Xây dựng "điểm tựa" cho người cao tuổi

Thứ ba, 22/08/2023 11:38
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Khoảng 800 nghìn đến 1 triệu người cao tuổi sẽ thoát khỏi cảnh “2 không” nếu đề xuất giảm độ tuổi hưu trí trợ cấp xã hội từ 80 tuổi xuống còn 75 tuổi tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được thông qua.

Cuối năm 2022, cả nước có khoảng 14,4 triệu người trong độ tuổi nghỉ hưu. Trong số này, có hơn 5,1 triệu người được hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trợ cấp hưu trí xã hội. Con số này mới chỉ chiếm khoảng 35% tổng số người sau độ tuổi nghỉ hưu. Số còn lại vẫn chưa thuộc diện bao phủ của hệ thống bảo hiểm xã hội hoặc tầng an sinh xã hội nào khác, tức là ở vào cảnh “2 không”: Hằng tháng không lương hưu, không trợ cấp xã hội.

Thực trạng nêu trên có thể được lý giải là do theo quy định của pháp luật hiện hành, độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội khá cao (80 tuổi); thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu khá dài (20 năm), dẫn đến nhiều người không tích lũy đủ thời gian để đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu, và cũng chưa đủ điều kiện về tuổi để được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Hơn nữa, Tổ chức Lao động quốc tế đã dự báo, nếu không có sự hỗ trợ tích cực từ ngân sách nhà nước thì đến năm 2030, Việt Nam sẽ có trên 16 triệu người cao tuổi không có lương hưu do tốc độ già hóa diễn ra nhanh hơn cả tốc độ phát triển của nền kinh tế...

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng trong bối cảnh tốc độ già hóa dân số nhanh, tỷ trọng người cao tuổi xu hướng tăng nhanh, trong khi tỷ trọng người trong độ tuổi lao động giảm, kinh nghiệm của các nước thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội hướng tới bao phủ toàn dân cho thấy, chính sách bảo hiểm xã hội cần được thiết kế theo hướng đa tầng, hỗ trợ và bổ sung cho nhau để đảm bảo an sinh cho mọi người dân. Các nước thành công trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội đều thực hiện theo hướng này. 

Để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, Chính phủ đã đề xuất bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội trong dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Trong đó, dự thảo luật quy định công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước bảo đảm.

Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng bổ sung quy định người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu (chưa đủ 15 năm đóng) và cũng chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (chưa đủ 75 tuổi) thì được lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động; đồng thời trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng thì được hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước bảo đảm. 

 

 Ảnh minh họa: Kim Thanh

Đề xuất này nhận được sự đồng tình cao từ giới chuyên gia, người dân, nhất là những người cao tuổi rất mong chờ chính sách được thông qua.

Các chuyên gia an sinh cho rằng, lương hưu là yếu tố cần thiết bảo đảm cuộc sống cho mỗi người khi về già, tránh phụ thuộc vào con cháu và trở thành gánh nặng cho xã hội. Do vây, để không lọt lưới an sinh và theo kịp tốc độ già hóa dân số, đề xuất giảm tuổi trợ cấp hưu trí xã hội là phù hợp. Việc này cũng mang ý nghĩa rất lớn, thể hiện sự quan tâm, chăm lo thiết thực của Đảng, Nhà nước đối với người cao tuổi trong vấn đề an sinh xã hội.

Theo tính toán của Chính phủ, việc giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống còn 75 tuổi sẽ giúp mở rộng đối tượng thụ hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thêm khoảng 800.000 đến 1 triệu người cao tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và bảo hiểm y tế.

Và nếu đề xuất được thông qua, hệ thống an sinh sẽ hình thành ba tầng. Tầng dưới cùng là bảo hiểm xã hội cơ bản dành cho lao động từ khi đi làm, gia nhập hệ thống an sinh đến trước khi đủ tuổi về hưu. Tầng này có các chế độ như ốm đau, thai sản, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp thất nghiệp cùng khoản đóng góp để khi đủ điều kiện được hưởng lương hưu.

Tầng tiếp theo là lao động đủ tuổi về hưu đến dưới 75 tuổi như dự luật đề xuất. Người đủ điều kiện được hưởng lương hưu hàng tháng; người không đủ điều kiện có thể được nhận trợ cấp xã hội. 

Tầng an sinh còn lại dành cho người già trên 75 tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. 

Cần nhấn mạnh, đề xuất bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội mang ý nghĩa an sinh xã hội rất lớn, nâng cao đời sống người dân. Song để có cơ sở cho Quốc hội xem xét, quyết định, Ủy ban Xã hội của Quốc hội - cơ quan thẩm tra dự án luật đã đề nghị cần đánh giá kỹ lưỡng hơn tác động của việc quy định trợ cấp hưu trí xã hội đối với ngân sách Nhà nước. Ban soạn thảo cũng cần nghiên cứu để bổ sung quy định theo hướng linh hoạt hơn việc huy động các nguồn lực xã hội đóng thêm, phương thức đóng linh hoạt để các đối tượng này có mức hưởng cao hơn. Ví dụ, có thể tính đến việc được đóng (tặng) bảo hiểm xã hội tự nguyện cho cha, mẹ, người thân và các đối tượng khác… để vừa tăng đối tượng tham gia, vừa giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước nhưng vẫn bảo đảm an sinh xã hội lâu dài.

Những đề xuất trên từ cơ quan thẩm tra là hoàn toàn xác đáng, Chính phủ cần giải trình kỹ lưỡng, tháo đáo để nhận được sự đồng thuận cao nhất. Xa hơn nữa, Chính phủ cũng cần tính toán khi điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước cho phép, sẽ tiếp tục giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí, có thể dần dần tiệm cận với tuổi nghỉ hưu./.

Minh Duyên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực