Từ quyền làm chủ của nhân dân đến Dân chủ xã hội chủ nghĩa

Chủ nhật, 27/12/2015 09:41
(ĐCSVN) – Cách đây 70 năm, ngày 6/1/1946, sự kiện toàn dân tham gia Tổng tuyển cử đi bầu Quốc hội khóa I, đã đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử, dân tộc Việt Nam thực sự được làm chủ đất nước; được thực hiện quyền làm chủ, quyền dân chủ của mình.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội (Ảnh: tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh)

Thành lập Chính phủ Liên hiệp lâm thời

Trước khi nói về sự kiện Tổng tuyển cử bầu Quốc hội Khóa I, cần phải nhắc lại sự kiện thành lập Chính phủ Liên hiệp lâm thời.

Thời điểm đầu tháng 10 năm 1945, khi đất nước vừa giành độc lập được hơn một tháng, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa mới được thành lập còn đang gặp rất nhiều khó khăn. Lấy cớ là quân đồng minh vào giải giáp quân phát xít Nhật, nên ở phía Bắc 20 vạn quân Quốc dân Đảng của Tưởng Giới Thạch đã tràn vào nước ta; còn ở phía Nam quân Pháp đội lốt quân Anh quay lại nổ súng xâm lược nước ta. Nhân lúc này, bọn phản cách mạng ở trong nước cũng ngóc đầu dậy chống phá cách mạng…

Đúng trước tình hình đó, Đảng chủ trương thành lập Chính phủ Liên hiệp lâm thời có sự tham gia của một số nhân vật trong Việt Nam Quốc dân Đảng và Việt Nam Cách mạng đồng minh hội, để cô lập và hạn chế những hoạt động của bọn phản cách mạng, tập trung mũi nhọn chống thực dân Pháp xâm lược.

Ngày 1/1/1946, Chính phủ Liên hiệp lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu làm lễ ra mắt tại Nhà hát lớn Thành phố Hà Nội, trước 30.000 nhân dân Thủ đô. Thay mặt Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố danh sách nội các mới và đường lối đối nội, đối ngoại của Chính phủ.[1]

Về đối nội, Chính phủ chủ trương mau chóng tiến hành Tổng tuyển cử trong cả nước, thống nhất các cơ quan hành chính theo nguyên tắc dân chủ; ra sức phát triển nông nghiệp (khuyến khích trồng trọt và chăn nuôi để giải quyết nạn đói), thống nhất các lực lượng vũ trang dưới sự chỉ huy của Chính phủ. Các đảng phái không có quân đội riêng; giúp đỡ các cơ quan văn hoá phát triển.

Về đối ngoại, làm cho các nước công nhận nền độc lập và chủ quyền của Việt Nam; thân thiện với các nước dân chủ; thi hành chính sách hữu hảo với kiều dân nước ngoài, bảo vệ tính mạng và tài sản của họ.

Chính phủ sẽ từ chức khi triệu tập Quốc dân đại hội.

Ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ Liên hiệp lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra sáu nhiệm vụ cấp bách, trong đó có nhiệm vụ rất quan trọng là tổ chức sớm cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu.

 

Ngày 6/1/1946, cử tri cả nước nô nức đi bỏ phiếu Tổng tuyển cử bầu đại biểu Quốc hội khóa I (Ảnh: tư liệu Bảo tàng lịch sử Việt Nam)


Ngày 6/1/1946, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ở Việt Nam bầu Quốc hội khóa I

Thực hiện chủ trương của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 6/1/1946, nhân dân ta từ Bắc đến Nam, từ 18 tuổi trở lên nô nức đi bầu cử. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, nhân dân Việt Nam được tham gia bầu cử với một thể thức dân chủ để bầu ra Quốc hội khóa I của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Trước đó, chiều ngày 5/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết “Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu” đăng trên Báo Cứu quốc (số 134, ngày 5/1/1946):

“Ngày mai là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ. 

Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình…

Ngày mai, dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình, và gánh vác việc nước…”.[2]

Trong ngày Tổng tuyển cử, dù đã có sự thoả thuận giữa các đảng phái, tổ chức Việt Nam Quốc dân Đảng vẫn ra sức hoạt động phá hoại cuộc Tổng tuyển cử.

Tại Hà Nội, chúng dùng tiểu liên đe doạ đồng bào ta tại Ngũ Xã, ngăn không cho ta đặt hòm phiếu, cấm nhân dân treo cờ. Nhân dân đã kéo sang khu phố gần đó để bỏ phiếu.

Tại Nam Bộ cuộc bầu cử ở nhiều nơi diễn ra dưới bom đạn của quân thù. Hơn 40 cán bộ đảng và Việt Minh đã hy sinh anh dũng trong khi làm nhiệm vụ vận động Tổng tuyển cử. Mặc dù vậy, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu rất cao, trung bình là 89%, nhiều nơi đạt 95%.

Những đại biểu do Mặt trận Việt Minh giới thiệu đều được sự tín nhiệm tuyệt đối của nhân dân. Ra ứng cử ở Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trúng cử với số phiếu cao nhất 98,4%. Nhân dân cả nước đã bầu 333 đại biểu vào Quốc dân Đại hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng chiếm 87%. Có 10 đại biểu là phụ nữ.[3]

Quyền làm chủ của nhân dân tiếp tục phát huy thành Dân chủ xã hội chủ nghĩa

Từ ngày 6/1/1946 đến nay, đất nước Việt Nam đã 13 lần tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân các cấp để qua đó người dân thể hiện quyền lực cao nhất của mình thông qua hình thức dân chủ đại diện, qua đó thể hiện ý chí và nguyện vọng của mình được tham gia xây dựng nên một nhà nước “của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”.

Phát huy tinh thần dân chủ, nhân dân làm chủ từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội khóa I đến nay, bên cạnh hình thức dân chủ đại diện, thì dân chủ trực tiếp ở nước ta ngày cũng được vận dụng một cách nhuần nhuyễn và sáng tạo trên cơ sở thượng tôn pháp luật.

Hình thức dân chủ đại diện mà chúng ta đang áp dụng là nhân dân được thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua những người đại diện, thông qua các tổ chức chính trị để thể hiện ý chí, nguyện vọng và để tham gia giải quyết, quyết định những vấn đề chung của cộng đồng xã hội, của đất nước. Dân chủ đại diện ở nước ta được thể hiện dưới hình thức: Thông qua các đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; thông qua các tổ chức của Đảng từ Trung ương tới cơ sở; thông qua các đoàn thể chính trị - xã hội (Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Liên đoàn Lao động…)

Hình thức dân chủ trực tiếp hiện nay chúng ta áp dụng chính là việc người dân trực tiếp bày tỏ chính kiến của mình, trực tiếp tham gia quyết định những vấn đề chung của cộng đồng xã hội. Dân chủ trực tiếp thường được thực hiện ở những cộng đồng dân cư nhỏ hẹp (thôn, xã, phường, cơ quan, trường học, xí nghiệp…). Gần đây, hình thức dân chủ trực tiếp đang được triển khai ở nước ta dưới hình thức thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở theo tinh thần Chỉ thị 30-CT/TW ngày 18/2/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) “Về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở”; Nghị định 29/1998/NĐ-CP ngày 11/5/1998 của Chính phủ “Về việc ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở xã” và “Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn” do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 06/4/2007.

Tại Đại hội X (năm 2006), khái niệm “Dân chủ xã hội chủ nghĩa” lần đầu tiên được nhắc đến trong Báo cáo chính trị, trong đó nhấn mạnh: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa vừa là mục tiêu vừa là động lực của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thể hiện mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân”.[4]

Đến đại hội XI (năm 2011), vấn đề “Dân chủ xã hội chủ nghĩa” được nhắc lại trong Báo cáo chính trị với nhận thức và tư duy chính trị cao hơn: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân; cán bộ, công chức phải hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân. Nâng cao ý thức về quyền và nghĩa vụ công dân, năng lực làm chủ, tham gia quản lý xã hội của nhân dân. Có cơ chế cụ thể để nhân dân thực hiện trên thực tế quyền làm chủ trực tiếp. Thực hiện tốt hơn Quy chế dân chủ ở cơ sở và Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Phát huy dân chủ, đề cao trách nhiệm công dân, kỷ luật, kỷ cương xã hội; phê phán và nghiêm trị những hành vi vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, những hành vi lợi dụng dân chủ để làm mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội; chống tập trung quan liêu, khắc phục dân chủ hình thức”.[5]

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII sắp được tiến hành. Trong dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội tiếp tục nhắc đến “Dân chủ xã hội chủ nghĩa”, trên tinh thần trước hết phải bảo đảm phát huy dân chủ trong Đảng là hạt nhân để phát huy đầy đủ dân chủ trong xã hội. Đẩy mạnh dân chủ hoá xã hội để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vai trò chủ động, sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Tổ chức thực hiện tốt Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng; Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; Quy định về giám sát đảng viên là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và các quy định, quy chế khác. Phát huy dân chủ phải đi liền với tăng cường pháp chế, đề cao trách nhiệm công dân, giữ vững kỷ luật, kỷ cương và đề cao đạo đức xã hội. Phê phán những biểu hiện dân chủ cực đoan, dân chủ hình thức. Xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng dân chủ để làm mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và những hành vi vi phạm quyền dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân.

Như vậy là 70 năm qua, tư duy về dân chủ, từ chỗ phát huy quyền làm chủ của nhân dân đã được mở rộng và phát triển thành vấn đề tạo lập môi trường dân chủ trong mọi lĩnh vực chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội, đến việc hình thành một khái niệm mới “Dân chủ xã hội chủ nghĩa”.

Chúng ta hy vọng và tin tưởng sâu sắc rằng tư duy ấy sẽ tiếp tục được củng cố và phát triển; mọi cam kết chính trị về dân chủ đều phải được thi hành một cách nghiêm túc và triệt để vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”./.

                                                                                                   


 

[1]. Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2009, tập 3, trang 57;

[2]. Hồ Chí Minh – Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2011, tập 4, trang 166;

[3]. Lịch sử Quốc hội Việt Nam (1946 – 1960), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2000, trang 47;

[4]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội năm 2008, trang 125;

[5]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội năm 2011, trang 238-239.


Trần Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực