|
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Hồng Minh - PV TTXVN tại châu Phi |
“Thưa đồng chí Ma-nu-en Đô-minh-gốt Au-gút-xtô (Manuel Domigos Augusto), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư phụ trách đối ngoại Đảng MPLA!
Thưa đồng chí Ét-tê-vét Các-lốt Hi-la-ri-ô (Esteves Carlos Hilário), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư phụ trách thông tin và truyền thông Đảng MPLA!
Thưa các quý vị đại biểu và các bạn!
Với truyền thống đoàn kết hữu nghị giữa Việt Nam với Ăng-gô-la và châu Phi, tôi và Đoàn công tác rất vinh dự, vui mừng khi đến thăm và làm việc tại Ăng-gô-la và tham dự Hội thảo với chủ đề “Thân thế, sự nghiệp và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Ăng-gô-la và châu Phi”. Hội thảo của chúng ta càng có ý nghĩa hơn khi diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm kỷ niệm 134 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, tôi chân thành cảm ơn các vị lãnh đạo Đảng MPLA, các quý vị đại biểu đã tổ chức và tham dự hội thảo làm rõ sự cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là tư tưởng và tình cảm của Người đối với nhân dân và sự nghiệp giải phóng các dân tộc châu Phi. Chúng ta cùng mong muốn và chúc cho tình đoàn kết giữa Việt Nam và Ăng-gô-la ngày càng bền chặt và hiệu quả.
Thưa các bạn!
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ thiên tài, Người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, Người chiến sĩ cộng sản quốc tế mẫu mực, Người bạn thân thiết của các dân tộc yêu chuộng hòa bình và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới. Từ điển Danh nhân văn hóa thế giới ghi nhận: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là ngọn cờ đầu của giải phóng dân tộc. Người đã dẫn dắt triệu triệu người Việt Nam cùng hàng ngàn triệu người nô lệ hơn 100 nước trên thế giới vùng lên giành độc lập tự do, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới. Người đã làm nên cuộc đảo lộn thế giới chưa từng có từ sau khi chủ nghĩa tư bản lật đổ đế chế La Mã cổ xưa. Người đã vẽ lại bản đồ thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh xứng đáng là Danh nhân văn hóa thế kỷ XX”.
Người đã sáng lập, giáo dục, rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam và trực tiếp lãnh đạo đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách. Tháng 8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân Việt Nam đã tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á, tạo ra một bước ngoặt trọng đại nhất của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là hình mẫu cổ vũ cho các dân tộc thuộc địa đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, đòi lại quyền độc lập dân tộc.
Khi giữ cương vị là Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh luôn quan tâm, cổ vũ và khích lệ phong trào đấu tranh của các dân tộc châu Phi, nhất là các cuộc đấu tranh của nhân dân Ăng-gô-la, Etiopia, Ai cập, Tuynidi, Marốc, Liby, Xu đăng, Gana, Ghinê, Angiêri, Nam Phi... Người chỉ rõ: “Vì mục đích chung là giải phóng dân tộc, vì chống kẻ thù chung là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nên nhân dân Việt Nam ta sốt sắng đồng tình với anh em Bắc Phi”. Tháng 10/1951, trong lúc nhân dân Việt Nam đang tiến hành cuộc kháng chiến chống quân Pháp xâm lược ở những thời khắc gay go, quyết liệt nhất, Người đã nhận thấy: “Các thuộc địa khác đều là đồng minh của ta. Ta có bạn đồng minh khắp bốn bể, năm châu, cho nên ta nhất định thắng lợi”.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh; sự chỉ huy tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, trong đó có nhân dân ở các nước châu Phi, dân tộc Việt Nam làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đánh đổ ách thống trị của chủ nghĩa thực dân Pháp. Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ có giá trị lịch sử sâu sắc, ghi dấu thắng lợi rực rỡ của dân tộc Việt Nam anh hùng, mà còn mang tầm vóc thời đại to lớn, là thắng lợi chung của các dân tộc bị áp bức trên thế giới, mở đầu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn cầu, cổ vũ và góp phần quan trọng vào phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội của nhân loại, trong đó có các dân tộc châu Phi.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, cổ vũ nhiệt tình cho sự nghiệp giải phóng các dân tộc châu Phi, thông qua các Hội nghị Á - Phi (Băngđung), năm 1955; Hội nghị các nước độc lập ở châu Phi - Acra (Thủ đô nước Gana), năm 1958; Hội nghị các nước độc lập ở châu Phi - ở Ađi Abêba (Thủ đô nước Êtiôpia)… Người coi đây là những sự kiện rất quan trọng của châu Phi trên con đường tiến lên giành độc lập, tự do và tự chủ thực sự, khẳng định quyền tự quyết dân tộc của mình. Người vận động và thúc đẩy nhân dân các nước trên thế giới với tinh thần “Đoàn kết nhân dân châu Phi. Đoàn kết nhân dân Á - Phi”; “Ra sức giúp đỡ những dân tộc châu Phi đang đấu tranh giành độc lập”; “Đấu tranh tiêu diệt chủ nghĩa thực dân, giải phóng tất cả các dân tộc châu Phi”; nhất là “Chống phân biệt chủng tộc”, “Chống chạy đua binh bị”, “Chống vũ khí nguyên tử”, “Đấu tranh cho hòa bình” ở mỗi nước châu Phi.
Trong công cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, thực hiện Di huấn của Người “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, trong đó có nhân dân ở các nước châu Phi, dân tộc Việt Nam đã phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, thống nhất, hòa bình, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Thưa các bạn!
Chúng ta đã từng nghe, từng biết đến rất nhiều câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc của Việt Nam, Ăng-gô-la và nhân dân các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Trong những câu chuyện đó, “Hồ Chí Minh”, “Điện Biên Phủ” không chỉ vang lên với tình cảm chân thành mà còn là phong trào, động lực cách mạng có ý nghĩa kết nối các dân tộc bị áp bức cùng đứng dậy đấu tranh. Chúng tôi rất xúc động và cảm ơn tình cảm quý báu của các bạn dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, dành cho Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhân dân Việt Nam.
Nhìn lại sự nghiệp giải phóng các dân tộc của Việt Nam và Ăng-gô-la, chúng ta càng trân quý hơn mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại là người đặt nền móng. Trong Di chúc thiêng liêng, Người đã viết: “Tôi tin chắc rằng các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại”. Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam luôn coi trọng tình hữu nghị với Ăng-gô-la, phấn đấu vì hòa bình, ổn định và phát triển của mỗi quốc gia.
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các nước châu Phi nói chung và Ăng-gô-la nói riêng không ngừng phát triển và rộng mở. Chúng tôi mong muốn mỗi đại biểu tại khán phòng này sẽ là một “đại sứ” thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gắn chặt hơn nữa tình đoàn kết của Nhân dân hai nước chúng ta.
Nhân dịp này, thay mặt Đảng, Nhà nước Việt Nam, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi xin chúc quý vị đại biểu, nhân dân Ăng-gô-la ngày càng đạt được nhiều thành tích to lớn hơn nữa trên tất cả các lĩnh vực.
Chúc Hội thảo của chúng ta có nhiều ý nghĩa, kết quả thiết thực và thành công tốt đẹp!
Chúc tình đoàn kết giữa Việt Nam và Ăng-gô-la ngày càng bền vững!
Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!
Xin trân trọng cảm ơn!”
--------------------------------
* Đầu đề do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đặt