Trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam

Kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Lương Khánh Thiện
Thứ sáu, 13/10/2023 10:53
(ĐCSVN) - Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, đã hy sinh trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đồng chí là hình tượng cao cả, đẹp đẽ của người cộng sản Việt Nam: Yêu nước, sáng tạo, anh hùng bất khuất, mãi mãi là niềm tự hào của Đảng và dân tộc ta.

Người gây dựng phong trào cách mạng

Đồng chí Lương Khánh Thiện sinh ngày 13/10/1903 trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước ở xã Mễ Tràng, tổng Mễ Tràng, huyện Thanh Liêm (nay thuộc phường Liêm Chính, thành phố Phủ Lý), tỉnh Hà Nam. Từng học Trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng, đồng chí đã tích cực tham gia các phong trào đấu tranh yêu nước của học sinh, sinh viên. Từ năm 1926 đến 1929, đồng chí vừa làm việc, vừa tham gia gây dựng phong trào công nhân ở Nam Định, Hải Phòng, vận động thành lập Hội Tương tế, Hội Ái hữu…; đưa lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng cách mạng của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vào các phong trào yêu nước, nhất là phong trào công nhân, nông dân và học sinh; tuyên truyền giáo dục để các công nhân nhận thức nguồn gốc sự áp bức, bóc lột; vận động, thu hút công nhân tham gia tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, hướng tới việc thành lập Đảng Cộng sản.

Tháng 4/1929, đồng chí được kết nạp vào Chi bộ cộng sản đầu tiên ở Hải Phòng; trực tiếp lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh của công nhân đòi tăng lương, giảm giờ làm, cải thiện điều kiện lao động và đời sống.

Tiết mục văn nghệ khắc họa chân dung người cộng sản kiên trung Lương Khánh Thiện - Ảnh: Minh Châu.

Do những hoạt động lãnh đạo phong trào công nhân, đồng chí bị chính quyền thực dân lùng bắt. Từ năm 1929 đến năm 1936, khi ở trong các nhà tù Hỏa Lò, Côn Đảo, đồng chí luôn là người đi đầu đấu tranh dũng cảm, kiên quyết; vận động anh em đấu tranh đòi cải thiện chế độ lao tù hà khắc, xây dựng một số tổ chức quần chúng trong lao tù; cùng các chiến sĩ cộng sản biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng; tổ chức học tập nâng cao kiến thức, lý luận cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, truyền bá chủ nghĩa cộng sản; đồng thời trực tiếp cảm hóa, thu phục được nhiều người tù Quốc dân đảng tham gia cách mạng. Trước mọi thủ đoạn mua chuộc, dụ dỗ và tra tấn dã man của kẻ thù, đồng chí Lương Khánh Thiện luôn giữ khí tiết kiên trung, bản lĩnh chính trị vững vàng, đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết.

Tháng 9/1936, đồng chí Lương Khánh Thiện được trả tự do và trở về đất liền tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng, trở thành Bí thư Xứ ủy lâm thời kiêm Bí thư Thành ủy Hà Nội (tháng 3/1937); Ủy viên Thường vụ Xứ ủy, Bí thư Thành ủy Hà Nội (tháng 9/1937); Bí thư xứ ủy Bắc Kỳ (tháng 1/1939), Bí thư Liên tỉnh B (gồm Hải Phòng, Quảng Yên, Hòn Gai, Hải Dương, Hưng Yên và một phần tỉnh Kiến An) (tháng 10/1940)... Trên mọi cương vị công tác, đồng chí đã bám sát địa bàn hoạt động, tuyên truyền vận động nhân dân tham gia cách mạng, phát triển cơ sở cách mạng; đưa báo chí vào phục vụ tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, cổ vũ phong trào quần chúng lan tỏa sâu rộng.

Tháng 01/1941, trong khi đi nắm tình hình và chỉ đạo phong trào công nhân ở Hảỉ Phòng, đồng chí bị mật thám Pháp bắt và đưa về giam giữ tại nhà tù Hỏa Lò. Sau đó, tòa án chính quyền thực dân đã kết án tử hình và ngày 2/9/1941, đồng chí bị địch xử bắn tại Kiến An, Hải Phòng.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, từ yêu nước đến giác ngộ lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, đồng chí Lương Khánh Thiện đã hoạt động không mệt mỏi xây dựng các căn cứ, khôi phục, phát triển tổ chức đảng và phong trào cách mạng, đảm nhiệm vai trò lãnh đạo trong cấp ủy các cấp từ chi bộ cơ sở, đảng bộ các thành phố lớn, đảng bộ liên tỉnh, lãnh đạo xứ ủy, thành ủy, khu ủy.

Cuộc đời tuy ngắn ngủi, nhưng những cống hiến của đồng chí cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân là vô cùng to lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong nền độc lập, tự do của Tổ quốc ngày hôm nay.

Những cống hiến đặc biệt của đồng chí Lương Khánh Thiện với cách mạng Việt Nam

Từ tháng 3/1937, trên cương vị Bí thư Xứ ủy lâm thời Bắc Kỳ kiêm Bí thư Thành ủy Hà Nội, đồng chí Lương Khánh Thiện đã tham gia sáng lập Ủy ban sáng kiến, làm nhiệm vụ khôi phục cơ sở cách mạng, củng cố tổ chức đảng ở Bắc Kỳ và bắt mối liên hệ, quy tụ các đồng chí tiếp tục hoạt động cách mạng; chăm lo đào tạo cán bộ để chuẩn bị lực lượng nhằm giữ vững và phát triển phong trào cách mạng. Nhờ đó, các cơ sở đảng được khôi phục và tổ chức ở nhiều địa phương, nhất là những địa phương trọng yếu như Hà Nội, Hải Phòng, ở các trung tâm công nghiệp,... Chỉ trong thời gian ngắn, đến tháng 9/1937, Bắc Kỳ đã xây dựng được tổ chức đảng ở 12/24 tỉnh, thành. Cùng với sự khôi phục của tổ chức đảng, phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ ở Bắc Kỳ cũng từng bước lên cao.

Tỉnh Hà Nam dâng hương tưởng niệm đồng chí Lương Khánh Thiện, ngày 10/11/2023. Ảnh: nhandan.com.

Đặc biệt, đồng chí Lương Khánh Thiện và các đồng chí trong Xứ ủy rất quan tâm lãnh đạo công tác báo chí cách mạng, coi báo chí là công cụ tuyên truyền hữu hiệu cổ vũ các cuộc đấu tranh chống lại phản động thuộc địa; tuyên truyền vận động thành lập Mặt trận nhân dân phản đế rộng rãi. Trên cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội, đồng chí Lương Khánh Thiện đã chỉ đạo tổ chức Hội nghị báo chí Bắc Kỳ gồm có 134 nhà báo Bắc Kỳ, đại biểu của giới báo chí Trung Kỳ, Nam Kỳ và một số nhà báo người Pháp diễn ra vào tháng 6/1937. Hội nghị đã tố cáo thực dân Pháp và tay sai khủng bố đàn áp báo chí Đông Dương, đề ra chương trình hành động chung đòi tự do nghiệp đoàn, tự do báo chí.

Tháng 9/1937, đồng chí Lương Khánh Thiện thôi giữ chức Bí thư lâm thời; tiếp tục giữ cương vị Ủy viên Thường vụ Xứ ủy, Bí thư Thành ủy Hà Nội. Đồng chí đã cùng với Thành ủy khẩn trương xây dựng, phát triển cơ sở đảng và tổ chức quần chúng; tích cực chắp mối liên lạc với các đảng viên đang hoạt động ở Hà Nội; điều động đảng viên tăng cường vào các xí nghiệp, nhà máy, các ngành nghề và các vùng nông thôn ngoại thành; chỉ đạo thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng, đào tạo cán bộ và kết nạp đảng viên mới. Nhờ đó, từ năm 1937, cơ sở đảng ở Hà Nội dần được xây dựng và phát triển mạnh vào năm 1938.

Bên cạnh việc tích cực chỉ đạo và đóng góp nhiều công lao trong xây dựng Đảng bộ, lãnh đạo khôi phục, phát triển tổ chức đảng ở Hà Nội, đồng chí Lương Khánh Thiện đã chỉ đạo phát triển tổ chức quần chúng, phong trào dân chủ và các phong trào đấu tranh công khai trong tình hình mới. Đến cuối năm 1937, Hà Nội có 26 tổ chức; đặc biệt thành lập Đoàn Thanh niên dân chủ thành phố thu hút đông đảo thanh niên tiến bộ là lực lượng xung kích trong các phong trào yêu nước. Phong trào truyền bá quốc ngữ giai đoạn này cũng phát triển mạnh với 4.000 người theo học và được hưởng ứng rộng rãi ở các địa phương khác.

Tháng 01/1939, đồng chí Hoàng Văn Nõn (Nọn) bị bắt. Đồng chí Lương Khánh Thiện được phân công nhiệm vụ Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ. Trên cương vị đứng đầu Xứ ủy, trong bối cảnh chính quyền thực dân bắt đầu tiến hành các hoạt động trấn áp gắt gao, đồng chí Lương Khánh Thiện đã quan tâm củng cố và phát triển tổ chức Đảng và phong trào cách mạng; chuẩn bị đề phòng những khó khăn sắp tới...

Tháng 9/1939, đồng chí Lương Khánh Thiện được phân công bí mật lên Cát Trù, Cẩm Khê của tỉnh Phú Thọ để xây dựng cơ sở cách mạng, chuẩn bị địa bàn cho hoạt động bí mật của Đảng. Tại Phú Thọ, đồng chí tổ chức nhiều cuộc họp quan trọng; trực tiếp giảng bài chính trị, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, tiến hành vận động cách mạng nhằm mục tiêu giải phóng dân tộc cho nhiều quần chúng. Đồng chí đã trực tiếp chỉ đạo xây dựng, quyết định thành lập ba chi bộ đầu tiên của tỉnh Phú Thọ; đồng thời chỉ đạo thành lập chi bộ ở Nhà máy Bột giấy Việt Trì; cả bốn chi bộ này đều do Xứ ủy Bắc Kỳ trực tiếp lãnh đạo. Đồng chí đã tổ chức Hội nghị thành lập Tỉnh ủy lâm thời Phú Thọ (tháng 3/1940), đánh dấu một bước ngoặt quan trọng của phong trào cách mạng ở Phú Thọ, tạo tiền đề quan trọng để tỉnh đẩy mạnh phong trào cách mạng và tiến tới phát động khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh ngày 25/8/1945, góp phần vào thắng lợi Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Cuối năm 1940, được sự tín nhiệm, phân công của Đảng, đồng chí Lương Khánh Thiện nhận trọng trách làm Bí thư Khu B (còn gọi là Liên tỉnh B) và Bí thư Thành ủy Hải Phòng. Đồng chí đã bám sát địa bàn hoạt động, tuyên truyền vận động nhân dân tham gia cách mạng, phát triển cơ sở cách mạng; in ấn và phát hành tờ báo Chiến đấu của Khu B, kịp thời tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, cổ vũ phong trào quần chúng lan tỏa sâu rộng.

Trước tình hình các tổ chức đảng ở Hải Phòng và một số nơi bị địch lùng sục đàn áp ráo riết, có chi bộ bị địch bắt và giết hết trở thành chi bộ trắng, đồng chí Lương Khánh Thiện đã quyết liệt chỉ đạo quán triệt phương thức hoạt động đơn tuyến, kêu gọi các tổ chức đảng, đảng viên rút vào hoạt động bí mật, tránh làm lộ phong trào, nhất là khôi phục được chi bộ trắng đảng viên. Bên cạnh việc củng cố tổ chức là vấn đề phát triển đảng viên, đồng chí Lương Khánh Thiện đã yêu cầu phải khôi phục các chi bộ trắng bằng cách điều động đảng viên ở nơi khác về hoạt động. Nhờ sự lãnh đạo kịp thời của Khu ủy, trực tiếp là của đồng chí Bí thư Lương Khánh Thiện, tổ chức đảng ở Hải Phòng đã được xốc lại trong một thời gian ngắn. Trong thời gian này, nhiều cuộc đấu tranh của công nhân đã nổ ra, gây tiếng vang lớn, cổ vũ các phong trào công nhân, nông dân, củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Nhà lưu niệm đồng chí Lương Khánh Thiện tại phường Lam Hạ (thành phố Phủ Lý). Ảnh: Báo Hà Nam. 

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Lương Khánh Thiện đã thể hiện vai trò tiên phong của một nhà lãnh đạo tài năng, sáng tạo, có uy tín của Đảng và cách mạng Việt Nam. Trên bất kỳ cương vị lãnh đạo nào, đồng chí đều nêu cao quyết tâm cách mạng, bám sát thực tiễn, xây dựng cơ sở, phát triển phong trào. Những hoạt động, cống hiến của đồng chí Lương Khánh Thiện đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển phong trào cách mạng, nhất là trong những thời điểm khó khăn, nâng cao vai trò lãnh đạo và sức mạnh chiến đấu của Đảng, được nhân dân tin tưởng, ủng hộ và bảo vệ Đảng, đặt nền tảng vững chắc cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. Đồng chí đã nêu cao tấm gương tiêu biểu của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam và tư chất cao đẹp của người cộng sản. Cuộc đời đồng chí trở thành biểu tượng cao đẹp về hình ảnh của người đảng viên, cách mạng của Đảng, mãi mãi được lưu danh.

Ngày nay, tưởng nhớ những công lao của đồng chí Lương Khánh Thiện với cách mạng Việt Nam, với Tổ quốc và Nhân dân, nhiều địa phương lấy tên đồng chí đặt cho công trình quan trọng của địa phương mình. Tại quê hương Hà Nam, Nhà lưu niệm đồng chí Lương Khánh Thiện được quy hoạch trong quần thể Đền thờ Liệt sỹ tỉnh và Khu Di tích lịch sử trận địa pháo phòng không Lam Hạ, trở thành địa chỉ đỏ cách mạng được nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân viếng thăm, ôn lại truyền thống.

Ghi nhận những công lao của đồng chí Lương Khánh Thiện, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, đã hy sinh trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đồng chí là hình tượng cao cả, đẹp đẽ của người cộng sản Việt Nam: Yêu nước, sáng tạo, anh hùng bất khuất, mãi mãi là niềm tự hào của Đảng và dân tộc ta”./.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực