Lần đầu tiên nước ta từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến, không có tên trên bản đồ thế giới đã trở thành một quốc gia độc lập, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa; nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Trải qua 75 năm, cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn, nhiều bước ngoặt và vượt qua nhiều thử thách lớn, giành thắng lợi vĩ đại, đưa đất nước ngày càng phát triển. Việt Nam đã ra khỏi tình trạng nước nghèo, chậm phát triển, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trở thành nước có thu nhập trung bình, có quan hệ quốc tế rộng rãi, có vị thế ngày càng nâng cao trong khu vực và trên thế giới như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”[1].
Trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta tiếp tục vận dụng và phát huy những bài học kinh nghiệm đã được đúc rút từ thực tiễn của cách mạng Việt Nam trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc suốt chặng đường lịch sử 75 năm qua. Đảng ta luôn nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội - ngọn cờ vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lại cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc. Đồng thời xác định xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là hai nhiệm vụ chiến lược có quan hệ chặt chẽ với nhau. Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng. Thực tiễn xây dựng chính đảng Mác-xít đã chứng minh, đảng cầm quyền lãnh đạo đất nước nếu không thực hiện tốt đạo đức cách mạng, không làm tốt nhiệm vụ chống tha hóa, hủ bại, suy thoái đạo đức, lối sống, thì sẽ càng ngày càng trở nên khó khăn, gian nan hơn. Muốn kiên định, kiên quyết xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh thì càng phải nâng cao năng lực, chống tha hóa, biến chất trong cán bộ, đảng viên, thực hiện liêm, chính trong Đảng. Không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết: Đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Đó là truyền thống quý báu và là nguồn sức mạnh to lớn của cách mạng nước ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”; kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại. Trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng cần kiên định ý chí độc lập, tự chủ, nêu cao tinh thần hợp tác quốc tế, phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ ngoại lực, kết hợp yếu tố truyền thống với yếu tố hiện đại. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đảng không có lợi ích nào khác ngoài việc phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đảng phải nắm vững, vận dụng sáng tạo, góp phần phát triển chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng làm giàu trí tuệ, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực tổ chức để đủ sức giải quyết các vấn đề do thực tiễn cách mạng đặt ra. Mọi đường lối, chủ trương của Đảng phải xuất phát từ thực tế, tôn trọng quy luật khách quan. Phải phòng và chống những nguy cơ lớn, như: Sai lầm về đường lối, bệnh quan liêu và sự thoái hóa, biến chất của cán bộ, đảng viên.
|
Ảnh minh họa. (Nguồn: vov.vn) |
Lịch sử luôn đòi hỏi những thành quả to lớn của cách mạng phải được phát huy, bồi đắp. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang ra sức phấn đấu xây dựng, phát triển đất nước theo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi năm 2013), thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phấn đấu thực hiện các mục tiêu: Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phát huy có hiệu quả mọi nguồn lực, động lực để phát triển đất nước nhanh, bền vững; không ngừng nâng cao mức sống của nhân dân; rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước tiên tiến trong khu vực, nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế; phấn đấu sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, tiếp tục tạo nền tảng vững chắc để đến giữa thế kỷ XXI trở thành nước phát triển có công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trước mắt, cần thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ trọng tâm: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ theo Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, lãnh đạo đủ năng lực và phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ theo Nghị quyết Trung ương 7 Khóa XII. Xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, theo Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XII, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu có hiệu quả theo sự chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về cuộc đấu tranh này “Không có ngoại lệ”, “Không có vùng cấm”, “Không ngừng nghỉ”. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động. Thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược được đề ra trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng là: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Phát triển nhanh nguồn lực, nhất là nguồn lực chất lượng cao. Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trước hết là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới trên phạm vi cả nước. Chú trọng giải quyết tốt vấn đề cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, xử lý nợ xấu và bảo đảm an toàn nợ công. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Mở rộng và đưa vào chiều sâu các quan hệ đối ngoại; tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế. Thu hút và phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, sức sáng tạo của nhân dân; chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Xây dựng nền văn hóa Việt Nam và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Coi trọng phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Giải quyết tốt những vấn đề xã hội bức xúc, trong đó chú trọng bốn vấn đề: An toàn thông tin mạng, an toàn giao thông, an toàn môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm đang hằng ngày, hằng giờ tác động, ảnh hưởng đến tư tưởng, sức khỏe, tính mạng của nhân dân; tăng cường quản lý phát triển xã hội; bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội.
Thực tế của gần 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới vừa qua đã chứng minh việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đã đạt được những thành tựu quan trọng, đánh dấu giai đoạn phát triển mới của sự nghiệp xây dựng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Quốc hội đã nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Hệ thống pháp luật tiếp tục được hoàn thiện; hoạt động giám sát của Quốc hội tập trung vào giải quyết những vấn đề bức thiết, quan trọng của đất nước, được các tầng lớp nhân dân và xã hội quan tâm. Chính phủ và các bộ, ngành tập trung quản lý, điều hành vi mô và năng động giải quyết những vấn đề lớn, quan trọng. Đảng và Nhà nước ngày càng quan tâm sâu sắc hơn, kịp thời hơn những vấn đề, những khó khăn của nhân dân nảy sinh trong cuộc sống và quá trình lao động, sản xuất. Nhiều chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp được thể chế trong Hiến pháp, pháp luật và được triển khai nghiêm túc trong thực tế đã đạt được những kết quả quan trọng. Phát huy những thành quả đạt được, thời gian tới cần tiếp tục đổi mới mô hình tổ chức, hình thức, phương thức hoạt động của cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương nhằm hướng tới một bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu quả, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của các lĩnh vực xã hội.
Năm nay kỷ niệm 75 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9 đúng vào dịp cả nước ta đang đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước lập thành tích chào mừng đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Để triển khai hiệu quả “nhiệm vụ kép”, vừa chống dịch COVID-19 vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân và giữ vững độc lập, chủ quyền; môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước thì toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phát huy hào khí Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 tăng thêm quyết tâm và ý chí hành động đưa đất nước tiếp tục phát triển nhanh và bền vững. Với khí thế tưng bừng của Ngày Độc lập, chúng ta tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta nhất định sẽ thực hiện thắng lợi mọi mục tiêu đề ra, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội./.
[1] Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Diễn văn kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng. Báo Nhân Dân ngày 4-2-2020, tr.2.
TS. Bùi Thế Đức
Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật TW;
Nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo TW. |