Đồng chí Lê Duẩn (tên khai sinh là Lê Văn Nhuận) sinh ngày 07/4/1907 trong một gia đình lao động, có truyền thống yêu nước tại làng Bích La Đông, tổng Bích La, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị (nay là làng Bích La Đông, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Đồng chí là người chiến sĩ cộng sản kiên cường, đã sớm giác ngộ cách mạng và tham gia các hoạt động yêu nước như: phong trào đấu tranh đòi thực dân Pháp ân xá nhà yêu nước Phan Bội Châu (1925), tham gia Hội Ái Hữu ở Đà Nẵng (1926), Tân Việt cách mạng Đảng… Đồng chí thuộc lớp người đầu tiên hưởng ứng lời kêu gọi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc đi theo con đường cách mạng của Chủ nghĩa Mác-Lênin và tham gia Hội Thanh niên cách mạng năm 1928. Năm 1930, đồng chí Lê Duẩn trở thành một trong những đảng viên lớp đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương.
|
Tổng Bí thư Lê Duẩn thăm cán bộ, nhân dân tỉnh An Giang. (Ảnh tư liệu). |
Đồng chí Lê Duẩn trực tiếp tham gia hoạt động cách mạng liên tục ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam, được Đảng và nhân dân tin cậy, giao phó nhiều trọng trách như: Ủy viên Ban Tuyên huấn Xứ ủy Bắc kỳ (1931), Bí thư Xứ ủy Trung kỳ (1938), Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng (1939), Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, Bí thư Trung ương Cục miền Nam (1946 - 1954), Bí thư thứ nhất, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1960 đến 7/1986)… Là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, hoạt động không mệt mỏi, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã in dấu chân trên khắp mọi miền đất nước và một lòng kiên trung với dân, với Đảng, nêu cao tinh thần cách mạng tiến công. Ngay trong những tháng năm bị tù đày, xiềng xích, trong những lúc cách mạng gặp muôn vàn khó khăn, đồng chí vẫn giữ vững chí khí cách mạng, kiên quyết đấu tranh, tìm mọi cách đưa phong trào cách mạng tiến lên.
Với 26 năm liên tục đảm nhiệm cương vị Bí thư thứ nhất và Tổng Bí thư của Đảng, thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược của toàn dân tộc là xây dựng, bảo vệ chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, trong những thời điểm lịch sử đầy cam go, phức tạp, đồng chí Lê Duẩn đã có những đóng góp rất to lớn cho cách mạng, thể hiện ở những quyết sách mang tính đột phá và tầm nhìn xa trong tư duy lãnh đạo của mình.
Là nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, Tổng Bí thư Lê Duẩn đồng thời là nhà lý luận xuất sắc, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam. Tổng Bí thư rất coi trọng nghiên cứu lý luận, học tập và rèn luyện tư duy lý luận. Dù bận nhiều công việc nhưng đồng chí Lê Duẩn vẫn để lại gần 100 tác phẩm với hàng ngàn trang viết, nổi bật là các tác phẩm: “Đề cương cách mạng miền Nam”; “Thư vào Nam”; “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới”..., Bên cạnh phong cách tư duy độc lập tự chủ, sáng tạo, các tác phẩm này còn luôn thể hiện sự trăn trở, tinh thần vì nước, vì dân, vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
|
Tổng Bí thư Lê Duẩn thăm Hợp tác xã Yên Sở, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội, tháng 01/1979. (Ảnh tư liệu).
|
Tổng Bí thư Lê Duẩn vừa là một nhà yêu nước lớn vừa là một chiến sĩ cộng sản quốc tế trong sáng, suốt đời noi gương Bác Hồ chăm lo góp phần củng cố và tăng cường đoàn kết quốc tế trong sáng. Tổng Bí thư Lê Duẩn đã sống một cuộc đời trung thực, giản dị, luôn gần gũi đồng bào, đồng chí, với tình yêu thương tha thiết và chân thành.
Với những cống hiến to lớn của đồng chí Lê Duẩn, Đảng và Nhà nước ta đã tặng đồng chí Huân chương Sao Vàng. Các nước Liên Xô, Lào, Campuchia, Ba Lan, Bungari, Cu Ba, Cộng hòa Dân chủ Đức, Hunggari, Mông Cổ, Tiệp Khắc đã tặng đồng chí nhiều huân chương cao quý. Ủy ban Giải thưởng quốc tế Lênin tặng đồng chí giải thưởng “Vì sự nghiệp củng cố hòa bình giữa các dân tộc”.
Với 79 tuổi đời, gần 60 năm hoạt động cách mạng, 26 năm liên tục trên cương vị Bí thư thứ nhất và Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã nêu tấm gương sáng của một người chiến sĩ cách mạng tiên phong, cống hiến trọn đời vì lý tưởng cao đẹp: Tổ quốc Việt Nam độc lập, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội, nhân dân Việt Nam có cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc. Tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí gắn liền với những thắng lợi vẻ vang của cách mạng nước ta trong thế kỷ XX.
Đại hội XIII của Đảng nêu rõ, “Thế giới đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp và quyết liệt hơn, làm gia tăng rủi ro đối với môi trường kinh tế, chính trị, an ninh quốc tế. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển nhưng đang bị thách thức bởi sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Luật pháp quốc tế và các thể chế đa phương toàn cầu đứng trước những thách thức lớn” (1). Bối cảnh đó, đòi hỏi chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp cách mạng, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Kỷ niệm 117 năm ngày sinh đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn (7/4/1907 - 7/4/2024), chúng ta tưởng nhớ đến một nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và nhân dân ta, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam, một người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Noi gương đồng chí Lê Duẩn, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nguyện học tập tấm gương trọn đời vì nước, vì dân của đồng chí Lê Duẩn; kiên trì vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; tăng cường đoàn kết nhất trí, tranh thủ thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra; quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế có hiệu quả, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
Tài liệu tham khảo:
(1). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, tr. 105.
TS. Tạ Quang Đạo - Trí Dũng