được quy tập, hàng trăm hài cốt liệt sĩ được xác định danh tính; Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ được đông đảo người dân và thân nhân liệt sĩ truy cập với hàng nghìn lượt truy cập/ngày, qua đó hàng trăm thân nhân liệt sĩ tìm được mộ liệt sĩ…

Các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công” với nhiều hình thức phong phú, thiết thực như: tặng nhà tình nghĩa, vườn cây tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa; chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng được phát triển sâu rộng ở tất cả các địa phương, huy động mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng cùng nhà nước chăm sóc ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người và gia đình người có công với cách mạng. Chỉ tính riêng năm 2019, các phong trào đã được thực hiện rộng khắp và hiệu quả như: Hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” đã tiếp nhận được sự ủng hộ hơn 496 tỷ đồng; xây mới 6.846 căn nhà tình nghĩa trị giá gần 350 tỷ đồng, sửa chữa 4.560 căn nhà trị giá gần 140 tỷ đồng; tặng gần 10.132 sổ tiết kiệm tình nghĩa trị giá hơn 15,3 tỷ đồng; 100% các Bà mẹ Việt Nam anh hùng được các tập thể, cá nhân nhận phụng dưỡng; 99% người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú; 98,5% xã phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ.

Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công vẫn còn những tồn tại, khó khăn và bất cập như: việc nghiên cứu xây dựng, ban hành và hướng dẫn thực hiện chính sách chưa theo kịp với các yêu cầu của thực tiễn quản lý nhà nước; sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương có lúc, có nơi còn chưa chặt chẽ; công tác kiểm tra, thanh tra chưa bao phủ kịp thời, vẫn còn tình trạng giả mạo hồ sơ, trục lợi chính sách...

Để thực hiện đầy đủ và có hiệu quả Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác người có công với cách mạng, với chức năng, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Nhân dân giao, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục tập trung, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác người có công với cách mạng. Cụ thể, nghiên cứu, ban hành Pháp lệnh thay thế Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng hiện hành và các văn bản hướng dẫn; tiếp tục rà soát, xem xét, giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận người có công với cách mạng; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường sự phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương trong thực hiện công tác người có công với cách mạng; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức, trách nhiệm của những người làm công tác người có công; thực hiện nghiêm công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm trong thực hiện luật pháp, chính sách đối với người có công với cách mạng. Phấn đấu đến hết năm 2020, 100% gia đình người có công có mức sống cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; không còn hộ người có công thuộc diện hộ nghèo./.

Đào Ngọc Lợi - Cục trưởng Cục Người có công

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực