Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta"

Thứ hai, 23/09/2019 16:05
(ĐCSVN) - Sau Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng (9-3-1945), toàn bộ nội dung Hội nghị được đồng chí Trường Chinh phản ánh một cách cô đọng, chính xác trong bản Chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta". Ngày 12-3-1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng cho ban hành rộng rãi bản Chỉ thị lịch sử nói trên.
Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (9/1945). Ảnh tư liệu

Bản Chỉ thị phân tích rõ nguyên nhân chính dẫn đến cuộc đảo chính Nhật Pháp ở Đông Dương:

“1- Hai con chó đế quốc không thể ăn chung một miếng mồi béo như Đông Dương.

2- Tàu Mỹ sắp đánh vào Đông Dương. Nhật phải hạ Pháp để trừ cái hoạ bị Pháp đánh sau lưng khi quân Đồng minh đổ bộ.

3- Sống chết Nhật phải giữ lấy cái cầu trên con đường bộ nối liền các thuộc địa miền Nam Dương với Nhật; vì sau khi Phi Luật Tân bị Mỹ chiếm, đường thủy của Nhật đã bị cắt đứt".

Bản Chỉ thị nhận định: cuộc đảo chính đã tạo ra ở Đông Dương "một cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc", làm cho những điều kiện của cuộc khởi nghĩa Đông Dương chưa chín muồi đang đi tới chín muồi nhanh chóng. Ba cơ hội tốt giúp cho những điều kiện khởi nghĩa mau chóng chín muồi là:

a) Chính trị khủng hoảng (quân thù không rảnh tay đối phó với cách mạng).

b) Nạn đói ghê gớm (quần chúng oán ghét quân cướp nước).

c) Chiến tranh đến giai đoạn quyết liệt (Đồng minh sẽ đổ bộ vào Đông Dương đánh Nhật)".

Bản Chỉ thị chỉ rõ: sau cuộc đảo chính "đế quốc phát xít Nhật là kẻ thù chính kẻ thù cụ thể trước mắt - duy nhất của nhân dân Đông Dương". Do đó phải thay đổi khẩu hiệu "Đánh đuổi Nhật, Pháp" bằng khẩu hiệu "Đánh đuổi phát xít Nhật", thực hiện khẩu hiệu "Thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân Đông Dương”.

Bản Chỉ thị yêu cầu các cấp bộ Đảng phải "Thay đổi mọi hình thức tuyên truyền, cổ động tổ chức và tranh đấu cho hợp với thời kỳ tiền khởi nghĩa”, phải cổ động quần chúng mạnh dạn ra đường đấu tranh, phá kho thóc của bọn đế quốc để giải quyết nạn đói, nhằm "Phát động một cao trào Kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ để làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa. Cao trào ấy có thể bao gồm từ hình thức bất hợp tác, bãi công, bãi thị, phá phách cho đến những hình thức cao như biểu tình thị uy võ trang, du kích" và "Sẵn sàng chuyển qua hình thức tổng khởi nghĩa một khi đã đủ điều kiện".

Bản Chỉ thị nêu trường hợp thuận lợi cho tổng khởi nghĩa như khi quân Đồng minh đổ bộ vào Đông Dương đánh Nhật. Bản Chỉ thị dự kiến khi quân Đồng minh “bám chắc" và "tiến mạnh" trên đất ta, quân Nhật kéo ra mặt trận ngăn cản quân Đồng minh để phía sau tương đối sơ hở, lúc đó ta có thể phát động tổng khởi nghĩa.

Bản Chỉ thị cũng nêu cao tinh thần chủ động dựa vào sức mình của chính nhân dân ta: "dù sao ta không thể đem việc quân Đồng minh đổ bộ vào Đông Dương làm điều kiện tất yếu cho cuộc tổng khởi nghĩa của ta; vì như thế là ỷ lại vào người và tự bó tay trong khi tình thế biến chuyển thuận tiện. Nếu cách mạng Nhật bùng nổ, và chính quyền cách mạng của nhân dân Nhật thành lập hay nếu giặc Nhật mất nước như Pháp năm 1940, và quân đội viễn chinh của Nhật mất tinh thần, thì khi ấy dù quân Đồng minh chưa đổ bộ, cuộc tổng khởi nghĩa của ta vẫn có thể bùng nổ và thắng lợi".

Chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" thể hiện sự lãnh đạo sáng suốt, kịp thời của Trung ương Đảng với tư tưởng chỉ đạo của Đảng trong Chỉ thị là "phải hành động ngay hành động cương quyết nhanh chóng, sáng tạo chủ động, táo bạo". Bản Chỉ thị là kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng và của Mặt trận Việt Minh trong cao trào chống Nhật, cứu nước, và có tác dụng quyết định trực tiếp đối với thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám.

- Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 7, tr. 364-373.

- Tạp chí Lịch sử Đảng, số 2-1992.

 

Xem thêm tài liệu tham khảo TẠI ĐÂY.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực