Triệu triệu trái tim hướng về Đất Tổ

Thứ bảy, 29/04/2023 09:33
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Hôm nay, ngày 29/4 tức mùng 10 tháng Ba âm lịch, chính lễ Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng. Từ khắp mọi miền đất nước, triệu triệu trái tim người Việt hướng về đất Tổ tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công khai sơn trị thủy, gây dựng cơ đồ, bảo vệ giang sơn gấm vóc.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, cùng các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tỉnh Phú Thọ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng năm Quý Mão 2023. (Ảnh: Lại Hoa) 

Những người con đất Việt không ai không một lần được nghe truyền thuyết con Lạc cháu Hồng, về cuội nguồn mà mình được sinh ra. Huyền thoại Lạc Long Quân và Âu Cơ đã giáo dục chúng ta lòng biết ơn, đặc biệt là ý thức về cội nguồn giống nòi, mối quan hệ máu thịt của người Việt Nam.

Với niềm tin thành kính ấy, từ hàng nghìn năm qua, đời nối đời, thế hệ này sang thế hệ khác, cứ đến tháng 3, hàng triệu người dân đất Việt lại nô nức về Giỗ Tổ Hùng Vương, về với lễ hội Đền Hùng tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng (xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), nơi cội nguồn của dân tộc, của đất nước. Và Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mãi mãi là biểu tượng của tinh thần dân tộc, cội nguồn sức mạnh, là cầu nối hữu hình cho niềm tin, niềm tự hào của người Việt về quá khứ hào hùng và hướng đến tương lai.

“Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3”. Ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm đã trở thành ngày Quốc giỗ để nhắc nhở mỗi người con đất Việt về công đức lớn lao của các Vua Hùng đã có công dựng nước.

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm được tổ chức cũng là một cách thức nhằm tái tạo tinh thần từ truyền thống, chuyển tải những nét sinh hoạt văn hóa tâm linh đặc trưng của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và tạo nên sức cuốn hút mạnh mẽ. Đây còn là dịp để mỗi người lắng trong đồng vọng ngàn xưa, cảm nhận sự thiêng liêng mảnh đất cội nguồn, những dấu son lịch sử chói lọi cùng bao dự cảm tốt lành về chặng đường phía trước. Đó chính là sức mạnh, niềm tin mà mỗi người có thể tìm thấy từ mảnh đất cội nguồn dân tộc.

GS.TS.NGND Trần Văn Bính - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: Tất cả chúng ta, dù người miền Bắc, miền Nam, miền Trung, dù người miền núi, miền xuôi, miền biển đều chung một bọc trứng của Âu Cơ. Đó là một mối quan hệ đặc biệt, chỉ dân tộc Việt Nam mới có. Vì vậy, giá trị sâu xa của tín ngưỡng Hùng Vương là sự gắn kết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau của cộng đồng dân tộc Việt, những người có chung một cội, cùng chung một nguồn”.

Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích Đền Hùng Lê Trường Giang nêu rõ rằng: “Giỗ tổ Hùng Vương là dịp để chúng ta “chạm” vào quá khứ kỳ vĩ thông qua các hoạt động tôn vinh, quảng bá di sản, từ đó hiểu sâu sắc hơn về cội nguồn dân tộc từ sự hình thành của Nhà nước Văn Lang đến giá trị ngàn đời của cây lúa nước.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định: Con người có Tổ, có tông/Như cây có cội, như sông có nguồn. Truyền thống đạo hiếu đó đã được đúc kết qua hàng nghìn năm, để đến ngày này, triệu triệu con tim Việt Nam trong và ngoài nước cùng hướng về đất Tổ thiêng liêng, nơi khởi nguồn Tổ quốc để thành kính tưởng nhớ công ơn dựng nước của các Vua Hùng.

“Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện lòng tự hào về cội nguồn và khát vọng thống nhất, minh triết độc đáo của quốc gia, dân tộc Việt Nam, gắn liền truyền thống nông nghiệp lúa nước, ý chí tự cường và tinh thần đoàn kết chống ngoại xâm, thiên tai, làm nên sức mạnh Việt Nam” - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ.

Ngày nay, dấu tích thời đại Hùng Vương lẫy lừng qua nghìn năm lịch sử vẫn còn hiện hữu qua khối di tích, di vật đồ sộ cùng vốn văn hóa phi vật thể phong phú nơi đất tổ. Ngày 6/12/2012, UNESCO chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”, biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là niềm tự hào đối với mỗi người dân Việt Nam không chỉ vì chúng ta có thêm một di sản văn hóa được thế giới vinh danh mà điều đặc biệt hơn cả là qua đây người dân trên khắp thế giới hiểu biết thêm về nền văn hóa cội nguồn của dân tộc Việt Nam.

Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm nay trùng với dịp kỷ niệm 20 năm Công ước 2013 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Bên cạnh những hoạt động phần lễ và phần hội đã thành truyền thống, như: Lễ giỗ Quốc tổ Lạc Long Quân và dâng hương tưởng niệm Tổ mẫu Âu Cơ; Lễ giỗ tổ Hùng Vương và dâng hoa tại bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với Đại đoàn quân tiên phong”; Hội trại văn hóa; trình diễn đâm đuống, đánh trống đồng, hát xoan làng cổ; trưng bày tư liệu, hình ảnh, hiện vật thời đại Hùng Vương và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; thi gói nấu bánh chưng và giã bánh giầy…., Lễ Giỗ Tổ còn có hơn 20 hoạt động điểm nhấn khác, như: Liên hoan trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh; triển lãm “Di sản văn hóa, du lịch các vùng kinh đô Việt Nam; thực hành và trưng bày không gian di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh; Lễ hội áo dài trẻ em Việt Nam “Hướng về nguồn cội;” trình diễn trang phục áo dài dân tộc Việt Nam... qua đó giúp du khách được trải nghiệm nghi lễ thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với văn hóa Đất Tổ.

Trong đó, Chương trình nghệ thuật khai mạc Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ năm 2023 với chủ đề “Linh thiêng nguồn cội - đất Tổ Hùng Vương” là điểm nhấn quan trọng...

Đặc biệt, thông tin từ Ban dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu cho biết, năm 2023, Ban dự án tiếp tục phối hợp với các Hội đoàn, Cộng đồng kiều bào các nước, nhà khoa học quốc tế, các cơ quan, ban, ngành của Việt Nam cùng các nước sở tại tổ chức “Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu - Lễ Giỗ Tổ và vinh danh con cháu Vua Hùng toàn cầu 2023”. Lễ diễn ra trực tiếp tại Đức (nước tổ chức trọng điểm châu Âu, vào ngày 23/4) và Lào (nước tổ chức trọng điểm châu Á, vào ngày 29/4) với sự tham gia của các đại biểu, kiều bào từ gần 20 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự. Buổi lễ cũng được thực hiện trực tuyến, kết nối với hàng chục điểm cầu trên thế giới vào ngày lễ chính, lúc 13 giờ (theo giờ Việt Nam) ngày 29/4 (tức ngày 10/3 Âm lịch)...

Có thể nói, trải qua lịch sử hàng ngàn năm, người Việt với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vẫn bền bỉ trao truyền qua thế hệ này đến thế hệ khác, góp phần hun đúc tâm hồn, tình cảm, ý chí của cả dân tộc Việt Nam. Đây chính là nguồn gốc tạo nên sức mạnh để dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn thử thách, trường tồn và không ngừng phát triển.

Vì thế, dù có thể trở về dâng hương các Vua Hùng trong mùa lễ hội hay không nhưng hàng triệu người con đất Việt đều hướng về quê cha đất Tổ, cùng tưởng nhớ và tri ân sâu sắc công lao các Vua Hùng và các bậc tiền nhân, mãi mãi khắc ghi lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ngày Giỗ Tổ luôn là mạch nguồn tâm linh đặc biệt gắn kết toàn dân tộc thành một khối đại đoàn kết, làm nên sức sống Việt Nam mãnh liệt, trường tồn./.

Trung Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực