Vì sao vẫn còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng?

Thứ hai, 17/07/2023 10:41
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông là ý thức chấp hành các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp còn yếu kém.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông nhấn mạnh khi trao đổi với báo chí về nguyên nhân vẫn còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng trong 6 tháng đầu năm 2023 làm nhiều người chết, nhiều người bị thương, hư hại tài sản của nhân dân và Nhà nước, gây tâm lý bất an cho xã hội.

  Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia

Phóng viên (PV): Trong 6 tháng đầu năm 2023, số vụ, số người chết vì TNGT cả nước giảm mạnh. Tuy nhiên, theo báo cáo vẫn còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận xã hội như tại Quảng Nam, Nghệ An và Hòa Bình... Xin ông cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

Ông Khuất Việt Hùng: 6 tháng đầu năm, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương tình hình TTATGT về cơ bản được bảo đảm theo đúng tinh thần Chỉ thị số 23 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới và Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT đường bộ trong tình hình mới.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm TNGT đã giảm rất sâu trên cả 3 tiêu chí, cả về số vụ, số người chết, số người bị thương; đặc biệt là số người chết giảm gần 500 người so với cùng kỳ năm 2022. Theo thống kê, có 43 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2022, trong đó 08 địa phương giảm trên 40% số người chết.

Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng mặc dù nỗ lực rất lớn nhưng số người chết do TNGT vẫn còn cao. Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm vẫn xảy ra một số đặc biệt nghiêm trọng làm nhiều người chết, nhiều người bị thương, hư hại tài sản của nhân dân và Nhà nước, gây tâm lý bất an cho xã hội. Điển hình tại Quảng Nam xảy ra 04 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm 19 người chết, 25 người bị thương, trong đó vụ tai nạn ở huyện Núi Thành làm 10 người chết; tại Nghệ An xảy ra 01 vụ làm 03 người chết và 01 người bị thương; tại Hòa Bình xảy ra 01 vụ làm chết 03 người và 01 người bị thương; tại Điện Biên 01 vụ làm chết 4 người, bị thương 1 người; tại Phú Yên làm 04 người bị chết và 05 người bị thương; tại Lào Cai làm 03 người chết.

Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT là ý thức chấp hành các quy định pháp luật về TTATGT của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp còn yếu kém. Ví dụ như vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm 10 người chết, 11 người bị thương tại huyện Núi Thành, Quảng Nam là do người điều khiển xe ô-tô khách chở quá số người quy định, đi vào đường cấm...

Cùng với đó, xảy ra một số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện chưa đủ tuổi điều khiển mô tô, không có giấy phép lái xe, thậm chí là không đội mũ bảo hiểm gây tai nạn. Ví dụ như vụ TNGT nghiêm trọng ở Lào Cai khiến 3 học sinh tử vong hay vụ tai nạn giao thông ở Đắk Lắk do thiếu niên 16 tuổi điều khiển xe mô tô phân khối lớn khiến một thai phụ tử vong, bản thân cháu cũng qua đời.

Như vậy, nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn là do ý thức người tham gia giao thông. Đối với một số vụ, chúng ta nói đến trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước; nhưng một số vụ thì không thể không nhắc đến trách nhiệm của cha mẹ, người giám hộ để cho con em mình điều khiển phương tiện khi chưa có giấy phép lái xe, khi chưa đủ tuổi dẫn đến tai nạn. Tất nhiên, các cháu mất đi rất đau buồn nhưng chúng ta cũng phải xác định rõ trách nhiệm của những đối tượng này.

Dù nguyên nhân trực tiếp là do người điều khiển phương tiện giao thông, trách nhiệm của gia đình, của các lực lượng chức năng nhưng đâu đó thấy rằng sự phối hợp thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm TTATGT giữa các cơ quan, lực lượng có nơi, có lúc chưa chặt chẽ, coi việc bảo đảm TTATGT chỉ là trách nhiệm của ngành GTVT và Công an. Cấp uỷ, chính quyền và lực lượng chức năng ở một số địa phương còn thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, có nơi ỷ lại hoàn toàn vào lực lượng chức năng.

Trong chừng mực nào đó, mức độ ứng dụng công nghệ trong công tác bảo đảm TTATGT còn khá hạn chế, chưa thực sự bao trùm được giám sát bằng camera, giám sát hành trình của phương tiện… để chúng ta có thể có thông tin trực tuyến, chia sẻ cho các lực lượng chức năng trong quá trình quản lý, tuần tra, kiểm soát để kịp thời ngăn chặn những hành vi vi phạm trước khi dẫn đến vụ tai nạn giao thông. 

Đây đều là những vấn đề chúng ta đã nhận định rõ, là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tai nạn giao thông giảm nhưng vẫn còn những vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng trong 6 tháng đầu năm nay.

Hiện trường vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng tại Quảng Nam (Ảnh: TTXVN) 

PV: Thưa ông, vậy chúng ta cần quan tâm thực hiện những giải pháp nào để ngăn chặn các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra?  

Ông Khuất Việt Hùng: Để ngăn ngừa những vụ việc như thế này, trước tiên chúng ta phải thực hiện một trong những nhiệm vụ mà Thủ tướng giao cho các địa phương trong Chỉ thị 10 là các địa phương có tai nạn giao thông đặc biệt xảy ra thì đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban An toàn giao thông phải trực tiếp chủ trì hội nghị liên ngành, có các cơ quan chức năng liên quan, có cả những nhà chuyên môn để đánh giá, phân tích một cách hết sức thấu đáo những nguyên nhân trực diện, những nguyên nhân gốc dẫn đến vụ việc. Sau đó, đồng chí Chủ tịch phải kết luận những giải pháp để ngăn ngừa, khắc phục. Đồng thời cũng phải chỉ ra trách nhiệm của tổ chức, cá nhân dẫn đến vụ việc. 

Tôi cho rằng đó là những chỉ đạo hết sức cần thiết, minh bạch và rõ ràng và gắn trách nhiệm người đứng đầu theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị 23 của Ban Bí thư cũng như Chỉ thị số 10 của Thủ tướng.

Chúng ta phải tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Tôi rất ưa thích từ “truyền thông chính sách” tại Đề án "Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027" mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nếu chỉ “tuyên truyền” thì trong chừng mực nào đấy chúng ta có cảm giác như đang làm một chiều. Nhưng “truyền thông chính sách” nhấn mạnh sự tương tác, làm sao để thông điệp thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông mà chúng ta muốn gửi đi phải nhận được sự tương tác từ phía chính những người chúng ta truyền thông.

Giải pháp quan trọng khác, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông. Bên cạnh việc chúng ta đưa công trình mới vào khai thác, thì phải làm sao những công trình hiện có, kết cấu hạ tầng hiện có phải an toàn. Những điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông khi xuất hiện thì cần đánh giá rõ nguyên nhân về hạ tầng và xử lý ngay.

Công tác tuần tra, kiểm soát, giám sát phát hiện hành vi vi phạm cũng cần được tăng cường. Giám sát càng sớm càng tốt, để ngăn ngừa, cảnh báo không dẫn đến hậu quả TNGT.

PV: Thưa ông, như ông vừa nhấn mạnh thì công tác tuyên truyền, truyền thông rất quan trọng. Thời gian tới, Ủy ban sẽ có giải pháp nào để tác động mạnh mẽ hơn nữa nhận thức và hành vi của người tham gia giao thông?

Ông Khuất Việt Hùng: Để thực hiện có hiệu quả các biện pháp nhằm kéo giảm tình trạng vi phạm pháp luật về an toàn giao thông, thì cần phải song hành nhiều giải pháp, trong đó có vai trò của công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và chế tài xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm. 

Đối với công tác truyền thông, vừa qua, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Tòa án nhân dân tối cao đã ký kết Chương trình phối hợp thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông giai đoạn 2023-2030.

Thông qua Chương trình ký kết, chúng tôi sẽ phối hợp xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ vi phạm về TTATGT theo quy định của pháp luật, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành và hình thành thói quen tuân thủ pháp luật, bảo đảm TTATGT trong mọi tầng lớp nhân dân.

Chúng tôi sẽ thông qua các vụ án, bản án liên quan đến vi phạm TTATGT để truyền thông trong đông đảo quần chúng nhân dân, cho người tham gia giao thông.

Cụ thể, khi có thông tin về xét xử thì những quy định của pháp luật dẫn đến chế tài đó được truyền thông. Mặt khác, sẽ truyền thông cả những hậu quả về mặt pháp lý đối với những người trực tiếp gây ra, những đối tượng khác liên quan, chủ doanh nghiệp, thậm chí kể cả cơ quan chức năng khi bị xử lý theo chế tài được tuyên án. 

Đây sẽ là thông điệp tác động rất mạnh mẽ để làm thay đổi nhận thức của người dân, người tham gia giao thông hướng đến mục tiêu theo Chỉ thị 23 đã chỉ đạo là chúng ta xây dựng văn hóa giao thông an toàn, kéo giảm TNGT một cách bền vững.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!


Tú Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực