Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) được thành lập vào ngày 7/4/1948. Đây là một trong những cơ quan chuyên môn được thành lập trên tinh thần Hiến chương Liên hợp quốc. Mục đích của WHO nhằm "mang lại cho mọi dân tộc một trình độ y tế ở mức cao". Việc chống lại bệnh tật được hướng trước hết vào các bệnh truyền nhiễm. WHO có vai trò quan trọng trong việc kiểm tra chất lượng thuốc men, phát triển cơ sở y tế. Chức năng của tổ chức này đặc biệt mở rộng trong việc phát triển nhân viên y tế và đào tạo cán bộ y tế.
Để đánh dấu ngày thành lập của tổ chức này, Ngày Sức khỏe Thế giới đã được kỷ niệm vào ngày 7/4 hằng năm. Đây là dịp để mỗi cá nhân trong cộng đồng có thể tham gia vào các hoạt động giúp cải thiện sức khỏe. Chủ đề của Ngày Sức khỏe thế giới năm nay được lựa chọn là: “Vì một thế giới công bằng và lành mạnh hơn”.
|
Nhiều người dân châu Phi vẫn phải sống những điều kiện khó khăn, dễ mắc các bệnh vốn có thể tránh được. (Ảnh minh họa: Khánh Linh) |
Thế giới của chúng ta là không bình đẳng và công bằng
Theo WHO, đại dịch COVID-19 đã cho thấy thực tế rằng một số người khỏe mạnh hơn và dễ tiếp cận các dịch vụ y tế hơn những người khác chỉ đơn giản là do điều kiện sinh ra, lớn lên, sống, làm việc và tuổi tác của họ.
Trên khắp thế giới, một số nhóm người gặp khó khăn trong việc kiếm sống bằng thu nhập hằng ngày ít ỏi, có điều kiện nhà ở tồi tàn hơn và trình độ học vấn thấp hơn, có ít cơ hội việc làm hơn, mức độ bất bình đẳng giới cao và ít hoặc không được hưởng lợi từ môi trường an toàn, không khí và nước sạch, an ninh lương thực và các dịch vụ y tế. Hệ quả là họ phải gánh chịu những đau khổ không cần thiết, mắc các bệnh vốn có thể phòng tránh được và bị tử vong sớm. Các xã hội và nền kinh tế của chúng ta cũng đang bị ảnh hưởng.
Đại dịch được cho là đã đẩy thêm 124 triệu người vào cảnh nghèo cùng cực vào năm ngoái và làm gia tăng khoảng cách giới trong việc làm, với nhiều phụ nữ rời khỏi lực lượng lao động hơn nam giới trong 12 tháng qua.
WHO nhấn mạnh những bất bình đẳng về điều kiện sống, dịch vụ y tế và khả năng tiếp cận năng lượng, tiền bạc và tài nguyên này không phải là điều mới mẻ. Chúng chuyển thành tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi cao gấp đôi ở các hộ nghèo nhất so với các hộ giàu nhất; tuổi thọ ở các nước thu nhập thấp ít hơn 16 năm so với các nước thu nhập cao; và 9/10 trường hợp tử vong do ung thư cổ tử cung trên toàn thế giới xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Trong một thông điệp nhân Ngày Sức khỏe Thế giới (7/4), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng cho rằng cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19 đã bộc lộ sự bất bình đẳng trong xã hội.
Nhấn mạnh sự bất bình đẳng và bất công đã thể hiện rõ trong suốt đại dịch, Tổng thư ký Guterres nêu rõ phần lớn số lượng vaccine ngừa COVID-19 cho đến nay được giới hạn sử dụng ở "một số ít nước giàu" hoặc những nước sản xuất vaccine. Trong phạm vi các quốc gia, tình hình mắc bệnh và tử vong do COVID-19 cao hơn ở nhóm những người và cộng đồng đói nghèo, có điều kiện sống và làm việc không thuận lợi, bị phân biệt đối xử.
Sáng kiến COVAX đã giúp có thêm nhiều quốc gia nhận được vaccine, song phần lớn người dân ở các nước thu nhập thấp và trung bình vẫn phải chờ đợi. Theo Tổng thư ký Liên hợp quốc, "sự bất bình đẳng như vậy là vô đạo đức và đó chính là mối nguy hiểm đối với sức khỏe của chúng ta, các nền kinh tế và các xã hội của chúng ta".
|
Chăm sóc sức khỏe cho người dân trong bối cảnh đại dịch COVID-19. (Ảnh minh họa: UNICEF) |
5 điểm mấu chốt giúp cải thiện sức khỏe cho mọi người
Trong bối cảnh thế giới vẫn tồn tại nhiều bất bình đẳng và không công bằng, đặc biệt nghiêm trọng hơn khi chịu tác động của đại dịch COVID, WHO kêu gọi các nhà lãnh đạo bảo đảm rằng mọi người đều có điều kiện sống và làm việc có lợi cho sức khỏe. Đồng thời, WHO nhấn mạnh các nhà lãnh đạo giám sát sự thay đổi bất bình đẳng về sức khỏe và bảo đảm rằng tất cả mọi người đều có thể tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng tốt khi và ở nơi họ cần.
Tổng Giám đốc WHO, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố nêu rõ: Điều quan trọng là tất cả các Chính phủ đầu tư vào việc tăng cường các dịch vụ y tế và xóa bỏ các rào cản ngăn cản quá nhiều người được sử dụng các dịch vụ y tế, để nhiều người hơn có cơ hội sống khỏe mạnh và có sức khỏe tốt”.
WHO kêu gọi thực hiện 5 điểm mấu chốt giúp cải thiện sức khỏe cho mọi người.
Tăng tốc khả năng truy cập công bằng vào các công nghệ chống COVID-19.
WHO cho biết, với các vaccine an toàn và hiệu quả đã được phát triển và phê duyệt với tốc độ kỷ lục, thách thức hiện nay là bảo đảm rằng tất cả những ai cần đều có thể tiếp cận được. Cơ quan Liên hợp quốc nhấn mạnh cần tăng cường hỗ trợ cho cơ chế COVAX để phân phối vaccine thành công cho 100 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trong những ngày tới.
Để làm được điều này, WHO đang khởi động một chiến dịch mới cho phép các cá nhân và doanh nghiệp hỗ trợ tài chính cho các loại vaccine mà thế giới cần để chống lại đại dịch.
Tuy nhiên, cơ quan Liên hợp quốc cũng lưu ý “chỉ riêng vaccine sẽ không vượt qua được COVID-19”, đồng thời cho biết thêm rằng các sản phẩm cơ bản như ôxy y tế và thiết bị bảo vệ cá nhân, thuốc và xét nghiệm chẩn đoán đáng tin cậy cũng rất cần thiết, cũng như các cơ chế mạnh mẽ để phân phối các mặt hàng này một cách công bằng bên trong biên giới quốc gia.
WHO cũng báo cáo rằng sáng kiến ACT Accelerator, vốn nhằm mục đích cung cấp các xét nghiệm và phương pháp điều trị cho hàng trăm triệu người ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, vẫn còn thiếu vốn đầu tư ở mức cao nhất là 22,1 tỷ USD.
Đầu tư vào chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Theo WHO, ít nhất một nửa dân số thế giới vẫn chưa được tiếp cận với các dịch vụ y tế thiết yếu; hơn 800 triệu người dành ít nhất 10% thu nhập của gia đình cho chăm sóc sức khỏe, và mỗi năm gần 100 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói do chi phí chăm sóc y tế.
Tổ chức này cảnh báo rằng việc cắt giảm chi tiêu công cho y tế và các lĩnh vực xã hội khác khi các nước phục hồi sau đại dịch “có thể sẽ làm gia tăng khó khăn cho các nhóm vốn đã yếu thế, làm suy yếu hiệu quả hệ thống, tăng rủi ro về sức khỏe, tăng áp lực ngân sách trong tương lai và làm xói mòn thành quả phát triển”.
Thay vào đó, theo WHO, các Chính phủ nên cố gắng đạt được mục tiêu do WHO khuyến nghị là chi nhiều hơn 1% GDP cho chăm sóc sức khỏe ban đầu. Tổ chức Y tế Thế giới nhấn mạnh các hệ thống y tế theo định hướng chăm sóc sức khỏe, chăm sóc sức khỏe ban đầu luôn mang lại kết quả sức khỏe tốt hơn, thúc đẩy nhiều hơn công bằng và nâng cao hiệu quả. “Việc mở rộng các can thiệp chăm sóc sức khỏe ban đầu ở các nước thu nhập thấp và trung bình có thể cứu sống 60 triệu người và tăng tuổi thọ trung bình thêm 3,7 tuổi vào năm 2030” – WHO nêu rõ.
Theo cơ quan này, các Chính phủ cũng phải giảm thiểu tình trạng thiếu nhân viên y tế trên toàn cầu. Cần thêm khoảng 18 triệu nhân viên y tế để đạt được bao phủ y tế toàn dân vào năm 2030, có nghĩa là tạo thêm ít nhất 10 triệu việc làm toàn thời gian trên toàn cầu và mở rộng các nỗ lực về bình đẳng giới.
Ưu tiên bảo trợ sức khỏe và xã hội.
Ở nhiều quốc gia, những tác động kinh tế - xã hội của đại dịch COVID-19 đã vượt quá tác động của virus đối với sức khỏe cộng đồng, do mất việc làm, gia tăng nghèo đói, gián đoạn giáo dục và các mối đe dọa đối với dinh dưỡng.
Chính vì vậy, theo WHO, điều cần thiết là phải bảo đảm rằng các khoản đầu tư có giá trị vào việc thiết lập các chương trình bảo trợ xã hội mở rộng nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch trước hết có tác động đến những người cần nó nhất và các cộng đồng yếu thế tham gia vào quá trình lập kế hoạch và thực hiện.
Xây dựng các khu dân cư an toàn, lành mạnh và hòa nhập.
WHO cho biết thêm việc tiếp cận nhà ở lành mạnh, trong các khu dân cư an toàn, với đầy đủ phương tiện giáo dục và giải trí là điều cần thiết cho sức khỏe của mọi người.
Cơ quan này giải thích tình trạng thường xuyên bị thiếu các dịch vụ xã hội cơ bản đối với một số cộng đồng khiến họ rơi vào vòng xoáy bệnh tật và mất an ninh. Đồng thời, 80% dân số thế giới sống trong tình trạng nghèo cùng cực lại sống ở các vùng nông thôn. Ngày nay, cứ 10 người thì có 8 người không có các dịch vụ nước uống cơ bản và 7/10 người không có dịch vụ vệ sinh cơ bản sống ở các vùng nông thôn.
Trong bối cảnh đó, WHO nêu rõ điều quan trọng là phải tăng cường nỗ lực để cung cấp cho cộng đồng nông thôn các dịch vụ xã hội và y tế thiết yếu (bao gồm cả nước và vệ sinh). Các cộng đồng này cũng cần tăng cường đầu tư kinh tế khẩn cấp để tạo sinh kế bền vững và tiếp cận tốt hơn với các công nghệ kỹ thuật số.
Tăng cường hệ thống thông tin và dữ liệu y tế
Theo WHO, giám sát bất bình đẳng về sức khỏe nên là một phần không thể thiếu trong tất cả các hệ thống thông tin y tế quốc gia. Để làm được điều này, cần tăng cường các dữ liệu chất lượng cao, kịp thời được phân tách theo giới tính, giàu nghèo, giáo dục, dân tộc, chủng tộc và nơi cư trú, để tìm ra vị trí và giải quyết các bất bình đẳng.
Tuy nhiên, trong một đánh giá toàn cầu gần đây của WHO, chỉ có 51% quốc gia thực hiện phân tách dữ liệu trong các báo cáo thống kê y tế quốc gia được công bố. Tình trạng sức khỏe của các nhóm khác nhau thường bị che giấu khi sử dụng mức trung bình quốc gia. Ngoài ra, những người dễ bị tổn thương, nghèo hoặc bị phân biệt đối xử là những người có khả năng bị mất tích hoàn toàn trong dữ liệu.
Không thể phủ nhận rằng, hơn lúc nào hết, bây giờ chính là lúc đầu tư vào sức khỏe như một động lực phát triển. Cải thiện sức khỏe cộng đồng, xây dựng xã hội bền vững, bảo đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng phù hợp, chống biến đổi khí hậu chính là những việc nên làm song song với nỗ lực phát triển kinh tế toàn cầu./.