Tìm trách nhiệm thuộc về ai, mà chẳng thấy!?

Thứ năm, 31/03/2016 09:25
(ĐCSVN) – Trong bộ máy công quyền, hai từ “trách nhiệm” được nhắc tới như “cơm ăn, áo mặc” hằng ngày. Phổ thông là thế nhưng khi gắn liền với những sự việc cụ thể, địa chỉ cụ thể thì câu chuyện lại trở nên không đơn giản. Nghe có vẻ nghịch lý, khó tin nhưng vẫn tồn tại như “chuyện thường ngày ở huyện”.

Tìm trách nhiệm thuộc về ai, mà chẳng thấy!? (Ảnh minh hoạ)

Câu chuyện thứ nhất mà người viết muốn đề cập là vụ nổ gây chấn động tại Văn Phú (Hà Đông, Hà Nội). Vụ nổ làm 5 người chết, 9 người bị thương, 36 căn hộ bị hư hỏng nặng, 95 căn hộ phía sau hiện trường vụ nổ bị vỡ hết kính, nứt tường, bung cửa… Vụ nổ kinh hoàng khiến cho dân cư của khu đô thị Văn Phú khiếp sợ. Một cơ sở thu gom phế liệu hoạt động ngay trong dân cư, chứa bao nhiêu loại vật liệu nổ, chứa cả một quả bom, vậy mà không ai biết, chẳng ai hay mặc dù chúng ta có đủ các “ban bệ” từ cảnh sát khu vực, cảnh sát phòng cháy chữa cháy, cán bộ quản lý thị trường, tổ dân phố đến các tổ chức đoàn, hội…? Để đến khi hậu quả xảy ra, các cấp các ngành mới xúm đến tìm “ông trách nhiệm”.

Câu chuyện thứ hai là câu chuyện Công ty đa cấp Liên kết Việt lừa đảo 60.000 người thuộc 27 tỉnh, thành phố gây thiệt hại của các thành viên trên 1.900 tỷ đồng. Điều khiến dư luận đặt dấu hỏi nhất là tại sao một công ty bán hàng đa cấp trên lãnh thổ Việt Nam, một nước có khá đầy đủ các văn bản pháp luật để quản lý loại hình kinh doanh nhạy cảm này, ngang nhiên hoạt động trái pháp luật trên diện rất rộng, với một số người bị lừa đảo rất đông trong một thời gian dài như vậy nhưng không bị ngăn chặn?

Hơn nữa việc cơ quan chức năng đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính Công ty này 570 triệu đồng từ 7 tháng trước nhưng khi “tập đoàn lừa đảo” này bị “khui” ra ánh sáng thì mới “hé lộ” chuyện bị phạt đó. Càng “lạ” hơn, không một cảnh báo nào từ phía Bộ Công Thương được đưa ra ở thời điểm đó. Đã thế, bên lề cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải còn cho rằng trong vụ việc liên quan tới hành vi lừa đảo của Công ty Liên kết Việt, Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã thực hiện đúng chức năng, quyền hạn, trách nhiệm theo quy định tại Nghị định 42/2014/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý bán hàng đa cấp"... 

Câu chuyện thứ ba đó là tại phiên họp thường kỳ Chính phủ ngày 26/3, khi trao đổi về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định: “Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành thời gian qua được thực hiện khá tốt”. Trong 3 tháng đầu năm, Bộ Y tế đã kiểm tra, xử phạt rất quyết liệt các đơn vị sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, chế biến thực phẩm bẩn… Cùng đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cũng cho biết, Bộ này đã “chặn đứng nguồn thực phẩm bẩn cung cấp từ bên ngoài và đã lấy hơn 200 mẫu từ các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi để kiểm tra và kết luận không mẫu nào còn chất cấm”.

Trước phát biểu của các bộ, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng đã phải thốt lên: “Nói các bộ phối hợp với nhau tốt, tại sao dân toàn phải ăn bẩn? Vậy thì tốt cái gì?”. “Hỏi ai cũng bảo trách nhiệm của tôi xong rồi, nhưng cuối cùng dân vẫn ăn bẩn mà không ai chịu trách nhiệm?”.

Đó là chưa nói đến việc người dân cảm thấy bàng hoàng, choáng váng thậm chí chửi thề khi biết 9.140kg chất cấm salbutamol ở Việt Nam chỉ còn khoảng 3 tấn đang được lưu giữ trong kho của các doanh nghiệp, trên 6 tấn đã được bán ra thị trường nhưng chỉ có 10kg được sử dụng đúng quy định, còn lại là để… tạo nạc cho khoảng 6 triệu con lợn. Điều đó có nghĩa là đa số chất cấm salbutamol đã đi qua “dạ dày” của người Việt. Vậy là hơn 10kg thuốc trị bệnh cứu người trở thành hơn 9 tấn thuốc độc giết người mà lại không ai phải chịu trách nhiệm.

Những câu chuyện nêu trên không liên quan gì tới nhau nhưng lại gắn bó mật thiết và khiến dư luận bất bình là tình trạng quá nhiều cơ quan có trách nhiệm nhưng cuối cùng chẳng ai phải chịu trách nhiệm khi xảy ra chuyện bởi vì tất cả các cơ quan liên quan đều đã làm đủ, đúng trách nhiệm của mình. “Ông trách nhiệm” thì không thấy đâu nhưng hậu quả gây ra thì người dân phải gánh đủ.

Đừng để cho người dân phải chịu oan uổng từ trách nhiệm của các cơ quan quản lý mà tìm mãi chẳng thấy “ông ấy” ở đâu. Muốn thế, thiết nghĩ cần siết chặt hơn nữa kỷ cương trong bộ máy công quyền. Đã nói đến nền hành chính là phải nói đến trách nhiệm cá nhân, là phải có thứ bậc trên – dưới, lớn – bé. Không thể cả nể, xuề xòa, cá mè một lứa, trách nhiệm chung chung, cuối cùng là … hòa cả làng.

Muốn thế, dư luận mong muốn phải tìm được “ông trách nhiệm” cụ thể, rõ ràng, “bằng xương bằng thịt”. Muốn làm được điều đó, phải bằng thiết chế, pháp luật, quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền cá nhân khi có vi phạm thì mới xử lý được. Nếu không cứ đi tìm mãi “ông trách nhiệm” mà chẳng thấy!?/.

Trung Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực