Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật để khơi thông điểm nghẽn, kiến tạo phát triển

Thứ sáu, 21/07/2023 20:36

Quốc hội khóa XV đã đi qua nửa nhiệm kỳ hoạt động. Nhìn lại hoạt động, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Phó Chủ tịch Nhóm ĐBQH trẻ, ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng, Quốc hội khoá XV đã thực hiện hoạt động lập pháp với tinh thần chủ trương đó là kiến tạo, đổi mới, phát triển và lúc nào cũng xác định hoạt động xây dựng chính sách phải đồng hành với công tác điều hành của Chính phủ, lấy lợi ích của người dân, doanh nghiệp làm mục tiêu để điều chỉnh, xây dựng chính sách.

PV: Đến thời điểm này, Quốc hội khóa XV đã đi qua nửa nhiệm kỳ hoạt động. Nhìn lại chặng đường đó, xin đại biểu đánh giá về những kết quả nổi bật trong hoạt động lập pháp với tinh thần chuẩn bị “từ sớm, từ xa”?

ĐBQH Trịnh Xuân An: Công tác lập pháp là nhiệm vụ trọng tâm của Quốc hội. Có thể thấy, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội khóa XV đã và đang có nhiều cải tiến, đổi mới trong công tác lập pháp, nhằm tạo hành lang pháp lý cho đổi mới cơ chế quản lý, cơ cấu lại nền kinh tế.

Để đánh giá thì cần nhìn vào số lượng và chất lượng các luật đã được Quốc hội thông qua.

Đi vào cụ thể, về số lượng, đến thời điểm này Quốc hội khóa XV đã hoàn thành được 112/137 nhiệm vụ nghiên cứu lập pháp của cả nhiệm kỳ được đề ra tại Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15, đạt tỷ lệ 81,8%; trong đó, có 32 nhiệm vụ đã được ban hành thành luật, pháp lệnh, nghị quyết quy phạm pháp luật. Đây là con số rất ấn tượng, đáng tự hào.

Còn về mặt chất lượng - điều mà chúng ta rất quan tâm, có thể thấy hoạt động xây dựng pháp luật của Quốc hội đã thể hiện sự chủ động, quyết liệt. Điểm mới nổi bật trong công tác lập pháp tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV là trên cơ sở đề xuất của Đảng Đoàn Quốc hội, ngày 14/10/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 19-KL/TW về định hướng Chương trình Xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Thực hiện Kết luận số 19, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kịp thời ban hành Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 với 137 nhiệm vụ lập pháp cần triển khai thực hiện trong nhiệm kỳ, tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức triển khai thực hiện. Tôi cho rằng, chúng ta chuẩn bị kỹ như vậy, có kế hoạch như vậy, có chiến lược có định hướng như vậy thì chúng ta sẽ có các luật chất lượng tốt.

Trong hoạt động xây dựng lập pháp, yêu cầu luôn được đặt ra là xây dựng luật phải thận trọng, đặt yêu cầu cao về chất lượng, không chạy theo số lượng. Hệ thống pháp luật của chúng ta có rất nhiều đạo luật khó, rất nhiều vấn đề đòi hỏi phải xử lý từ thực tiễn, có những vấn đề đòi hỏi phải xử lý ngay, xử lý nhanh, chẳng hạn như những vấn đề liên quan đến đại dịch COVID-19. Và mặc dù yêu cầu cấp bách, khối lượng công việc rất lớn nhưng những dự án luật chưa bảo đảm chất lượng, chưa được chuẩn bị tốt thì bao giờ Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan Quốc hội sẽ yêu cầu các cơ quan soạn thảo phải chuẩn bị kỹ lại, thậm chí có những dự án luật đưa ra nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội trả về đề nghị làm lại, bổ sung thêm, đánh giá thêm. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã nói rất nhiều lần là những dự án luật không bảo đảm chất lượng dứt khoát trả lại.

Theo đó, để đảm bảo chất lượng các luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội chủ động vào cuộc “từ sớm, từ xa”; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ và cơ quan, tổ chức hữu quan từ sớm, ngay từ khi lập đề nghị đưa vào Chương trình cũng như trong suốt quá trình soạn thảo, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý trình Quốc hội.

Đặc biệt, lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo sát sao các cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu giải trình đầy đủ, kịp thời, thấu đáo ý kiến của đại biểu, trong đó những vấn đề còn quan điểm khác nhau được xem xét thận trọng để có phương án tối ưu nhất trong việc tiếp thu, chỉnh lý.

 

Chất lượng các đạo luật cuối cùng là phải phản ánh được thực tế cuộc sống, phải đáp ứng được yêu cầu kiến tạo phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và các yêu cầu về quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội, trật tự an toàn của đất nước.

Hoạt động xây dựng pháp luật của Quốc hội nửa nhiệm kỳ qua và xu hướng trong nhiệm kỳ khóa XV là gì? Đó là việc xây dựng pháp luật của chúng ta gắn với thực tiễn; có tính kiến tạo và đóng góp trực tiếp vào trong việc xử lý những "điểm nghẽn", những điểm khó của xã hội, của nền kinh tế, của doanh nghiệp, của người dân. Điều đó chứng tỏ rằng việc đánh giá chính sách, phân tích chính sách rất sát thực tế. Pháp luật phải khơi thông được "điểm nghẽn", gợi lên được những động lực và tác động ngay đến với đời sống. Ví dụ như chúng ta có những đạo luật mà liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân như Luật Thực hiện dân chủ cơ sở, Luật Phòng chống bạo lực gia đình; những đạo luật có liên quan đến doanh nghiệp, đặc biệt là chúng ta đang sửa luật rất lớn là luật Đất đai…. Chúng ta có thể thấy rằng là những đạo luật này đóng góp trực tiếp vào việc khơi thông, xử lý "điểm nghẽn" vướng của xã hội, tác động trực tiếp đến người dân.

Mặt khác, tôi cho rằng chất lượng của các  dự án luật thời gian qua còn được thể hiện qua việc đánh giá của các chuyên gia, các nhà khoa học, đặc biệt là đánh giá của cộng đồng quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp. Cá nhân tôi thấy rằng đến thời điểm này các chuyên gia, các nhà khoa học đánh giá là tốt vì quy trình chúng ta làm chặt chẽ, cách thức chúng ta làm cũng rất khách quan. Vì vậy, luật đi vào cuộc sống mà ít gặp phải những vướng mắc như chúng ta đã từng gặp phải trước đây.

Ở khía cạnh khác, hoàn thiện thể chế, chính sách rất quan trọng nhưng quan trọng nữa là chúng ta phải làm sao giữ cho hệ thống chính sách đó được công khai, dân chủ, công bằng, khách quan, toàn diện. Tôi thấy rằng, việc phòng, chống tiêu cực, phòng, chống tham nhũng trong xây dựng chính sách; phòng, chống những biểu hiện "lợi ích nhóm" trong xây dựng chính sách đã được Quốc hội Khóa XV rất đề cao. Chủ tịch Quốc hội đã nhiều lần yêu cầu tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “tham nhũng chính sách”, lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong các văn bản quy phạm pháp luật hoặc chỉ thiên về tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý mà chưa xem xét thỏa đáng các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và doanh nghiệp.

Như vậy, nhìn lại có thể thấy chúng ta đã có được nửa nhiệm kỳ đầu hết sức thành công trong xây dựng pháp luật. Xin nhấn mạnh rằng Quốc hội khoá XV thực hiện hoạt động lập pháp với tinh thần chủ trương đó là luật pháp kiến tạo, đổi mới, phát triển và lúc nào cũng xác định hoạt động xây dựng chính sách phải đồng hành với công tác điều hành của Chính phủ, lấy lợi ích của người dân, doanh nghiệp làm mục tiêu để điều chỉnh, xây dựng chính sách.

 Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV 

PV: Thẳng thắn nhìn nhận, trong công tác lập pháp của Quốc hội cũng còn nhiều vấn đề tồn tại, bất cập. Ông trăn trở về những khâu còn yếu nào trong hoạt động lập pháp?

ĐBQH Trịnh Xuân An: Đúng vậy, bên cạnh những kết quả là cơ bản, các chuyên gia, các nhà khoa học, đặc biệt là các đại biểu Quốc hội, rồi các cơ quan Quốc hội cũng nhận thấy rằng, trong hoạt động lập pháp của Quốc hội còn có những cái gợn, tức là còn có những cái mà chúng ta cần phải tiếp tục hoàn thiện.

Dưới góc độ thực tiễn của các đại biểu Quốc hội, chúng tôi thấy rằng số lượng dự án phải bổ sung sau khi Quốc hội đã quyết định Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh còn khá lớn. Tất nhiên, việc phải bổ sung này cũng tốt thôi, sự thay đổi của tình hình thực tiễn đòi hỏi phải nhanh chóng điều chỉnh Chương trình nhằm hoàn thiện thể chế. Nhưng mặt khác, việc phải bổ sung quá nhiều dự án so với Chương trình chính thức cũng thể hiện tính dự báo của Chương trình chưa cao; thể hiện sự chưa thực sự chủ động trong các kiến nghị lập pháp và cũng cho thấy kỷ cương lập pháp không được thực hiện một cách nghiêm túc…

Thứ hai, mặc dù chất lượng luật đã được nâng lên nhưng khi đi vào những nội dung cụ thể của các luật thì có thể thấy rằng khối lượng các điều, các chương tương đối nhiều, có những luật lên đến vài trăm điều. Điều đáng nói là nhiều nội dung trong luật chưa được quy định cụ thể, chúng ta còn giao cho Chính phủ quy định nhiều. Điều này dẫn đến tình trạng luật ban hành xong không thi hành được ngay mà phải chờ nghị định, trong khi nghị định lại chờ thông tư. Tất nhiên, chúng ta cũng không thể đòi hỏi tất cả mọi nội dung đều được quy định cụ thể ngay trong luật bởi điều đó sẽ ảnh hưởng đến tính ổn định của luật, nhưng nhiều vấn đề, nội dung cần phải được đánh giá kỹ lưỡng để quy định ngay nhằm đảm bảo tính khả thi cao, tạo nên một sức sống cho dự án luật. Tôi cho rằng đây là vấn đề cần phải hết sức quan tâm trong thời gian tới.

 

PV: "Xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh chóng, bền vững” là yêu cầu mà Đại hội XIII của Đảng đã xác định và giao cho cơ quan lập pháp - Quốc hội khóa XV. Là Phó Chủ tịch Nhóm ĐBQH trẻ, theo nhìn nhận của đại biểu, điều gì cần quan tâm trong thời gian tới để hoàn thiện, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động lập pháp của Quốc hội, đáp ứng được mong mỏi của cử tri và Nhân dân?

ĐBQH Trịnh Xuân An: Theo Đề án Định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV là một đề án rất lớn với 137 nhiệm vụ lập pháp cần phải triển khai. Như tôi đã trao đổi ở trên, đến thời điểm này chúng ta đã hoàn thành được 112/137 nhiệm vụ. Như vậy với thời gian còn lại của nhiệm kỳ, khối lượng công việc còn lại cũng rất lớn, đó là chưa kể những nhiệm vụ có thể bổ sung thời gian tới, đặt ra yêu cầu rất cao cả về chất lượng và tiến độ.

Để hoàn thành khối lượng công việc lớn như vậy, điều đầu tiên tôi muốn nhấn mạnh là cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật. Việc thể chế hóa đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng là yêu cầu tiên quyết của việc xây dựng dự án luật. Quốc hội cần xác định rõ chủ trương, chính sách của Đảng trên từng lĩnh vực và thể chế hóa thành các văn bản pháp luật tương ứng.

Chẳng hạn như với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) thì những nội dung tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022 về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” chính là kim chỉ nam, định hướng tổng thể trong việc xây dựng dự án luật này. 

Không chỉ với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), trong thời gian tới, những dự án luật khác cũng cần phải bám sát tư tưởng chỉ đạo của Đảng. Đặc biệt, cần thực hiện đúng yêu cầu chỉ nghiên cứu đưa vào luật những nội dung đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, đúng quy trình, đủ “chín”, đủ rõ, cấp bách, có sự đồng thuận, thống nhất cao. Những nội dung chưa “chín”, chưa đủ rõ, chưa chuẩn bị kỹ lưỡng, chưa đánh giá tác động đầy đủ, còn nhiều ý kiến khác nhau thì cần tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng.

Tôi cũng cho rằng phải tiếp tục cơ chế phối hợp từ sớm, từ xa và cộng đồng trách nhiệm, lắng nghe lẫn nhau, lắng nghe người dân, cộng đồng doanh nghiệp như Chủ tịch Quốc hội đã nhiều lần yêu cầu.

Về phía Chính phủ, các bộ, ngành phải ý thức và phải có sự sát sao trong việc xây dựng chính sách, đánh giá chính sách để chúng ta lựa chọn được những vấn đề đúng, trúng, những vấn đề đã được đánh giá kỹ lưỡng để đưa vào các dự luật; tránh việc chúng ta đánh giá chính sách chưa đầy đủ và đưa ra những nội dung chưa chín.

Tiếp nữa, vai trò của các cơ quan Quốc hội là rất quan trọng, được coi là bộ lọc. Chúng ta đang xây dựng pháp luật với tính chất phối hợp rất cao, do đó các cơ quan, nhất là các Ủy ban của Quốc hội phải tham gia ngay từ sớm, từ xa. Ví dụ, với Ủy ban Quốc phòng và An ninh thì những dự án luật chưa đưa vào chương trình nhưng chúng tôi đã phải có kế hoạch khảo sát, đánh giá. Sau đó, đưa ra quan điểm riêng của mình, có sự phản biện một cách khách quan, sắc sảo để đồng hành cùng với cơ quan soạn thảo trong xây dựng luật làm sao đảm bảo chất lượng cao nhất.

Cũng cần nhấn mạnh, linh hồn của các đạo luật nằm ở các đại biểu Quốc hội chính vì vậy cần coi trọng việc cung cấp thông tin, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đại biểu Quốc hội tham gia thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật.

Vấn đề khác không thể thiếu đó là vai trò của lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tôi cho rằng vai trò của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vai trò lãnh đạo Quốc hội rất lớn trong việc định hình chính sách pháp luật. Bởi lẽ có những nội dung tại dự luật mà quan điểm giữa cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, giữa các Ủy ban của Quốc hội chưa thống nhất, chưa rõ thì rất cần vai trò của Thường vụ Quốc hội và lãnh đạo Quốc hội.

Cuối cùng, tôi cho rằng truyền thông báo chí có vai trò đặc biệt quan trọng, nhất là các cơ quan ngôn luận như các bạn. Báo chí giúp truyền tải các hoạt động của Quốc hội đến người dân. Ngược lại, qua báo chí, chúng tôi cũng có thêm một kênh để có thêm thông tin, thêm nguồn tư liệu tham khảo, lắng nghe ý kiến từ cử tri và Nhân dân để cho ý kiến vào các luật sát thực tiễn, phản ánh đúng hơi thở thực tiễn.

PV: Trân trọng cảm ơn đại biểu!./.    

Kim Thanh (Thực hiện)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực