|
Toàn cảnh Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV (Ảnh: QH) |
Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV là kỳ họp gần cuối của nhiệm kỳ, là dịp để Quốc hội nhìn nhận lại những vấn đề mà Quốc hội đã khẳng định với cử tri trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Hơn nữa, Kỳ họp thứ 10 diễn ra thời điểm cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19 và thiên tai, bão, lũ gây ra.
Bởi thế, Kỳ họp này có một vị trí đặc biệt quan trọng, ngoài các nội dung về công tác xây dựng pháp luật, cử tri rất chờ mong những quyết sách lớn từ nghị trường Quốc hội để giải đáp những vấn đề của cuộc sống.
Tiếp nối thành công của kỳ họp thứ 9, kỳ họp thứ 10 tiếp tục được tiến hành thành 02 đợt, đợt 1 họp trực tuyến và đợt 2 họp tập trung. Theo đánh giá, Kỳ họp đã thành công tốt đẹp. Kỳ họp đã để lại dấu ấn trên tất cả các mặt về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Như thông lệ, công tác xây dựng pháp luật tiếp tục là nội dung trọng tâm, Quốc hội đã thông qua 07 luật, 13 nghị quyết, cho ý kiến về 04 dự án luật. Đây là những luật, nghị quyết có ý nghĩa quan trọng, tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội và cuộc sống của người dân, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, giải quyết những bất cập, tháo gỡ khó khăn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra nhằm góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và thực thi pháp luật trên nhiều lĩnh vực: bảo vệ môi trường; bảo đảm quyền công dân, quyền của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; phòng, chống ma túy; quản lý giao thông; quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh; khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế; bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội...
Trong công tác xây dựng pháp luật lần này, câu chuyện khá nóng bỏng là về chuyện ''tách'' Luật dự án luật giao thông đường bộ thành hai dự án luật là dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và dự án Luật Bảo đảm an toàn trật tự giao thông đường bộ. Và việc chuyển chức năng quản lý, đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an. Sau nhiều ý kiến đại biểu phản đối, trong ngày cuối cùng của kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã gửi phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội về hai nội dung trên. Theo đánh giá, đây là cách làm mới theo tinh thần của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thể hiện tính dân chủ, và sự quyết định chung của Quốc hội.
Và tiếp thu ý kiến đa số ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cân nhắc đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Cùng với công tác xây dựng luật pháp, Quốc hội đã dành nhiều thời gian xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước. Nổi bật là việc Quốc hội đã biểu quyết thông qua: Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 202; Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 202; Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2021.
Sau khi xem xét các báo cáo kết quả thực hiện các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020 về kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn, Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục phát huy kết quả đạt được, có giải pháp khắc phục hiệu quả những hạn chế, tồn tại đã được nêu để thực hiện các mục tiêu, cân đối lớn, nhiệm vụ về phát triển kinh tế-xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn trong giai đoạn 2021-2025. Tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với việc nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước và nợ công theo hướng an toàn, bền vững; đánh giá sâu hơn về quy mô thu ngân sách, tỷ lệ huy động, cơ cấu chi, bội chi và giải pháp giảm bội chi, trần nợ công, khả năng vay, trả nợ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính; tăng cường tiết kiệm, chống lãng phí; giảm nghèo bền vững; bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; chú trọng các yếu tố để bảo đảm phát triển bền vững...
Việc bố trí vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 phải bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chí, định mức, thứ tự ưu tiên theo quy định. Ưu tiên bố trí vốn thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi vốn ứng trước, bố trí đủ vốn cho các dự án chuyển tiếp, Chương trình mục tiêu quốc gia, dự án trọng điểm quốc gia, dự án giao thông có tính liên kết vùng,tuyến đường cao tốc, đường ven biển, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Lưu ý bố trí vốn cho một số dự án phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, gia cố hệ thống đê xung yếu, kè sông biên giới, hạ tầng cảng nghề cá, khu vực neo đậu tàu, thuyền tránh, trú bão, quy hoạch và bố trí lại dân cư vùng bị tác động trực tiếp bởi thiên tai; xây dựng trụ sở các cơ quan tư pháp...
Cũng như nhiều kỳ họp trước, dấu ấn sâu đậm nhất, đáng nhớ nhất là các phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Khác với các kỳ họp trước, cách thức tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này không theo nhóm vấn đề, mà đại biểu Quốc hội chất vấn vấn đề gì thuộc lĩnh vực phụ trách thì người đứng đầu các cơ quan liên quan có trách nhiệm trực tiếp trả lời theo điều hành của Chủ tọa. Với tính chất, phạm vi nội dung phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp này, có thể coi đây như là bước đầu tổng kết, đánh giá cuối nhiệm kỳ đối với hoạt động giám sát của Quốc hội.
Kết quá, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, chất lượng, hiệu quả với số lượt hỏi - đáp tăng lên đáng kể. Trong 2,5 ngày, có tới 122 lượt đại biểu chất vấn, 41 lượt đại biểu tranh luận; 3 phó thủ tướng và 15 bộ trưởng, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao đã trực tiếp trả lời chất vấn về các vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý, điều hành của mình. Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội cũng đã trả lời chất vấn trực tiếp đại biểu Quốc hội.
Hầu hết các vấn đề "nóng", cấp bách của đời sống, đều được đặt lên bàn nghị sự một cách thẳng thắn: Bộ sách giáo khoa Cánh Diều, thiên tai, rừng, thủy điện, môi trường, vụ xử lý ở Trường đại học Tôn Đức Thắng... cho thấy các đại biểu đã luôn bám sát những diễn biến đời sống xã hội và thể hiện tinh thần trách nhiệm cao.
Đáp lại, các thành viên Chính phủ đã trả lời thẳng thắn, súc tích với sự nghiêm túc, cầu thị, trách nhiệm cao, không né tránh, vòng vo. Việc tranh luận với các lập luận chặt chẽ, sắc sảo, có tính thuyết phục và xây dựng cao, cùng nhau trao đổi để đưa ra các định hướng, giải pháp xử lý các vấn đề đặt ra.
Một trong những điểm nhấn khác tại Kỳ họp lần này là việc Quốc hội đã thảo luận, góp ý các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, với không khí thảo luận sôi nổi, tâm huyết, dân chủ và trách nhiệm, đa số các ý kiến của đại biểu Quốc hội thể hiện sự đồng thuận cao và cho rằng, các dự thảo Văn kiện được chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản, nghiêm túc, trách nhiệm, khoa học, chặt chẽ, số liệu phong phú trên cơ sở quán triệt hài hòa, sâu sắc giữa lý luận và thực tiễn, giữa tinh thần kiên định và đổi mới, kế thừa và phát triển. Nhiều ý kiến phát biểu tâm huyết, thẳng thắn, toàn diện, chất lượng, làm sâu sắc thêm nhiều nội dung và đề xuất các kiến nghị để tiếp tục hoàn thiện các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII.
Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết, trong đó quyết định ngày Chủ nhật, 23/5/2021, là ngày bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026...
Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV đã chính thức khép lại với những ấn tượng tốt đẹp trong lòng cử tri và nhân dân cả nước. Chủ tịch Quốc hội đánh giá, các vị đại biểu Quốc hội đã tiếp tục thể hiện tinh thần trách nhiệm phát huy cao độ trí tuệ, tâm huyết, kinh nghiệm hoạt động của người đại biểu nhân dân xuất phát từ thực tiễn đặt ra đã đánh giá, phân tích sâu sắc, toàn diện tình hình, từ kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, phòng, chống tham nhũng cho đến phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu,… để đề xuất những giải pháp sát thực, căn cơ trong từng nội dung mà Quốc hội xem xét, quyết định.
Cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, sẽ vẫn còn những điều chưa thỏa mãn cử tri hay chính các vị đại biểu Quốc hội, cũng sẽ còn nhiều tâm tư, trăn trở, những nỗi lo về tình hình kinh tế - xã hội.
Trong lời phát biểu bế mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đề nghị ngay sau bế mạc, các vị đại biểu Quốc hội báo cáo kết quả kỳ họp, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, tìm hiểu, nắm bắt thực tiễn đời sống xã hội để kịp thời phản ánh, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan hữu quan và hoàn thành tốt hơn nữa trọng trách của người đại biểu Nhân dân từ nay đến hết nhiệm kỳ khóa XIV./.