Bộ trưởng Bộ Y tế vừa chứng kiến cảnh "4 người ngồi trên 1 giường bệnh"
ở Bệnh viện K Tân Triều. (Nguồn: dantri.com.vn)
Dù ngành Y tế đã có nhiều nỗ lực trong việc chống quá tải bệnh viện, nhưng không ít bệnh viện tuyến trung ương vẫn còn cảnh bệnh nhân phải nằm ghép, xếp hàng dài chờ khám bệnh...
Quá tải bệnh viện tuyến trung ương là nỗi bức xúc, lo lắng thường trực của người dân, mà ngay cả người đứng đầu ngành Y tế cũng thấu hiểu, chia sẻ. “Thử hỏi các bác sĩ, bắt các anh 4 người ngồi trên 1 giường bệnh có chịu được không?” - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã hỏi lãnh đạo Bệnh viện K Tân Triều (Hà Nội) như vậy khi vừa tận mắt chứng kiến 4 bệnh nhân nằm truyền trên một chiếc giường bệnh.
Câu hỏi của Bộ trưởng Bộ Y tế là câu hỏi khó với bác sĩ, với bệnh viện, thậm chí với cả ngành Y tế, nhưng không thể không trả lời sớm, bởi sức khỏe, tính mạng của người dân là quan trọng nhất.
Có thể “trách” người bệnh vượt tuyến không đúng quy trình, bệnh nhẹ cũng “chạy” đến bệnh viện trung ương, dẫn đến quá tải... Nhưng hãy đặt mình vào người bệnh mới hiểu, vì sao chưa tin tưởng y tế cơ sở.
Nói y tế cơ sở yếu hoàn toàn thì phiến diện, nhưng tỷ lệ chẩn đoán sai không phải ít. Số liệu mà báo chí vừa công bố qua khảo sát của Viện Chiến lược và chính sách y tế ( Bộ Y tế) cho thấy: Qua phỏng vấn gần 750 bác sĩ ở 78 bệnh viện tuyến huyện và trên 250 bác sĩ, y sĩ ở gần 250 trạm y tế xã về kiến thức nắm bệnh cơ bản cho thấy, chẩn đoán sai bệnh tăng huyết áp độ 1 là 19%; đái tháo đường type 2 tỉ lệ chẩn đoán sai là 14%; tiêu chảy trẻ em 12%; lao 9% ; viêm phổi trẻ em 3%.
Giải pháp chống quá tải bệnh viện tuyến trung ương bằng việc xây thêm bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện khu vực, tăng cường bác sĩ giỏi về y tế cơ sở, đã và đang được thực hiện, nhưng vẫn cần thêm những giải pháp khác...
Giải pháp được cho là căn cơ và “phủ sóng” được mọi vùng miền là phát triển mạnh mạng lưới y tế cơ sở (từ y tế thôn bản đến quận/ huyện). Mạng lưới y tế cơ sở phải có nhiều thầy thuốc giỏi; cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế đồng bộ, hiện đại; bảo đảm cung ứng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn; bảo đảm cung ứng dịch vụ theo hướng toàn diện, liên tục, phối hợp và lồng ghép chặt chẽ giữa dự phòng và điều trị, giữa các cơ sở y tế trên địa bàn và với bệnh viện tuyến tỉnh và trung ương; đơn giản hóa thủ tục hành chính và coi việc khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế như dịch vụ; v.v...
Phát triển y tế cơ sở dựa trên hai trụ cột - nguồn lực kinh tế và nguồn lực con người. Nguồn lực kinh tế rất quan trọng, nhưng đảm bảo sức khỏe, an toàn tính mạng cho người dân lại phụ thuộc nhiều vào yếu tố con người hay đúng hơn là thầy thuốc.
Đào tạo ra nhiều thầy thuốc giỏi đã khó, nhưng cái khó hơn là cơ chế đãi ngộ thế nào để họ tình nguyện đến mọi nơi, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa mà không ngại khó, ngại khổ...