|
Việc thu phí không dừng đã được thực thi đồng loạt trên tất cả các tuyến cao tốc từ ngày 1/8/2022. |
Thu phí không dừng trên các tuyến cao tốc là việc không mới ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, khi triển khai ở Việt Nam lại gặp không ít khó khăn khiến cho việc thu phí phải “lỡ hẹn” từ thời điểm này sang thời điểm khác rất nhiều lần mặc dù đã được Chính phủ, các cơ quan liên quan quan tâm và thường xuyên có những chỉ đạo bằng nhiều các hình thức khác nhau.
Cụ thể, Chính phủ đặt ra kế hoạch như: Hết năm 2019 toàn bộ các trạm thu phí đủ điều kiện phải triển khai lắp đặt, vận hành thu phí điện tử không dừng (theo Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg ngày 27/3/2017); chậm nhất đến ngày 31/12/2020 phải chuyển sang thu phí điện tử không dừng; các địa phương chịu trách nhiệm triển khai thu phí không dừng tại các trạm do địa phương quản lý (theo Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg ngày 17/6/2020 thay thế Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg)...
Lí do thì có rất nhiều. Đó là lo doanh nghiệp BOT không ủng hộ vì lo ngại sẽ mất quyền thu phí; đơn vị cung cấp dịch vụ thiếu vốn nên việc lắp đặt thiết bị thu phí không dừng bị chậm; nhiều người dân vẫn giữ thói quen sử dụng tiền mặt mỗi khi qua trạm thu phí và đặc biệt nhiều đơn vị vận tải có số lượng xe lớn e ngại phải nộp số tiền lớn vào tài khoản giao thông…
Tất cả những khó khăn này đã từng bước được các cơ quan liên quan tìm cách tháo gỡ để đi đến Thông báo số 186/2022 của Văn phòng Chính phủ chỉ đạo từ 1/8/2022 thu phí tự động trên tất cả các tuyến đường cao tốc. Và dù mới thực hiện được vài ngày cũng đã có những khó khăn, vướng mắc xảy ra như một số xe phải quay đầu đi đường khác do người điều khiển phương tiện là người lớn tuổi không quen sử dụng điện thoại thông minh; tài xế lái thuê cho doanh nghiệp không tự quyết định được việc dán thẻ ETC cho phương tiện; một số tài xế chưa dán thẻ không thể lưu thông; hệ thống thu phí không dừng quá tải; một số thẻ không đủ tiền theo quy định,…. Tuy nhiên, những “chương ngại vật” này chỉ là số rất ít và cũng đã được các lực lượng chức năng chung tay tháo gỡ, nhắc nhở trong những ngày đầu.
Cụ thể, đối với những phương tiện chưa dán thẻ sẽ phải quay đầu đi đường khác. Trường hợp bắt buộc phải đi qua thì lực lượng chức năng hướng dẫn cam kết đi đến cuối tuyến để dán thẻ theo quy định. Có những nơi lực lượng cảnh sát giao thông đã được bố trí tại các tuyến cao tốc, đề phòng trường hợp xảy ra các sự cố gây ùn tắc giao thông và phối hợp cùng Thanh tra giao thông cũng như ban quản lý các cao tốc nhắc nhở người dân thực hiện dán thẻ thu phí không dừng tại khu vực trước và sau các trạm thu phí.
Hay trường hợp xe có dán thẻ thu phí tự động nhưng không đủ điều kiện như số tiền trong tài khoản thu phí không đủ để trả phí khi qua làn ETC mà vẫn cố tình đi vào. Theo Nghị định 100/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 123, nếu lái xe vi phạm quy định sẽ bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng, đồng thời còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng. Thế nhưng, trong ngày đầu triển khai, để đảm bảo công bằng, bình đẳng cho cả bên người sử dụng dịch vụ và người cung ứng dịch vụ, lực lượng cảnh sát giao thông mới chỉ nhắc nhở.
Vì trên thực tế, có những trường hợp người điều khiển xe tuân thủ các quy định về thu phí tự động không dừng nhưng trạm ETC xảy ra lỗi thì ai sẽ chịu trách nhiệm? Ai sẽ bị xử phạt và xử phạt như thế nào? Bởi đã quy định thì phải bình đẳng cả bên người sử dụng dịch vụ và người cung ứng dịch vụ. Về việc này, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết đã quy định thì phải bình đẳng, bình đẳng giữa người dân, bình đẳng với đối tượng phục vụ, người cung cấp dịch vụ. Do vậy những ngày đầu chỉ nhắc nhở. Về lâu dài nhà cung cấp dịch vụ, trạm ETC không hoàn thành cũng phải xử lý theo quy định và phải bồi thường cho người sử dụng dịch vụ, kể cả trường hợp lỗi do máy móc, thiết bị gây ra.
Hiện Bộ GTVT đã và đang tích cực kiểm tra việc này, đồng thời nhấn mạnh các nhà cung cấp dịch vụ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu xảy ra sự cố và tranh chấp pháp lý trong quá trình vận hành hệ thống. Có giải pháp để chủ phương tiện thuận lợi hủy hoặc thay thế thẻ dịch vụ (Etag hoặc Epass) đã dán thông qua việc tăng cường các điểm dịch vụ hoặc thực hiện online qua hệ thống internet.
Đến thời điểm này, trên thị trường có hai nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng là VETC (Công ty TNHH thu phí tự động VETC - thẻ ETag) và VDTC (Công ty cổ phần giao thông số VDTC - Thẻ Epas). Tuy nhiên, thời gian qua nhiều tài xế phản ánh, đôi lúc hệ thống nhận diện tại các trạm thu phí bị lỗi nên xe dán ETag mà đi qua trạm sử dụng hệ thống của Epass, có khi không nhận diện được nên tài xế sẽ rất dễ bị gắn lỗi "chưa có tài khoản".
Trước thực trạng này, Bộ GTVT đã ban hành công điện gửi Sở GTVT các tỉnh, thành phố cùng các đơn vị trực thuộc yêu cầu đẩy nhanh tiến độ dán thẻ định danh đối với xe ôtô để sử dụng dịch vụ thu phí theo hình thức điện tử không dừng. Đối với các nhà cung cấp dịch vụ, Bộ GTVT yêu cầu tăng cường lực lượng, mở rộng các điểm dịch vụ dán thẻ; tổ chức dán thẻ trực tiếp tại trụ sở các cơ quan, ban ngành, địa phương, các khu chung cư; công bố số điện thoại và địa chỉ liên hệ dán thẻ để tạo thuận tiện cho người sử dụng nhằm giảm ùn tắc giao thông tại các điểm dán thẻ trên các tuyến cao tốc…
Dù chưa thể "thở phào" vì hệ thống ETC chưa vận hành suôn sẻ như kỳ vọng nhưng những "chướng ngại vật" lớn nhất đã vượt qua, "lời hứa" đã được thực hiện... Phải hiểu rằng, đây là việc tốt cho tất cả mọi người chứ không chỉ có cơ quan quản lý Nhà nước. Thậm chí, có thể nói, được lợi trước tiên chính là những người tham gia giao thông, những doanh nghiệp vận tải bởi minh bạch được việc thu phí hoàn vốn sẽ giúp họ trả đúng giá trị của dịch vụ (đi cao tốc) mà họ sử dụng; không phải dừng lại trả phí sẽ giúp lưu thông nhanh hơn… Các doanh nghiệp BOT cũng được lợi khi có công cụ giúp thu nhanh, đủ, đúng chi phí để hoàn vốn, tạo cơ sơ, uy tín cho họ tiếp tục thực hiện các dự án BOT khác.
Nhưng nếu người dân, doanh nghiệp vận tải đã tuân thủ thì mặt khác cơ quan quản lý, mà ở đây là ngành giao thông, cũng phải đầu tư thích đáng công cụ, thiết bị và nhân lực, không dồn hết trách nhiệm sang cho dân. Việc trục trặc mấy ngày qua đã cho thấy điều đó. Không thể chỉ tuyên truyền, vận động, xử phạt... mà trước hết tự mình tháo gỡ mọi vướng mắc, nâng cao năng lực của chính mình.
Bởi từ nay đến năm 2025, theo kế hoạch, Việt Nam sẽ có khoảng 3.000 km đường cao tốc và đến năm 2050 sẽ có khoảng 9.000 km. Để khai thác hệ thống cao tốc này một cách hiệu quả thì việc thu phí không dừng là một trong những điều kiện tiên quyết. Chính vì vậy, quy định từ ngày 1/8/2022 triển khai thu phí không dừng ở tất cả các cao tốc trên cả nước là quyết định hoàn toàn đúng đắn. Động thái này chứng tỏ quyết tâm của Chính phủ trong việc minh bạch hóa hoạt động thu phí hoàn vốn ở các tuyến cao tốc; giúp xe qua trạm nhanh hơn để qua đó khai thác hiệu quả hơn các tuyến đường này; đồng thời góp phần giảm khí thải, bảo vệ môi trường…/.
Những lợi ích hệ thống thu phí ETC mang lại
Với người tham gia giao thông: Tạo cảm giác thoải mái cho người tham gia giao thông do không phải dừng chờ tại các trạm thu phí; giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông, sự cố và tai nạn giao thông; rút ngắn thời gian lưu thông, qua đó tiết kiệm nhiên liệu và tăng tuổi thọ của xe…
Với nhà đầu tư: Tăng cường quản lý công tác thu phí; giảm thiểu chi phí nhân công; tiết giảm chi phí xây dựng trạm, chi phí bảo trì, nhân công, chi phí in vé giấy…
Với các cơ quan quản lý Nhà nước: Tăng cường công tác quản lý; trên cơ sở các dữ liệu thu thập xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giao thông làm cơ sở để xây dựng chiến lược phát triển hệ thống hạ tầng giao thông quốc gia…
Với xã hội: Tiết giảm chi phí xã hội, góp phần bảo vệ môi trường; thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và góp phần phát triển kinh tế số Việt Nam…
|