Từ dấu mốc lịch sử Roòng Khoa

Thứ sáu, 21/04/2023 08:15
73 năm đồng hành cùng dân tộc, Hội Nhà báo Việt Nam không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động bằng nhiều hình thức, biện pháp phong phú, sáng tạo, thiết thực, khẳng định được vai trò, vị thế trong đời sống báo chí nói riêng và đời sống xã hội nói chung.

Ngày 21/4/1950 đã trở thành mốc thời gian lịch sử của giới báo chí Việt Nam khi những người làm báo chính thức có một tổ chức chính trị - xã hội và nghề nghiệp của mình. Tại Hội trường Mặt trận Liên Việt (nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) ở xóm Roòng Khoa, xã Ðiềm Mặc, huyện Ðịnh Hoá, tỉnh Thái Nguyên đã diễn ra Đại hội thành lập Hội những người viết báo Việt Nam.

Hội nghị thành lập Hội (Đại hội I) họp vào tháng 5/1950 ở Sơn Dương (Tuyên Quang). Ðại hội thông qua Ðiều lệ, bầu Ban chấp hành Hội do ông Xuân Thủy làm Hội trưởng, các ông Hoàng Tùng và Ðỗ Ðức Dục làm Phó Hội trưởng, ông Nguyễn Thành Lê làm Tổng Thư ký. Cũng ngay tại Đại hội lần thứ Nhất (1950), mục tiêu hoạt động của Hội đã được khẳng định rõ: “Báo chí góp phần vào việc xây dựng nền dân chủ nhân dân và kháng chiến kiến quốc bằng nghề nghiệp của mình”.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đại biểu dự Ðại hội Đại biểu Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ 3 (9/1962). (Ảnh tư liệu)

Ngày 2/6/1950, Bộ Nội vụ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa chính thức công nhận sự hợp pháp của Hội Những người viết báo Việt Nam. Tháng 7/1950, đại hội của Tổ chức Báo chí quốc tế (OIJ) họp ở Phần Lan đã công nhận Hội Những người viết báo Việt Nam là thành viên chính thức của tổ chức này.

Theo nhà báo lão thành Phan Quang, sự ra đời của Hội đã đáp ứng yêu cầu của cách mạng, thực tiễn công việc của những người làm báo cách mạng, trở thành cầu nối của báo chí Việt Nam với báo chí và các diễn đàn quốc tế; từ đó, góp phần khẳng định tính chất chính nghĩa trong cuộc đấu tranh của dân tộc Việt Nam.

Tại Đại hội lần thứ 2, tổ chức vào năm 1959, Hội đã đổi tên thành Hội Nhà báo Việt Nam. Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 7/7/1976, Hội Nhà báo yêu nước và dân chủ miền Nam hợp nhất với Hội Nhà báo Việt Nam, lấy tên chung là Hội Nhà báo Việt Nam. Tại Đại hội lần thứ IV (tháng 10/1983), Hội xác định nhiệm vụ: “Phấn đấu đưa nền báo chí của ta phát triển ngang tầm cao cách mạng và kịp bước đi của thời đại”.

73 năm qua, trải qua 11 kỳ Đại hội, Hội Nhà báo Việt Nam đã thực sự đồng hành cùng dân tộc, cùng góp phần đắc lực vào sự nghiệp bảo vệ tổ quốc và giờ đây, trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, của đời sống báo chí, với sự quyết liệt, kịp thời và hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động bằng nhiều hình thức, biện pháp phong phú, sáng tạo, thiết thực Hội Nhà báo Việt Nam ngày càng khẳng định được vai trò, vị trí của tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp, giữ vững được niềm tin yêu của các hội viên, nhà báo trong “mái nhà chung”.

Như khẳng định của nhà báo Hà Đăng - nguyên Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương: “Hiện nay, trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, của đời sống báo chí, hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam đã đi vào thực tiễn, ngày càng khẳng định được vai trò của tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, gắn kết và giữ vững được niềm tin của các hội viên bằng sự quyết liệt, kịp thời và hiệu quả trong công tác điều hành”.

Những phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước tặng thưởng Hội Nhà báo và giới báo chí: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng là sự ghi nhận những cống hiến to lớn của báo chí, trong đó có vai trò quan trọng của Hội Nhà báo Việt Nam. Từ xóm nhỏ Roòng Khoa ngày ấy, Hội Nhà báo Việt Nam đã đi qua hành trình phát triển với những thành tựu thực sự đáng tự hào.

Còn nhớ, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950 - 21/4/2020), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi thư chúc mừng Hội Nhà báo Việt Nam và những người làm báo trên cả nước.

Trong thư, đồng chí Tổng Bí thư nêu rõ: “Đất nước ta đang bước vào thời kỳ phát triển mới với thế và lực mới, nhiều thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, nhiệm vụ của báo chí rất nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang.

Tôi mong muốn Hội Nhà báo Việt Nam và các hội viên cả nước, phát huy truyền thống cách mạng của mình, xây dựng hội ngày càng phát triển, trong sạch, vững mạnh; không ngừng chăm lo bồi dưỡng tư tưởng, chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, nhất là đạo đức nghề nghiệp cho các hội viên.

Các cấp Hội, mỗi nhà báo hãy thấm nhuần và thực hiện thật tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”, tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, để thật sự là địa chỉ tin cậy trong hoạt động nghiệp vụ của các nhà báo…”.

Những nhắc nhở ấy của đồng chí Tổng Bí thư sẽ là hành trang quý giá để Hội Nhà báo Việt Nam tiếp bước trên hành trình phát triển của mình, vì một nền báo chí thực sự chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại.

Theo Nhà báo và Công luận

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực