Tiếp tục lắng nghe ý kiến nhân dân để hoàn thiện pháp luật về đất đai

Thứ năm, 30/03/2023 11:36
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – Thông qua đợt lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai lần này Ban soạn thảo, Tổ biên tập được tiếp cận một bức tranh tổng thể hơn về suy nghĩ, ý kiến của người dân về chính sách đất đai hiện nay, từ đó để hoàn thiện pháp luật về đất đai, đảm bảo quyền lợi, nguyện vọng của nhân dân.
leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa. Nguồn: D.Ngân

 Đó là chia sẻ của ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Tổ trưởng Tổ Biên tập dự án Luật Đất đai (sửa đổi) về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vừa qua.

Phóng viên (PV): Thời hạn lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã hết. Ông có thể cho biết nội dung nào nhận được nhiều ý kiến góp ý nhất trong dự thảo Luật?

Ông Đào Trung Chính: Qua tổng hợp ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhiều ý kiến tán thành với các nội dung cơ bản của dự thảo Luật, đánh giá dự thảo có nhiều đổi mới, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, phát huy được nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quản lý đất đai chặt chẽ, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.

Phần lớn các ý kiến quan tâm đến nội dung về: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; về cơ chế, chính sách tài chính đất đai, giá đất; về đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; về thương mại hóa quyền thuê đất hàng năm và lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất; về chế độ, quản lý sử dụng các loại đất…

Điều này cho thấy sự quan tâm của xã hội một cách toàn diện đến Luật Đất đai, càng cho thấy vai trò quan trọng của Luật đối với các lĩnh vực trong nền kinh tế - xã hội.

PV: Ông đánh giá thế nào về chất lượng, hiệu quả của đợt góp ý này?

Ông Đào Trung Chính: Việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai là đợt sinh hoạt chính trị, xã hội hết sức sâu rộng, thu hút được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân, nhân sĩ, trí thức, người Việt Nam định cư ở nước ngoài (có sự tham gia trực tiếp của Bộ Ngoại giao thông qua cơ quan đại diện, Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài), các tổ chức, doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam.

Đặc biệt, công tác tuyên truyền, phổ biến của các cơ quan truyền thông được thực hiện thường xuyên, liên tục, rộng khắp trong cả nước đến từng thôn, xóm, khu phố và người dân…

Thông qua đợt lấy ý kiến nhân dân lần này các cơ quan, ban ngành và Ban soạn thảo, Tổ biên tập được tiếp cận với một bức tranh tổng thể hơn về suy nghĩ, ý kiến của người dân về chính sách đất đai hiện nay, từ đó để hoàn thiện pháp luật đất đai đảm bảo quyền lợi, nguyện vọng của nhân dân. Đợt lấy ý kiến nhân dân lần này cũng là một cơ hội tốt để tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật đến toàn dân.

leftcenterrightdel

Ông Đào Trung Chính  - Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất (Bộ TN&MT). Ảnh: Báo TNMT

PV: Trong quá trình tiếp nhận các ý kiến đóng góp, đâu là vấn đề nhận được nhiều ý kiến trái chiều nhất của dự thảo Luật lần này, thưa ông?

Ông Đào Trung Chính: Nội dung góp ý của nhân dân tương đối phong phú, đa dạng và bao trùm nhiều nội dung khác nhau của dự thảo Luật, tùy theo đối tượng cho ý kiến. Tuy nhiên, có thể thấy rằng các quy định nhận được quan tâm nhiều nhất đều trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất. Trong đó phải kể đến các quy định về việc lấy ý kiến các trường hợp Nhà nước thu hồi đất; các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, dự án nhà ở thương mại; các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất…

PV: Với những ý kiến trái chiều, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp thu và có hướng giải quyết như thế nào, thưa ông?

Ông Đào Trung Chính: Các ý kiến góp ý đều được phân tích kỹ lưỡng, trao đổi với các bộ ngành, cơ quan liên quan để thống nhất trong dự thảo Luật đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước.

Việc tiếp thu, giải trình ý kiến được thực hiện chi tiết từng ý kiến của cá nhân, tổ chức và được tập hợp, tổng hợp báo cáo kết quả đến Chính phủ, Quốc hội và đăng tải công khai theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Những nội dung có nhiều ý kiến khác nhau, chưa đạt được sự thống nhất sẽ được cơ quan soạn thảo tập hợp, báo cáo chi tiết với Chính phủ và Quốc hội xem xét, cho ý kiến cụ thể.

Quyền và nghĩa vụ của người dân phải được bảo đảm, phát huy

PV: Các nội dung nhận nhiều góp ý như quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư... cho thấy sự quan tâm đặc biệt của người dân về các vấn đề rất nóng này. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có những thay đổi gì trong vấn đề này để đáp ứng mong mỏi của người dân?

Ông Đào Trung Chính: Đây quả thực là những nội dung nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân, các ý kiến cũng rất đa dạng, phong phú. Hiện nay cơ quan soạn thảo đang tổng hợp và phân loại các ý kiến để rà soát tiếp thu, giải trình các ý kiến này dựa trên quan điểm “Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất phải được bảo đảm và phát huy”.

Đặc biệt, quy định nguyên tắc tái định cư theo hướng ưu tiên tái định cư tại chỗ, quy định điều kiện, tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đảm bảo khu tái định cư phải phù hợp với phong tục tập quán của cộng đồng dân cư, của từng địa phương.

Ngay sau khi kết thúc thời gian lấy ý kiến nhân dân, Ban soạn thảo, Tổ biên tập và cơ quan soạn thảo đã tập trung các nguồn lực để tập hợp, tổng hợp, tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý; xây dựng các báo cáo, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai và hồ sơ liên quan theo quy định của pháp luật.

Quá trình tiếp thu, giải trình sẽ có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, bộ, ngành để rà soát, thống nhất các ý kiến, đặc biệt là phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội để đảm bảo chất lượng của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

PV: Thu hồi đất để làm dự án thương mại, dịch vụ với giá đền bù thấp nhưng giá sau khi xây dựng hạ tầng cao, khiến các nhà đầu tư được lợi, trong khi người thu hồi đất chịu thiệt, gây bức xúc trong xã hội. Vậy làm thế nào để tránh được thiệt hại cho người dân, thưa ông?

Ông Đào Trung Chính: Nhận thức được vấn đề đã nêu, ngay từ khi tổng kết Nghị quyết 19, tổng kết thi hành Luật Đất đai và soạn thảo Luật Đất đai (sửa đổi), cơ quan soạn thảo đã hết sức lưu tâm đến các quy định đảm bảo thực hiện chủ trương của Đảng tại Nghị quyết 18 là “điều tiết chênh lệch địa tô, bảo đảm công khai, minh bạch”. Trong đó phải nhắc đến một số chính sách nổi bật như: quy định chi tiết các trường hợp thu hồi đất tạo quỹ đất để đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư và trường hợp thực hiện dự án đầu tư thông qua thỏa thuận về quyền sử dụng đất; sửa đổi, bổ sung các quy định về xác định giá đất đảm bảo phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường…

PV: Người dân kỳ vọng rất nhiều vào việc sửa đổi Luật Đất đai sẽ giúp khắc phục tình trạng đấu giá đất rồi bỏ hoang, chấm dứt nguồn cơn gây nên nạn "thổi giá". Theo ông, những điều luật nào sẽ giúp hạn chế tình trạng này?

Ông Đào Trung Chính: Thông qua nhiều hội nghị, hội thảo và các ý kiến góp ý gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường có đề nghị quy định một số điều kiện đặc thù trong đấu giá quyền sử dụng đất như quy định tỷ lệ tiền đặt trước và chế tài mạnh để xử lý khi nhà đầu tư bỏ cọc, không sử dụng đất đúng cam kết…

Cơ quan soạn thảo đang nghiên cứu để hoàn thiện các quy định này. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng đã bổ sung quy định về tiền sử dụng đất tăng thêm đối với các dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng để hạn chế tình trạng này.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực