Việt Nam luôn đồng hành cùng các nước Châu Phi(*)

Thứ năm, 28/10/2021 22:02
(ĐCSVN) - Tối ngày 28/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và phát biểu tại phiên Thảo luận mở Cấp cao trực tuyến về Hợp tác giữa Liên hợp quốc và Liên minh Châu Phi với chủ đề “Tăng cường đoàn kết vì hòa bình và an ninh trong một môi trường xung đột đang thay đổi”. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu này.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc  

Thưa Ngài Chủ tịch,

Tôi vui mừng được gặp Ngài U-hu-ru Ke-ni-át-ta,Tổng thống Ke-ni-a và đánh giá cao chủ đề rất thiết thực của Phiên thảo luận hôm nay. Xin cảm ơn Bà Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc và các báo cáo viên khác đã chia sẻ nhiều thông tin, khuyến nghị quan trọng.

Thưa Ngài Chủ tịch,

Châu Phi hùng vĩ và căng tràn nhựa sống từ lâu đã gắn liền với nguồn gốc lịch sử loài người, là cái nôi của nhiều nền văn minh nhân loại, là cửa ngõ giao thương nhộn nhịp của thế giới. Với nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng, lục địa này có đầy đủ tiềm năng để phát triển giầu mạnh, đóng góp cho thịnh vượng toàn cầu. Châu Phi đang ngày một gắn kết với các khu vực khác về chính trị, kinh tế-thương mại, giao lưu văn hoá, con người và đạt được nhiều thành quả phát triển và hội nhập đáng khích lệ. Với vai trò trung tâm, dẫn dắt của Liên minh châu Phi và các tổ chức tiểu khu vực, hạt giống hoà bình đã nảy mầm tươi tốt trên nhiều vùng đất từng một thời rền vang khói lửa chiến tranh.

Tuy nhiên, nhiều nước châu Phi vẫn phải chịu những hậu quả dai dẳng của chủ nghĩa thực dân và chế độ nô lệ trong hàng thập kỷ qua. Bất ổn, xung đột, khủng bố và bạo lực cực đoan, tội phạm xuyên quốc gia, biến đổi khí hậu, mất an ninh lương thực và nguồn nước đang tiếp diễn phức tạp, kìm hãm đà phát triển của châu lục. Đại dịch COVID-19 đang là gánh nặng quá sức chịu đựng châu lục, làm bộc lộ rõ hơn những bất cập của hệ thống quản trị toàn cầu, mà thực trạng 90% người dân châu Phi chưa nhận được mũi tiêm vắc-xin đầu tiên, là một ví dụ rất đáng buồn.

Trong một thế giới toàn cầu hoá và sự lan rộng của đại dịch Covid-19, nếu châu Phi không hoà bình, an ninh,ổn định và kiểm soát được dịch, thì thế giới cũng không thể thực sự an toàn dịch, giữ được hoà bình và phát triển bền vững. Từ lương tâm và trách nhiệm, cộng đồng quốc tế cần chung tay hỗ trợ các nước châu Phi tiếp cận vắc-xin, kiểm soát dịch, phục hồi và phát triển bền vững.

Đồng hành cùng các nước Châu Phi, tôi xin chia sẻ các đề xuất sau:

Thứ nhất, với phương châm “Giải pháp châu Phi cho các thách thức của châu Phi”, các quốc gia tại châu lục cần phát huy mạnh mẽ năng lực tự cường, thúc đẩy xây dựng lòng tin, đối thoại, hoà giải dân tộc để loại trừ các nguyên nhân gốc rễ của xung đột như đói nghèo, bất bình đẳng, mâu thuẫn xã hội. Khuyến khích và trao quyền nhiều hơn nữacho sự tham gia của phụ nữ, thanh niên.

Thứ hai, các nước châu Phi cần tiếp tục vun đắp quan hệ hữu nghị; mở rộng hợp tác, hội nhập; củng cố chủ nghĩa đa phương, đề cao tinh thần thượng tôn luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc. Đây chính là nền tảng thiết yếu của hoà bình, ổn định, phát triển bền vững khu vực và trên toàn cầu.

Thứ ba, Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi cần tiên phong hợp tác thực hiện Sáng kiến Ngừng tiếng súng ở châu Phi vào 2030, Chương trình Nghị sự Châu Phi 2063 và Chương trình SDG-2030 về Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc. Quan hệ đối tác chiến lược giữa Hội đồng Bảo an và Hội đồng Hoà bình và An ninh của Liên minh châu Phi cần được thúc đẩy một cách toàn diện và hiệu quả, nhất là tăng cường năng lực cảnh báo sớm về các nguy cơ an ninh truyền thống và phi truyền thống cho các Phái bộ hoà bình tại châu Phi.

Thứ tưmở rộng hợp tác giữa các tổ chức khu vực sẽ giúp nâng cao năng lực tổng thểcủa các tổ chức này trong ngăn ngừa và giải quyết xung đột, ứng phó với các thách thức khu vực và toàn cầu. Việt Nam ủng hộ việc thúc đẩy trao đổi, hợp tác toàn diện giữa ASEAN và Liên minh châu Phi.

Thứ năm, bảo đảm an ninh lương thực là một trụ cột cho ổn định kinh tế xã hội, xây dựng nền hòa bình bền vững. Trong khuôn khổ hợp tác Nam – Nam, Việt Nam là đối tác hàng đầu của nhiều nước châu Phi về hợp tác sản xuất lương thực, thương mại nông sản... Chúng tôi sẽ tiếp tục xu thế hợp tác chiến lược này. Việt Nam hiện là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Thưa Ngài Chủ tịch,

Nhiều quốc gia châu Phi và Việt Nam có quan hệ hữu nghị truyền thống, cùng chung lịch sử hào hùng đấu tranh giải phóng dân tộc và phi thực dân hoá. Vượt qua xa cách về địa lý, hai bên chúng ta luôn hợp tác, ủng hộ và dành cho nhau những tình cảm chân thành,tốt đẹp nhất. Trong chuyến thăm các nước châu Phi ngay sau khi Việt Nam thống nhất đất nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng nói “Tôi đến đây với các bạn như những người anh em đến với những người anh em, những người bạn chiến đấu cùng chiến hào thân thiết, bằng trái tim đến với trái tim”.

Ngày nay, với tinh thần “Đối tác vì nền hoà bình bền vững”, Việt Nam luôn sát cánh cùng các nước châu Phi vượt qua khó khăn, mở rộng hợp tác hiệu quả, hướng tới hòa bình và phát triển bền vững. Chúng tôi chia sẻ kinh nghiệm tái thiết, đổi mới và hợp tác phát triển; hỗ trợ vật tư y tế chống dịch COVID-19. Hiện nay, nhiều sỹ quan, bác sỹ quân y của Việt Nam đang tận tụy làm việc tại các Phái bộ Liên hợp quốc tại Nam Xu-đăng, Cộng hoà Trung Phi và sắp tới sẽ hiện diện tại nhiều Phái bộ khác ở châu lục.

Việt Nam mong sớm trở thành quan sát viên tại Liên minh châu Phi, đoàn kết cùng các nước châu Phi tăng cường tiếng nói và vai trò của các nước đang phát triển tại các cơ chế đa phương, nhất là Liên hợp quốc.

Xin trân trọng cảm ơn./.

-------------------------------------

(*) Đầu đề của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực